Bố đừng “đánh cắp” ước mơ, hoài bão của con!

Tâm Giao
Chia sẻ

“Thằng bé đang nhờ em làm thủ tục bảo lãnh để sang bên này làm việc. Nó bảo thà làm công việc chân tay còn hơn đi học một ngành mà nó không yêu thích. Có vẻ như nó đang quyết đấu với bố trong vấn đề chọn ngành nghề đấy” - cú điện thoại của cô em gái chồng ở bên Nhật Bản gọi về lúc nửa đêm khiến chị không tài nào chợp mắt nổi.

Ước mơ làm kiến trúc sư của người cha

Trong siêu thị “mi ni” bán các loại đồ dùng, thực phẩm Nhật Bản của gia đình anh có nhiều tranh vẽ về những công trình kiến trúc được treo trang trí trên tường. Người ngoài không biết tưởng đó là những bức tranh hội họa được chủ nhà mua về trang trí, nhưng kỳ thực đó là những bức tranh do chính ông chủ của siêu thị này vẽ.

Bất cứ trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” nào của người đàn ông này với ai đó cũng đều sẽ được nghe anh kể về ước mơ làm kiến trúc sư – một giấc mơ mà anh đeo đẳng trong cả cuộc đời, nhưng chẳng thể thực hiện được. Anh kể, từ nhỏ đã có niềm đam mê với các công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới từ những trang sách. Dần dần, anh ước sau này mình có thể vẽ nên những công trình kiến trúc để đời giống như thế. Anh thể hiện nó bằng những bức vẽ của mình. Trong gia đình, ai cũng công nhận anh có khiếu vẽ. Những ngôi nhà, công trình mà anh tưởng tượng ra được anh thể hiện trong rất nhiều bức vẽ. Càng học lên, anh càng ấp ủ giấc mơ được vào Đại học Kiến trúc, và sau này trở thành kiến trúc sư nổi tiếng.

Bố đừng “đánh cắp” ước mơ, hoài bão của con! - 1

Ảnh minh họa

Nhưng giấc mơ ấy của anh mãi mãi chỉ nằm trong suy nghĩ, bởi nó không có điều kiện để biến thành hiện thực. Năm anh lên lớp 9, bố anh đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Mẹ anh không chịu được cú sốc cũng đổ bệnh, sống ngơ ngẩn chẳng thể làm chỗ dựa cho hai đứa con đang tuổi ăn học. Anh và em gái được ông bà nội đón về nuôi, còn mẹ ở lại nhà ông bà ngoại để được chăm sóc. Kinh tế ông bà nội chẳng khá giả, nay lại phải nuôi hai đứa cháu ăn học nên càng khó khăn. Trầy trật mãi, anh cũng học xong cấp 3 rồi theo người chú đi lao động kiếm sống, nuôi con gái ăn học. Trưởng thành thêm một chút, anh trở thành trụ cột kinh tế nuôi mẹ và ông bà nội già yếu. Ba con người thường xuyên ốm đau, bệnh tật ấy khiến anh quanh năm suốt tháng chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền để trang trải cuộc sống và lấy tiền chữa bệnh cho người thân. Ước mơ trở thành kiến trúc sư của anh chỉ còn trong tiềm thức.

Cô em gái học xong cấp 3 bày tỏ mong muốn xuất khẩu lao động để phụ anh làm kinh tế lo cho mẹ và ông bà thay vì nghĩ tới việc đi học đại học như chúng bạn. Anh đồng ý và nghĩ nó thích hợp hơn với hoàn cảnh nhà mình nên vay mượn người thân để lo cho em đi xuất khẩu ở Nhật Bản. Cô em gái sang bên đó chăm chỉ lao động cũng tích cóp được một khoản gửi về cho anh trang trải cuộc sống và sửa sang lại nhà cửa.

Đến lúc anh lấy vợ, cô em gái bàn với vợ chồng anh mở một cửa hàng bán đồ Nhật Bản. Ở bên này, cô sẽ chọn mặt hàng và gửi về bán. Ban đầu, họ mở cửa hàng nhỏ nhưng nhờ giá cả vừa phải, hàng hóa chất lượng nên việc buôn bán ngày càng được mở rộng. Kinh tế gia đình anh nhờ thế mà ổn định dần, anh có thời gian hơn để nghĩ về những ước mơ dang dở của mình trong cuộc sống. Nhưng mọi thứ mà anh mong muốn đều dần thực hiện được như xây nhà, mua xe…, chỉ duy nhất ước mơ trở thành  kiến trúc sư của anh là mãi mãi gác lại. Thỉnh thoảng, anh thỏa mãn niềm đam mê của mình bằng việc tự vẽ một số công trình trong tưởng tượng rồi đóng khung thành những bức tranh treo trang trí trong nhà.

