Hơn 30 năm qua, Nghệ nhân ưu tú Lưu Thị Kim Liên (SN 1942, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) luôn dành tâm huyết và tình yêu mãnh liệt cho nghệ thuật, văn hoá dân gian ca trù.
Bà là người lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của làn điệu ca trù, đồng thời truyền dạy bộ môn nghệ thuật này đến thế hệ trẻ. Với những đóng góp của mình, bà vinh dự được UBND TP Hà Nội trao thưởng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2024.
Thăng hoa giá trị của làn điệu ca trù
Những ngày cuối năm, Nghệ nhân Ưu tú Kim Liên vẫn cùng các thành viên trong CLB ca trù Yên Nghĩa hăng say tập luyện các làn điệu ca trù cũ và một số làn điệu mới để chuẩn bị cho Lễ mừng thọ người cao tuổi tổ chức vào mồng 4 Tết và biểu diễn trong lễ hội truyền thống đình An Định (phường Yên Nghĩa) vào mồng 7 và mồng 8 Tết.
Năm nay, Nghệ nhân Ưu tú Lưu Thị Kim Liên đã tròn 82 tuổi. Dù tuổi đã cao, song giọng hát của bà vẫn còn rất “lửa”, với kỹ thuật điêu luyện, từ cách ém hơi trong cổ, ậm ự mà lời ca vẫn tròn vành, rõ chữ, ngân vang. Bà vẫn thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn ca trù của CLB. Khi trò chuyện với chúng tôi, đôi tay bà vẫn tạo nhịp phách, miệng vẫn ngân nga theo các làn điệu ca trù. Có bài, bà thể hiện cách hát chơi đổ hột, đổ con kiến làm cho tiếng hát thêm duyên, có khi như tiếng nức nở, thở than quyện vào lòng người. Bà mỉm cười: “Ngày 5/4/2024, tôi cùng 20 thành viên trong CLB ca trù phường Yên Nghĩa đi biểu diễn tại Chùa Hương (Mỹ Đức) với ca khúc: “Hương sơn phong cảnh” và “Huê tình”. Dịp 20/10, chúng tôi cũng biểu diễn chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam tại UBND phường Yên Nghĩa. Những buổi biểu diễn không nhiều nhưng tiếp thêm động lực cho chúng tôi tiếp tục ca hát, giữ hồn phách của làn điệu ca trù”.
Nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên, sinh ra trong một gia đình có mẹ cũng là người yêu thích các làn điệu dân gian. Theo lời kể của bà, mẹ bà biết hát nhưng không theo nghiệp ca nương. Chính vì thế, tuổi thơ của bà thấm đẫm những làn điệu ứ hự mượt mà, những câu ca sâu lắng mà đầy triết lý của ca trù. Năm 1959, bà thi đỗ vào Trường Ca kịch Dân tộc khoá đầu tiên nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể theo học. Bà về quê và học tiếp ngành sư phạm, trở thành nhà giáo.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Kim Liên đã có nhiều đóng góp trong bảo tồn, làn tỏa làn điệu ca trù.
Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, bà Kim Liên vừa dạy học ở quê nhà, vừa tham gia trực chiến. Năm 1972, bà chuyển về công tác tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) từ đó đến khi nghỉ hưu. Quá trình công tác và cả sau này khi tham gia công tác xã hội, bà được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng; được Uỷ ban Quốc gia về Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tặng Huy chương Vì sự nghiệp dân số vào năm 1998; Huy chương Vì Sự nghiệp Giải phóng phụ nữ năm 1998…
“Cơ duyên” gắn với ca trù với bà bắt đầu từ khi bà về hưu. Bà Lưu Thị Kim Liên cho biết, năm 1993, tình cờ có một cụ trong làng Yên Nghĩa chơi nhạc ca trù muốn gây dựng môn nghệ thuật này tại làng. Đam mê từ bé trỗi dậy, bà quyết định học hát ca trù và dần dần theo con đường nghệ thuật này.
Thời gian đầu học, phải mất 3 năm bà mới học được một vài làn điệu, kiên trì dần dần bà trở thành người hát chính trong các buổi biểu diễn. “Học ca trù rất khó, 3 tháng tôi mới gõ được phách, 3 năm mới học được 1 vài làn điệu. Thầy giáo là một nghệ nhân khiếm thị, nên chúng tôi học bằng cách nhìn thầy gõ mà gõ, nghe thầy hát mà hát, chứ không có giáo án gì. Sau đó, tôi tiếp tục hát nhiều làn điệu khác” – bà Liên kể.
