Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

Nhiều tấm hình liệt sĩ đã rách nát, không còn nguyên vẹn, thậm chí chỉ còn vài chi tiết nhưng cũng bị phủ mờ bởi thời gian, nhưng với sự tâm huyết, tỉ mỉ, Lê Văn Phúc (Phúc Lê, sinh năm 1989, ở Phú Xuyên Hà Nội, trưởng nhóm Tình nguyện viên Phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ và Phó trưởng nhóm những bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline) đã phục dựng bức ảnh chân dung rõ nét. Gần 5 năm qua, Phúc cùng các tình nguyện viên phục dựng và trao tặng miễn phí hàng nghìn bức ảnh liệt sĩ cho gia đình thân nhân. Năm 2025, Phúc vinh dự là một trong “10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu”.

Hành trình “làm mới” những bức chân dung cũ

Nhắc đến cơ duyên phục dựng ảnh liệt sĩ, anh Lê Văn Phúc chia sẻ, anh sinh ra trong gia đình cách mạng, bố tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị ảnh hưởng chất độc da cam, mẹ cũng là quân nhân. Những đau thương của chiến tranh được tái hiện qua các câu chuyện của bố mẹ khiến Phúc hiểu hơn về những mất mát mà các gia đình liệt sĩ đang còn phải gánh chịu. Đặc biệt, bác ruột anh cũng là liệt sĩ, nhiều năm qua, gia đình cố gắng tìm kiếm phần mộ của bác nhưng chưa có kết quả. Gia đình không còn tấm ảnh nào để thờ cúng. “Chính điều đó khiến tôi rất đồng cảm với các gia đình liệt sĩ. Họ mong muốn có một tấm ảnh chân thực rõ nét vì đó là một trong số ít những kỷ vật cuối cùng mà gia đình còn giữ lại”, Phúc chia sẻ.

Năm 2020, Phúc có cơ may phục dựng ảnh cho chính cô ruột đã mất từ năm 1989. Đã hơn 30 năm, các con không còn được nhìn rõ hình ảnh của mẹ, nên thấy bức ảnh với gương mặt hiện rõ một cách chân thực, sinh động, các con cô vô cùng xúc động. “Các em vừa gọi điện cho mình vừa khóc vừa nói cảm ơn vì bức ảnh được phục dựng vô cùng ý nghĩa với gia đình. Chính điều đó khiến mình nghĩ sẽ làm nhiều hơn những công việc như thế này”, Phúc nói.

Ý tưởng phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí hình thành, Phúc may mắn được đồng hành cùng các tình nguyện viên khác trong nhóm Skyline. Hai năm đầu, anh Phúc phục dựng được số lượng nhỏ di ảnh liệt sĩ do có ít thời gian. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, anh dành hẳn 3-4 tháng cho công việc này. Mỗi năm, gần 100 bức di ảnh liệt sĩ được anh phục dựng. Tay nghề tốt, đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, anh làm công việc này hoàn toàn miễn phí nên ngày càng có nhiều gia đình tìm đến anh nhờ phục dựng di ảnh.

Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ - 1

Lê Văn Phúc (thứ 2 từ phải sang) và các TNV nhóm Màu Hoa Đỏ trao tặng di ảnh liệt sĩ tại Hà Nội.

Theo Phúc, quy trình phục chế ảnh, bước đầu tiên là xóa mốc, ố, bụi trên ảnh, sử dụng máy quét cho ra ảnh kỹ thuật số, dùng các phần mềm đồ họa vẽ lại những chi tiết bị mất, bị mờ, cuối cùng là hoàn thiện màu sắc, tinh chỉnh từng chi tiết. “Cái khó của phục dựng di ảnh là nhiều bức do thời gian và quá trình bảo quản dẫn đến bị mờ và ố, rất khó nhận diện chân dung liệt sĩ. Nhiều bức ảnh thực chất là ảnh vẽ, không phải ảnh chụp bằng phim nên càng khó phục chế hơn. Có nhiều bức ảnh, tôi và các cộng sự phải tìm cách cảm nhận, liên tưởng để hình dung ra khuôn mặt các liệt sĩ, đôi khi còn phải dựa vào mô tả và khuôn mặt của người thân để dựng lại khuôn mặt người đã khuất”, anh Phúc cho biết.

