Cháu bà nội, tội bà ngoại...

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Các cụ xưa có câu: “Cháu bà nội, tội bà ngoại” và nhiều người nay nhìn nhận nó như một sự tiêu cực. Rằng cháu thì của bà nội nhưng tội vạ đâu đều do bà ngoại mà ra. Có thực là vậy không?

CÁC CỤ NÓI SAI HAY CHÚNG TA NGHĨ TRÁI?

Khi nghe câu: “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, tôi cũng gần như ngay lập tức nghĩ rất tiêu cực về nó. Tôi nghĩ về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, về hai bên nội - ngoại của rất nhiều những câu chuyện được nghe trên mạng. Như bà ngoại chăm con gái lúc đẻ, chăm cháu ngoại, thương “mẹ con nhà nó” trong khi nhà nội thì mặc nhiên coi đó là cháu mình rồi, dòng dõi nhà mình rồi chẳng phải chăm. Có nhiều câu chuyện lưu truyền trên mạng nhận được hàng ngàn like về sự vất vả của bà ngoại và sự vô tư đến vô tâm của nhà nội. Nhưng tôi đã dừng lại một chút. Nghĩ lại một chút về câu nói này, một cách công tâm hơn.

Tôi nghĩ lại và nhận ra rằng trong hàng trăm, hàng vạn bài viết trên mạng kia, sống chung với mẹ chồng luôn là câu chuyện kinh khủng nhất của các nàng dâu. Hiếm hoi lắm mới thấy dăm bài người ta nói về mối quan hệ này êm đẹp. Mà nếu nó hạnh phúc, nó sẽ trở thành hiện tượng hiếm. Mà mẹ chồng thì chính là bà nội của con mình chứ ai?

Khoan! Khoan đã, thưa các nàng dâu đang bị mẹ chồng hành hạ hoặc những nàng dâu đang cơn ấm ức với mẹ chồng. Tôi không cho rằng chuyện đó là do các chị “tưởng tượng” ra hay bị “ảnh hưởng”. Tôi cũng đã được chứng kiến vài người mẹ chồng như thế. Thậm chí tôi còn được vài vị mẹ chồng như thế nhắn tin đầy giận dữ vào FB của tôi, comment những lời chì chiết trong các bài viết kêu gọi chị em nên biết yêu lấy bản thân của mình. Tôi biết nhiều mẹ chồng coi con trai họ là ngọc ngà châu báu mà vợ họ may mắn lắm mới cưới được. Cơ mà tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình rằng luôn có người này người kia.

Tôi không bênh vực cho các mẹ chồng hay các bà nội dù tôi là đàn ông, tôi cũng yêu mẹ của mình như các chị em đang yêu mẹ đẻ của các chị em. Tôi chỉ mong rằng chúng ta đừng cau mày nữa, giãn khuôn mặt ra một chút, bớt đau đớn đi khi nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu.

Cháu bà nội, tội bà ngoại... - 1

Ảnh minh họa

ĐỜI CHẬT VÌ ĐẦU TA NGHĨ HẸP

Tôi hiểu chứ! Phụ nữ sinh con ra rồi, làm mẹ rồi nhiều khi mới thấy thương mẹ mình. Hồi còn là con gái nhiều cô cãi mẹ nhem nhẻm, giận mẹ không hiểu mình hay thậm chí thất vọng vì mẹ cổ hủ. Cho đến khi làm mẹ rồi, có con rồi mới thấu được tình mẹ, mới xót mẹ. Và ngược lại, nhiều người mẹ cũng thế, khi con còn ở nhà với mình thì hơi chút là mắng mỏ, đe nẹt thậm chí đôi người còn lo lắng thái quá vì con gái mình chẳng nên thân. Nhưng khi con gái đi lấy chồng rồi, núm ruột của mẹ đã rời khỏi vòng tay mình, tầm mắt mình rồi thì bắt đầu xót con. Chưa kể lo lắng cho hạnh phúc đời con khi phải sống trong một môi trường xa lạ, không biết nhà bên kia có chăm sóc con mình tử tế hay không hay lại suốt ngày hành hạ con bé. Mẹ với con gái nhiều khi da liền da, thịt liền thịt trong tâm tưởng. Con đau một- mẹ xót mười. Yêu lắm, thương lắm nên lo lắm, xót lắm. Ngày con bầu bí đi lại khó khăn là nhiều bà ngoại nuốt nước mắt vào trong, xót con, vẫn nhìn nó như hồi nó mới lên 5 lên 3 lẫm chẫm ngày xưa. Ngày con sinh đẻ, thấy nó đau là mẹ nào cũng buốt ruột. Rồi chăm cháu, nhìn đứa trẻ do chính con mình đẻ ra, sợi dây rốn nối 3 thế hệ lại với nhau trong tiềm thức. Thiêng liêng ấy vì thế dễ rưng rưng.

