GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Dành trọn tâm huyết cho bảo tồn di tích, kiến trúc Thủ đô

THU MÂY
Chia sẻ

Là một người con của Hà Nội, gần 50 năm qua, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đã dành trọn thời gian, tâm sức để nghiên cứu việc trùng tu, phục dựng, bảo tồn di tích, di sản, những kiến trúc cổ… trên cả nước và tại Thủ đô. Cũng vì lẽ đó, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”, mặc dù ông khiêm tốn không nhận về mình danh xưng này.

Tiếp nối mạch nguồn của tình yêu Hà Nội

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội. Với những đóng góp của mình, mới đây, ông vinh dự được trao Giải thưởng lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2024 - giải thưởng do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, năm nay là năm thứ 17.

Tuy sự nghiệp của KTS Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với công việc bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích. Nhưng ở bề sâu, ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” – Thủ đô Hà Nội, bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm.

Như lời ông bộc bạch: “Tôi gắn bó nhiều hơn cả vẫn là với Hà Nội, gắn bó cả trong công việc chuyên môn lẫn trong suy nghĩ. Song cũng nghiêm túc mà nói, những việc mà tôi đã làm được cho Hà Nội ở khía cạnh trực quan có lẽ chưa nhiều, bởi không phải lúc nào cũng có thời cơ. Dẫu sao tôi cũng đã dành nhiều công sức, thời gian để lo toan cho những di tích của Hà Nội, được bao nhiêu tôi cũng lấy làm toại nguyện”.

Mạch nguồn của tình yêu Hà Nội trong ông có lẽ được xuất phát phần nhiều từ truyền thống gia đình. Trên tủ sách của gia đình, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn còn giữ lại nhiều trước tác của thân phụ ông - nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Trong đó nổi bật phải kể đến những tác phẩm đặc biệt có giá trị về Hà Nội như: Thăng Long Đông Đô Hà Nội, Phố phường Hà Nội xưa, Người và cảnh Hà Nội, Hà Nội thanh lịch…

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Dành trọn tâm huyết cho bảo tồn di tích, kiến trúc Thủ đô - 1

Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái tới GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.

Có lẽ cũng nhờ những trước tác này mà KTS Hoàng Đạo Kính có điều kiện đào sâu tường tận về văn hóa và con người Hà Nội. Để rồi, ý thức về trách nhiệm cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Hà Nội đến với ông một cách rất đỗi tự nhiên từ nền tảng truyền thống gia đình.

Đến nay, ở tuổi ngoài 80, KTS Hoàng Đạo Kính vẫn đau đáu về sự phát triển của Hà Nội, với nhiều vấn đề đặt ra về quản lý đô thị và xây dựng tầm vóc, vị thế của Thủ đô. Theo GS Kính, Hà Nội không còn quá lo về việc giữ gìn những công trình di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật. Bởi công việc này đã được quan tâm ở một mức độ nhất định và đã có những kết quả khả thi.

Dấu ấn trong từng công trình di tích, văn hóa Thủ đô

Với tư cách là một nhà chuyên môn, người phụ trách tu bổ bảo tồn di tích nhiều công trình, nhất là thời kỳ bao cấp, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính từng chia sẻ, trong sự nghiệp của ông có 3 công trình đã thực hiện xong và vượt qua những thách đố lớn trong việc trùng tu di tích. Đó là tu bổ chùa Kim Liên (Tây Hồ), bảo tồn trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tuy nhiên, GS Kính còn có nhiều đóng góp lớn khi chủ trì dự án trùng tu, tu bổ các công trình nổi tiếng khác của Thủ đô như: Đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy… Đây đều là những di tích tiêu biểu định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính: Dành trọn tâm huyết cho bảo tồn di tích, kiến trúc Thủ đô - 2

Nhà che bia được GS Kính thiết kế theo kiểu truyền thống, chia thành 2 dãy, 8 nhà che bia, tạo sự ăn nhập về tỷ lệ xích với quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám.     Ảnh: VMQTG

