Mỗi địa phương sẽ có cách chế biến khác nhau dựa trên nguyên liệu chính là thịt tai, mũi heo, bì,... thêm gia vị. Và mỗi người cũng sẽ có cách thưởng thức khác nhau để cảm nhận hết hương vị thơm ngon.
Tré là một loại đặc sản nổi tiếng tại các khu vực miền Trung, tương đồng với món nem tai hoặc nem nắm của miền Bắc, nhưng chắc chắn khi thưởng thức tré sẽ có những điểm khác biệt. Đa số mọi người khi thưởng thức để có chung cảm nhận, món tré thơm ngon, khi nhai giòn sần sật, bùi bùi lại có vị chua rất đặc trưng.
Món tré đặc sản trứ danh miền Trung
Đặc sản tré có từ rất lâu nhưng cho đến ngày nay chưa có một tài liệu ghi chép cụ thể nào về nguồn gốc xuất hiện của tré. Chỉ biết rằng, ở các khu vực miền Trung, tré trở thành một trong những món ăn gia truyền và luôn xuất hiện trên các mâm cỗ của bất kì nhà nào, đặc biệt là mỗi khi dịp xuân về. Từ món ăn dân dã, tré ngày càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng.
Đối với người dân miền Trung, tré là món ăn gói gọn tất cả "hương đồng gió nội" vì được chế biến từ các nguyên liệu thân thuộc của quê hương. So với các món nem công chả phượng hay những đặc sản nổi tiếng khác, tré không hề lép vế mà còn thu hút mạnh mẽ du khách thập phương bởi hương vị có một không hai.
Tré khi chế biến trông khá giống với nem nắm
Thoạt nhìn qua tré gần giống như món nem nhưng lại có cách chế biến hoàn toàn khác. Thành phần của món tré rất phong phú với tai heo, thịt ba chỉ, một ít thịt bò, riềng và mè trộn lẫn với nhau, gói trong lá chuối. Đơn giản là thế nhưng để có món tré ngon phải chế biến đúng cách.
Tai heo, thịt ba chỉ, thịt bò là 3 nguyên liệu chín làm nên món tré của người miền Trung. Các loại thịt này được rửa sạch và có cách chế biến khác nhau. Thịt ba chỉ cho lên chảo và ram vàng, tai heo sau khi rửa sạch được luộc chín. Riêng thịt bò, được rim trên chảo với nước mắm và đường cho thấm.
Tré được tạo thành khuôn
Các loại thịt trên sau khi sơ chế được thái thành từng sợi nhỏ. Riềng được gọt vỏ thái sợi, tỏi bỏ vỏ giã nát, mè rang vàng. Trộn đều riềng, tỏi, mè cùng các loại thịt lại với nhau và nêm gia vị vừa ăn. Sau đó, chỉ cần nắm chặt thành từng phần nhỏ, gói lại là xong.
Bên cạnh đó, một điều làm nên nét khác biệt cho món ăn này chính là tré được bao bọc bên ngoài bằng rơm khô. Người ta sử dụng rơm khô lấy từ thân lúa, được tuyển chọn kĩ, chỉ giữ lại những sợi suôn óng.
Khâu gói tré được coi là công đoạn quan trọng, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làm. Tré miền Trung phải được gói trong lá ổi, bọc thêm lớp nilon. Sau đó lấy một nắm rơm, cột chặt một đầu, để rơm xòe đều rồi đặt gói tré vào giữa sao cho các sợi rơm phủ đều bên ngoài.
Cuộn rơm lại, cột dây bên ngoài bằng lạt tre hay dây nhựa rồi túm chặt buộc đầu còn lại. Dùng kéo cắt rơm thừa sao cho 2 đầu tré dài bằng nhau, tăng tính thẩm mỹ của món ăn. Sau đó, đặt chúng ở nơi khô ráo, tầm khoảng 3 - 4 ngày là có thể dùng được.
Tré được gói ghém cầu kỳ
Tùy theo thói quen và khẩu vị của một số vùng tại khu vực miền Trung mà tré được chế biến khác nhau. Tuy nhiên, cách thưởng thức tré dường như không có điểm khác lạ giữa các vùng miền mà phụ thuộc vào sở thích của mỗi người.
Chẳng hạn, có người dùng tré kèm với một ít tỏi muối chua (hoặc tỏi tươi), ăn như món khai vị. Hoặc dùng tré ăn kèm với bánh đa và một số loại rau sống (dưa leo, đu đủ bào, chuối chát,...) và dưa món (hoặc dưa kiệu, dưa chua) rồi chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc tương ớt.
Thậm chí, một số người có cách ăn tré rất độc lạ. Họ dùng nĩa đánh tơi tré (không đánh nát) vào một cái chén. Sau đó, cho một ít tương ớt, nước cốt chanh, đậu phộng rang và ít rau húng quế, trộn đều rồi thưởng thức.
Có nhiều cách thưởng thức món tré
Ăn tré là cảm nhận cái vị bùi bùi thơm ngon của thịt bò, cái giòn sần sật của tai heo, thơm nồng của các loại gia vị cùng vị chua đặc trưng, vừa ngon miệng vừa không cho cảm giác ngấy. Từ một món ăn chơi của người dân miền Trung, ngày nay, tré đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng. Du khách có dịp đi ngang các tỉnh miền Trung, ai cũng muốn mua ít xâu tré về làm quà cho bạn bè, người thân.