Cách đây 60 năm phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành cao trào cách mạng: Cùng phụ nữ miền Nam và nhân dân kháng chiến chống Mỹ cứu nước xây dựng bảo vệ hậu phương, bảo vệ miền Bắc XHCN ghi dấu ấn trong trang sử chói lọi của dân tộc. Và hôm nay bước vào thời đại cách mạng 4.0 được tiếp lửa truyền thống “Ba đảm đang”, lớp lớp phụ nữ lại tiếp tục tích cực tham gia hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với một tinh thần “Ba đảm đang” mới.
Tích cực xây dựng Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”
Nếu trong thời kỳ “Ba đảm đang” năm xưa, phụ nữ làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt thì ngày nay tinh thần ấy được đặt vào khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và với phụ nữ Thủ đô trong đó có phụ nữ Ba Đình còn là vươn tới mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đóng vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Với nhiệm vụ trước mắt xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, Thành phố tiến nhanh vào hiện đại nhưng phải giữ được bản sắc của một Thủ đô hơn nghìn năm tuổi đặt ra cho các cấp Hội Phụ nữ quận Ba Đình quận trung tâm hành chính chính trị quốc gia nhiều nhiệm vụ nhiều thách thức.
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của phong trào “Ba đảm đang”, các cấp Hội Phụ nữ quận Ba Đình đã vận dụng, sáng tạo tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên phụ nữ gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cùng Quận đóng góp đáng kể vào xây dựng và phát triển Thủ đô, xây dựng quận anh hùng của Thủ đô anh hùng, quận văn hóa của Thủ đô văn hiến, quận yên bình của thành phố vì hòa bình
Phụ nữ Ba Đình ra mắt công trình “Bến hoa Phúc Xá”.
Hiện trên địa bàn Ba Đình không có hộ nghèo và cận nghèo đồng nghĩa với không có phụ nữ nghèo và cận nghèo được duy trì bền vững suốt 4 năm qua; 100% phụ nữ khuyết tật, đơn thân, phụ nữ yếu thế trong đó có nữ lao động nhập cư, trẻ em khuyết tật được quan tâm trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ các chính sách xã hội: Bảo hiểm y tế, tạo việc làm, cho vay vốn… 100% trẻ mồ côi khó khăn có mẹ đỡ đầu.
Hiện nay, các cấp Hội quản lý tốt gần 300 tỷ đồng nguồn vốn vay NHCS, hỗ trợ gần 4.000 phụ nữ vay vốn kinh doanh, chiếm 76% dư nợ của các hội đoàn thể trong quận, giúp đỡ có địa chỉ hơn 100 phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao mức sống mỗi năm; duy trì, khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động mô hình CLB nữ doanh nhân. Mỗi năm, hỗ trợ 50 phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh, giới thiệu việc làm cho gần 1.000 con, em CBHV.
Khơi dậy niềm tự hào phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, phụ nữ Ba Đình văn minh, thanh lịch, trọng khách phát huy truyền thống “Ba đảm đang” đã duy trì hiệu quả các tuyến phố tự quản, tuyến phố không rác, tuyến phố sạch 24h với sự miệt mài ra quân, túc trực, nhắc nhở; xây dựng thành công 55 công trình kiểu mẫu thuộc Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; các di tích lịch sử văn hóa được chị em đóng góp các công trình, phần việc bảo tồn, phát huy giá trị. Với 13 làng trại có tên gọi Thập tam trại của Thăng Long xưa Ba Đình chứa đựng 52 di tích đình đền chùa với 56 lễ hội truyền thống, các cấp Hội Phụ nữ toàn quận tích cực tham gia tổ chức duy trì xây dựng các mô hình nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN thành phố Hà Nội, Hội LHPN quân Ba Đình trong chương trình “Áo dài xuống phố” do Hội LHPN quận tổ chức.
Hiện trên địa bàn 100% Chủ tịch Phụ nữ cơ sở trong cấp ủy và trong diện quy hoạch phát triển. Tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý trên địa bàn chiếm 45%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ủy viên BCH Đảng bộ quận là 36,6%, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ các phường là 39,5%, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia HĐND quận đạt 48,6%.
Mỗi năm phụ nữ đóng góp hơn 150 ý kiến phản biện xây dựng các dự thảo văn bản đầy chất lượng. Hội còn tham mưu đề xuất, khai thác, tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng chất lượng, quy mô, mang tính chuyên nghiệp cao. Đặc biệt phải kể đến công trình “Bến hoa Phúc Xá” thực hiện nhiệm vụ kép: Bảo vệ đê điều, chống lấn chiếm sử dụng trái phép quỹ đất, bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan duy trì bảo vệ hệ sinh thái của các loài chim tự nhiên, khai thác tiềm năng du lịch, tạo công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống cho một số hộ dân ven đê, nữ lao động nhập cư hướng đến mục tiêu hiện thực hóa khai thác và phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô về những định hướng rõ nét để phát triển khu vực bãi nổi giữa, bãi ven sông thành không gian xanh, sạch, đẹp và hấp dẫn theo NQ 09 của Bộ Chính trị và Điều 17 của Luật Thủ đô sửa đổi 2024.
Bên cạnh đó, còn có nhiều mô hình hay, sáng tạo, thiết thực mang tính cộng đồng cao như các mô hình đồng hành cùng nữ doanh nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh; duy trì hiệu quả mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho phụ nữ và trẻ em”; mô hình “Mái ấm tình thương”, “Nhà tình nghĩa”...
Dường như tinh thần “Ba đảm đang” đã thấm đẫm vào từng phong trào thi đua của phụ nữ Thủ đô trong đó có phụ nữ Ba Đình trên từng lĩnh vực và trở thành nét đẹp không thể thiếu của phong trào phụ nữ Thủ đô. Đặc biệt trong gian khó tinh thần đó lại nổi trội với một sức mạnh phi thường đẩy lùi giặc ngoại xâm, giặc dịch (trong suốt 3 năm đại dịch Covid-19), giặc thiên tai (trận bão Yagi); đẩy lùi giặc đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng với khát vọng khởi nghiệp tiếp cận nhanh chóng với thời đại công nghệ số.
Các thí sinh tham gia cuộc thi “Nữ sứ giả du lịch Ba Đình” do Hội LHPN quận tổ chức.
Phát huy tinh thần “Ba đảm đang” trong thời kỳ mới
Trước thềm kỷ nguyên mới là giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho đất nước nói chung, phụ nữ nói riêng điều này càng đòi hỏi tinh thần “Ba đảm đang” cần được phát huy mạnh mẽ. Với bản lĩnh kiên cường, tiềm năng sáng tạo, truyền thống đảm đang, phụ nữ chúng ta đang là nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực tham gia vào hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ việc vận dụng phong trào “Ba đảm đang” vào các thời kỳ cách mạng sẽ luôn là cẩm nang để phát huy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc vượt qua mọi khó khăn thách thức tiến đến mục tiêu đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Và để làm được điều đó rất mong sự quan tâm, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân; đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hãy tiếp tục trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; phối hợp thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đặc biệt là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao để phát huy khả năng tiềm năng của phụ nữ với phẩm chất “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch”.
"Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"- đó là lời khen tặng cũng là lời nhắn gửi giao trọng trách của Bác Hồ kính yêu cho mỗi phụ nữ Việt Nam chúng ta.