Chỉ số acid uric (UA) bình thường sẽ dao động trong khoảng từ 2,5 - 7,0 mg/dL ở nam và 1,5 - 6,0 mg/dL ở nữ. Trong khi đó, chỉ số acid uric cao được xác định như sau: > 7,0 mg/dL ở nam, > 6,0 mg/dL ở nữ, trẻ em và thanh thiếu niên là >5,5 mg/dL.
Các loại thực phẩm nên hạn chế
Nội tạng động vật: Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thường chứa nhiều purin, trong đó, một số loại nội tạng có hàm lượng purin rất cao như gan, thận… Do đó, người bệnh không nên thêm những thức ăn này vào thực đơn hàng ngày, để tránh nồng độ acid uric trong máu tăng cao, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, việc hạn chế tiêu thụ nội tạng động vật giúp giảm đáng kể nguy cơ bùng phát bệnh gout.
Thịt đỏ: Thịt đỏ rất giàu hàm lượng purin, điển hình là thịt bò, thịt cừu và thịt lợn. Cơ thể có khả năng phân hủy purin thành acid uric, khiến nồng độ hợp chất này trong máu tăng cao. Từ đây, các tinh thể kết tinh trong khớp, làm bùng phát nhiều bệnh lý nghiêm trọng, đặc biệt là gout.
Hải sản: Tương tự như thịt đỏ, hải sản rất giàu hàm lượng purin, có khả năng chuyển hóa thành acid uric, gây hại cho sức khỏe. Những loại hải sản giàu purin bao gồm: Cá cơm, cá mòi, con sò, con trai sông, cá hồi, cá ngừ… Khi bệnh gout tiến triển tích cực hơn, triệu chứng được kiểm soát hiệu quả, người bệnh có thể ăn hải sản nhưng chỉ được phép ăn với mức tối thiểu.
Rau có hàm lượng purin cao: Người bị acid uric cao nên hạn chế thêm vào thực đơn hàng ngày một số loại rau xanh như rau chân vịt, măng tây… để tránh bệnh gout tiến triển nghiêm trọng hoặc tái phát.
Rượu bia: Rượu bia làm tăng nguy cơ mắc và tái phát bệnh gout. Do đó, người có nồng độ acid uric cao nên hạn chế tiêu thụ loại đồ uống này.
Ảnh minh họa
Thực phẩm nhiều đường: Các loại đường, đặc biệt là đường fructose có khả năng làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Do đó, cắt giảm đồ ngọt là biện pháp quan trọng để kiểm soát các bệnh lý liên quan đến tình trạng acid uric cao.
Thực phẩm từ carb tinh chế: Thực phẩm từ carbs tinh chế như bánh mì trắng, bánh quy, bánh ngọt có thể khiến lượng đường và acid uric trong máu tăng cao, không có lợi cho người bệnh gout. Ngoài ra, người bệnh tăng acid uric máu hoặc bị bệnh gout tránh sử dụng thực phẩm ở nhóm III (chứa hơn 150mg purin/ 100gr), gồm: Gan, nước luộc thịt, măng tây, nấm…
Những thực phẩm nên ưu tiên sử dụng
Trái cây: Một số loại trái cây đặc biệt tốt cho người có nồng độ acid uric trong máu cao như chuối, táo, quả cherry, trái cây có múi, bơ...
Cafe: Những người có thói quen uống cà phê thường ít gặp phải tình trạng acid uric cao. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang mắc đồng thời các bệnh lý khác, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thêm loại đồ uống này vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Trà xanh: Trà xanh có khả năng làm giảm sản xuất acid uric trong cơ thể. Đây là loại đồ uống tốt cho người bị bệnh gout hoặc có nồng độ acid uric trong máu cao.
Rau củ quả xanh: Cà chua, bông cải xanh và dưa chuột là những thực phẩm có khả năng làm giảm nồng độ acid uric trong cơ thể nhờ cơ chế làm tăng độ kiềm của máu. Người bệnh có thể ăn sống hoặc hấp chín đều được.
Các loại đậu: Khi đã kiêng thịt đỏ, người bệnh nên bổ sung protein cho cơ thể thông qua các loại đậu như đậu lăng, đậu Hà Lan… Loại thực phẩm này có khả năng trung hòa acid uric và ngăn ngừa bệnh gout tiến triển.
Thực phẩm giàu Vitamin C: Vitamin C có khả năng phân hủy và làm tăng tốc độ đào thải acid uric ra khỏi cơ thể thông qua đường nước tiểu. Người bệnh nên tích cực bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất này vào thực đơn hàng ngày, điển hình như: Kiwi, ớt chuông, cà chua, rau lá xanh, ổi, chanh…
Ngoài ra, người bị tăng acid uric máu hoặc mắc bệnh gout nên ưu tiên ăn thực phẩm thuộc nhóm I (0 – 15mg purin/ 100gr) và nhóm hai (50 – 150mg/ 100gr), gồm: Ngũ cốc, bơ, trứng, sữa, pho mát (Nhóm I), thịt nạc, cá, gia cầm, đậu (Nhóm II).