Tâm lý học cho chúng ta biết rằng có một số thứ trong cuộc sống mà chúng ta nên sẵn sàng từ bỏ. Đây không chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt mà là những khía cạnh của cuộc sống có thể tác động đáng kể đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta.
1. Tự nói những lời tiêu cực
Hãy bắt đầu với suy nghĩ của chính bạn. Tâm lý học cho chúng ta biết rằng việc tự nói những lời tiêu cực có thể gây tổn hại vô cùng. Đó là giọng nói nhỏ trong đầu bạn nói rằng bạn không thể, bạn không đủ tốt, bạn sẽ không bao giờ thành công. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta thường tin vào giọng nói đó ngay cả khi nó không dựa trên thực tế. Lời tự nói tiêu cực có thể kìm hãm bạn và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Đã đến lúc đứng lên, chống lại tiếng nói này. Hãy bắt đầu thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực hơn, hướng tới tư duy lành mạnh. Cách bạn nói chuyện với chính mình rất quan trọng. Hãy đảm bảo cuộc trò chuyện đó tử tế và có tính hỗ trợ.
2. Mối quan hệ độc hại
Bạn từng có mối quan hệ nào khiến mình kiệt sức chưa? Một người không bao giờ ngừng những lời chỉ trích bạn, dường như không có điều gì bạn làm là đủ tốt với họ...
Các nhà tâm lý học gọi đó là mối quan hệ độc hại, thay vì mang lại niềm vui và sự hỗ trợ cho cuộc sống của bạn thì chúng mang đến sự căng thẳng, tiêu cực và đau đớn về mặt cảm xúc.
Nhớ rằng, bạn mình xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Việc rời đi, cắt bỏ những mối quan hệ đó không hề dễ dàng nhưng là điều cần thiết cho sức khỏe tinh thần của bạn. Duy trì các mối quan hệ độc hại có thể gây hại cho sức khỏe của bạn, làm giảm lòng tự trọng, cạn kiệt năng lượng và thậm chí dẫn đến các triệu chứng trầm cảm cũng như lo âu.
3. Nhu cầu kiểm soát
Trong cuộc sống, có những thứ chúng ta có thể kiểm soát và những thứ chúng ta không thể. Đa phần chúng ta kiệt sức khi cố gắng kiểm soát những thứ không thể kiểm soát.
Các nghiên cứu cho thấy những người có thể buông bỏ sự kiểm soát và chấp nhận sự bất trắc của cuộc sống thường hạnh phúc hơn và ít căng thẳng hơn. Khi bạn ngừng cố gắng kiểm soát mọi thứ, bạn giải phóng năng lượng để tập trung vào những gì thực sự quan trọng. Bạn trở nên linh hoạt hơn, dễ thích nghi hơn và cởi mở hơn với những trải nghiệm mới.
4. Sống trong quá khứ
Quá khứ có thể là một điều khó khăn. Nó chứa đầy những kỷ niệm, bài học và trải nghiệm hình thành nên con người chúng ta. Nhưng đôi khi, chúng ta có thể bị mắc kẹt ở đó.
Sống trong quá khứ có nghĩa là bạn không hoàn toàn hiện diện trong hiện tại. Bạn ôm giữ những hối tiếc cũ, những sai lầm đã qua hoặc sống lại những ngày vinh quang thay vì tạo ra những ngày mới. Tâm lý học cho rằng, học hỏi từ quá khứ là điều lành mạnh nhưng chúng ta không nên đắm chìm trong đó. Việc đắm chìm trong quá khứ có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội và trải nghiệm hiện tại.
5. Nhu cầu liên tục được chấp thuận
Ttất cả chúng ta đều muốn được yêu mến và chấp nhận nhưng khi mong muốn đó trở thành nhu cầu, nó có thể trở thành vấn đề. Việc chạy theo sự chấp thuận của người khác có thể khiến bạn quên mất mình là ai. Bạn sẽ thấy mình đang làm những việc mình không muốn làm hoặc trở thành một người không phải mình chỉ để hòa nhập.
Nhớ rằng, giá trị bản thân của bạn không bao giờ phụ thuộc vào việc người khác nghĩ gì về bạn. Giá trị của bạn không giảm đi vì ai đó không nhìn thấy giá trị của bạn.
6. Không tha thứ
Tha thứ là một trong những điều khó khăn nhất nhưng cũng giải thoát nhất mà bạn có thể làm. Việc giữ mối hận thù và oán giận có thể đè nặng lên trái tim bạn, như việc mang theo một túi gạch, chỉ khiến bạn chậm lại và mệt mỏi mà thôi.
Nhớ rằng, sự tha thứ không chỉ dành cho người khác mà là giải thoát bạn khỏi gánh nặng của sự không tha thứ. Đó là việc buông bỏ nỗi đau và tạo không gian cho sự bình yên, hạnh phúc và sự phát triển. Tha thứ không phải quên đi hay dung túng cho tổn thương đã gây ra mà là lựa chọn chữa lành. Chúng ta tha thứ không phải vì họ xứng đáng được tha thứ mà vì chính chúng ta xứng đáng được bình yên.
7. Sợ thay đổi
Sự thay đổi có thể đáng sợ nhưng thay đổi là một phần tất yếu của cuộc sống. Việc ở mãi trong vùng an toàn có thể khiến bạn cảm thấy yên tâm nhưng nó sẽ ngăn cản bạn phát triển và trải nghiệm những điều mới mẻ. Nếu những thứ bạn sợ buông bỏ chính là những thứ ngăn cản bạn đạt được tiềm năng đầy đủ của mình thì sao?
Nhớ rằng, chấp nhận sự thay đổi thay vì sợ hãi có thể dẫn đến sự phát triển bản thân và những cơ hội mới. Đừng ngại từ bỏ những gì quen thuộc. Hãy mạnh dạn, đón nhận sự thay đổi và xem nó có thể đưa bạn đến đâu.
8. So sánh bản thân với người khác
Trong thế giới của những thước phim nổi bật trên mạng xã hội, chúng ta thật dễ dàng để rơi vào cái bẫy so sánh. Bạn nhìn thấy thành công, thành tựu và cuộc sống dường như hoàn hảo của người khác, bạn không thể không so sánh họ với cuộc sống của mình. Nhưng sự thật thì so sánh chính là kẻ đánh cắp niềm vui.
Tâm lý học cho chúng ta biết việc so sánh bản thân với người khác có thể dẫn đến cảm giác bất lực, ghen tị và lòng tự trọng thấp. Nó khiến bạn tập trung vào những gì bạn thiếu thay vì những gì bạn có.
Hành trình của bạn là duy nhất và bạn cũng vậy. Hãy tập trung vào sự phát triển và tiến bộ của riêng bạn, ăn mừng những thành tựu của bạn, dù chúng có vẻ nhỏ bé đến đâu.
9. Kỳ vọng không thực tế
Có tiêu chuẩn cao không phải là điều xấu nhưng kỳ vọng không thực tế có thể khiến bạn liên tục thất vọng và chán nản. Tâm lý học cho rằng khi thực tế không đáp ứng được kỳ vọng của chúng ta, điều này có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng và giảm lòng tự trọng.
Hãy chấp nhận rằng cuộc sống là không thể đoán trước và không hoàn hảo. Hãy đón nhận vẻ đẹp của sự không hoàn hảo và hiểu rằng không sao cả nếu bạn không hiểu rõ mọi thứ. Cuộc sống là một hành trình học hỏi, phát triển và hoàn toàn bình thường nếu bạn mắc lỗi. Đó là cách chúng ta học hỏi và phát triển.