Dùng tài sản thừa kế để phân định chữ hiếu với bố mẹ

Tâm Giao
Chia sẻ

Người cha già nói ông đang làm thủ tục chia tài sản thừa kế cho các con. Trong thâm tâm ông muốn chia cho con nghèo phần hơn, còn giàu ít hơn một chút. Nhưng các con ông bảo tài sản đi liền chữ hiếu, ông chia ai phần hơn thì mai này người đó nhận phần báo hiếu cha mẹ.

Ngồi ở phòng tư vấn trong buổi chiều muộn, người cha già trầm tư khi nói về lý do mình tìm đến đây. Ông bảo, mấy hôm nay hai vợ chồng già mất ăn mất ngủ trước phản ứng của mấy đứa con khi ông bà nói về vấn đề chia tài sản thừa kế. Năm nay, ông bước vào tuổi 73, còn vợ ông 70 tuổi, họ có 2 con trai, 1 con gái đều đã lấy vợ, lấy chồng, sống riêng bên ngoài.

 Gần 10 năm nay, kể từ ngày các con yên bề gia thất, hai ông bà sống với nhau, tự lo liệu cuộc sống của mình, chẳng phụ thuộc con cháu. Ông có suất lương hưu, bà vẫn “chung thủy” với “nghề” bán xôi sáng của mình. Vợ ông vốn là người phụ nữ tảo tần, thổi xôi rất ngon nên mấy chục năm nay cửa hàng xôi của bà là nguồn thu nhập ổn định trong gia đình bên cạnh khoản lương đi làm của ông. Vì vậy, cuộc sống già khi còn khỏe mạnh, ông bà tự lo cho mình được.

Ông bảo, dù kinh tế không khá giả nhưng họ cũng chu cấp đầy đủ cho ba đứa con học xong đại học. Ra trường, mỗi đứa tự chọn một công việc để lập nghiệp, lập thân, tự lập được cuộc sống của mình. Trong mấy đứa con, vợ chồng con trai thứ vất vả hơn cả vì công việc làm ăn luôn thất bại. Con trai cả thức thời nhanh nhạy với thị trường nên kinh tế khấm khá hơn. Cô con gái lấy chồng gần nhà cuộc sống cũng tạm ổn. Mỗi đứa một phận, dù giàu hay nghèo, chúng cũng sống hòa thuận, anh em chưa cãi vã nhau về vấn đề gì nên lòng ông bà cũng thanh thản.

Dùng tài sản thừa kế để phân định chữ hiếu với bố mẹ - 1

Ảnh minh họa

Gần 1 năm nay, sức khỏe của bà có phần yếu, phải đi bệnh viện điều trị liên tục. Ông vẫn còn khỏe nên chăm bà được, chẳng mấy khi phiền đến con cái. Tuy nhiên 1 tháng nay, sức khỏe của ông cũng có vấn đề, việc chăm nom bà ốm đau bệnh tật theo đó cũng bị hạn chế. Họ nghĩ đã đến lúc sống cảnh “già cậy con” nên bàn tính chuyện chia tài sản thừa kế rồi đến sống cùng các con cho tiện.

- Vợ chồng tôi có căn nhà và mảnh đất rộng 150m2. Tính theo giá thị trường bây giờ nếu bán đi cũng được hơn 4 tỷ. Tôi dự tính bán đi, chia thừa kế cho các con rồi chuyển về sống cùng 1 trong 2 đứa con trai, cậy nhờ tuổi già. Ý định của chúng tôi là sẽ chia cho vợ chồng con trai thứ 2 phần, con trai trưởng 1 phần, con gái 0,5 phần, còn 0,5 phần để vợ chồng tôi chi tiêu khi đau ốm. Lý do chúng tôi chia cho con trai thứ phần hơn là hiện nay con chưa có nhà ở, đang phải sống nhà thuê. Nếu tôi cho con 2 phần thì sẽ đủ để mua căn nhà ở ổn định, mấy đứa cháu cũng không phải sống cảnh nhà thuê chật chội khổ sở như mấy năm nay. Con trai cả nhận 1 phần là vì đã có nhà, cuộc sống sung túc hơn. Mong muốn của vợ chồng tôi là sau khi bán nhà rồi sẽ chuyển về sống cùng vợ chồng con cả, để thuận việc cho con thực hiện trách nhiệm thờ cúng tổ tiên sau này.

