Chúng ta ai cũng muốn cưới một người chồng trung thực, một người vợ thật thà. Nhưng rồi nhiều khi sự trung thực ấy thành… trúng thực, sự thật thà thành trái đắng lúc nào không hay.
“Với giao ước vợ chồng cái gì cũng phải thành thật với nhau nên em không giấu chồng em việc ngày xưa em đã từng yêu ai. Chồng em cũng trung thực kể hết với em về những lần chồng em yêu. Mọi chuyện cũng chẳng có gì nếu như số lượng người yêu của em nhiều gấp 3 lần số lượng bạn gái của chồng. Dù em đã nói vì em cao số, hay đòi hỏi nên yêu ai mà họ không biết trân trọng em. Dù em đã nói rằng chồng em là người đàn ông tuyệt vời nhất, yêu em nhất. Nhưng kể từ đó anh ý luôn găm chuyện này lại. Em còn thật thà hơn khi đến cả chuyện em đã từng lỡ dại mang thai mà phải bỏ vì hồi ấy em mới 20 tuổi. Và em đã ăn quả đắng vì sự thật thà của mình như thế! Khi vợ chồng hạnh phúc thì không sao nhưng cứ khi có chuyện là chồng em lại tự dằn vặt chính bản thân chồng (nhưng thực ra là dằn vặt em). Rằng: Vì anh không có nhiều kinh nghiệm tình trường như em nên anh cư xử kém. Hay có lần anh ấy còn nói: Chắc tại em bỏ thai nên đứa con nó phá hôn nhân này của chúng ta. Thực sự anh ấy khiến em phát điên và giận mình vì đã thật thà. Thà là em đừng thật thà như thế”. Bức thư của một phụ nữ thật thà gửi tôi kèm câu hỏi: Hôn nhân có nên thật thà với nhau không?
Ảnh minh họa
THẬT CỦA HÔN NHÂN
Như bức thư trên của người phụ nữ đã thật thà mà va trái đắng. Nhiều người có thể trách người chồng kia rằng tại sao chuyện quá khứ mà anh ta vẫn ghen tuông, đã chơi trò nói thật rồi mà sao còn trách người ta nói thật. Nhưng cũng phải nhận ra rằng người vợ trong bức thư trên cũng là thật thà mà không tinh tế. Tôi nghĩ người chồng kia không phải trường hợp duy nhất đâu vì cũng có nhiều anh chồng nếm trái đắng khi nghe vợ dụ khi mà khai tuốt về người yêu cũ đã từng cùng mình đi đâu, làm gì rồi.
Trong hôn nhân còn rất nhiều kiểu thật thà dở khóc dở cười khác. Mà tục gọi là… phổi bò. Nghĩ gì nói đấy. Như nhiều người vợ hỏi chồng: Em dạo này có béo không? Anh chồng thật thà đáp: Ừ, em quá béo. Em phải giảm cân đi. Hoặc như khi người chồng trở về nhà với một tâm trạng buồn bã vì thất bại trong công việc, tâm sự với vợ và nhận lại một tràng giang đại hải nhận xét thật thà của vợ kiểu: Anh thất bại vì anh đần lắm! Bao lần rồi, em bảo anh có nghe đâu, anh mà nghe em thì anh đã không đâm đầu vào đó rồi… Ừ thì người nhà thật lòng mà sao nghe đau lòng vậy?
Đúng! Vợ chồng thì phải sống thật, sống đúng với nhau. Nhưng cái chữ thật cũng có năm bảy kiểu. Thật kiểu đụng đâu nói đó, chẳng cần nghĩ chỉ nói cho sướng miệng, hả cơn tức giận thì chỉ tổ đau lòng nhau. Thật kiểu sặc mùi gây chiến thì đã biến lưỡi mình thành lưỡi dao, lưỡi kiếm rồi. Thật kiểu có gì nói đấy nhưng chỉ nói toàn cái sai của người, cái dở của bạn đời trong khi bao nhiêu cái đúng, cái tốt của họ thì bỏ qua thì thành đẩy nhau xa lạ. Thật kiểu dạy dỗ vì muốn tốt cho chồng, muốn tốt cho hôn nhân mà mình thì… hoàn hảo quá rồi không cần tự dạy thì chồng nào muốn nghe?
Bởi có những người vợ thực sự để cảm xúc của bản thân cao hơn chính tình yêu của họ với chồng. Đàn ông cũng vậy. Thật thà cũng đừng phô. Đừng nghĩ mình là người hài hước khi buông những câu mà mấy ông quán bia hay nói xấu vợ. Làm thương tổn vợ mình dù bằng lời nói thì cũng là dạng đàn ông vũ phu. Phũ miệng cũng là một dạng vũ phu vậy.
VÌ YÊU MÀ… DỐI
Nhiều người luôn khăng khăng đòi sự thật và cho rằng sự trung thực, thật thà là giá trị làm nên sự bền vững của hôn nhân. Nhưng trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn mới thấy, đôi khi nói dối cũng là một biểu hiện của yêu thương một người.
