“Tuyệt chiêu” quản chồng

M.Ngọc
Chia sẻ

Thảo vẫn rất tự tin vào tuyệt chiêu quản chồng của mình, cho tới ngày chồng cô đề nghị ly hôn... Anh nói, sống với cô, anh rất mệt mỏi, bí bách nên không thể chịu đựng hơn được nữa.

Thảo và Thắng bằng tuổi, cùng học một lớp ở đại học. Về hình thức, nhiều người nhận xét Thắng “nhỉnh” hơn Thảo. Bản thân Thảo cũng đánh giá là Thắng đẹp trai, trắng trẻo, ăn nói có duyên còn Thảo thì mập, da đen, chiều cao có phần khiêm tốn. Tuy nhiên, về điều kiện gia đình của nhà Thảo lại hơn Thắng. Bố mẹ Thảo khi về hưu cũng “để ra” được mấy ngôi nhà. Vợ chồng chị gái Thảo thì có công ty riêng. Còn Thắng là trai tỉnh lẻ, bố mẹ làm nông, anh em đều làm công ăn lương nên không dư dả nhiều.

Tình yêu giữa Thảo và Thắng kéo dài đến khi cả hai ra trường thì quyết định làm đám cưới. Nhà riêng đã có bố mẹ Thảo cho. Thảo xác định mình sẽ ở nhà chăm lo cho gia đình. Còn Thắng, cô xin vợ chồng chị gái nhận vào làm công ty để anh khỏi lo bươn chải bên ngoài. Phần nữa Thảo còn muốn quản chồng vì cô lo anh có vẻ điển trai thế, hở ra là khối cô gái theo đuổi.

Ở quê, gia đình Thắng cũng mừng cho con trai sớm ổn định. Bố mẹ Thắng càng quý mến và ghi nhận vai trò của Thảo hơn. Tuy nhiên, có ở trong chăn mới biết chăn có rận, càng ngày, có Thắng mới thấy việc sắp xếp của Thảo không hề ổn thế nào.

“Tuyệt chiêu” quản chồng - 1

Ảnh minh họa

Thắng tốt nghiệp kỹ sư loại giỏi khi về làm cho vợ chồng anh vợ cũng được tín nhiệm sắp xếp cho vị trí trưởng phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm. Anh chị trả cho Thắng một mức lương kha khá, vừa xứng đáng với năng lực của Thắng mà còn ngầm giúp vợ chồng em gái ổn định kinh tế. Song, Thắng chả bao giờ biết đồng lương do chính mình làm ra như thế nào. Hàng tháng, Thảo đã dặn chị gái chuyển thẳng tiền lương của chồng vào tài khoản của mình.

Thảo cho rằng, cô là người chi tiêu trong gia đình thì việc quản tiền của chồng là đương nhiên. Ngày 2 bữa sáng tối, Thảo nấu ăn tại nhà cho chồng. Bữa trưa, Thắng cũng ăn tại bếp cơ quan nên cũng chẳng phải lo lắng gì. Hàng tháng, Thảo chỉ “cấp” cho Thắng một khoản tiền nhỏ đủ để đổ xăng và dự phòng sự cố phát sinh.

Đã thế, một ngày làm việc của Thắng ở công ty như thế nào, Thảo đều nắm rõ như lòng bàn tay. Buổi sáng Thắng đến công ty lúc mấy giờ, có đi muộn hay không. Đồng nghiệp làm cùng Thắng là ai? Thắng làm việc thế nào, tốt hay dở? Rồi Thảo cũng coi công ty của anh chị chẳng khác gì công ty của mình. Trong giờ làm việc, Thảo rất hồn nhiên đến công ty, chủ yếu là giám sát Thắng. Rồi Thảo cũng tự cho mình quyền được can thiệp vào công việc mà Thắng đang làm như một cách mà cô cho là hỗ trợ anh từ phía sau.

