Với góc nhìn đa chiều của độc giả, câu chuyện "quỹ đen" được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh, cho thấy những bài học về ứng xử và quản lý tiền bạc trong hôn nhân của các cặp vợ chồng để không ảnh hưởng đến hạnh phúc.
Càng định kiến với "quỹ đen" càng tăng mối hiểm họa
Sau hai tháng, diễn đàn thảo luận về vấn đề có nên xem "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp" trong hôn nhân đã thu hút rất nhiều độc giả tham gia bày tỏ ý kiến với những góc nhìn sát thực trong chính gia đình mình hoặc người thân, bạn bè xung quanh. Luồng ý kiến thứ nhất không đồng ý để "quỹ đen" trở thành "tài sản riêng hợp pháp" trong hôn nhân. Theo họ, "quỹ đen" là mối hiểm họa cần phải tiêu trừ.
Bạn Vũ Hương Trà (chung cư HH2B Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng nếu chúng ta công nhận "quỹ đen" là vẽ đường cho hươu chạy… sai đường. Bởi một khi "quỹ đen" được tồn tại công khai thì sẽ tạo cơ hội cho vợ/chồng tạo lập tài sản riêng, quyết định chi tiêu theo ý mình, không còn vun đắp cho tài sản chung. Từ đó, kinh tế gia đình không còn đảm bảo và"quỹ đen" sẽ mang lại nhiều ẩn họa cho hạnh phúc hôn nhân. Việc chi tiêu tự do cũng khiến vợ, chồng dễ rơi vào các tệ nạn như ngoại tình, cờ bạc, lô đề…
Đồng quan điểm, chị Lê Vũ Hải Yến (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) dẫn chứng từ cuộc hôn nhân của mình. Chỉ vì chồng chị có "quỹ đen" lớn mà đã lạc lối với người phụ nữ khác khiến cuộc hôn nhân của họ rơi vào bế tắc. Sau sự cố ấy, mọi người đều cho rằng giá như chồng chị không có số "quỹ đen" đó thì đã không mắc sai lầm.
Đằng sau, những ý kiến thảo luận không công nhận "quỹ đen", hay mặc định cho rằng "quỹ đen" là xấu, khiến hôn nhân bất ổn cũng cho thấy một thực tế: Khi chúng ta càng định kiến nặng nề với "quỹ đen" thì càng tăng mối hiểm họa cho hôn nhân. Bởi nó minh chứng cho việc vợ chồng không tin tưởng nhau, vẫn mang tính vị kỷ cá nhân để soi xét đối với tiền bạc trong hôn nhân, không chia sẻ những trách nhiệm của đối phương phải gánh vác với người thân, cũng như không thấu hiểu nhu cầu cá nhân của bạn đời. Do đó, khi vợ, chồng phát hiện ra đối phương có "quỹ đen" là lập tức đổ lỗi, mặc định họ làm điều bất minh sau lưng mình mà không biết rõ nguồn tiền đó được dùng với mục đích chính đáng. Mâu thuẫn từ đó nảy sinh khiến hôn nhân bất ổn, thậm chí đổ vỡ.
Ứng xử văn minh với "Quỹ đen": Hôn nhân hạnh phúc, bình đẳng
Đã đến lúc chúng ta cần có những ứng xử văn minh đối với "quỹ đen" của vợ, chồng trong hôn nhân. Thay vì định kiến nặng nề, chúng ta hãy nhìn nhận nó theo hướng tích cực. Đây là luồng ý kiến thứ hai được rất nhiều độc giả đồng tình trong diễn đàn thảo luận. Đa số ý kiến theo quan điểm này đều cho rằng "quỹ đen" là khoản tiền riêng cá nhân của vợ, hoặc chồng chi dùng vào các mục đích thiết yếu riêng của mỗi người để không ảnh hưởng đến "quỹ chung" của gia đình. Tiền từ "quỹ đen" không xấu, vậy tại sao chúng ta lại nhìn nhận nó dưới góc độ mờ ám, không minh bạch?