- Thế nhưng khi “thông qua” việc chia thừa kế cho các con thì cả ba đứa con đều phản ứng. Đầu tiên, vợ chồng con cả cho rằng chúng là phận con trưởng nên được phần nhiều hơn con thứ mới đúng, sao lại ít hơn con thứ. Con gái thì bảo mình là phận con thì phải được “bình đẳng” với các anh trong nhận thừa kế, pháp luật còn không phân biệt con trai con gái, sao bố mẹ lại phân định điều đó. Vợ chồng con thứ thì kiên quyết mình nghèo khổ hơn thì nhận phần hơn là đúng. Đến phần phụng dưỡng bố mẹ già, con thứ bảo bố mẹ về sống với con trưởng là đúng “quy luật” lâu nay. Con cả thì bảo bố mẹ cho ai nhiều hơn tài sản thì người đó nhận phần phụng dưỡng… ông buồn rầu nói.

Chứng kiến cảnh các con cãi vã, tranh giành phần tài sản thừa kế, còn trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già thì đùn đẩy, dùng tài sản được hưởng để phân định chữ hiếu, ông bà nát lòng nát dạ. Chẳng ngờ, bao nhiêu năm nuôi dạy các con các trưởng thành, đến nay chúng lại nhận thức như thế. Sau buổi họp gia đình đó, ông bà lẫn con cái chẳng thống nhất được điều gì. Đứa nào cũng ra về với sự hậm hực trong lòng và thái độ bất bình dành cho anh, em mình. Từ đó đến nay, lúc nào ông bà cũng canh cánh trong lòng, không biết cuộc sống già của mình những ngày tới đây sẽ ra sao. Tài sản thì trước sau gì cũng phải chia cho các con, nhưng chia rồi mà anh em chúng nó tương tàn, ông bà nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng thể yên lòng. Còn cuộc sống già ốm đau bệnh tật, phải phụ thuộc vào con cháu chăm sóc sau này, mà đứa nào cũng nhìn vào phần tài sản thừa kế của bố mẹ để báo hiếu thì sẽ thế nào? Những câu hỏi đó khiến ông bà mất ăn mất ngủ.

Dùng tài sản thừa kế để phân định chữ hiếu với bố mẹ - 2

Ảnh minh họa

Chúng tôi nói với ông về quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Lâu nay, điều này được xem như một “quy luật” đối với văn hóa gia đình Việt. Ở một góc độ, nó còn thể hiện bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của cha mẹ khi sinh ra con cái, và con cái đối với cha mẹ mình khi đã về già. Với các bậc cha mẹ luôn mặc định phải có trách nhiệm với con cái, lo cho chúng đến khi bản thân chết đi thì mới hết lo. Tài sản là thứ mà cha mẹ luôn tâm niệm là phải có cho con cái khi mình mất đi. Vì vậy, cả cuộc đời họ tích cóp, tiết kiệm để có được mảnh đất, ngôi nhà, sau này thừa kế cho con cháu. Điều này cũng vô tình khiến con cái “đóng đinh” quan niệm về “quyền được hưởng” tài sản của bố mẹ. Câu chuyện tài sản thừa kế cũng vì thế mà nảy sinh những bi kịch không mong muốn trong nhiều gia đình. Thậm chí còn trở thành những “cuộc chiến” khiến tình thân tương tàn, anh em, bố mẹ, con cái đoạn tình, đoạn nghĩa với nhau. Do đó, câu chuyện bố mẹ chia tài sản thế nào để con cái hài lòng không phải là điều dễ dàng.

