Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng

H.M
Chia sẻ

Phim điện ảnh Mưa Đỏ đã chính thức ra mắt khán giả trong khuôn khổ buổi showcase được tổ chức tại Hà Nội.

Vừa qua, showcase phim chiến tranh Mưa Đỏ đã diễn ra hoành tráng tại Hà Nội. Đây là dịp để đoàn làm phim và các diễn viên chia sẻ hành trình thực hiện dự án, những kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình ghi hình tại Quảng Trị. Sự kiện cũng là cơ hội để khán giả có cái nhìn cận cảnh hơn về dàn diễn viên trẻ trung, đầy nhiệt huyết đã góp phần thổi hồn vào những nhân vật mang đậm chất sử thi giữa khói lửa chiến trường. 

Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng - 1

Dàn diễn viên "Tiểu đội 1" của Mưa Đỏ và đạo diễn Đặng Thái Huyền.

Mưa Đỏ là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với kịch bản của nhà văn Chu Lai. Bộ phim được thực hiện dựa trên cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng bảo vệ đến cùng Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Trận chiến này đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là minh chứng cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng - 2

Mưa Đỏ là phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng với kịch bản của nhà văn Chu Lai.

Nhân sự kiện đặc biệt này, nhà văn Chu Lai - tác giả của kịch bản Mưa Đỏ - đã đặc biệt đến ủng hộ bộ phim. Bên cạnh đó là các nghệ sĩ gạo cội, dàn diễn viên trẻ trong phim như: NSND Trần Lực, NSUT Trọng Hải, diễn viên Đinh Thúy Hà, Hứa Vĩ Văn, Đỗ Nhật Hoàng, Hạ Anh, Steven Nguyễn, Phương Nam, Lâm Thanh Nhã, Đình Khang, Hoàng Long...

Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng - 3

Đến tham dự sự kiện showcase, Tiểu đội 1 đã có mặt đông đủ, gồm các diễn viên trẻ thủ vai 7 người lính trong phim.

Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng - 4

Bác Nguyễn Văn Hợi - Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn K3 Tam Đảo, Đại tá Đào Văn Phê - Phó trưởng ban và Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can - những nhân chứng sống của mùa hè năm 1972 đã đến tham dự lễ ra mắt.

Cũng trong dịp đặc biệt này, đoàn làm phim, dàn diễn viên và các khách mời đã có dịp nhìn lại hành trình của ekip phim Mưa Đỏ với đúng 81 ngày đêm ghi hình tại Quảng Trị, vùng đất gắn liền với những trang sử oai hùng. Từ nắng gió khắc nghiệt, địa hình hiểm trở đến những bối cảnh chiến trường tái dựng công phu, mỗi thước phim là kết tinh của mồ hôi, công sức và cảm xúc chân thành của cả đoàn. Đây cũng chính là cơ hội để những người trong cuộc chia sẻ lại trải nghiệm đặc biệt ấy.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền đã chia sẻ lý do bộ phim Mưa Đỏ ra đời: “Tôi được tiếp cận với kịch bản của nhà văn Chu Lai vào khoảng thời gian 2012 - 2013 và tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó, tôi đã đọc một mạch không dừng lại và nước mắt không thể ngừng rơi. Một chi tiết mà tôi không cầm được nước mắt kể cả khi phim đang trong quá trình ghi hình là lúc các chiến sĩ vượt sông dưới làn pháo kích của địch, khi chới với giữa dòng, những người chiến sĩ chỉ có thể gọi 'mẹ ơi, vợ ơi'.

Nói về Mưa Đỏ lúc này vẫn còn quá sớm nhưng ekip đã không chỉ coi đây là một bộ phim mà là nén tâm nhang để tri ân những anh hùng đã ngã xuống. Khi thực hiện quay phim ở Quảng Trị, thời tiết khắc nghiệt và mưa triền miên nhưng toàn bộ ekip và các cơ quan binh chủng phối hợp không hề nản chí, tất cả đều quyết tâm thực hiện bộ phim dù khó khăn gian khổ tới mấy. Hơn cả một kỷ niệm, đó là cảm xúc sẽ theo chúng tôi đi đến hết cuộc đời”.

Nhìn thấy Mưa Đỏ từ những trang kịch bản nay đã bước lên màn ảnh rộng và sắp đến gần với khán giả đại chúng, nhà văn Chu Lai lần đầu nói về những cảm xúc đặc biệt này và lý do ông đã sáng tác tác phẩm: “Phim ảnh, tiểu thuyết hay trường ca đều không thể lột tả hết được tinh thần Quảng Trị và bộ phim này cũng chỉ là một lát cắt của lịch sử mà dân tộc đã trải qua. Lý do tôi viết Mưa Đỏ là vì tôi có một người em có anh ruột tên là Đặng Huy Cường - liệt sĩ của trận Thành cổ. Em ấy nói với tôi, hãy viết một kịch bản phim điện ảnh để em ấy gửi cho người con trai đang học điện ảnh ở nước ngoài có thể xem về người bác đã hy sinh.

Kịch bản Mưa Đỏ được viết từ năm 2010 nhưng cứ nằm mãi trong ngăn kéo, sau đó tôi chuyển tác phẩm thành tiểu thuyết và sau đó may mắn được làm thành phim. Năm tháng sẽ qua đi, chiến tranh rồi cũng kết thúc nhưng không có Thành cổ mưa máu, sẽ không có bầu trời xanh hôm nay”.

