Những giải pháp từ gốc

Quỳnh an
Chia sẻ

Việc tội phạm hình sự có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng cho thấy mặt trái của cơ chế thị trường, sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình và các giá trị đạo đức xã hội. Do đó, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cần có chính sách pháp luật riêng, nhất là các giải pháp phòng ngừa, giáo dục.

Mạng xã hội làm giới trẻ nhận thức sai lệch

Nhận định dưới góc độ tâm lý học, Thượng tá, TS Đào Trung Hiếu, Bộ Công an cho biết: Ở độ tuổi vị thành niên, khi đến độ tuổi này các em mang đặc trưng của “tuổi tâm lý” và có suy nghĩ không sâu, không thấu đáo về hành động của mình. Cụ thể hơn là cái tôi của các em đã phát triển và có xu hướng phản kháng lại, nhưng chưa tìm được cơ hội phù hợp. Khi gặp phải các tình huống bất như ý, dễ làm các đối tượng cảm thấy bị tổn thương, kích động, biến thành cơn giận dữ bên trong và nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng các biện pháp bạo lực, gây hại cho đối tượng được cho là nguyên nhân dẫn đến ức chế của mình mà không suy nghĩ nhiều đến hậu quả của hành vi.

“Trong nhiều trường hợp những câu chuyện bạo lực mà người trẻ tiếp cận trên phim ảnh, clip trên mạng đã trở thành khuôn mẫu ứng xử, hội chứng bắt chước, làm theo các nhân vật “yêng hùng”, giang hồ mạng…” - TS Đào Trung Hiếu cho biết.

Những lệch lạc, tiêu cực trong nhân cách đối tượng không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình “xã hội hóa cá nhân”, nghĩa là các tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội trong sự tương tác với các phẩm chất mang tính cá nhân của đối tượng. TS Hiếu cho rằng, hiện nay giới trẻ đang bị “bủa vây” từ các yếu tố bất lợi trong môi trường sống, đặc biệt là tác động tiêu cực từ trò chơi game bạo lực, ấn phẩm bạo lực phản văn hóa đầy rẫy trên không gian mạng cùng phim ảnh nước ngoài. Điều này tác động sâu sắc đến định hướng giá trị, thẩm mỹ, phong cách ứng xử.

Những giải pháp từ gốc - 1

Báo cáo viên truyền thông về phòng chống bạo lực học đường, tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh trường THCS Cổ Nhuế 2.

TS.LS Đặng Văn Cường, UV Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn LS TP Hà Nội cũng nhận định: Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến trẻ vị thành niên phạm tội là sự thiếu quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ. Nhiều thanh thiếu niên sa đà vào các hoạt động không lành mạnh, dễ bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, thậm chí giết người, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý…

Ở nhiều gia đình, trẻ sống thiếu cha, thiếu mẹ, sống trong hoàn cảnh gia đình không có hạnh phúc, dẫn đến dễ phát sinh những tâm lý tiêu cực, những hành vi lệch chuẩn mà không được uốn nắn, dạy dỗ kịp thời. Thậm chí, có những đứa trẻ sống trong gia đình mà bố mẹ không nêu gương, là gương xấu, thường xuyên vi phạm pháp luật dẫn đến những đứa trẻ học theo, làm theo những hành động của cha mẹ dẫn đến hư hỏng, vi phạm pháp luật…

Ngoài ra có thể kể đến những tác động tiêu cực từ mạng internet, những thông tin hình ảnh bạo lực, những trò chơi game bạo lực dẫn đến những đứa trẻ xem nhẹ đạo đức, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn nên khi thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác mà không một chút sợ hãi, không ghê tay…

Phòng ngừa tội phạm bắt nguồn từ tuyên truyền, giáo dục

Theo LS Đặng Văn Cường, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định đã nêu trong luật.

Bộ luật Hình sự cũng quy định người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi được hưởng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó: không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi; đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù; trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá 3/4 mức hình phạt đối so với người đã thành niên...

Như vậy, có thể nói rằng, chính sách pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hướng đến mục đích cải tạo, giáo dục, tạo điều kiện để họ có cơ hội sửa chữa sai lầm, trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Do đó, để đấu tranh với tội phạm là người chưa thành niên, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp. Trong đó, có thể kể đến giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật đối với người chưa thành niên, đặc biệt là với người chưa thành niên trong tình hình xã hội mới; thường xuyên thống kê, tổng hợp, phân loại các nhóm trẻ em và người chưa thành niên để có những biện pháp, giải pháp quản lý, hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi các em có những hành vi tiêu cực, có xu hướng thực hiện những hành vi gây tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Những giải pháp từ gốc - 2

Một buổi tuyên truyền phiên toà giả định tại quận Hoàng Mai.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn nhân lực, kinh phí và các phương tiện vật chất kĩ thuật cho việc quản lý, giám sát, hỗ trợ và bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên để định hướng giáo dục, hướng các em đến các hoạt động lành mạnh, bổ ích, tránh xa những tác động tiêu cực từ xã hội. Với các trẻ em sống trong gia đình không có hạnh phúc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ thì cần có sự hỗ trợ của cộng đồng và các thiết chế xã hội để tăng cường khả năng giáo dục, quản lý; tăng cường quản lý trẻ em trên không gian mạng, để tránh việc trẻ em, người chưa thành niên tiếp xúc với những văn hóa độc hại, những hoạt động có tính chất bạo lực, tác động trực tiếp đến nhận thức, văn hóa, nhân cách của các em.

Còn TS Đào Trung Hiếu thì cho rằng, giáo dục là giải pháp căn cơ nhất để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hoá tội phạm. Trong đó, gia đình phải là chủ thể quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái.

Muốn vậy, mỗi một gia đình cần chấn chỉnh xây dựng lại nền nếp gia phong, gia giáo, truyền thống quý báu của dân tộc. Ðây là lúc cần phải phát huy lại những giá trị đó bằng các cách khác nhau để ngay tại các gia đình, các thành viên có trách nhiệm với nhau, thương yêu đùm bọc nhau. Chính cha mẹ phải là những người tạo ra “liều vắc-xin” cho con mỗi ngày, tạo sức đề kháng tốt ngay từ trong mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, sự giáo dục và trang bị kỹ năng mềm từ nhà trường cũng hết sức quan trọng. Ngoài tăng cường giáo dục kỹ năng sống, nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý khoa học, chặt chẽ đối với học sinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; tăng cường công tác tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường, gia đình, lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, cùng quản lý giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện cũng như răn đe, ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội.

Nhà nước cần ban hành, thực hiện các quy phạm pháp luật, quản lý chặt chẽ nhà mạng, kiểm duyệt nội dung internet, quản lý các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Những hoạt động kinh doanh có tính bạo lực, kích động bạo lực, lôi kéo làm ảnh hưởng xấu sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em thì phải nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Ðể đối phó và xử lý thực trạng này, bên cạnh chế tài xử lý vi phạm mạnh tay ở khâu hậu kiểm, các cơ quan chức năng cần tăng cường những động thái siết chặt khâu tiền kiểm, buộc các nhà mạng phải tiêu hủy, tháo gỡ văn bản, ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại trên môi trường mạng và kỹ thuật số...

Chia sẻ

Quỳnh an

Tin cùng chuyên mục

Tờ giấy vay nợ

Tờ giấy vay nợ

Vợ chồng ông Chính có 3 mặt con. Chuyên là con trai lớn, năm nay gần 30 tuổi, vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở nước ngoài. Sau khi về nước, cậu vào Nam và cần bố mẹ hỗ trợ vốn để khởi nghiệp.