Trong đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là công trình di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng. Gần 30 năm trước, Văn Miếu ở tình trạng khá xấu. Hà Nội đã có chủ trương phát huy giá trị của Văn Miếu, biến nơi đây thành một địa điểm văn hóa - du lịch. Với công trình này GS Kính tham gia với tư cách là người chủ trì, chỉ đạo anh em trong quá trình trùng tu, bảo tồn.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính kể: Có một việc quan trọng phải làm là bảo vệ 82 bia tiến sĩ bao năm vẫn đứng ngoài trời, để tránh hư hại do tác động của thời gian, thời tiết. Giới chuyên môn lúc đó đưa ra nhiều phương án, trong đó có ý tưởng dùng hóa chất che phủ bề mặt của bia để bảo vệ. “Tôi rất phản đối. Đây là những tấm bia quý giá, không nên làm thí nghiệm trên những cái vô giá vì nếu thất bại thì mất mát rất lớn.

Tôi đề xuất làm nhà che bia theo cách các cụ nhà mình làm mái che ở các chợ truyền thống xưa, bằng gỗ và ngói, chia nhiều mái để giữ độ cao hợp lý, không ảnh hưởng đến tổng thể kiến trúc xung quanh. Kết quả, phương án ấy rất ăn nhập với quần thể kiến trúc Văn Miếu, đồng thời giữ cho những văn bia vẫn được thở nhưng không bị nắng mưa tàn phá thêm”.

Ông cũng tâm sự: “Khi trùng tu, cứu chữa di tích lịch sử, tôi luôn muốn làm cho di tích có khả năng tồn tại lâu dài, thoát ra khỏi tình trạng xuống cấp, hủy hoại của tự nhiên. Việc này cũng giống như chữa trị cho một bệnh nhân. Bệnh nhân sau khi được chữa trị, tóc sẽ đen lên, khỏe lên, béo lên. Nhưng với di tích, cái khó nhất là khi có vật liệu mới, vật liệu thay thế mà không được làm cho di tích mất đi tính chất lịch sử, đặc trưng kiến trúc và bảo tồn nguyên vẹn. Và chính điều này tôi lần đầu tiên thực hiện được ở di tích đình Tây Đằng; sau đó là tại chùa Kim Liên (Tây Hồ); chùa Thầy (Quốc Oai); chùa Tây Phương (Thạch Thất)”.

Quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa, giữ gìn tính nguyên gốc cũng được GS Kính áp dụng khi tu bổ, nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội; phải làm sao vừa khắc phục được tình trạng xuống cấp mà vẫn khẳng định giá trị hiện hữu công trình; phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc. “Có những thiết bị nặng 300 tấn được đưa vào một công trình cổ như Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng chúng tôi khi trùng tu vẫn phải đảm bảo không để bị ảnh hưởng, đảm bảo không gian truyền thống vốn có” – GS Kính nói.

Kể ra như vậy để thấy, hầu hết những công trình trùng tu di tích của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính đã gửi trọn tâm huyết cả đời, như một minh chứng điển hình và xác đáng để trở thành những hình mẫu về phương pháp tiếp cận, quan điểm khoa học đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Chia sẻ

THU MÂY

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo...

Lưu ý khi rã đông thực phẩm

Lưu ý khi rã đông thực phẩm

Rã đông thực phẩm là bước không thể thiếu trước khi chế biến sản phẩm được bảo quản lâu trong tủ lạnh. Việc làm này giúp thực phẩm mềm ra, dễ dàng cắt thái và nấu chín đều. Sau đây là các cách và lưu ý khi rã đông thực phẩm.

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Tinh hoa lược sừng Thuỵ Ứng

Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết tới là nơi duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, thương hiệu của làng nghề ngày càng được khẳng định. Không chỉ vậy, bằng đôi bàn tay khéo léo, sức lao động bền bỉ những người thợ làng nghề Thụy Ứng đã đa dạng hóa sản phẩm, đưa tên tuổi...