Đối với những bức ảnh không quá phức tạp, anh chỉ cần vài giờ đồng hồ là hoàn thành, song có bức ảnh phải làm đi làm lại 3-4 lần nên mất đến hàng tuần. Theo anh Phúc, quá trình làm, điều anh chú trọng nhất không phải độ đẹp mà phải giống nguyên bản để khi gia đình liệt sĩ nhìn vào ảnh là sẽ nhận ra ngay đây là người thân của mình. Chính sự tỉ mỉ đó khiến chất lượng ảnh phục dựng của anh được người trong giới đánh giá cao.

Năm 2024, Phúc bắt đầu áp dụng công nghệ AI vào phục dựng ảnh liệt sĩ, giúp tiết kiệm thời gian, sức người, chất lượng ảnh cũng sinh động hơn. “Đối với tôi, mỗi di ảnh của người đã khuất, đặc biệt là những người chiến sĩ đã dành xương, máu để đổi lại hòa bình cho đất nước đều rất thiêng liêng. Do đó, tôi luôn dành tâm huyết và thời gian để phục dựng một bức ảnh đẹp, có hồn và chỉn chu về quân phục. Tôi luôn cố gắng làm sao để gia đình họ có một bức ảnh đẹp nhất”, Phúc chia sẻ.

Tiếp lửa hành trình thiện nguyện

Đối với Phúc, mỗi bức ảnh được trao là một câu chuyện đầy xúc động. Mỗi chuyến đi trao ảnh liệt sĩ là một lần để lại trong anh những kỷ niệm không thể nào quên. Những lời cảm ơn của thân nhân liệt sĩ khiến anh có thêm động lực, hứng thú với công việc “đi tìm lại chân dung đã bị thời gian xóa nhòa”.

Đó là câu chuyện của liệt sĩ Triệu Xuân Thiết, thành viên Tổ đặc công đánh cầu Hoá An trên sông Đồng Nai. Sau khi phục dựng ảnh và gửi tặng gia đình, anh nhận được lời cảm ơn của rất nhiều thành viên trong gia đình liệt sĩ. Có gia đình liệt sĩ ở Hưng Yên lên tận nơi anh đang làm việc để gửi “chút quà quê”. Hay tháng 3 vừa qua, nhóm của anh đi trao ảnh liệt sĩ Mai Văn Tuyến ở Thái Bình hy sinh tại Gạc Ma. Hình ảnh người em gái của liệt sĩ Mai Văn Tuyến ôm tấm ảnh anh trai bật khóc nức nở, các em trai, em gái của liệt sĩ Tuyến cũng không thể kìm được nước mắt khi thấy thước phim mà cả nhóm mô tả lại khoảnh khắc liệt sĩ vẫy tay chào tạm biệt gia đình khiến ai cũng xúc động. “Chứng kiến niềm vui của thân nhân liệt sĩ khi nhận ảnh, tôi càng thấm thía ý nghĩa công việc mình đang làm. Nhiều người xúc động nói với chúng tôi rằng, với gia đình họ, bức ảnh là món quà vô giá. Còn với chúng tôi, trao tặng món quà ấy là niềm hạnh phúc lớn lao”, Phúc chia sẻ.

Phục dựng di ảnh để tri ân các liệt sĩ - 2

Lê Văn Phúc (thứ 2 từ phải sang) và các TNV nhóm Màu Hoa Đỏ trao tặng di ảnh liệt sĩ tại Hà Nội.

Không chỉ trao những tấm ảnh liệt sĩ, Phúc còn thực hiện những dự án ý nghĩa khác như dự án phục dựng ảnh các gia đình bị thiệt hại bởi cơn bão Yagi tại làng Nủ. Hay hồi tháng 12/2024, nhóm vừa thực hiện dự án chụp ảnh 0 đồng cho bà con dân tộc tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Dưới thời tiết 8-90C, đồng bào vẫn xếp hàng đợi để đón nhận những tấm ảnh, cả đoàn cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết.