Nhưng nếu vì xót mẹ đẻ mà bãi miễn bà nội, đem nội ngoại ra phân bì đo đếm thì thật không nên. Đừng bắt chồng phải lựa chọn mẹ của anh hay mẹ của các con anh. Đừng đẩy cuộc hôn nhân vào cuộc chiến nội - ngoại. Và càng không nên bắt con thơ yêu nhà nội hơn nhà ngoại hay ngược lại. Ái tình thì làm gì phân theo khẩu phần kiểu yêu bà nội 50%, yêu bà ngoại 50% để mà cán cân cứ lệch đi. Ái tình vốn là không khí, là ánh sáng. Có thể bị tối chỗ này, bị thừa sáng chỗ kia nhưng lúc nào cũng chan hoà tuỳ theo dung lượng của trái tim vậy.

Cháu bà nội - tội bà ngoại sẽ thành thảm bại của hôn nhân là vậy. Chúng ta không ép được trái tim phải yêu một ai đấy nhưng sự tử tế lại là một lựa chọn chứ không phải tự nhiên sinh ra đã có. Sống tử tế với người thân trong gia đình là một lựa chọn.

Cháu bà nội, tội bà ngoại... - 2

Ảnh minh họa

HÃY YÊU MẸ CHỒNG CHO CON MÌNH

Tôi mong vậy. Bạn hãy yêu mẹ chồng cho chồng mình, cho con mình. Bởi cũng như bạn thôi, chồng bạn liệu có yêu nổi người ghét mẹ đẻ của anh ta? Bởi những đứa con của chúng ta sẽ yêu bà ngoại không nếu như ta dạy chúng ghét bà nội? Bởi lũ trẻ như tờ giấy trắng, ta viết lên đó những ghét bỏ, chúng sẽ lớn lên cùng sự ghét bỏ đó. Chúng học từ ta mà sau này cũng căm ghét mẹ chồng một cách… di truyền (nếu là con gái), thấy bình thường nếu vợ chúng ghét bạn, đồng loã với vợ dù bạn đã vô cùng tử tế với con dâu.

Yêu mẹ chồng thay chồng, thay con không phải là hy sinh đâu, mà chỉ đơn giản là cho sự tôn trọng được thành hình trong truyền thống gia đình. Bạn chẳng cần phải hồ hởi, chỉ cần là bạn tử tế với mẹ chồng, vậy thôi!

“Cháu bà nội, tội bà ngoại” sẽ thành thảm bại của hôn nhân. Bởi làm sao có một cuộc hôn nhân lành mạnh khi nó chứa chất đầy những định kiến, ghét bỏ kia chứ, phỏng ạ?

LÒNG HẸP NGHĨ GÌ CŨNG CHẬT

Bởi ngõ lòng ta hẹp nên nghĩ gì cũng thành chật chội. Rồi bất hạnh tự sinh cả khi nhìn thấy ai đó hạnh phúc hơn mình.

Người lòng dạ hẹp hòi thì không nói vì ai cũng biết cả rồi. Nhưng mình nghĩ hẹp hay không thì chẳng ai nói cho mình đâu. Là chính mình phải nhìn ra vì chỉ có mình mới thấy rộng hẹp trong lòng mình vậy. Như mình có thấy lây lan hạnh phúc khi mình chứng kiến hạnh phúc của người khác không? Hay mình lại rưng rưng cám cảnh cho mình? Mình thấy người khác tài giỏi, mình chúc mừng họ thật lòng không hay mình miệng chúc mừng, lòng lại thở dài khi nhìn lại mình vậy?

Lòng hẹp, nghĩ chật là bởi mình chẳng tin vào chính mình nữa. Mình mất tự tin đến mức nhìn đâu cũng thấy bóng dáng thất bại của mình. Dân Harvard có một câu lưu truyền thế hệ này qua thế hệ khác là: “Trên đời không có khó khăn nào thực sự. Cái gọi là khó khăn chỉ là sự thiếu tự tin khi đối mặt với chúng”.