Tôi cũng là người từng coi sự thật thà quyết định việc mình muốn gắn bó với nhau. Cho đến khi tôi nhận ra cuộc đời này có những thứ thật thà làm mình đau đớn đến mức phải buông tay. Có một kiểu người luôn nghĩ trung thực là nghĩ gì nói đấy. Thấy đẹp thì nói là đẹp. Nhìn xấu thì chê là xấu thôi. Nếu may mắn họ gặp người chồng tâm lý, người vợ hiểu chuyện thì chỉ là chuyện… cười xoà. Kiểu: Tính vợ tôi là thế! Hoặc: Ôi dào, ông ấy bạ đâu nói đấy thôi. Nói xong có khi chả nhớ mình đã nói gì đâu. Nhưng không may nếu gặp cô vợ… “over thinking” (cả nghĩ) thì lớn chuyện. Hoặc gặp người chồng nghiêm túc quá đôi khi còn tệ hơn. Chẳng còn dám dắt vợ đi đâu vì cái tật bạ đâu nói đấy của vợ.
Ảnh minh họa
Tôi vẫn cho rằng thật thà nào cũng cần một bộ lọc. Bộ lọc của một chữ thương. Là trước khi mình thành thật với bạn đời, sự thành thật ấy cần được đi qua bộ lọc. Rằng điều mình nói có khiến bạn đời của mình đau không? Đây có phải là lúc mình nên nói? Là thành thật với nhau bằng để tâm đến cảm xúc của bạn đời. Nên đôi khi, vì thương mà ta… nói dối. Như những người mẹ vẫn hay nói dối con mình: Con ăn đi, mẹ no rồi! Vốn chẳng phải là gạt con đâu mà là bởi tình yêu của họ dành cho con mình khiến họ… no thật.
Nói dối vì yêu khác nói dối để được yêu hoặc nói dối để giữ lại tình yêu. Đừng nhầm lẫn. Vì nếu ta biết lời thật khiến họ đau lòng ta cũng xót lắm chứ! Đúng sai không quan trọng bằng trái tim của người ta yêu thương vậy. Bởi họ đau thì ta cũng xót mà, đúng không? Nghĩ về những lời nói dối đó mà thương, mà trân trọng và biết ơn người đã vì ta mà nói dối, được không?
ĐỪNG CHỈ THẤY SAI
Có những người rất giỏi trong việc phát hiện ra cái sai của người khác. Giỏi đến mức giữa một rừng hoa đẹp, họ vẫn tìm ra một bông hoa xấu nhất để chê cả vườn hoa.
Xin được loại trừ những người mắc chứng OCD, rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Còn những người thường, tại sao chúng ta luôn nhìn vào những cái sai của người khác mà không thấy những cái đúng của họ vậy? Không lẽ cái sai sai dễ thấy hơn cái đúng? Hay bởi lòng ta hạn hẹp quá vậy?
Lòng ta hạn hẹp nên ta chỉ cố tìm ra cái sai của người khác để họ không được đúng hơn mình. Ta bới bèo ra bọ chỉ để chứng tỏ mắt ta tinh hơn người ư? Hay bởi nỗi tự ti trong ta quá lớn khiến ta phải làm vậy để vớt vát tự tin vào mình? Nhiều người chồng luôn bắt bẻ vợ mình vì sợ vợ giỏi hơn mình. Nhiều người vợ lúc nào cũng thấy lỗi sai của chồng và biến hôn nhân thành màn bắt lỗi.
Nhưng sai thì phải nói chứ? Không lẽ thấy sai mà kệ? Đúng! Nhưng còn những cái đúng thì sao? Tại sao ta coi cái đúng của người như mặc định ai cũng đúng còn cái sai thì chỉ mình họ sai? Ta cho rằng ta làm vậy chỉ để bạn đời của ta, con cái của ta tốt lên nhưng sống với ta họ lại trở thành những người lúc nào cũng sai ư?
Cuộc sống chính là những gì ta thấy. Nếu ta luôn chỉ thấy những cái sai, ta sẽ phải sống trong một cuộc đời đầy rẫy những cái sai. Như trời thu đẹp thế này, thứ ta nhìn chỉ thấy toàn rác rến thì trời thu mất đẹp rồi, đúng không? Nếu luôn chỉ nhìn thấy cái sai của chồng, ta sẽ thất vọng lắm vào cuộc hôn nhân này. Nếu ta luôn bắt bẻ vợ mình, thứ ta có sẽ chỉ là nước mắt.
Tôi biết, có những người thuở bé luôn bị cha mẹ soi bắt lỗi nên lớn lên cũng bắt lỗi người khác. Vậy sao không nghĩ đến con mình mà ngưng soi cái sai, bắt cái lỗi ở con? Đừng di truyền nỗi đau sang con mình nữa, được không? Vì yêu thương mà kỳ vọng nhưng đừng để kỳ vọng bóp méo yêu thương vậy.
Hôm nay, thử nghĩ khác đi, nhìn vào những điều tốt đẹp.