Kem chống nắng bị vón cục là một nỗi ám ảnh với nhiều chị em, đặc biệt là chị em sở hữu làn da khô khi vào hè, tuy nhiên, 6 bí quyết dưỡng da sau sẽ góp phần cải thiện tình trạng này hiệu quả hơn.
Nhiều chị em có thể chỉ cần một lớp kem chống nắng mỗi sáng là đã đủ để sở hữu làn da tươi tắn, đều màu, lớp finish mịn màng như có lớp nền mỏng nhẹ bao phủ. Nhưng cũng không ít người lại gặp tình trạng kem chống nắng vón cục, bong tróc từng mảng nhỏ như vụn tẩy tế bào chết. Những hiện tượng trên thường được gọi là pilling, một tình trạng phổ biến với nhiều chị em khiến bề mặt da trở nên sần sùi, lớp chống nắng không đều màu và làm hỏng toàn bộ bước chăm sóc trước đó.
Tình trạng kem chống nắng vón cục, tróc khỏi da hoặc trở nên sần sùi là một vấn đề thường gặp với chị em
Nguyên nhân không hẳn do chất lượng kem chống nắng, mà có thể bắt nguồn từ chính quy trình dưỡng da. Dưới đây là 6 điều chị em có thể làm để mỗi lần bôi kem chống nắng đều là một lần “nâng tầm” làn da, dù không makeup vẫn đẹp.
Tẩy tế bào chết đúng cách, đúng thời điểm
Làn da không được loại bỏ lớp tế bào chết sẽ khiến các sản phẩm skincare dễ bị trượt trên bề mặt, khó thẩm thấu và gây hiện tượng pilling khi bôi kem chống nắng. Tuy nhiên, tẩy tế bào chết quá thường xuyên hoặc dùng dạng vật lý có thể làm khô da, tổn thương hàng rào bảo vệ da, khiến da dễ bong tróc và càng dễ gặp tình trạng vón cục.
Tẩy tế bào chết đều đặn chính là chìa khóa giúp da ít bị sần hoặc vón cục
Các bác sĩ da liễu khuyên bạn chỉ nên tẩy da chết 1 đến 2 lần mỗi tuần với sản phẩm chứa acid nhẹ (AHA, PHA), đặc biệt nếu bạn thuộc tuýp da khô hoặc nhạy cảm. Một làn da thông thoáng, mềm mại là nền tảng để kem chống nắng bám đều và “tệp” vào da như một lớp màng mỏng tự nhiên.
Đừng sử dụng quá nhiều sản phẩm
Thói quen “layer” nhiều lớp dưỡng da có thể mang lại cảm giác được chăm sóc đầy đủ, nhưng thực tế lại là một trong những nguyên nhân chính khiến kem chống nắng bị vón cục. Khi da bị “quá tải” với nhiều loại serum, kem dưỡng, tinh dầu... đặc biệt là những sản phẩm chứa dầu hoặc silicone, lớp nền sẽ không bám mà thay vào đó là hiện tượng trượt, vón, hoặc tạo lớp màng dính khó chịu.
Skincare nhẹ nhàng và tránh các sản phẩm chứa dầu hoặc silicone trước bước kem chống nắng là chìa khóa để kem chống nắng có thể bảo vệ da hiệu quả
Thay vì dưỡng quá nhiều bước, bạn nên chọn lọc sản phẩm cần thiết theo nhu cầu da sáng – ví dụ: một serum cấp ẩm nhẹ, một loại kem dưỡng có kết cấu thấm nhanh, không để lại lớp màng dầu. Da được “thở” đúng cách sẽ sẵn sàng đón nhận lớp chống nắng ở bước cuối cùng.
Thứ tự dưỡng da rất quan trọng
Việc thoa sản phẩm theo đúng thứ tự không chỉ giúp dưỡng chất phát huy tối đa hiệu quả mà còn ngăn chặn tình trạng lớp finish bị “gợn”. Các sản phẩm mỏng nhẹ như serum chứa hoạt chất có cấu trúc phân tử nhỏ, trong khi kem dưỡng lại có cấu trúc phân tử lớn hơn. Nếu bạn thoa kem dưỡng dày trước khi dùng tinh chất, lớp kem này sẽ tạo rào cản khiến tinh chất khó hấp thụ, gây dư thừa và dễ tạo cặn khi đến bước chống nắng.
Thứ tự dưỡng da là một yếu tố quan trọng khác giúp kem chống nắng ổn định và không tróc khỏi da ngay khi vừa được bôi
Lý tưởng nhất là bạn nên bắt đầu với sản phẩm mỏng nhẹ như toner và serum, sau đó chuyển sang kem dưỡng và để kem chống nắng là bước cuối cùng. Trường hợp bạn dùng kem chống nắng hóa học, hãy bôi trước bước kem dưỡng để hoạt chất thẩm thấu vào da. Còn nếu là kem chống nắng vật lý, bạn nên dùng sau cùng.
Chờ từng lớp khô ráo hoàn toàn trước khi bôi tiếp
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến kem chống nắng bị vón là do bạn vội vàng “xếp lớp” sản phẩm. Mỗi loại mỹ phẩm cần thời gian để thấm hoàn toàn vào da, trung bình khoảng 30 đến 60 giây. Một số chuyên gia còn khuyên nên đợi từ 5 đến 10 phút, nhất là với sản phẩm chứa dưỡng chất hoặc có độ ẩm cao.
Chị em nên sờ thử vào da để xem lớp skincare trước đã hoàn toàn thấm vào da chưa trước khi bôi kem chống nắng
Cẩn trọng với thành phần dễ gây vón cục
Một số thành phần thường xuyên xuất hiện trong mỹ phẩm có thể khiến kem chống nắng không “ăn” vào da. Chẳng hạn, các dẫn xuất silicone (dimethicone, cyclopentasiloxane…) có tác dụng làm mềm da và tạo lớp màng mượt mà, nhưng nếu kết hợp cùng những sản phẩm khác có kết cấu dày hoặc chứa thành phần gốc dầu, rất dễ xảy ra phản ứng pilling.
Những thành phần dễ gây vón cục cũng thường xuất hiện trong các sản phẩm dưỡng da, vì vậy chị em nên cẩn trọng với các thành phần trước khi bôi lên da và chọn cách bôi phù hợp nếu không thể thay đổi
Tương tự, xanthan gum, một chất làm đặc phổ biến, khi dùng ở nồng độ cao cũng có thể gây kết dính giữa các lớp sản phẩm. Nếu bạn không thể loại bỏ các sản phẩm này, hãy đổi cách bôi kem chống nắng: thay vì xoa đều, hãy vỗ nhẹ hoặc chấm đều từng vùng để hạn chế ma sát và giảm hiện tượng vón cục.
Khi cần, hãy thay đổi sản phẩm phù hợp hơn
Không phải sản phẩm nào cũng hợp với mọi làn da. Nếu bạn đã thực hiện đầy đủ các bước mà lớp kem chống nắng vẫn không “ăn” vào da, hãy mạnh dạn xem xét đổi sản phẩm. Với da khô, nên chọn kem chống nắng dạng lotion hoặc cream chứa thành phần cấp ẩm. Với da dầu, dạng gel hoặc bột khoáng có thể là lựa chọn thích hợp hơn.
Điều quan trọng nhất chính là tìm được một loại kem chống nắng phù hợp với làn da, vì vậy, chị em hãy mạnh dạn đổi sản phẩm nếu đã thực hiện đầy đủ các bước mà tình trạng không cải thiện.