Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều trẻ tỏ ra uể oải, chán học, mất tập trung, không muốn trở lại trường. Cha mẹ có thể làm gì để giúp con sớm lấy lại nhịp học sau Tết? Dưới đây là tư vấn của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường trường liên cấp TH & THCS Ngôi sao Hà Nội với các cha mẹ.
Xin chào chuyên gia. Trẻ vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết dài và có tâm lý ngại quay lại nhịp sinh hoạt thường nhật, đặc biệt là nếp học. Chuyên gia có thể lý giải tâm lý này ra sao? Hiện tượng này có phổ biến không?
Tâm lý ngại quay lại trường học sau Tết không chỉ phổ biến ở học sinh mà còn xuất hiện ở nhiều người lớn. Các nhà tâm lý học gọi đây là hội chứng nỗi buồn hậu nghỉ lễ (Post-holiday Blues) - một dạng thay đổi tâm trạng thường gặp sau những kỳ nghỉ dài.
Ở trẻ em, hội chứng này thường biểu hiện qua các trạng thái như mệt mỏi, uể oải, thiếu động lực và khó tập trung. Đôi khi, trẻ còn có những cảm xúc khó chịu như lo lắng hay cáu kỉnh khi phải quay trở lại trường. Những biểu hiện này đều có cơ sở khoa học về mặt sinh lý và tâm lý.
Nguyên nhân khiến trẻ có những biểu hiện như vậy đến từ nhiều khác biệt lớn giữa các hoạt động trong và sau Tết, từ đó tác động mạnh mẽ đến cả thể chất lẫn tinh thần của học sinh, khiến các em gặp khó khăn trong việc thích nghi lại với môi trường học đường.
Trước hết là sự thay đổi đột ngột trong nền nếp sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, trong Tết, trẻ được tự do hơn trong việc khi nào đi ngủ, khi nào thức dậy, hay được ăn uống thỏa thích, nhiều đồ ngọt, chiên rán, không ăn đúng bữa... Tuy vậy, ngay sau Tết, trẻ buộc phải quay về với thời khóa biểu nghiêm ngặt của nhà trường như đi ngủ sớm, dậy sớm đi học, ăn uống đúng giờ.
Chuyên gia Hải Vân.
Tiếp đến là sự tương phản lớn về các hoạt động mà trẻ làm trong ngày. Ví dụ như trong Tết, các hoạt động như đi thăm họ hàng, đi chơi, nhận lì xì… khiến trẻ luôn trong trạng thái năng động và thoải mái. Thậm chí trẻ được dành hàng giờ để sử dụng thiết bị điện tử. Trong khi đó, khi quay lại trường, trẻ phải hạn chế hầu hết các hoạt động giải trí trên và chuyển sang trạng thái tĩnh, tập trung học tập nhiều giờ liền trong lớp học yên lặng.
Như vậy, xét về mặt sinh học, các hoạt động vui chơi, tự do trong kỳ nghỉ Tết khiến não bộ của trẻ chìm trong hormone hạnh phúc như dopamine. Khi quay lại trường học, các kích thích này đột ngột bị giảm dẫn đến nồng độ hormone cũng tụt xuống nhanh chóng, gây ra trạng thái chán nản, bức bối hay khó chịu.
Bên cạnh đó, việc đặt kỳ vọng cao về hoàn thành nhiều bài tập trong dịp Tết tưởng chừng như là chuyện bình thường, nhưng nó lại trở nên khó khăn với các bạn học sinh. Bởi khi những kỳ vọng này không thể thực hiện được, học sinh dễ rơi vào trạng thái lo lắng và áp lực nặng nề hơn.
Thêm nữa, bởi học sinh ít có dịp nghỉ ngơi, mỗi kỳ nghỉ đều được các em trông đợi như cơ hội để "xõa" hết mình. Điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn: Càng kỳ vọng cao về kỳ nghỉ và càng “xõa” nhiều, việc quay trở lại môi trường học tập nghiêm túc càng trở nên thách thức. Vì vậy, việc nhận diện và thấu hiểu những thay đổi này là bước đầu tiên quan trọng để phụ huynh cũng như nhà trường có thể hỗ trợ học sinh quay trở lại trường học với một tâm thế sẵn sàng hơn.
Nhiều cha mẹ rất lúng túng và thường hay than phiền là khó để con sinh hoạt điều độ và chăm chỉ học tập như trước? Vì sao lại vậy?
Sự lúng túng của phụ huynh trong việc điều chỉnh nếp sinh hoạt của con sau Tết có thể bắt nguồn từ việc chưa hiểu về hội chứng nỗi buồn sau kỳ nghỉ mà chúng ta vừa đề cập. Trước khi hiểu về cơ chế này, cha mẹ có thể thấy việc con khó khăn để ngồi vào bàn học, không tập trung là biểu hiện của sự chống đối, bướng bỉnh hay thậm chí là lười biếng. Nhưng chúng không đơn giản như vậy.