Với chủ đề và bối cảnh đặc biệt như Mưa Đỏ, nhà sản xuất Nguyễn Trí Viễn chia sẻ rằng: “Chúng tôi mang áp lực lớn khi phải đảm bảo phim được ra mắt vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, đó là khó khăn lớn nhất của tổ sản xuất. Phim bình thường hậu kỳ mất 6 tháng nhưng phim chiến tranh cần đến 1 năm, đồng thời việc xây dựng bối cảnh Thành cổ - bối cảnh lớn nhất của phim Việt Nam đến hiện tại cũng được thực hiện gấp rút trong 10 tuần, tất cả khâu sản xuất đều phải rút ngắn thời gian và tập trung để hoàn thành nhanh nhất. Vì thế chúng tôi phải sắp xếp vừa quay, vừa dựng tại hiện trường.

Và vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ekip và đạo diễn phải họp mỗi ngày để tìm ra phương án giải quyết. Để bộ phim hoàn thành đúng tiến độ, có lẽ các liệt sĩ Thành cổ cũng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Đồng thời, Mưa Đỏ là một bộ phim về đề tài chiến tranh, xuyên suốt quá trình quay phim đã có nhiều trang thiết bị, vũ khí tấn công, được huy động và sử dụng nhờ vào sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng để tăng tính chân thực cho bộ phim và tái hiện tinh thần lịch sử trọn vẹn nhất”. 

Đại diện Tiểu đội 1 để chia sẻ về quá trình nhập vai, cùng sống với nhân vật, diễn viên Đỗ Nhật Hoàng trong vai Cường chia sẻ: “Khi nhận vai Cường, em cảm thấy rất lo lắng vì đây là dự án lớn nhất cuộc đời em, không chỉ lớn về nội dung câu chuyện mà còn là ý nghĩa của dự án. Đây là cuộc chiến mà dù thắng, chúng ta cũng đã mất mát rất nhiều. Là một người trẻ sống trong hoà bình, em lo liệu bản thân có đủ khả năng để đối mặt với khó khăn này không. Nhưng nhờ vào sự động viên, tin tưởng của ekip và đạo diễn thì em không còn lý do nào để không tin vào bản thân nữa”. 

Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng - 5

3 diễn viên chính của Mưa Đỏ, lần lượt từ trái sang: Steven Nguyễn (Quang), Hạ Anh (Hồng), Nhật Hoàng (Cường).

Còn đối với Hạ Anh, cô gái lái đò tên Hồng, Mưa Đỏ chính là những trải nghiệm diễn xuất điện ảnh đặc biệt sau những vai diễn truyền hình của nữ diễn viên: “Ngay từ ngày casting, em đã có rất nhiều cảm xúc khi đọc những phân đoạn trong kịch bản và em đã thật sự vỡ oà khi nhận được vai diễn này. Ông ngoại em cũng liệt sĩ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị và cơ hội tham gia Mưa Đỏ cũng là cơ hội để em được kết nối với ông, với những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây. Đây là cơ hội không phải ai cũng có được, em thật sự rất trân trọng và biết ơn vì đã được là một phần của dự án ý nghĩa này”.

Lần đầu chạm ngõ với điện ảnh, Steven Nguyễn vào vai Quang - một người lính thuộc chính quyền ngụy Sài Gòn trong Mưa Đỏ, anh bày tỏ: “Đây có thể xem là dự án lớn nhất, cơ hội lớn nhất đối với những diễn viên trẻ như em. Em đã mong muốn được tham gia một bộ phim về chiến tranh từ rất lâu. Sau khi nghiên cứu về nhân vật Quang, em cảm thấy vai diễn này không đơn thuần là chân dung về người lính của phía bên kia mà còn thể hiện một phần tổn thương mà cuộc chiến đã gây ra. Em mong rằng sự góp sức nhỏ của bản thân sẽ góp phần truyền tải thông điệp về tình yêu nước đến những khán giả trẻ và chúng ta không được phép quên rằng tự do, độc lập, hoà bình hôm nay không tự dưng mà có”.

Phim điện ảnh Mưa Đỏ: Nhìn lại hành trình đưa trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị lên màn ảnh rộng - 6

Dàn diễn viên trẻ trung, nhiệt huyết của Mưa Đỏ.

Để khép lại buổi showcase giới thiệu bộ phim, Nguyễn Hùng - chủ nhân ca khúc Phép màu đình đám và cũng chính là diễn viên thủ vai Hải trong phim đã thể hiện ca khúc “Còn gì đẹp hơn”. Đây là cuốn sử thi của tâm hồn, nơi những tháng ngày chiến tranh khốc liệt không thể dập khát vọng hoà bình, thống nhất đất nước, tình yêu quê hương, tình cảm gia đình sâu nặng trong lòng người lính trẻ. Giữa những lúc khó khăn nhất, ngọn lửa quyết tâm chiến đấu vì giành hòa bình cho Tổ quốc vẫn vấn luôn bùng cháy mạnh mẽ.

Chia sẻ

H.M

Tin cùng chuyên mục