Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn hiểu con cái mình thật sâu sắc, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách lắng nghe đúng nghĩa. Lắng nghe con không chỉ là nghe những gì con nói, mà còn là thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ và thế giới nội tâm của con. Đó chính là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ tin tưởng, gắn kết và giúp con phát triển lành mạnh.
Dưới đây là 9 bước cụ thể và thiết thực để bạn trở thành người lắng nghe tuyệt vời nhất của con mình. Hãy cùng khám phá và thực hành mỗi ngày bởi vì lắng nghe chính là cách yêu thương sâu sắc nhất.
Bước 1: Quan sát trước khi lắng nghe. Trước khi trò chuyện, quan sát thái độ, ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc của con. Điều này giúp bạn hiểu con đang trải qua điều gì ngay cả trước khi con nói ra. Ví dụ nếu con có vẻ buồn bã hoặc im lặng, hãy nhẹ nhàng hỏi: “Ba/Mẹ thấy con hôm nay có vẻ mệt mỏi, có gì mà ba/mẹ giúp con được không?”.
Bước 2: Bắt đầu bằng câu hỏi mở. Tránh những câu hỏi và câu trả lời chỉ là có hoặc không. Thay vào đó, dùng câu hỏi mở để khuyến khích con chia sẻ. Ví dụ: Thay vì hỏi “Hôm nay ở trường có chuyện gì thú vị không con?” thì hỏi “Con có thể kể cho ba/mẹ một chuyện vui hoặc thú vị ở trường ngày hôm nay được không?”.
Ảnh minh họa
Bước 3: Kiểm soát phản ứng của bản thân. Khi nghe con nói, đặc biệt nếu con chia sẻ điều bạn không mong đợi (Ví dụ: Bị điểm thấp, cãi nhau với bạn bè), hãy giữ bình tĩnh. Tránh phán xét ngay lập tức. Ví dụ: Thay vì nói: “Sao con có thể để chuyện này xảy ra cơ chứ?” thì hãy hỏi “Con thấy thế nào về chuyện này? Con có muốn ba/mẹ giúp con không?”.
Bước 4: Lặp lại lời con nói. Nhắc lại hoặc diễn đạt lại những gì con chia sẻ để con biết bạn đang thực sự lắng nghe và hiểu. Ví dụ: Khi con nói: “Con thấy bài kiểm tra hôm nay khó quá!”, bạn có thể phản hồi: “Ồ vậy à con? Con thấy bài hôm nay khó lắm à?”.
Bước 5: Hỏi sâu để khám phá cảm xúc. Đừng dừng lại ở việc nghe sự việc, mà hãy tìm hiểu cảm xúc đằng sau sự việc/câu chuyện. Ví dụ: Nếu con kể về việc bị bạn trêu chọc, bạn có thể hỏi: “Điều đó làm con cảm thấy như thế nào? Con buồn hay con tức giận?”.
Bước 6: Tránh vội vàng đưa ra giải pháp. Thay vì cố gắng sửa chữa vấn đề ngay lập tức, hãy để con tự suy nghĩ về cách giải quyết. Ví dụ: Nếu con bị điểm kiểm tra toán kém, bạn có thể nói: “Con nghĩ có cách nào để con làm tốt hơn lần sau không? Ba/mẹ sẽ luôn hỗ trợ nếu con cần”.
Bước 7: Tóm tắt cuộc trò chuyện. Khi cuộc trò chuyện kết thúc, hãy tóm tắt những gì con đã nói và những gì cả hai đã đồng ý để con cảm thấy bạn hiểu rõ. Ví dụ: “Mẹ hiểu là con cảm thấy thất vọng vì điểm kém hôm nay, nhưng ba/mẹ thấy con có ý tưởng học lại phần này vào cuối tuần. Vậy mình sẽ cùng làm nhé”.
Ảnh minh họa
Bước 8: Khích lệ và khen ngợi việc con chia sẻ. Sau khi lắng nghe, đừng quên khen ngợi con đã dũng cảm chia sẻ hoặc bày tỏ cảm xúc với ba/mẹ. Ví dụ: Mẹ rất vui vì con đã chia sẻ với mẹ hôm nay. Điều này cho thấy con đã tin tưởng mẹ, và mẹ rất trân trọng điều đó.
Bước 9: Theo dõi và tiếp tục quan tâm sau buổi trò chuyện. Sau khi con chia sẻ, hãy kiểm tra lại sau một thời gian để đảm bảo con vẫn ổn và cho con biết rằng ba/mẹ luôn ở đó. Ví dụ: Hôm trước con có nói con lo lắng về bài kiểm tra. Hôm nay con cảm thấy thế nào rồi?”
Và thêm nữa là đôi khi hãy thực hành lắng nghe không lời: Không chỉ lắng nghe bằng tai mà còn bằng mắt và cử chỉ hành động. Gật đầu, mỉm cười, hoặc đơn giản là một cái ôm cũng thể hiện sự lắng nghe sâu sắc. Ví dụ: Khi con nói về chuyện buồn, bạn chỉ cần giữ im lặng và nắm tay con để con cảm nhận được sự an ủi.