Bố đừng “đánh cắp” ước mơ, hoài bão của con! - 2

Ảnh minh họa

Vì sao con lại phải hoàn thành ước mơ của bố?

Anh lấy vợ sinh được hai con: Một trai, một gái. Từ nhỏ, thằng bé tiềm ẩn năng khiếu vẽ. Môn vẽ của nó lúc nào cũng đạt điểm cao, thậm chí có năm còn đạt giải cao của một cuộc thi vẽ tranh do Thành phố tổ chức. Từ đó, anh mong muốn con trai sẽ hoàn thiện ước mơ của mình, trở thành một kiến trúc sư tài giỏi. Con càng học lên, anh càng hướng con theo các môn học sau này thi vào trường kiến trúc. Thằng bé ban đầu học theo sự định hướng của bố. Nhưng đến khi lên cấp 3 thì nó lại có mong muốn lựa chọn nghề nghiệp theo ý thích của mình. Mơ ước của nó là trở thành một người mẫu sáng giá trên các sàn diễn thời trang. Nhưng anh xem đó là mơ ước “viển vông”, vì công việc đó chẳng đâu vào đâu. Con trai anh nhất định phải có sự nghiệp vững vàng và hơn bố mẹ bây giờ vì nó được đầu tư học hành tử tế. Do đó, anh vừa ngăn cản ước mơ làm người mẫu của con, vừa ép con theo học ngành kiến trúc mà mình đã định hướng.

Đó cũng là lý do mà khi thằng bé đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, anh vẫn bắt con để nguyện vọng 1 vào trường Đại học Kiến trúc. Con trai anh tuyên bố đăng ký theo nguyện vọng của bố nhưng nó sẽ học theo nguyện vọng của nó. “Cuộc chiến” chọn ngành nghề của bố con anh cứ thế trở nên căng thẳng.

Thằng bé hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì xách ba lô về quê với ông bà ngoại. Vợ anh cũng muốn để con về đó trong thời gian chờ kết quả nhằm làm dịu bớt căng thẳng “cuộc chiến” lựa chọn nghề nghiệp của hai bố con anh. Không ngờ về dưới quê, để gây sức ép cho bố mẹ, con anh bỏ nhà đi bụi mấy ngày khiến cả nhà hoang mang tìm kiếm. 

Vợ anh lo lắng con trai xảy ra chuyện nên yêu cầu anh từ bỏ việc bắt con học nghề kiến trúc theo ý mình. Tuy nhiên, anh nghĩ nếu làm vậy thì sẽ khiến thằng bé được cớ “hư hỏng” thêm.

- Hôm nay nó dùng cách đó để ép tôi phải theo ý của nó. Nếu tôi đồng ý thì sau này nó sẽ tiếp tục như vậy để thỏa mãn các mong muốn vô lý của nó hơn. Vì thế, tôi dứt khoát không chấp nhận. Cứ để nó bỏ nhà đi, xem được mấy hôm thì về – anh thẳng thừng tuyên bố khi vợ và người thân khuyên anh “chịu thua” con trai, và cho nó được theo đuổi ước mơ làm người mẫu của mình.

Bố đừng “đánh cắp” ước mơ, hoài bão của con! - 3

Ảnh minh họa

Mấy ngày hôm nay, lòng vợ anh như lửa đốt, chị nhờ người thân tìm kiếm và thở phào khi biết con đang âm thầm trốn bố mẹ ở nhà một người họ hàng. Tuy nhiên, làm thế nào để thuyết phục con trở về thì chị chưa có cách, bởi anh vẫn kiên định với phương châm không khoan nhượng trong cách dạy con của mình. Còn con trai chị thì vẫn khăng khăng với câu hỏi: Vì sao con lại phải hoàn thành ước mơ của bố?

