Sau khi lo việc hậu sự cho anh cả xong xuôi, 3 đứa con trai và 2 đứa con gái mở cuộc họp gia đình bàn chuyện nuôi mẹ thế nào khi anh cả không còn nữa. Bởi chị dâu cả cũng đang bị bệnh, chẳng thể nuôi mẹ như khi còn anh cả. Lần lượt 5 đứa con hỏi mẹ nhưng cũng như đang tự hỏi nhau: “Anh cả mất rồi, mẹ ở với ai?”.
Bà năm nay 94 tuổi, ông mất trước đây 3 năm. Thời trước lấy nhau, sinh con với quan niệm “đông con thì nhiều của” nên ông bà sinh liền tù tỳ 6 đứa (4 trai, 2 hai). Gian khổ cùng đất nước, chiến tranh loạn lạc nhưng ông bà vẫn nuôi lớn được 6 đứa con. Sau này, đứa nào cũng có công ăn việc làm, lấy vợ, lấy chồng đề huề con cái. Đa số đều thành đạt, sống lập nghiệp ở thành phố lớn, chỉ có con cả là gánh vác trách nhiệm với bố mẹ, tổ tiên nên quanh quẩn ở làng quê. Rồi cũng vì trách nhiệm con cả nên từ ngày các con lớn lên dựng vợ, gả chồng cho chúng, ông bà đều đồng ý để chúng sống riêng thoải mái bên ngoài. Riêng con cả, ông bà mặc định anh phải chung với bố mẹ. Vậy nên, từ ngày lấy vợ, anh cả gánh trách nhiệm sống chung để chăm sóc bố mẹ.
Không biết có phải vì là con đầu nên tính hy sinh, nhường nhịn mọi việc cứ ăn sâu vào đầu anh cả không mà tuyệt nhiên chưa bao giờ anh tỏ ý ganh đua với các em điều gì. Việc sống chung với bố mẹ không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, nhất là bố mẹ tư tưởng đôi lúc còn cổ hủ, áp đặt mọi thứ lên vợ chồng anh, ấy vậy nhưng anh cả chịu tất, chẳng bao giờ để bố mẹ phật lòng. Nhìn vào đó, ông bà vẫn cho rằng họ sống hợp nhất với con cả.
Chẳng thế mà, ngày 5 đứa con còn lại lấy vợ lấy chồng, ông bà thay nhau lần lượt đến ở với chúng nó một thời gian xem chúng báo hiếu bố mẹ thế nào. Nhưng lần nào đi về rồi, ông bà cũng bảo ở chơi dăm ba bữa cho vui thì được chứ ở lâu dài thì chẳng thể, vì không đứa nào hiểu ông bà như con cả. Mấy đứa em cũng vậy, lần nào về nhà chơi cũng bảo chẳng ai hợp bố mẹ như anh cả. Ở với con thứ mà miệng lúc nào cũng bảo thằng cả nó làm thế này, nó làm thế kia, chúng mày chả đứa nào học được cái nết của anh cả… Vậy nên mấy chục năm nay, việc sống chung và chăm sóc bố mẹ khi khỏe cũng như ốm đau đều một tay vợ chồng anh cả đảm đương tất. 5 đứa em sống riêng bên ngoài, thỉnh thoảng có dịp hoặc ngày lễ, ngày Tết rồng rắn kéo nhau về thăm bố mẹ, biếu anh chị ít quà cáp coi như xong trách nhiệm. Lúc bố mẹ đau ốm đi viện, việc chăm sóc bố mẹ trong bệnh viện vẫn là anh cả, các em đóng góp ít tiền thuốc thang, thế là ổn. Anh cả thương các em bận công việc nên cũng chẳng so bì, lại chấp nhận gánh vác hết. Anh làm không lại thì vợ phải phụ vào, cứ thế vợ chồng cần mẫn với trách nhiệm đó của mình.
Ảnh minh họa
Vợ chồng anh cả sinh được 2 con trai. Cả hai học hành giỏi giang, được doanh nghiệp ở nước ngoài mời sang đó làm việc. Chúng lấy vợ sống bên đó chẳng về nước nữa. Anh cả khác với bố mẹ, chẳng ràng buộc trách nhiệm các con phải sống gần, sống chung với mình. Vậy nên, cả hai đứa con trai, anh chẳng bắt đứa nào phải lấy vợ sống chung với bố mẹ giống như vợ chồng anh nên chuyện chúng sống hết ở nước ngoài anh cũng đồng ý.
Bố mẹ càng cao tuổi, con cái cũng có tuổi theo, vợ chồng anh cả đôi khi cũng xuất hiện bệnh nọ bệnh kia, phải đi viện điều trị. Bấy giờ, chuyện chăm sóc bố mẹ được anh cả phân cho các em thay nhau về quê đỡ đần anh chị vài hôm, hoặc đón bố mẹ về nhà riêng của mình để chăm sóc. Nhưng lần nào cũng vậy, đứa em nào cũng than trời với việc bố mẹ già khó tính, trái nết, chẳng chiều nổi. Vậy là, lần nào anh cả ốm đau vào viện thì mấy cậu em trai “xung phong” vào bệnh viện chăm sóc anh cả để chị dâu ở nhà chăm bố mẹ. Hoặc khi chị dâu cả ốm đau thì mấy cô em dâu cắt cử nhau vào viện chăm chị để anh cả ở nhà lo cho bố mẹ. Họ nói, chăm sóc anh chị còn dễ dàng hơn là bố mẹ. Ông bà theo đó mà chẳng ở được với con cháu nào ngoài vợ chồng con cả. Nhờ sự chăm sóc tận tình của vợ chồng con cả mà ông bà sống thọ. Cách đây 3 năm, ông yếu dần rồi mất, chỉ còn bà.
