Nơi đây không chỉ là nơi an nghỉ của vị vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân mà là địa điểm tham quan cho những du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ, trữ tình.
Vị vua trị vì ngắn nhất triều Nguyễn và đám tang kỳ lạ của sử Việt
Vốn không phải là con ruột của vua Tự Đức, song ông lại trở thành con nuôi của vua nhưng Dục Đức (tên thật Ưng Công) được chọn làm người kế vị. Theo đó, ông là con thứ hai của Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, mẹ là Đệ nhất phủ thiếp Trần Thị Nga. Vì vua Tự Đức không có con nên năm Ưng Công 17 tuổi được chọn làm dưỡng tử và đổi tên thành Ưng Chân. Ngoài Ưng Chân, vua còn có hai người con nuôi khác là Kiên Giang quận công Chánh Mông và Dưỡng Thiện.
Dục Đức là vị vua có thời gian trị vì ngắn nhất triều Nguyễn (Ảnh minh họa).
Năm Canh Ngọ (1870) vua cho xây Dục Đức đường để làm nơi cho Ưng Chân ở, học hành và chọn làm Hoàng trưởng tử. Sau này khi làm vua, ông được gọi là Dục Đức xuất phát từ nơi ở của mình.
Năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức ốm sắp mất, vấn đề người kế vị được đặt ra. Việt Nam sử lược cho hay rằng vua Tự Đức chọn Ưng Chân làm người kế vị, nhưng trong di chiếu cũng răn trước những thói xấu của Ưng Chân để biết mà tu tâm dưỡng tính.
Di chiếu đó theo Nguyễn Phúc tộc thế phả ghi lại, có đoạn viết: “Đản vi hữu mục tật, bí nhi bất tuyên, cửu khủng bất minh, tình phả hiếu dâm diệc đại bất thiện, vị tất năng đương đại sự. Quốc hữu trưởng quân xã tắc chi phúc, xả thử hà dĩ tai” (Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây).
Lại để giúp vua mới, ba vị đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết được cử làm phụ chính đại thần. Hôm ấy nhằm ngày 14/6 năm Quý Mùi (1883). Hai ngày sau vua Tự Đức qua đời.
Bản thân hai trọng thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cũng không bằng lòng với Dục Đức. Tự Đức vừa mất, Dục Đức triệu tập quần thần ở điện Quang Minh, đề nghị bỏ đoạn di chiếu nói không hay về mình.
Đình thần tâu rằng đã tâu xin bỏ nhưng Tiên đế không chịu. Dục Đức lại yêu cầu các quan sĩ nghĩ thêm và tìm cách để "tránh hại cho việc nước". Khi đọc di chiếu nhường ngôi của Tiên đế, Trần Tiễn Thành cố tình lướt qua, nhưng bị hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phát hiện.
Sau lễ sắc phong, Trần Tiễn Thành bị hỏi tội làm sai lệch di chiếu và 2 đại thần cũng bẩm việc này lên Thái hậu Từ Dụ, vạch ra 4 tội của nhà vua, trong đó có tội cố tình sửa di chiếu của vua Tự Đức.
Trước sức ép của 2 vị đại thần quyền lực khuynh đảo triều đình, Thái hậu Từ Dũ không thể làm gì ngoài việc buộc phải đồng ý phế truất ngôi vị của Dục Đức chỉ sau 3 ngày lên ngôi.
Vua bị đưa vào quản thúc tại Dục Đức Đường. Sau đó, ông bị chuyển sang giam tại Thái Y Viện và cuối cùng qua đời vì đói và khát tại Ngục Thất Thừa Thiên.
Lăng vua Dục Đức nhìn từ trên cao.
Đám tang của ông vua xấu số này được đưa về An Cựu để mai táng trong địa phận chùa Tường Quang (chùa do một người thân bên vợ của vua Dục Đức lập ra năm 1871).
