Bước vào mùa hè nóng bức, thú cưng cũng sẽ dễ gặp những tình trạng mệt mỏi, biếng ăn, hay có thể bị sốc nhiệt nếu không được chăm sóc đúng cách.
Mùa hè ở Việt Nam thường đi kèm với thời tiết oi bức, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 40 độ C. Trong điều kiện như vậy, không chỉ con người mà thú cưng, từ chó, mèo đến các loài thú cảnh khác cũng dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là 5 lời khuyên thiết thực giúp người nuôi đảm bảo sức khỏe cho thú cưng trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm.
Tạo không gian mát mẻ trong nhà
Vào những ngày nắng nóng, việc tạo điều kiện sống mát mẻ là cách giúp thú cưng giảm tải nhiệt lượng trong cơ thể. Không gian sinh hoạt cần thông thoáng, có thể sử dụng quạt hoặc máy lạnh ở mức vừa phải. Tuy nhiên, tránh để thú nằm quá gần quạt hoặc máy lạnh suốt nhiều giờ liền, dễ dẫn đến tình trạng cảm lạnh hoặc viêm phổi.
Với những gia đình nuôi chó mèo có lông dày, nên cân nhắc việc tỉa bớt lông ở vùng bụng, cổ và chân để giảm tích nhiệt. Tuyệt đối không nên cạo trụi toàn bộ lớp lông vì bộ lông cũng chính là lớp bảo vệ tự nhiên trước ánh nắng và côn trùng.
Ngoài ra, có thể sử dụng các vật dụng như chiếu mát, đệm gel lạnh hoặc khăn ướt để thú cưng nằm nghỉ ngơi trong thời gian dài mà không bị quá nóng. Những sản phẩm này ngày càng phổ biến và dễ tìm mua trên thị trường.
Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp theo mùa
Vào mùa nóng, thú cưng thường ăn ít hơn, kén ăn hoặc chán ăn. Điều này là phản ứng sinh lý bình thường nhằm giúp cơ thể không sinh thêm nhiệt từ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, đặc biệt là với chó mèo nhỏ, đang phát triển, hoặc đang mắc bệnh.
Người nuôi nên điều chỉnh khẩu phần ăn nhẹ hơn, dễ tiêu hóa, tăng cường rau củ hoặc các loại thức ăn mát như cháo loãng, thức ăn đóng hộp có độ ẩm cao. Không nên cho ăn thức ăn ôi thiu, để ngoài không khí quá lâu vì vi khuẩn sinh sôi rất nhanh trong môi trường nóng ẩm.
Một số loại thực phẩm có thể giúp giải nhiệt tự nhiên như bí đỏ, cà rốt hấp chín, thịt gà luộc... có thể được thêm vào khẩu phần ăn với lượng vừa phải. Đối với các giống mèo hoặc chó kén ăn, nên ưu tiên sản phẩm được bác sĩ thú y khuyên dùng.
Hạn chế cho thú cưng ra ngoài vào khung giờ nắng gắt
Khác với con người, chó mèo không thể toát mồ hôi toàn thân mà chỉ điều tiết nhiệt qua việc thở gấp hoặc thông qua bàn chân. Do đó, khi phải vận động ngoài trời nắng gắt, thú cưng rất dễ rơi vào trạng thái sốc nhiệt, có thể dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe nếu không được xử lý kịp thời.
Người nuôi nên tránh dắt chó đi dạo hoặc cho thú cưng vận động ngoài trời vào khung giờ từ 10h đến 16h. Vì đây thời điểm mặt trời gay gắt và tia UV đạt ngưỡng cao. Thay vào đó, hãy chọn thời điểm sáng sớm hoặc sau 18h để đảm bảo an toàn. Khi ra ngoài, nên mang theo nước uống, khăn ướt và theo dõi dấu hiệu mệt mỏi của thú cưng.
Đừng để thú cưng ra đường giữa trời nắng gắt.
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là nhiệt độ mặt đường nhựa hoặc gạch lát có thể nóng hơn không khí tới 10-15 độ C. Điều này có thể gây bỏng chân cho các “boss”, vì thế nên kiểm tra nhiệt độ mặt đất trước khi cho thú cưng sải bước.