Hiện nay, nhóm tình nguyện viên Phục dựng ảnh liệt sĩ Màu Hoa Đỏ có 20 thành viên. Từ năm 2024, nhóm phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, phục dựng và trao tặng hơn 200 bức ảnh liệt sĩ cho các gia đình. Hiện, nhóm đang xử lý phục dựng khoảng 300 ảnh, dự kiến sẽ hoàn thành một phần vào đúng dịp 30/4 năm nay để trao tặng tới các gia đình liệt sĩ.

Ngoài ra, Phúc còn là Phó trưởng nhóm những bạn trẻ phục dựng ảnh Skyline. Từ năm 2020 đến nay, anh đã phối hợp phục dựng hơn 7.000 ảnh liệt sĩ trên mọi miền Tổ quốc. Anh cùng các tình nguyện viên nhóm Skyline phối hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương tổ chức 02 chương trình “Hải Dương – ngày trở về” và “Thanh Miện – Ngày trở về”, đã trao 220 bức ảnh liệt sĩ và quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; trao tặng 70 tấm ảnh và quà cho gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Phú Yên; phục dựng 30 chân dung Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân gửi tặng tận nơi cho bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; trao tặng hơn 100 bức ảnh liệt sĩ cho thân nhân các gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; phục dựng bức ảnh quý “Lễ trao quân hàm cho cán bộ cấp cao toàn quân ngày 22/12/1958”; trao tặng 300 bức ảnh để bàn lắp khung miễn phí cho mọi người vào dịp lễ Quốc khánh 2/9/2024; tham gia phục dựng ảnh liệt sĩ trong dự án 64 chân dung ảnh Liệt sĩ Gạc Ma…

“Ý nghĩa của công việc này không chỉ giúp tái hiện chân dung của những người đã hy sinh vì Tổ quốc mà còn là cách tri ân, lưu giữ ký ức và kết nối thế hệ sau với lịch sử. Đó là lòng biết ơn”, Phúc nói. Hành trình của Phúc và các cộng sự vẫn còn tiếp diễn, và thật mừng, giờ đây, công việc này ngày càng nhận được sự tiếp lửa từ cộng đồng và xã hội. Thời gian tới, Phúc sẽ tiếp tục kế hoạch hướng dẫn các bạn đoàn viên thanh niên nắm bắt được quy trình phục hồi ảnh liệt sĩ để nhân rộng mô hình này trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Chia sẻ

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Học sinh phổ thông mở trại hè cho các em nhỏ

Học sinh phổ thông mở trại hè cho các em nhỏ

Học Trại hè khoa học Science Camp là hoạt động thường niên dành cho các em nhỏ từ 6-13 tuổi được tổ chức bởi Society of Open Science (SOS), câu lạc bộ khoa học lớn nhất của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Qua các mùa hoạt động, trại hè đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình mỗi năm.

Những tấm gương bình dị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những tấm gương bình dị tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những năm qua, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc của thành phố Hà Nội đã phát triển rực rỡ với nhiều kết quả nổi bật. Hàng trăm những mô hình, cách làm hay đảm bảo an ninh trật tự, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng lực lượng công an chung tay giữ gìn sự bình yên của Thủ đô.

Tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân

Tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân

Ngày 1/7/2025, cùng với cả nước, 126 xã, phường mới hình thành sau sắp xếp tại Hà Nội chính thức vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp. Thái độ phấn khởi và thuận lợi khi đến làm thủ tục hành chính tại xã, phường mới của Nhân dân đã cho thấy sự tận tâm, trách nhiệm của các cán bộ công chức làm việc tại bộ máy chính quyền mới trong phục vụ Nhân dân.

Cô gái Việt được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 châu Á

Cô gái Việt được vinh danh trong Forbes 30 Under 30 châu Á

Tạp chí Forbes Asia vừa công bố danh sách 30 Under 30 châu Á năm 2025, vinh danh 30 cá nhân dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nổi bật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên 10 lĩnh vực khác nhau. Trong danh sách năm nay, Jenny Huỳnh (tên thật là Huỳnh Việt Hoàng Vy) là một trong hai đại diện đến từ Việt Nam, được xướng tên ở hạng mục Truyền thông, Tiếp thị và Nội dung số.

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chú trọng giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số… là những mục tiêu mà Hà Nội nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

Quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản

Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề:“Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”. Đây là thông điệp chính thức được Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố và được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch truyền thông dân số nhằm đẩy mạnh nhận thức cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.