Gần đến nơi thì thi hài nhà vua bị rớt giữa đường do đứt dây, một người lính đã chạy vào chùa Tường Quang mời nhà sư trụ trì ra giải quyết. Cuối cùng, mọi người nhất trí chọn mảnh đất "thiên táng" đó làm nơi yên nghỉ đời đời của vua Dục Đức và mai táng qua loa cho xong chuyện. Ba ngày sau, vợ con của nhà vua mới được thông báo để làm lễ chịu tang.
Lăng mộ huyền bí của vị vua bạc mệnh
Tọa lạc tại phường An Cựu, TP.Huế, là một trong những khu lăng mộ nổi tiếng thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Đây là nơi an nghỉ của vua Dục Đức cùng hai vị vua Thành Thái và Duy Tân. Điểm đặc biệt của An Lăng nằm ở chỗ đây là lăng duy nhất không do nhà vua xây dựng mà do con cháu lập nên sau khi ông qua đời trong cảnh tù đày bi thương.
An Lăng - nơi an nghỉ của vua Dục Đức - vị vua ở ngôi ngắn nhất và mất do bị bỏ đói của triều Nguyễn đã mở cửa đón khách tham quan sau 6 năm trùng tu.
So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Lăng gồm hai khu vực: điện Long Ân và lăng mộ vua cùng Hoàng hậu, đều lấy cồn Phước Quả ở phía trước làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm.
Đặt chân đến An Lăng, bạn sẽ cảm nhận được không khí yên tĩnh, trang nghiêm phủ lên từng phiến đá rêu phong. Kiến trúc nơi đây mang đậm dấu ấn thời Nguyễn, nhưng lại tối giản, gần gũi với thiên nhiên. Không gian rộng lớn, được bao quanh bởi những hàng cây xanh mát khiến du khách cảm thấy thư thái, dễ chịu.
Đến An Lăng, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu câu chuyện bi thương của vua Dục Đức - vị vua chỉ tại vị vỏn vẹn 3 ngày trước khi bị phế truất. Đồng thời, An Lăng cũng là nơi an nghỉ của hai vị vua khác là Thành Thái và Duy Tân - những vị vua yêu nước, đấu tranh chống lại chế độ thực dân Pháp. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho những ai yêu thích lịch sử và muốn khám phá những câu chuyện đầy thăng trầm của thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Ngay sau khi lên làm vua, Thành Thái đã tìm lại mảnh đất cách chùa Tường Quang khoảng 200m năm xưa và cho xây dựng lăng mộ của cha với tên gọi là An Lăng vào năm 1889.
Không chỉ là điểm tham quan lịch sử, An Lăng còn là địa điểm tuyệt vời cho những ai yêu thích chụp ảnh. Với vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính cùng không gian xanh mướt, đây là nơi lý tưởng để tạo nên những bộ ảnh đầy chất nghệ thuật và độc đáo. Tuy nhiên, khi đến đây bạn cần phải chọn trang phục phù hợp, tránh làm mất vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của nơi đây.
Khu lăng mộ được bao bọc bởi những bức tường đá cũ kỹ, gạch lát loang lổ tạo nên cảm giác cổ kính. Vào những buổi sớm mai, khi màn sương mỏng bao phủ lên không gian rộng lớn, từng tia nắng len lỏi qua tán cây, tạo nên một khung cảnh vừa u tịch, vừa nên thơ.
Là địa điểm check-in thú vị không thể bỏ qua khi đến với vùng đất thơ mộng.
An Lăng không chỉ là điểm đến của những ai đam mê lịch sử mà còn là chốn bình yên để bạn tìm thấy sự thanh thản giữa lòng cố đô nhộn nhịp. Đến An Lăng, bạn sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính mà còn được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị Huế. Thử ghé qua An Lăng một lần và bạn sẽ hiểu tại sao nơi đây luôn giữ được sự hấp dẫn qua bao năm tháng.