Lòng chật nên nghĩ hẹp đến mức nghĩ ai cũng như mình, ai không nghĩ như mình đều là… sai. Rồi chỉ bận lao vào cuộc đấu khẩu đúng sai mà tranh thắng. Vợ chồng với nhau sao cứ đòi làm nóc nhà, cứ nghĩ mình là trụ cột? Nghĩ hẹp nên hôn nhân thành chật chột vậy thôi.

Lòng chật chội những tổn thương không phải là lý do mà nghĩ rằng mình bất hạnh đâu. Để chật cứng trong đầu sự ghét bỏ người này, sự căm hận kẻ kia, sự hậm hực đeo bám đầu mình khiến mình không nhìn được xa hơn, nghĩ hẹp đi, nghĩ chật đi rồi biến mình thành nạn nhân, nghĩ mình là nạn nhân. Sao cứ tự giới hạn bản thân mình trong cách người khác đối xử với mình? Để chỉ thấy vui nếu như người khác đối xử với mình tử tế nhưng nếu họ ngừng tử tế với mình thì mình tức, mình giận, mình điên lên? Liệu mình đã tử tế đủ với người ta chưa? Liệu mình đã làm cho chính mình tốt đẹp lên mỗi ngày chưa?

Nghĩ hẹp làm lòng mình chật đi. Lòng hẹp làm mình nghĩ chật đi! Sao không khai phóng lại lòng mình, khơi dòng cho suy nghĩ của mình? Dễ nhất trong đời là sửa mình mà mình còn không làm được thì sao cứ đòi sửa người mãi thế?

Chia sẻ

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Khi những ông chồng làm... vợ

Khi những ông chồng làm... vợ

Điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông chọn việc đưa đón con đi học, đưa đón vợ đi làm, hết việc vội vã trở về lo cơm cơm nước nước? Một người đàn ông cắm rễ trong bếp ngày này qua năm nọ sẽ bị coi là gì?

“Tuyệt chiêu” quản chồng

“Tuyệt chiêu” quản chồng

Thảo vẫn rất tự tin vào tuyệt chiêu quản chồng của mình, cho tới ngày chồng cô đề nghị ly hôn... Anh nói, sống với cô, anh rất mệt mỏi, bí bách nên không thể chịu đựng hơn được nữa.

Làm vợ 4 điều để nghĩ

Làm vợ 4 điều để nghĩ

Tiệm sửa chữa hôn nhân kỳ này xin gửi tặng bạn 4 điều nhỏ nhưng có thể tạo ra những thay đổi rất lớn trên hành trình làm vợ của bạn!

Yêu thêm bản thân mình

Yêu thêm bản thân mình

Tạo hóa sinh ra người phụ nữ với tâm hồn mong manh và nhạy cảm, nhưng cũng đính kèm bổn phận làm vợ, làm mẹ, khiến việc yêu lấy bản thân mình cũng phải để lại sau…

Bi kịch hôn nhân vì chồng mê... làm giàu

Bi kịch hôn nhân vì chồng mê... làm giàu

Anh đưa cho chị một tập tiền dày cộp, mới cứng với vẻ mặt hãnh diện pha chút đầy quyền uy của người làm ra tiền. Chị lặng lẽ đặt tập tiền vào tủ không chút cảm xúc, bởi từ khi có nhiều tiền trong nhà, hạnh phúc của gia đình chị hình như vơi đi một nửa.

Ly hôn có giúp bạn hạnh phúc?

Ly hôn có giúp bạn hạnh phúc?

Rất tiếc câu trả lời là Không! Ly hôn chưa bao giờ và không bao giờ giúp bạn hạnh phúc được đâu! Không có thứ nào gọi là ly hôn hạnh phúc cả!

Sửa mình để hôn nhân hạnh phúc hơn

Sửa mình để hôn nhân hạnh phúc hơn

Sao vợ chồng sống với nhau như thể còn đến 300 năm nữa vậy? Sao chúng ta bỏ phí ngày hôm nay chỉ vì những giận dỗi của ngày hôm qua? Già đi cùng nhau chứ đừng bỏ mặc hôn nhân này già đi, cũ đi, cạn đi như thế…