Lần đó, sinh nhật ông bà ngoại nên cả nhà tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ. Thắng có trót uống hơi quá chén nên đi ngủ sớm trong khi sáng hôm sau, anh phải gặp khách hàng để thương thảo hợp đồng cho công ty. Thảo sợ chồng bị mệt, cô đã mau mắn gọi cho anh rể, đề nghị anh phân công người khác đi thay chồng mình. Sáng hôm sau, khi Thắng chuẩn bị đi tiếp khách thì Thảo mới thủng thẳng kể đã “điều phối” công việc cho anh, còn xin cho anh được đi muộn hơn ngày thường.

Rồi một lần khác, công ty tiếp nhận một nữ sinh về thực tập, lại được anh rể giao về phòng mà Thắng đang phụ trách. Chuyện ngay lập tức đã bay tới tai Thảo do các nhân viên ở công ty đều được Thảo dặn có việc gì phải thông báo ngay cho cô. Thế là, Thắng vừa về đến nhà Thảo đã bóng gió dặn Thắng không được “đầu mày cuối mắt” với nhân viên mới, nếu không Thảo sẽ cho “biết tay”. Thảo muốn chứng minh cho chồng thấy, xung quanh Thắng có rất nhiều “tai mắt” giám sát nên làm gì cũng phải suy nghĩ cho kỹ.

Thảo rất tự tin mình quản lý chồng như vậy thì đố Thắng dám “vượt rào”. Lâu nay, nhờ có Thảo và gia đình cô mà Thắng mới được “lên đời” như vậy.

“Tuyệt chiêu” quản chồng - 2

Ảnh minh họa

2. Thảo không ngờ mình càng cố gắng quản chồng bao nhiêu thì cô lại đang âm thầm đẩy chồng ra xa khỏi mình bấy nhiêu. Bên cạnh Thảo, Thắng luôn cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt. Thảo luôn cho rằng anh không cần tiêu đến tiền vì đã có vợ lo cho từ A tới Z nhưng thực tế, Thắng còn có nhiều mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm... chứ đâu phải chỉ có vợ con. Tuy nhiên, cảnh đàn ông ra đường mà trong túi chẳng có đồng nào ngoài mấy đồng tiền lẻ vợ bỏ vào ví khiến Thắng thấy mình mất hết vị thế và tự ti. Công ty tổ chức 8/3 cho các đồng nghiệp, Thắng cũng muốn góp tiền tặng hoa cho chị em nhưng Thảo kiên quyết không đưa tiền cho anh. Cô nói, tổ chức tiệc là việc của công ty, Thắng đã có vợ rồi thì không cần phải ga lăng làm gì. Thắng cũng gần như bỏ hết các mối quan hệ khác, ngay cả buổi trưa, bạn bè muốn tụ tập anh cũng đành từ chối. Bởi Thắng biết, nếu Thắng có đi ra ngoài, tiền thì không có mà cũng chỉ dăm phút sau là Thảo đã gọi điện chất vấn.

Thắng cũng từng ước ao có được người vợ tâm lý, hiểu chuyện, không chỉ yêu chồng mà còn biết nghĩ cho gia đình của anh. Vậy nhưng từ khi kết hôn, Thảo chỉ nhăm nhăm lo quản chồng mà chẳng mấy khi quan tâm tới bố mẹ chồng, em chồng ở quê. Với bố mẹ chồng, Thảo lúc nào cũng có câu: “Bố mẹ cho các con là chính chứ có bao giờ đòi hỏi các con báo hiếu đâu” để thoái thác trách nhiệm. Cô nói với Thắng lúc nào vợ chồng dư dả thì sẽ chăm sóc bố mẹ sau. Em gái Thắng xây nhà, muốn mượn vợ chồng Thắng ít tiền. Thắng rất muốn cho em vay vì thu nhập của anh không quá thấp, hai vợ chồng cũng có một khoản tiền chưa dùng tới. Tuy nhiên, Thảo cứ tìm cách thoái thác. Thắng chẳng còn cách nào vì anh làm gì có tiền vì thu nhập của anh đều do Thảo quản lý, đến cuốn sổ tiết kiệm cũng do Thảo đứng tên. Song, Thắng chẳng biết giải thích sao cho vợ chồng em gái hiểu vì anh không thể nói ra cái khó của mình. Trong khi đó, suốt ngày Thảo nhắc Thắng phải luôn nhớ ơn bố mẹ cô đã cho hai vợ chồng nhà, biết ơn anh chị vợ đã cho Thắng vào làm. Thảo nói, nếu Thắng làm gì có lỗi với cô thì tức là anh cũng đã vô ơn luôn với bố mẹ, anh chị của cô.