Chị Nguyễn Lệ Thủy (Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng chuyện vợ chồng có "quỹ đen" là không thể xóa bỏ. Bởi từ thực tế của bản thân, có những khoản tiền chi tiêu, chị không tiện cho chồng biết, thì anh cũng vậy. Chúng ta không nên để "quỹ đen" trong bóng tối, mà hãy đưa nó ra ánh sáng với sự thừa nhận đó là khoản tiền riêng hợp pháp của mỗi người. Chỉ có như vậy, "quỹ đen" mới không "làm đen" tình cảm vợ chồng. Càng ứng xử văn minh với tiền bạc trong hôn nhân, vợ chồng càng hạnh phúc.
Bạn Minh Thu (Nghệ An) cho rằng, nguyên nhân khiến vợ chồng luôn mâu thuẫn khi phát hiện bạn đời có "quỹ đen" và có những ứng xử không thấu đáo với tiền bạc trong hôn nhân khiến hạnh phúc bị ảnh hưởng là do người Việt lâu nay vẫn quan niệm "của chồng công vợ". Điều này có ý nghĩa ghi nhận sự đóng góp của vợ và chồng trong hôn nhân nên khi người vợ nắm tay hòm chìa khóa vẫn mặc định "tiền chồng cũng là tiền của mình", nếu chồng cần rút tiền chi tiêu thì phải được mình đồng ý. Điều này vô tình khiến nhiều người chồng lâm vào tình cảnh bị mất quyền tự do đối với tài sản của mình làm ra.
Cùng quan điểm, theo bạn Trần Hòa Bình (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội), chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập toàn cầu thì trong cuộc sống gia đình nói chung, hôn nhân nói riêng cũng cần tiếp thu cái mới, văn minh từ bên ngoài, bài trừ những hủ tục", quan niệm còn mang định kiến giới. Có như vậy, câu chuyện "quỹ đen" không còn là nguyên nhân khiến vợ chồng đổ vỡ tình cảm, hôn nhân bất ổn, con cái thiệt thòi theo.
Trong hôn nhân, vợ chồng ứng xử văn minh với vấn đề tiền bạc thì sẽ hạnh phúc Ảnh minh họa
Quản lý tài sản: Vợ chồng chấp nhận có "tiền chung" lẫn "tiền riêng"
Câu chuyện "quỹ đen" cũng đặt ra vấn đề quản lý tài sản trong hôn nhân thế nào mới hợp lý để vợ chồng không còn nghi ngờ lẫn nhau, đồng thời đảm bảo an ninh tài chính gia đình. Luồng ý kiến của những độc giả có cái nhìn hiện đại trong vấn đề tài sản hôn nhân cho rằng trong tài chính, vợ chồng cần có "khoản mở" bên cạnh "khoản đóng".
Anh Nguyễn Trần Bình An (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng mọi câu chuyện liên quan đến "quỹ đen", hay "tiền riêng", "tài sản riêng" đều nằm trong vấn đề tài chính gia đình. Nếu vợ chồng cùng có tiếng nói chung về vấn đề kinh tế ngay từ đầu thì việc tạo lập "quỹ đen" không còn quan trọng, thậm chí họ có thể xem đó là "tài sản riêng hợp pháp" của mỗi người. Trong hôn nhân, vợ chồng nên có "khoản mở" về tài chính. Nghĩa là, ngoài "khoản đóng" - nghĩa vụ tạo lập tài sản chung để duy trì cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, tích lũy để phòng khi đau ốm, hay đầu tư làm giàu… vợ chồng nên thống nhất có một "khoản mở" kinh tế cho nhau.
Theo bạn Lê Hải Bình (Cổ Nhuế, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã đến lúc, chúng ta cần có cái nhìn tiến bộ, văn minh hơn với vấn đề tài chính trong hôn nhân. Đó là, vợ/chồng đều có quyền tự do quyết định số tài sản mình làm ra, miễn là họ hoàn thành nhiệm vụ đóng góp vào ngân sách chung của gia đình. Sự phân chia trách nhiệm kinh tế của vợ/chồng trong hôn nhân nếu rõ ràng ngay từ đầu thì sẽ không tạo áp lực, hay dồn gánh nặng lên vai một người, mà không có sự chia sẻ, thấu hiểu của đối phương. Khi vợ/chồng đã đóng góp đủ trách nhiệm kinh tế thì họ có quyền quyết định chi tiêu số tài sản mình kiếm được còn dôi dư mà không cần sự cho phép của bạn đời, kể cả việc tạo lập tài sản riêng, hay có "quỹ đen" trong hôn nhân.