Ứng dụng công nghệ số trong giao thông vận tải

Giang Nam
Chia sẻ

Giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí là ba vấn đề ưu tiên của Hà Nội khi thực hiện Đề án xây dựng Thành phố thông minh. Nắm bắt rõ nhiệm vụ cùng sứ mệnh đi trước mở đường, thời gian qua giao thông Hà Nội đã có những bước “chuyển mình”, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Những hiệu quả bước đầu

Được ví như “xương sống” của một quốc gia, giao thông càng đặc biệt quan trọng đối với các thành phố lớn, nhất là hệ thống giao thông thông minh ngày nay đã trở thành một trong những thành phần không thể thiếu, cung cấp cho người dân trải nghiệm di chuyển thuận tiện, an toàn; hỗ trợ đơn vị chức năng và cơ quan quản lý theo dõi, điều hành giao thông một cách hiệu quả, tối ưu hơn. Tại Hà Nội, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số vào công tác quản lý, vận hành, ngành Giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô cũng có những bước “chuyển mình”, thu được những kết quả tích cực.

Không khó để thấy, hiện trên nhiều tuyến phố Thủ đô không khó để bắt gặp những ứng dụng công nghệ số trong quá trình vận hành. Điển hình như cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là địa điểm đầu tiên được Sở GTVT Hà Nội thí điểm lắp đặt biển cảnh báo điện tử thông minh. Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (đơn vị thuộc Sở GTVT Hà Nội), cây cầu vượt này trước đây đã nhiều lần bị xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Từ ngày lắp biển cảnh báo, vi phạm đã giảm nhiều.

Ngoài ra, hiện 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT Hà Nội đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (4 dịch vụ toàn trình và 115 dịch vụ một phần). Việc cấp đổi các giấy tờ cũng được tối ưu hóa. Hiện người dân hoàn toàn có thể ở nhà và sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện cấp, đổi giấy phép lái xe.

Ứng dụng công nghệ số trong giao thông vận tải - 1

Giao thong Thủ đô ngày một đồng bộ

Ngoài ra, tháng 4 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đưa hệ thống thẻ vé ảo vào ứng dụng trong toàn hệ thống xe buýt của Thành phố. Giờ đây, thay vì phải ra trực tiếp các quầy bán vé, người dân có thể mua, đổi, gia hạn, sử dụng thẻ vé xe buýt chỉ bằng một thiết bị di động. Hoạt động này không chỉ tiết kiệm chi phí xã hội từ việc không sử dụng vé giấy, hơn nữa còn thuận tiện, tránh phiền hà cho hành khách khi không còn lệ thuộc vào vé giấy và tiền mặt. Với nhiều ưu điểm, hệ thống thẻ vé ảo đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng, hoan nghênh của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, việc đưa vào sử dụng thẻ vé ảo nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội về công tác chuyển đổi số nhằm hướng tới xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Hơn hết, việc sử dụng thẻ ảo giúp tiết kiệm chi phí phát hành thẻ vật lý, khách hàng không tốn thời gian và chi phí đi lại để nhận và dán tem trên thẻ vé tháng.

Được biết, thẻ ảo có giá trị sử dụng ngay sau khi đăng ký thẻ thành công (không mất thời gian chờ đợi 3-4 ngày lấy thẻ và không mất thời gian xếp hàng dán tem vé tháng như thẻ vật lý); thuận tiện khi đăng ký thẻ, gia hạn thẻ vé tháng cho người thân; theo dõi lịch sử dụng dịch vụ của cá nhân…

Thêm một “điểm sáng” nữa, trong tháng 4/2024, ứng dụng thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt đã được triển khai tại một số quận nội thành Hà Nội. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, từ ngày 15/4 đến hết ngày 17/6, Thành phố đã có 64 điểm ứng dụng công nghệ thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt tại 9 địa phương gồm: Hoàn Kiếm (22 điểm), Tây Hồ (8 điểm), Nam Từ Liêm (9 điểm), Cầu Giấy (9 điểm), Đống Đa (4 điểm), Hai Bà Trưng (4 điểm), Bắc Từ Liêm (3 điểm), Ba Đình (2 điểm), Long Biên (2 điểm).

Đáng chú ý, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc trông giữ xe thanh toán không dùng tiền mặt là một “việc dễ có thể làm ngay, đến liền tay ngay 3 lợi ích” cho cả Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân, đó là “Minh bạch - Thuận tiện - Văn minh hiện đại”. Thông qua việc này, người dân đồng thuận vì thu đúng giá, công khai minh bạch, dịch vụ chất lượng tốt, thuận tiện ra vào “không dừng”, dễ tìm kiếm đặt chỗ, giảm chi phí thời gian; chính quyền chống thất thu về thuế; còn doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Ứng dụng công nghệ số trong giao thông vận tải - 2

Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thông minh Hà Nội.

Hình thành hệ thống giao thông thông minh của  Thành phố

Đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tàng và là một trong các trụ cột chính của Thành phố thông minh.

Tại Hà Nội, với quy mô diện tích khoảng 3.358,6km2 và dân số khoảng trên 8 triệu người, Thành phố được xác định là một trong những trung tâm có nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa rất lớn. Để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý, vận hành, việc phát triển hệ thống giao thông thông minh, ứng dụng về công nghệ thông tin và tự động hóa vào quá trình vận hành là giải pháp tất yếu.

Trên thực tế, với hệ thống giao thông thông minh, người dân hưởng lợi khi lựa chọn được lộ trình phù hợp, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với nhà quản lý, ứng dụng giao thông thông minh sẽ giúp tối ưu hóa quá trình vận hành, nâng cao được công năng của cơ sở hạ tầng. Với đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, họ sẽ nắm bắt được nhu cầu của khách hàng để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ.

Là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Hà Nội. Tại Kỳ họp thứ 19, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026), Đề án giao thông thông minh, góp phần giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm... xây dựng Thủ đô thông minh đã được HĐND Thành phố thông qua. Về cơ bản, lộ trình phát triển cho hệ thống giao thông thông minh của Thành phố theo 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu tiên (2025-2027), thành phố hình thành và đưa vào khai thác vận hành Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, trong đó có bộ phận quản lý điều hành giao thông thông minh khai thác 9 chức năng, bao gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công chính; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công chính. Lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn tại 55 nút giao trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm.

Nhìn từ những kết quả ngành GTVT Thủ đô đạt được có thể thấy, Hà Nội đã đề ra một chiến lược chuyển đổi số trong GTVT phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng lâu dài. Trong quá trình chuyển đổi số tất nhiên sẽ không tránh khỏi những khó khăn bước đầu. Tuy nhiên, tin tưởng rằng với nỗ lực và quyết tâm, ngành GTVT Hà Nội sẽ là nhân tố đóng góp tích cực và toàn diện vào công cuộc chuyển đổi số của Thủ đô.

Chia sẻ

Giang Nam

Tin cùng chuyên mục

Người “giữ lửa” cho những cuộc đời đã tắt

Người “giữ lửa” cho những cuộc đời đã tắt

Pooja Sharma, một phụ nữ trẻ 26 tuổi đến từ Ấn Độ là một người phụ nữ đặc biệt. Sứ mệnh vượt qua định kiến xã hội và mất mát cá nhân sâu sắc của cô đã trở thành câu chuyện cảm động về lòng nhân ái và nghĩa vụ đối với những người yếu thế - câu chuyện phản ánh những mặt tối của xã hội cũng như sự dũng cảm và hy sinh cao cả.