Mỗi quán phở mang hương vị riêng, không có quá nhiều biến đổi theo thời gian.
Trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, có một món ăn đã theo chân người Việt trên những chặng đường di cư và sau đó di tản khắp tứ xứ, đó là phở. Nhiều giả thiết cho rằng phở có xuất xứ từ Nam Định vào khoảng những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Bắt đầu từ món xáo trâu ăn với bún, dần dần người bán chuyển sang nấu nước dùng bằng xương bò và ăn với bánh phở, cũng là một loại sợi làm từ bột gạo.
Có lẽ các gánh phở ra đời từ đó và dần “tiến quân” vào Hà Nội. Một trong những cái tên nổi bật của đội ngũ bán phở rong trên các nẻo đường của ba mươi sáu phố phường là phở Tàu Bay. Mãi cho đến năm 1954, cái tên phở Tàu Bay xuất hiện ở Sài Gòn, quán phở nằm chễm chệ trên đường Lý Thái Tổ (Quận 10) và xuất sắc tạo nên tiếng vang bởi hương vị thơm ngon.
Phở Tàu Bay được các thực khách sành sỏi đánh giá là rất dậy mùi phở
Hiện tại quán đã được trao truyền lại cho ông Phạm Đình Khang, vẫn tiếp nối hương vị phở với công thức gia truyền từ đời cha và truyền lại cho con cháu. Điều đặc biệt là suốt bao năm làm nghề bán phở, chủ quán vẫn rất “bảo thủ”, nhất định làm theo công thức riêng mà không chiều ý khách.
Theo ông Khang, từ thời cha ông thì phở này nấu theo kiểu miền Bắc nên không có rau thơm, giá trụng ăn kèm, gia vị cũng chỉ có chai nước mắm chứ không có tương đen, tương đỏ, chanh ớt gì hết. Nếu có khách muốn ăn rau, giá thì bỏ sẵn trong bịch nilon rồi đem theo mà ăn chứ chủ quán nhất quyết không chiều ý khách.
Tô phở Tàu Bay đầy bánh và thịt
Đến đời ông Khang, sự “bảo thủ” ấy cũng đã giảm bớt. Điều đặc biệt hơn là hiện tại, phở Tàu Bay đã chia làm 2 phe “áo vàng” và “áo đỏ” ngay sát vách nhau cũng khiến nhiều người bối rối, không biết đâu mới là quán gốc.
Mỗi quán sẽ có công thức riêng phù hợp với khẩu vị của hai miền Bắc Nam. Tô phở nghi ngút khói được bưng ra, bánh phở của phe "áo vàng" to và dày hơn một chút, nước lèo nấu đúng kiểu miền Bắc, khi ăn nghe rõ được mùi vị của gừng nướng trên lửa đã đạt đến độ khô vừa phải.
Hai quán phở đều rất đông khách
Tại hai quán, tô phở "xe lửa" đều có giá từ 80.000 đồng, đầy ắp bánh và thịt bên trong. Thịt bò được chế biến theo 5 kiểu: Tái, chín, nạm, gầu, gân. Khách có thể gọi loại mà mình yêu thích.
Ngoài 2 quán phở kể trên, Sài Gòn còn 3 quán phở thơm ngon, có lịch sử từ lâu đời mà bạn có thể ghé đến thưởng thức:
- Phở Lệ
Đây là một trong những quán phở lâu đời, mang đậm hương vị miền Nam với nước dùng ngọt thanh, béo nhẹ từ xương bò hầm kỹ. Tô phở đầy ắp topping như tái, nạm, gầu, bò viên, ăn kèm rau tươi và quẩy giòn. Quán luôn đông khách nhưng phục vụ nhanh chóng, không gian sạch sẽ. Phở Lệ thường đông từ sáng đến tối, thu hút cả khách địa phương và du khách.
Nước dùng được hầm từ xương bò trong 8 tiếng, mang vị ngọt thanh, ăn kèm sa tế tự làm và bánh phở đặt riêng.
- Phở Hoà
Quán phở hơn 50 năm tuổi, nổi tiếng với nước dùng trong, ngọt tự nhiên từ xương ống, không lạm dụng gia vị nhân tạo. Thịt bò mềm, bánh phở dai mịn, thường được du khách quốc tế yêu thích. Không gian thoáng đãng, mang nét hoài cổ.
Đây là quán phở đạt giải MICHELIN Bib Gourmand nhờ chất lượng tốt và giá trị hợp lý.
- Phở Dậu
Phở Dậu, thành lập năm 1958, nằm ở quận 3, là đại diện tiêu biểu cho phở Bắc tại Sài Gòn. Điểm đặc biệt là quán không dùng rau giá mà thay bằng hành tây bào mỏng, mang đến hương vị truyền thống Nam Định. Không gian quán nhỏ, giản dị nhưng chất lượng phở luôn ổn định, thu hút thực khách yêu vị Bắc truyền thống.
Phở Dậu là lựa chọn lý tưởng cho ai muốn trải nghiệm phở Bắc hoài cổ.