Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Hành động nhỏ, thay đổi lớn
Tôi biết đến các thành viên nhóm Hà Nội Xanh trong một lần ra quân thu gom rác. Khi ấy nhóm đang miệt mài ngụp lặn bên dòng nước đen kịt ở khu Cầu Am (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Thời điểm đó, bên những dòng nước đen kịt là bạt ngàn những bọc rác, vỏ chai nhựa, vỏ hộp giấy... nổi lềnh phềnh, bốc mùi hôi thối đến mức chẳng ai muốn lại gần. Thế nhưng, chẳng ngần ngại, mỗi người mỗi việc, phối hợp nhịp nhàng. Người cào rác, người thu gom, người chất rác lên bờ để chờ xe chở đi… tất cả đều tự nguyện và thầm lặng.
Cuối năm 2022, nhóm Hà Nội Xanh ra đời với mong muốn giúp cho môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp. Nhóm sinh hoạt đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng với những chiến dịch ra quân dọn dẹp môi trường tại hầu khắp các “điểm đen” ô nhiễm của Thủ đô. Mỗi buổi, nhóm Hà Nội Xanh sẽ thu được khoảng trên dưới 100 túi rác, mỗi túi khoảng 20kg. Ngoài những thành viên cố định, nhóm thường xuyên đăng tuyển tình nguyện viên và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người trẻ. Thậm chí, có người ở tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hà Nam cũng tham gia.
Đến thời điểm hiện tại Hà Nội Xanh đã có hơn 1.000 tình nguyện viên. Nhóm đa phần là các bạn học sinh, sinh viên, ngoài ra có những người trẻ đã đi làm hay người đã có gia đình… Không kể độ tuổi, nghề nghiệp hay địa vị xã hội, đến với nhóm thiện nguyện này, mọi người đều mang trong mình một tình yêu môi trường, vì một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Một số dự án tiêu biểu trong năm 2024 được Hà Nội Xanh triển khai hiệu quả như: Dự án dọn rác tại xã Dương Quang (huyện Gia Lâm), xã Song Phương (Hoài Đức), cầu Mậu Lương (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), cầu Long Biên, kênh dài dọc Trường tiểu học An Khánh… Ngoài ra, Hà Nội Xanh còn triển khai thành công dự án đặt phao chắn rác số 1 tại cầu Mậu Lương, điểm phao chắn rác số 2, 3 tại xã Song Lãng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình)…
Các bạn trẻ lan toả thông điệp bảo vệ môi trường.
Sống xanh – những đổi thay từ nhận thức đến hành động
Bên cạnh sự lan tỏa thông điệp ý nghĩa của Hà Nội Xanh, hiện còn không ít người trẻ bằng các hành động khác nhau đã và đang góp phần thúc đẩy Thủ đô xanh hơn. Dự án “Sóng xanh Podcast” do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền sáng lập là ví dụ. Theo đó, qua loại hình truyền tải là Podcast, các bạn trẻ thực hiện dự án đã cung cấp cho thính giả xa gần những kiến thức cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến trầm trọng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với cuộc sống con người.
Tương tự, tại Hà Nội còn có nhóm bạn trẻ chuyên tổ chức các chương trình thu gom rác mang tên Hội Yêu rác. Tháng 10/2024, Hội Yêu rác đã tổ chức thành công chiến dịch trả lại màu xanh cho sông Hồng, quy tụ hơn 800 tình nguyện viên.
Chị Dương Hồng Ngọc, Hội phó Hội Yêu rác cho biết, bên cạnh dọn dẹp rác thải, Hội Yêu rác còn triển khai các dự án đắp đường, trồng cây xanh nhằm phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái. Các đợt trồng cây được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của các tình nguyện viên ở mọi lứa tuổi (trung bình 50-70 người tham gia một hoạt động), không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn đóng góp vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học.
Không chỉ hoạt động mạnh mẽ trong các nhóm, hội dọn dẹp rác thải, hiện còn có rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên tham gia các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện hành động bảo vệ môi trường như trồng cây gây rừng, làm đẹp phố phường, làng quê; sẵn sàng đi học, đi làm bằng phương tiện công cộng - xe buýt, tàu điện… Họ không ngại khó khăn, vất vả, dơ bẩn hay mất thời gian, công sức. Những người trẻ đã, đang "sống xanh" và tình nguyện hành động, lan toả lối sống ấy đến cộng đồng, xã hội.