Vì thế để tháo gỡ vấn đề của mình, ông bà cần thay đổi quan niệm “già cậy con” của bản thân lẫn con cái. Cuộc sống hiện đại, nhiều người già thay vì “cậy con” đã chủ động “cậy chính mình”. Ông bà có tài sản, việc để lại cho con cái hay không đó là “quyền” của họ, chia cho các con nhiều hay ít cũng do họ quyết định. Con cái không có quyền đòi hỏi bố mẹ phải chia cho mình tỷ lệ hơn, kém nhau bao nhiêu, và cũng không được lấy tài sản thừa kế để phân định trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già. Việc con cái chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi ốm đau, già cả là nghĩa vụ làm con, và là đạo đức gia đình. Nếu chúng chối bỏ nghĩa vụ đó là vi phạm cả pháp luật lẫn đạo đức. Ông bà cần phân tích cho con cháu hiểu điều đó.

Nếu chúng vẫn không thông suốt, trước cục diện này, ông bà không nên chia hết tài sản cho con cái rồi “phó mặc” tuổi già cho một đứa con nào đó, khi mà chúng đang xem đó là gánh nặng và cần được đền bù bằng tài sản thừa kế. Thời hiện đại, các dịch vụ gia đình phát triển, nhiều người già đã lựa chọn sống già nhờ các dịch vụ này thay vì cậy nhờ con cái. Vì thực tế, con cái không phải đều có thời gian điều kiện để chăm sóc cho bố mẹ hàng ngày. Với số tài sản hiện có sau khi bán nhà, ông bà có thể chia cho các con một phần “lấy lộc” (tỷ lệ đều nhau, không phân biệt trưởng thứ, con trai nay con gái), còn lại để chi phí cho cuộc sống già của mình. Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão đang phát triển và thịnh hành, ông bà có thể nghiên cứu để sử dụng nó. Với cách này, ông bà sẽ đảm bảo cuộc sống già của mình khi con cái không có điều kiện chăm sóc mình. Đồng thời cũng tránh được cảnh, con cái dùng tài sản thừa kế để chia trách nhiệm báo hiếu cha mẹ, anh em vì thế mà tương tàn.

Chia sẻ

Tâm Giao

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

“Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS...

Chồng đã cũ yêu làm sao cho mới?

Chồng đã cũ yêu làm sao cho mới?

Là một người đàn ông, tôi phải thành thật mà nói rằng đàn ông chúng tôi dễ cũ đi hơn phụ nữ rất nhiều. Đặc biệt là sau khi kết hôn. Vì tôi thấy ngoài kia, rất nhiều người vợ đang phải sử dụng một ông chồng rất cũ.

Nàng dâu khái tính

Nàng dâu khái tính

Linh vẫn luôn nghĩ, mình sẽ không cậy nhờ gì ở nhà chồng. Cô thích sự tự lập, tự chủ để có thể “kê cao gối lên mà ngủ”.

Tầm soát hôn nhân

Tầm soát hôn nhân

Giống như việc thăm khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư… hôn nhân cũng cần được thăm khám và tầm soát.

Vợ anh không xấu

Vợ anh không xấu

Cơ quan Tuấn tổ chức gặp gỡ nhân dịp ngày thành lập, mời toàn thể vợ chồng con cái cán bộ cùng tham dự. Mọi người ai cũng hồ hởi đăng ký, chỉ riêng Tuấn là ngại ngần. Rồi Tuần báo cáo: “Em chỉ đi một mình. Vợ em đang đi công tác vắng nên không đến được. Thật là tiếc”.

Cái phúc của người già

Cái phúc của người già

Ông nội tôi có một người bạn thân là ông Thức. Hai ông đã đi bên nhau gần trọn cuộc đời. Mối lương duyên đó bắt đầu từ khi hai ông còn là những đứa trẻ chăn trâu thò lò mũi xanh, tới khi đã lên lão...

Chồng... nhạt

Chồng... nhạt

Tôi tin là nhiều phụ nữ đang có câu hỏi này. Hôn nhân phải chăng đã làm nhạt nhẽo đi người chồng đã từng là mặn nồng, đã từng là ngọt ngào của họ.