Đùng một ngày, anh cả ho ra máu, đi khám, bác sĩ kết luận bị ung thư phổi giai đoạn cuối khiến cả nhà choáng váng. Hai đứa con trai của anh từ nước ngoài bay về đón bố sang bên đó chữa trị, nhưng chưa được bao lâu thì phải đưa về vì bên đó bác sĩ cũng kết luận chẳng còn cơ hội nữa. Anh cả mất sau hai tháng phát hiện ra bệnh khiến cả nhà bị sốc nặng. Đặc biệt chị dâu cả, không thể chấp nhận nổi việc chồng mất nên sức khỏe suy giảm. Hai đứa con trai của anh chị bàn nhau đón mẹ ra nước ngoài sống với họ một thời gian cho khuây khỏa.
Vậy nên, sau khi lo việc hậu sự cho bố xong, hai đứa cháu cũng thông báo với các chú, các cô về việc đưa mẹ ra nước ngoài một thời gian, việc chăm sóc bà nội nhờ cậy hết vào họ. Bởi bà già yếu rồi, chúng chẳng thể đưa bà ra nước ngoài, mà có muốn bà cũng không chịu đi. Vậy là cuộc họp gia đình được triệu tập, việc bà về ở với ai, ở nhà nào, trong bao lâu bỗng trở thành vấn đề lớn đối với họ. Đến bây giờ, ai cũng nhận ra bao nhiêu năm nay mình chẳng hợp với bố mẹ thì bây giờ sống chung thế nào. Nhất là bà, người khó tính bậc nhất trong nhà, lâu nay chỉ có vợ chồng anh cả mới chiều được chứ chẳng ai chiều nổi.
Ảnh minh họa
“Anh cả mất rồi, mẹ ở với ai?”, người con trai thứ hai hỏi bà. Ngồi ở trên gường, bà cụ già 94 tuổi, mắt đờ đẫn nhìn vào di ảnh con trai cả trên bàn thờ bảo “mẹ ở với nó”. “Anh cả con không còn nữa, chị dâu ra nước ngoài với các cháu để chữa bệnh rồi. Bây giờ, mẹ phải về ở với chúng con thôi, mẹ thích ở với đứa nào?”.
Bàn tính là vậy nhưng khi bảo bà ở cụ thể với ai thì từng nhà lại đưa ra khó khăn của mình. “Nhà anh cao tầng, không có phòng ngủ ở tầng 1, mẹ già yếu thế này làm sao leo cầu thang được, nên ở nhà anh có vẻ không tiện”, con trai thứ hai nói. Hai cậu con trai còn lại cũng nêu những lý do bất tiện trong việc chăm mẹ, để sang cho hai cô con gái. Bấy giờ, hai cô con gái nói trong bất mãn: “Bọn em đón mẹ về chăm sóc một, hai tháng thì được chứ lâu dài thì không thể. Ai lại, nhà có ba con trai hẳn hoi mà mẹ lại sang nhà con rể ở, người ta cười cho”. Nói ra bàn mãi, cuối cùng, tất cả thống nhất, mỗi nhà đón bà về chăm sóc một tháng.
Vậy nhưng, bà ở nhà con thứ hai chưa được một tuần thì cuộc họp gia đình lại được mở ra. Lý do, bà quá khó tính, con cháu không thể nào chiều nổi. Cách sinh hoạt của bà cũng khiến cho vợ chồng họ chẳng thể nào đi đâu được. Trong khi đó, nếp sinh hoạt lâu nay của họ, vợ thì tham gia các công tác đoàn thể ở phường, chồng còn sinh hoạt các lâu lạc bộ bóng bàn, tennis… giờ họ như bị trói chân trói tay ở nhà với bà suốt ngày, vậy mà còn không yên thân với bà. Vậy nên thời hạn một tháng được rút xuống một tuần để nhà nào cũng không đảo lộn cuộc sống nhiều.
Rồi cái thời hạn một tuần ấy cũng không ổn vì bà không chịu chấp nhận cảnh cứ chốc chốc lại ôm quần áo đến nhà con này, con khác. Bà nhớ ngôi nhà ở quê, nhớ vợ chồng anh cả. Cứ thế, bà nằng nặc đòi về quê, bà bảo ở quê có con cả đêm đêm vào ngủ cùng bóp chân, bóp tay, rót nước. Đêm nào không ngủ được thì con cả nằm nghe hát chèo với bà cả đêm. Ở với đứa khác, không ai làm như thế với bà.
5 đứa con của bà đành phải đưa mẹ về lại ngôi nhà ở quê nhưng ai sẽ sống với bà ở đó thì lại là vấn đề nan giải.