Lựa chọn khung giờ thú cưng vui chơi
Không chỉ khi ra ngoài, ngay cả khi hoạt động trong nhà, việc lựa chọn khung giờ vui chơi phù hợp cho thú cưng trong mùa nắng nóng cũng cần được đặc biệt lưu ý. Nhiều người nuôi chủ quan cho rằng không gian trong nhà luôn đủ mát mẻ để chó mèo vận động bất kỳ lúc nào, nhưng thực tế, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nhiệt lượng tích tụ trong tường, trần, sàn nhà cũng khiến môi trường trong nhà trở nên ngột ngạt, bí bách - nhất là vào buổi trưa và đầu giờ chiều.
Thú cưng nếu vận động mạnh trong khoảng thời gian từ 11h đến 15h, khi nền nhiệt đang ở mức cao nhất rất dễ rơi vào trạng thái mệt lả, thở gấp, mất nước và thậm chí có thể sôcs nhiệt ngay trong nhà nếu không có điều hòa hoặc thông gió hiệu quả. Đặc biệt với những giống chó có cơ địa nhạy cảm như Pug, Bulldog, hoặc mèo lông dài như Ba Tư, Ragdoll…, chỉ cần vài phút chạy nhảy sai thời điểm cũng đủ khiến chúng kiệt sức nhanh chóng.
Thời gian lý tưởng nhất để tổ chức các hoạt động chơi đùa, huấn luyện hoặc cho ăn uống là buổi sáng trước 9h và buổi chiều từ sau 17h khi nhiệt độ bắt đầu hạ xuống và không gian trong nhà đã dịu lại. Đây cũng là khung giờ mà thú cưng cảm thấy thoải mái nhất để vận động, tương tác với con người mà không bị ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch.
Ngoài ra, nếu buộc phải cho thú cưng hoạt động vào khung giờ giữa trưa, hãy đảm bảo môi trường được làm mát trước đó: kéo rèm chắn nắng, bật quạt hoặc điều hòa, cung cấp nước mát bên cạnh và hạn chế các trò chơi cần sức bền hoặc chạy nhảy quá nhiều.
Luôn cung cấp nước sạch và mát cho thú cưng
Khác với con người có thể chủ động uống nước khi khát, nhiều loài thú cưng, đặc biệt là mèo thường không có thói quen uống nước thường xuyên. Điều này có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của gan, thận và hệ tuần hoàn.
Nước chiếm tới hơn 60% trọng lượng cơ thể thú cưng và đóng vai trò quyết định trong việc điều tiết thân nhiệt. Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, cơ thể thú cưng phải làm việc nhiều hơn để thải nhiệt, chủ yếu thông qua thở gấp và bài tiết mồ hôi qua đệm chân.
Nếu không được bổ sung đủ nước, thú cưng sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái mất nước, uể oải, biếng ăn, thậm chí sốc nhiệt - một tình trạng báo động có thể khiến chúng gặp nguy nếu không can thiệp kịp thời.
Do đó, chủ nuôi cần đặc biệt lưu ý đặt nhiều bát nước ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Nước phải được thay mới ít nhất 2-3 lần mỗi ngày, tránh để nước đục, nhiễm bẩn do bụi, lông hoặc côn trùng. Với những gia đình nuôi nhiều thú cưng hoặc có diện tích rộng, nên bố trí nhiều điểm uống nước khác nhau, đảm bảo mọi “boss” đều dễ dàng tiếp cận.
Nếu có điều kiện, người nuôi có thể đầu tư vào bình nước tự động có chức năng lọc và giữ nhiệt ổn định. Đặc biệt phù hợp với mèo, loài có xu hướng ưa thích nước chảy hơn nước tĩnh.
Một lưu ý quan trọng khác là không nên để chó mèo uống nước máy chưa lọc trực tiếp nếu nguồn nước tại địa phương có vấn đề. Những tạp chất như clo, phèn, hoặc vi sinh vật trong nước chưa qua xử lý có thể gây rối loạn tiêu hóa, viêm đường ruột hoặc nhiễm khuẩn đường tiểu. Vì thế, nguồn nước sạch không chỉ là “món giải khát” mà còn là yếu tố bảo vệ sức khỏe lâu dài cho thú cưng.
Chăm sóc thú cưng trong mùa nắng nóng không chỉ đòi hỏi sự yêu thương mà còn đến từ những điều nhỏ nhất mà các “sen” phải quan tâm đến từng hoạt động . Từ việc cung cấp nước mát, chọn khung giờ đi dạo hợp lý, đến kiểm soát chế độ ăn và theo dõi sát dấu hiệu sốc nhiệt là những nguyên tắc quan trọng giúp đảm bảo thú cưng luôn khỏe mạnh và vui vẻ suốt mùa hè.