Rã đông thực phẩm là bước không thể thiếu trước khi chế biến sản phẩm được bảo quản lâu trong tủ lạnh. Việc làm này giúp thực phẩm mềm ra, dễ dàng cắt thái và nấu chín đều. Sau đây là các cách và lưu ý khi rã đông thực phẩm.
Xả đông thực phẩm
Lấy thực phẩm ra khỏi ngăn đông hay xả đông thực phẩm tùy thuộc vào cách bảo quản mà bạn sẽ có những cách lấy thực phẩm khác nhau. Đối với thực phẩm trong khay hoặc hộp, việc lấy ra khá đơn giản, bạn chỉ cần nhẹ nhàng lấy chúng ra khỏi ngăn đông.
Đối với thực phẩm bọc túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm, để tránh làm rách túi và dính chặt vào thực phẩm, hãy chuyển chúng xuống ngăn mát tủ lạnh khoảng 10-20 phút. Sau đó, bạn từ từ gỡ bỏ lớp bao bọc để tránh làm hư hỏng thực phẩm.
Sau khi lấy thực phẩm ra khỏi ngăn đông, hãy đặt chúng vào khay thủy tinh, sứ hoặc các dụng cụ chịu nhiệt khác. Lưu ý không nên đậy nắp khi sử dụng các loại khay này vì áp suất bên trong có thể tăng cao, gây nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Rã đông thực phẩm bằng lò nướng
Đối với lò nướng thông thường: Đặt nhiệt độ ở khoảng 700C và rã đông trong 10 phút. Bạn lưu ý không nên đặt nhiệt độ quá cao để tránh tình trạng thịt bên ngoài chín trong khi bên trong vẫn còn đông.
Sau khi rã đông trong lò khoảng 10 phút, hãy lấy khay thực phẩm ra để kiểm tra:
- Thực phẩm đã gần rã đông: Nếu thực phẩm đã mềm và chỉ còn một phần nhỏ chưa tan hết, bạn có thể đậy nắp khay lại và tận dụng nhiệt còn lại trong lò để thực phẩm rã đông hoàn toàn.
- Thực phẩm chưa rã đông hoàn toàn: Nếu thực phẩm vẫn còn cứng, hãy cho khay trở lại lò nướng và rã đông thêm 3-5 phút nữa.
Rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng
Bạn điều chỉnh công suất và thời gian phù hợp với loại và khối lượng thực phẩm. Hoặc an toàn nhất, bạn nên chọn công suất trung bình và điều chỉnh thời gian khoảng 3 - 5 phút.
Một số lưu ý khi rã đông thực phẩm
- Thời gian rã đông: Tùy vào từng loại thực phẩm mà thời gian rã đông sẽ khác nhau. Thông thường, thời gian sẽ dao động khoảng 5 phút. Bạn không nên rã đông quá 10 phút hoặc nhiều lần vì sẽ khiến thực phẩm chín hoặc mất đi các chất dinh dưỡng.
- Những loại thực phẩm không nên rã đông bằng lò nướng: Thực phẩm có vỏ cứng như: Nghêu, sò, ốc,... khi được làm nóng đột ngột trong lò nướng có thể gây nổ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm; thực phẩm đóng gói kín: Các loại thực phẩm được đóng gói kín cũng không nên cho vào lò nướng vì áp suất bên trong bao bì có thể tăng lên, gây nổ.
- Loại bỏ các loại bao bì, màng bọc: Trước khi cho thực phẩm vào lò nướng hay lò vi sóng, hãy chắc chắn gỡ bỏ tất cả các loại bao bì, màng bọc như túi nilon, màng bọc thực phẩm. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các chất liệu này có thể bị cháy, giải phóng các chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Chế biến ngay sau rã đông: Để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon và an toàn, bạn nên chế biến ngay sau khi rã đông. Việc để thực phẩm đã rã đông ở nhiệt độ phòng quá lâu sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây hư hỏng thực phẩm.
- Chọn vật liệu để thực phẩm rã đông phù hợp: Nên sử dụng các loại khay, bát đĩa bằng thủy tinh, sứ hoặc kim loại chịu nhiệt để đựng thực phẩm khi rã đông. Tránh sử dụng các loại hộp nhựa không chịu nhiệt cao vì chúng có thể bị biến dạng và giải phóng chất độc hại khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.
- Không rã đông rau củ quả: Rau củ quả không nên rã đông bằng lò nướng vì nhiệt độ cao sẽ làm chúng mất đi nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời làm thay đổi cấu trúc và hương vị của rau củ.
- Không đông lạnh thực phẩm sau khi rã đông: Sau khi rã đông đồng nghĩa với việc vi khuẩn ở môi trường xung quanh xâm nhập dễ dàng vào thực phẩm. Chính vì lý do đó nên những loại thực phẩm đông lạnh này nên được sử dụng càng sớm càng tốt và cũng cần tránh việc dùng không hết rồi lại tiếp tục cho vào tủ lạnh.