Đặc sản Sơn La khiến nhiều người "nín thở" khi ăn, biết nguyên liệu làm ra mới hết hồn

Quang Anh
Chia sẻ

Món đặc sản nức tiếng của Sơn La khiến không ít thực khách phải "nín thở" khi ăn vì mùi vị khó quên.

Ẩm thực vùng cao Tây Bắc từ lâu đã nổi tiếng với những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc và hương vị “không dành cho số đông”. Giữa vô vàn đặc sản độc lạ ấy, nậm pịa – món ăn trứ danh của người Thái ở vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Sơn La được nhiều người biết đến bởi hương vị đặc biệt và cách chế biến độc đáo. 

Đặc sản Sơn La khiến nhiều người "nín thở" khi ăn, biết nguyên liệu làm ra mới hết hồn - 1

Nậm pịa là một trong những món ăn đặc sắc của người Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam.

Món ăn thử thách lòng can đảm

Lần đầu nghe đến nậm pịa, nhiều người tưởng đây là một món canh hay món sốt nào đó. Nhưng thực chất, "nậm" trong tiếng Thái có nghĩa là canh, "pịa" là thứ dịch sền sệt trong ruột non của các loại động vật ăn cỏ như bò, dê, trâu bao gồm dịch tiêu hóa và phần thức ăn còn sót lại trong ruột non chưa được tiêu hóa hết.

Nguyên liệu chính của món này là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim, gan, phèo, phổi và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, dê, trâu gọi là “pịa” đem ninh nhừ. Nghe đến đây, chắc hẳn nhiều người đã bắt đầu hoang mang, không ít thực khách còn lập tức "quay xe". Nhưng với người Thái ở Sơn La, đó mới là phần tinh túy nhất, tạo nên mùi vị đặc trưng không thể trộn lẫn của nậm pịa.

Đặc sản Sơn La khiến nhiều người "nín thở" khi ăn, biết nguyên liệu làm ra mới hết hồn - 2

Nậm pịa khiến nhiều người phải "rùng mình" khi biết nguyên liệu làm ra. 

Hương vị “nặng đô” nhưng lôi cuốn đến lạ

Không phải ai cũng đủ dũng cảm để ăn nậm pịa ngay từ lần đầu tiên. Thậm chí, nhiều người dân miền xuôi hay du khách nước ngoài khi mới ngửi đã chùn bước, vì mùi khá nồng và lạ của món ăn này. Tuy nhiên, với những ai vượt qua được cảm giác ban đầu, nậm pịa lại có một sức hút kỳ lạ. Vị đắng nhẹ từ pịa, vị béo ngậy từ lòng, hương thơm lạ từ mắc khén và các gia vị khác tạo nên một tổng thể hài hòa mà khi ăn.

Người Thái thường dùng nậm pịa như một loại nước chấm đặc biệt, ăn kèm với thịt trâu gác bếp, thịt nướng xiên que, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là một bát nậm pịa nóng hổi để nhâm nhi cùng chén rượu nếp trong những ngày se lạnh.

Quy trình chế biến tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo

Để làm được một bát nậm pịa ngon, khâu sơ chế và nấu nướng vô cùng cầu kỳ. Nội tạng trâu, bò, dê phải được rửa sạch, khử mùi bằng muối, rượu trắng và các loại lá thơm như sả, gừng. Pịa – phần chất lỏng trong ruột non được lọc kỹ, lấy phần tinh chất nhất, không để lẫn cặn bã hay tạp chất.

Sau đó, tất cả nguyên liệu được cho vào nồi, đun nhỏ lửa từ 2–3 tiếng cho đến khi hỗn hợp sánh lại, có mùi thơm đặc trưng. Gia vị như mắc khén, ớt, lá chanh, muối, mắm… được nêm nếm theo khẩu vị từng vùng. Thành phẩm là một món ăn có màu nâu đậm, hơi đặc sệt, có vị đắng nhẹ ở đầu lưỡi nhưng hậu vị lại ngọt và thơm.

Không chỉ là món ăn – đó là một phần bản sắc

Trong đời sống người Thái ở Sơn La, nậm pịa không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là một phần văn hóa truyền đời, gắn liền với những câu chuyện quanh bếp lửa, những buổi lễ cúng, những đêm hội làng, và cả những lời dạy về sự gắn kết cộng đồng. Ngày nay, dù lối sống hiện đại đã len lỏi đến từng bản làng, nhưng nậm pịa vẫn tồn tại như một biểu tượng ẩm thực - có thể không hợp khẩu vị đại chúng, nhưng lại là món ăn “chạm sâu” vào ký ức của bao thế hệ người con Tây Bắc.

Nếu có dịp đến Sơn La, bạn hãy thử một lần mạnh dạn vượt qua cảm giác ban đầu để nếm thử món nậm pịa “trứ danh” này. Dù có thể không phải là món khoái khẩu, nhưng chắc chắn nó sẽ để lại một ấn tượng sâu đậm không chỉ vì nguyên liệu độc lạ hay hương vị “nặng đô”, mà còn vì nó là một phần di sản văn hóa dân tộc sống động, hiện diện ngay trong từng món ăn tại đây. 

Chia sẻ

Quang Anh

Tin cùng chuyên mục