Chị kể với chuyên viên phòng tư vấn: “Đêm trước, cô em gái ở bên Nhật gọi về bảo tôi rằng con trai tôi đang liên hệ với cô và mong cô giúp nó sang bên đó. Bây giờ, nó muốn được sang bên đó xuất khẩu lao động thay vì học đại học theo ý của bố. Có vẻ như con trai tôi cũng không có ý định “khuất phục” trước bố nó. Chồng tôi biết được bảo, nếu nó mà sang đó thì anh xem như không có đứa con trai này nữa. Một sự việc rất đơn giản nhưng tôi không hiểu vì sao cả chồng lẫn con tôi lại “chiến đấu” căng thẳng với nhau như thế?”.

Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ vì tuổi thơ không có điều kiện nên đã phải gác lại những ước mơ hoài bão của mình. Để rồi khi nuôi dưỡng con cái, họ lại đặt ước mơ của mình lên vai chúng mà quên rằng con cũng có hoài bão của mình. Và chúng cũng có những khát khao ấp ủ thực hiện hoài bão ấy. Việc chồng chị không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của con và tự quyết định tương lai con cái bằng suy nghĩ chủ quan của mình chính là đang vô tình “đánh cắp ước mơ” của con. Nếu con trai anh chị cuối cùng “chịu thua” mà chấp nhận quay về học theo ý muốn của bố thì ở một mặt nào đó anh đã thành công trong việc định hướng tương lai của con. Nhưng với con trai anh, nó sẽ sống với cảm giác mình là người “thất bại” vì chẳng thể theo đuổi đam mê đến cùng.

Khi con cái đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp tương lai, cha mẹ hãy là người định hướng nhưng phải trao cho con quyền lựa chọn. Dù sự lựa chọn đó có thể khiến nó thất bại, nhưng đó sẽ là bài học, là động lực để con phấn đấu trong những lần sau. Mỗi đứa con sinh ra đều có cuộc đời của nó và nó phải được sống với đam mê, mơ ước của mình, thay vì phải gồng mình thực hiện những mơ ước của cuộc đời bố mẹ còn dang dở.

Làm cha mẹ, hãy giúp con thực hiện ước mơ hoài bão của chúng, thay vì trở thành người “đánh cắp” những khát vọng đó của con.

Chia sẻ

Tâm Giao

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

“Bà dạy con cái kiểu gì vậy. Con cái nhà người ta thì mong cho bố mẹ sống đầu bạc răng long với nhau, còn con của bà thì lại suốt ngày xúi bẩy bố mẹ ly hôn. Nhà này vô phúc quá rồi…”.

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS...

Chồng đã cũ yêu làm sao cho mới?

Chồng đã cũ yêu làm sao cho mới?

Là một người đàn ông, tôi phải thành thật mà nói rằng đàn ông chúng tôi dễ cũ đi hơn phụ nữ rất nhiều. Đặc biệt là sau khi kết hôn. Vì tôi thấy ngoài kia, rất nhiều người vợ đang phải sử dụng một ông chồng rất cũ.

Nàng dâu khái tính

Nàng dâu khái tính

Linh vẫn luôn nghĩ, mình sẽ không cậy nhờ gì ở nhà chồng. Cô thích sự tự lập, tự chủ để có thể “kê cao gối lên mà ngủ”.

Tầm soát hôn nhân

Tầm soát hôn nhân

Giống như việc thăm khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát ung thư… hôn nhân cũng cần được thăm khám và tầm soát.

Vợ anh không xấu

Vợ anh không xấu

Cơ quan Tuấn tổ chức gặp gỡ nhân dịp ngày thành lập, mời toàn thể vợ chồng con cái cán bộ cùng tham dự. Mọi người ai cũng hồ hởi đăng ký, chỉ riêng Tuấn là ngại ngần. Rồi Tuần báo cáo: “Em chỉ đi một mình. Vợ em đang đi công tác vắng nên không đến được. Thật là tiếc”.

Cái phúc của người già

Cái phúc của người già

Ông nội tôi có một người bạn thân là ông Thức. Hai ông đã đi bên nhau gần trọn cuộc đời. Mối lương duyên đó bắt đầu từ khi hai ông còn là những đứa trẻ chăn trâu thò lò mũi xanh, tới khi đã lên lão...

Chồng... nhạt

Chồng... nhạt

Tôi tin là nhiều phụ nữ đang có câu hỏi này. Hôn nhân phải chăng đã làm nhạt nhẽo đi người chồng đã từng là mặn nồng, đã từng là ngọt ngào của họ.