Năm 1995, CLB ca trù Yên Nghĩa được thành lập với 20 thành viên đầu tiên. Sau khi thành lập, Sở Văn hoá Hà Tây (cũ) đã mời CLB đi biểu diễn ở các hội chợ làng nghề của tỉnh. Thấy loại hình nghệ thuật này cần được bảo tồn, phát huy, Sở Văn hoá Hà Tây thành lập CLB ca trù Hà Tây, đồng thời mời bà và một người nữa trong CLB ca trù Yên Nghĩa trực tiếp chỉ dạy.
80 tuổi đời, 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên đã cống hiến bằng tâm huyết, tình yêu với nghệ thuật, văn hóa dân gian cho ca trù. Bà đã tham gia trình diễn 52 buổi với hàng trăm tiết mục phục vụ các lễ hội, các sự kiện... Năm 2019, bà được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú" lĩnh vực văn hóa phi vật thể quốc gia và đạt nhiều giấy khen của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội. Tháng 12/2023, bà còn tham dự cuộc thi “Người giữ màu dân tộc” do UBND TP Hà Nội tổ chức và được giải Ba.
Nghệ nhân Ưu tú Lưu Thị Kim Liên (giữa).
Đau đáu gìn giữ và truyền nghề
Nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên tâm sự, những câu ca sâu lắng mà triết lý của ca trù như thôi thúc, cổ vũ bà phải nắm giữ tinh hoa ấy và gìn giữ, phát huy nghệ thuật ca trù lên một tầm cao mới. Bởi vậy, bà là người tâm huyết truyền dạy tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ca nương trẻ về ca trù với mong mỏi dòng nghệ thuật dân tộc chảy mãi trong đời sống hiện đại.
Sẵn đam mê và tâm huyết với nghề, vượt qua khó khăn, bà ngày đêm luyện tập cho hơn 20 thành viên Câu lạc bộ “Ca trù Yên Nghĩa". Nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên cho biết, ca trù là thể loại nghệ thuật cung đình ngày xưa, với làn điệu bác học, ý nghĩa, xưa chỉ có các tầng lớp quan lại mới thưởng thức loại hình nghệ thuật này. Truyền dạy ca trù cũng như học rất khó, người dạy phải tỉ mỉ uốn nắn từng nhịp phách, từng câu từng chữ, cách phát âm, ngậm khẩu miệng thế nào cho học viên dễ hiểu, người học phải thật sự đam mê, có quyết tâm cao, kiên trì tập luyện, có chất giọng ca trù.
Theo Nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên, ca trù cũng là loại hình nghệ thuật rất kén chọn nghệ nhân, kén người nghe, lại kén chọn cả khán giả, đặc biệt là giới trẻ nên việc tìm người kế cận để tiếp nối, gìn giữ ca trù là rất khó. Một khó khăn nữa là kinh phí hoạt động tập luyện biểu diễn, giao lưu của CLB chủ yếu do các hội viên đóng góp nên thật khó để trang trải chi phí và khuyến khích động viên họ tiếp nối, gìn giữ ca trù. Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, Nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên đã tổ chức dạy miễn phí cho 5 lớp Ca Trù với số lượng là 61 học sinh tham gia theo học, trong đó đã có nhiều học trò cũng nổi tiếng với thể loại ca trù. Trong đó có Nghệ nhân Ưu tú Phùng Thị Hồng, chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Trung tâm phát triển âm nhạc, Hội nhạc sĩ Việt Nam; nghệ nhân Mai Thị Long và hơn 20 thành viên trong CLB ca trù Yên Nghĩa vẫn ngày ngày được bà dìu dắt…
Trong vai trò là người truyền dạy, nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên không chỉ dạy hát mà còn tranh thủ trò chuyện, tuyên truyền, khơi gợi được nhận thức, lòng tự hào về phong tục, bản sắc văn hóa cũng như ý thức bảo vệ, phát huy giá trị ca trù trong đời sống cho các thế hệ học sinh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đến nay nghệ nhân Lưu Thị Kim Liên và Câu lạc bộ Ca Trù Yên Nghĩa vẫn duy trì hoạt động tốt, thắp lửa ca trù cho các thế hệ trẻ mai sau… Chị Nguyễn Thị Bình, Chủ nhiệm CLB Ca trù Yên Nghĩa xúc động nói: “Hiện nay, CLB ca trù có có 25 thành viên, tập hát 2 buổi/tuần do chính nghệ nhân Kim Liên chỉ dạy. Dù học ca trù khó, nhưng bà Liên đã truyền cho chúng tôi nhiều đam mê, nhiệt huyết để yêu thích bộ môn nghệ thuật này”.