Cuối cùng, một ngày, Thắng quyết định đề nghị Thảo ly hôn. Anh thấy mình bị vợ coi như một đứa trẻ cần phải có bảo mẫu quản lý, từ việc ăn ngủ nghỉ, làm việc. Anh cũng có tự do riêng, các mối quan hệ riêng cần được Thảo tôn trọng chứ không phải “tù giam lỏng” của vợ. Thắng cứ ước, giá như Thảo hiểu, tin và biết quản lý chồng theo một kiểu khác. Đó là cô ấy sẽ đặt niềm tin vào anh, để anh được tự do nhưng lại luôn là hậu phương vững chắc của anh. Thảo sẽ cùng anh chăm lo cho hai bên gia đình, hỗ trợ anh vun vén trong các mối quan hệ. Lúc đó, không cần Thảo phải quản, chắc chắn, Thắng sẽ luôn tự giác cùng Thảo lo cho kinh tế của gia đình.

Nghe lời đề nghị của Thắng, Thảo rất ngỡ ngàng bởi cô vẫn rất yêu anh. Tuy nhiên, có lẽ, Thảo sẽ phải nghiêm túc nhìn nhận lại cách quản lý chồng của mình sau khi nghe những lời chia sẻ của Thắng.

- Em không muốn ly hôn. Anh cho em cơ hội để điều chỉnh là cách ứng xử của mình. Đó là lời mà Thảo nói với Thắng ngày hôm đó.

Chia sẻ

M.Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Khi con biết yêu

Khi con biết yêu

Ngày nghe tin con gái có người yêu, chị Hoa rụng rời tay chân. Trời ơi, con gái chị mới vừa bước qua tuổi 17, hãy còn ăn chưa no, lo chưa tới thì yêu đương nỗi gì. Rồi con chị còn cả một tương lai dài phía trước, nếu dính vào yêu đương thì có ngày lại ăn cơm trước kẻng, rồi thì biết đi đâu về đâu.

Tình già

Tình già

“Mẹ ơi, con xin phép đưa bố lên trông nhà cho vợ chồng con mấy bữa, khi nào ổn thỏa thì con lại để bố về với mẹ, được không ạ?”.

Caramel mùa hè

Caramel mùa hè

Món caramel ấy, dù đã mấy chục năm trôi qua, vẫn còn trong trí nhớ tôi - ngọt đắng đan xen, mềm như lòng bàn tay của bà, và gợi nhớ nhung như một đêm hè.

Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.

Làm vợ

Làm vợ

Từ bé được mẹ chiều chuộng, lấy chồng lại được yêu thương, Ngọc kết hôn gần một năm mà chưa từng nấu nổi một bữa cơm cho chồng. Cô tin phụ nữ hiện đại không cần bếp núc để giữ chân đàn ông. Cho đến khi mẹ chồng lên chơi vài ngày, những lời chê trách khiến cô hiểu: Yêu thương, nếu không biết giữ, rồi cũng sẽ nguội lạnh mà rời đi…

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Ngân xuất hiện ở phòng tư vấn với đứa con trai hơn một tuổi kháu khỉnh. Nhìn đứa bé bụ bẫm, dễ thương trong sáng như thiên thần bên người mẹ có học thức, xinh đẹp, không ai nghĩ họ lại là nạn nhân bạo lực gia đình gần hai năm nay.

Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.

Dặm muối cho hôn nhân

Dặm muối cho hôn nhân

Mai chẳng biết hôn nhân trở nên nhạt nhẽo từ lúc nào, chỉ biết là gần đây, cô và chồng chẳng còn có sự đồng điệu. Những câu chuyện mà người nói cũng nói cho có, còn người trả lời thì trả lời cho xong...

Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.