Dù lối sống xanh mang lại nhiều lợi ích tích cực, nhưng hành trình theo đuổi nó không phải lúc nào cũng dễ dàng với người trẻ. Chị Nguyễn Thị Vân (trú tại quận Thanh Xuân) cho biết, bản thân chị luôn chọn các vật dụng thân thiện với môi trường, bởi nhận thức được tác hại của rác thải nhựa. Chị Nguyễn Thị Vân cho rằng, lối sống xanh không phải một khái niệm phức tạp hay cầu kì, mà nó bắt đầu từ các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất chính là điều kiện vật chất và môi trường sống chưa thật sự thuận lợi.
Theo tìm hiểu, hiện các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi vải, đồ dùng tái chế, thực phẩm hữu cơ… thường có giá thành cao, gây khó khăn cho những người trẻ còn đang đi học hoặc mới đi làm. Bên cạnh đó, khi sống trong một cộng đồng mà ý thức bảo vệ môi trường chưa đồng đều, việc duy trì thói quen xanh cũng dễ bị lung lay. Không ít bạn trẻ chia sẻ cảm giác “lạc lõng” khi tự mình phân loại rác, hạn chế nhựa dùng một lần, trong khi xung quanh vẫn thờ ơ với vấn đề môi trường.
Các bạn trẻ tham gia bảo vệ môi trường.
Tuy vậy, chính những khó khăn ấy lại càng khiến quyết tâm sống xanh thêm phần mạnh mẽ. Với nhiều người trẻ, hành động bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Các chiến dịch truyền thông sáng tạo, hoạt động cộng đồng và mạng xã hội đã góp phần tạo ra sức lan tỏa lớn, biến lối sống xanh thành một trào lưu tích cực. Khi được đồng hành cùng những người có chung lý tưởng, cảm hứng sống xanh càng trở nên mạnh mẽ và bền vững. Và hơn hết, việc nhận thấy những thay đổi dù nhỏ nhưng tích cực từ chính hành động của mình – như giảm rác thải nhựa, tiết kiệm năng lượng, hay lan tỏa nhận thức cho người xung quanh – chính là động lực lớn nhất để người trẻ tiếp tục sống xanh mỗi ngày.
Trở lại với câu chuyện những người trẻ đang thầm lặng truyền cảm hứng cho việc sống có trách nhiệm với môi trường, nhóm Hà Nội xanh cho rằng, việc lan toả thông điệp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai. Nếu mỗi hộ gia đình có trách nhiệm hơn trong việc xử lý rác tại nguồn như phân loại rác, vứt rác đúng chỗ, thì thế hệ trẻ có thể sinh sống và trưởng thành trong một môi trường trong lành và an toàn hơn.
Với nhóm Hà Nội Xanh nói riêng và những người trẻ nói chung, để duy trì và lan toả được ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu môi trường trước hết bản thân phải là người đi đầu và làm thật tốt trọng trách của người sáng lập ra dự án, thực hiện các biện pháp nhân rộng mô hình xanh tới các tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, cần quán triệt tinh thần hành động đi đôi với lời nói, điều này sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả trách nhiệm bảo vệ môi trường tới mọi người qua các hình thức truyền thông online và offline.
“Mục tiêu sắp tới của bản thân tôi và Hà Nội Xanh là tiếp tục sứ mệnh dự án của Hà Nội Xanh trong những năm qua, làm thêm nhiều dự án liên quan tới việc thu gom, phân loại rác tiết kiệm thời gian. Tại mỗi địa điểm Hà Nội Xanh đi qua, nhóm sẽ đặt các thùng rác công cộng để người dân có thể vứt rác vào thùng, giúp cho công việc thu gom dễ dàng hơn” – Trưởng nhóm Hà Nội Xanh Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.
Lối sống xanh không chỉ là xu hướng mà là sự lựa chọn cần thiết để bảo vệ môi trường và đảm bảo một tương lai tươi sáng cho thế hệ tương lai. Nhìn vào hành động của những người trẻ, dù cách thức và hành động khác nhau song họ đã và đang khơi dậy niềm tin vào những thay đổi tích cực, đặc biệt góp phần truyền cảm hứng cho hàng nghìn người khác cùng tham gia vào việc bảo vệ hành tinh. Lối sống xanh bắt nguồn ngay từ những việc làm giản đơn như tiết kiệm nước, giảm thiểu rác thải, đến việc tham gia các chiến dịch môi trường, chính là “chìa khóa” để xây dựng một tương lai bền vững.