Khi trẻ được thưởng thức món ăn yêu thích bất cứ lúc nào, chơi game hay xem điện thoại không giới hạn dần sẽ khiến trẻ quen thuộc với mức độ tự do cao và mong đợi được thỏa mãn ngay lập tức. Tuy nhiên, khi quay trở lại học tập với nhịp độ chậm hơn và ít khi nhận được phần thưởng tức thì, cùng với đó là rất nhiều sự thay đổi như tôi đã chia sẻ ở trên, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi ngay lại với nhịp độ sinh hoạt thường ngày.
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh như vậy, nếu bởi vì áp lực học tập và kỳ vọng về thành tích mà cha mẹ quá nhanh chóng yêu cầu con phải thay đổi, chăm chỉ học hành với cường độ cao sẽ là thách thức không nhỏ với con cái. Thậm chí, cách thức này của cha mẹ có thể khiến con phản kháng lại, tạo ra một vòng luẩn quẩn: Càng cố gắng thay đổi nhanh, trẻ càng có xu hướng phản kháng mạnh, dẫn đến sự thất vọng và lo lắng ở cả phụ huynh và con cái. Như vậy, sự lúng túng và khó khăn để con điều chỉnh lại nếp sinh hoạt chính là nằm ở tâm thế nóng vội của cha mẹ.
Vậy, chuyên gia có lời khuyên nào với các cha mẹ để giúp con sớm trở lại với nếp học tập trước Tết và thậm chí sẽ có động lực để học tập tốt hơn nữa vì Tết luôn được cho là sự khởi đầu của những điều mới mẻ, lạc quan?
Trước tiên, phụ huynh cần chấp nhận rằng trẻ cần thời gian để thích nghi với việc quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài. Bởi cơ thể và tâm trí của chúng ta có xu hướng chống lại những thay đổi đột ngột. Vì vậy phụ huynh nên áp dụng nguyên tắc điều chỉnh dần dần, đặc biệt là một tuần đầu khi vừa kết thúc kỳ nghỉ.
Cụ thể, điều đầu tiên cha mẹ nên chú ý là hỗ trợ con quay lại nhịp sinh học ăn uống và ngủ nghỉ lành mạnh. Thực tế, đây cũng là kinh nghiệm để cha mẹ có thể quản lý con vào những kỳ nghỉ tiếp theo. Chẳng hạn, trẻ có thể được thức khuya, dậy muộn và ăn uống tự do hơn nhưng vẫn cần có một giới hạn nhất định, không quá đảo lộn so với ngày thường. Đồng thời, trước khi quay lại trường 2-3 ngày, cha mẹ có thể giúp trẻ thiết lập lại thói quen như thống nhất giờ đi ngủ, giờ dậy, tham gia hoạt động thể chất để cân bằng với các hoạt động quá năng động trong Tết, ăn đủ bữa và đúng giờ…
Thứ hai, cha mẹ cần học cách quản lý kỳ vọng và tận dụng tâm lý "khởi đầu mới" của Tết để cùng con đặt ra các mục tiêu học tập khả thi. Sau đó, các mục tiêu này nên được chia ra thành những nhiệm vụ nhỏ, dễ thực hiện để tạo động lực và sự tự tin cho trẻ. Trẻ cũng có thể lựa chọn làm trước những môn hoặc bài tập mà trẻ thích trước.
Cách thức chia nhỏ mục tiêu và biến thành các bước hành động giúp trẻ định hướng rõ và biết mình nên làm gì tiếp theo. Hơn nữa, việc có thể hoàn thành một cách dễ dàng và tốn ít công sức chính là các phần thưởng để tăng hormone hạnh phúc dopamine cho não bộ. Khi đó, trẻ cũng có thể cảm thấy vui vẻ và hứng thú trong học tập hơn.
Một cách khác nữa là thiết lập hệ thống phần thưởng mới, tập trung vào việc ghi nhận nỗ lực thay vì chỉ chú trọng kết quả. Nghiên cứu của Giáo sư Carol Dweck tại Đại học Stanford đã chứng minh rằng việc khen ngợi nỗ lực sẽ phát triển tư duy phát triển - tư duy giúp con người cầu thị, đối diện với thử thách, thất bại theo cách tò mò, tích cực và vượt lên các khó khăn để phát huy tiềm năng.
Trong hai tuần đầu tiên sau khi đi học lại, phụ huynh nên theo dõi sát sao trạng thái tâm lý của con. Nếu sau khoảng thời gian này, trẻ vẫn tỏ ra chán nản và khó khăn trong việc thích nghi thì có thể đây là dấu hiệu của những vấn đề sâu xa hơn cần được quan tâm và có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Cuối cùng, phụ huynh cần nhớ rằng việc quay trở lại học tập không chỉ là vấn đề kỷ luật mà còn là quá trình thiết lập thói quen mới. Việc hình thành một thói quen mới cần trung bình 21 ngày. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và nhất quán trong việc hỗ trợ con, tránh tạo áp lực quá mức bởi chúng có thể phản tác dụng.
Xin cảm ơn chuyên gia.