Chị Phương còn luôn cảm thấy mình thật may mắn khi đã tìm được đúng người yêu thương, trân trọng vợ con.
Dậy từ 5h sáng khi nhiều người còn đang say giấc, chồng chị Nguyễn Phương (Hưng Yên) lại lặng lẽ vào bếp chuẩn bị bữa sáng và bữa trưa cho vợ mang đi làm. Mỗi hộp cơm được anh nấu nướng chỉn chu, thay đổi thực đơn hằng ngày sao cho hợp với khẩu vị vợ, vừa ngon miệng lại đủ dinh dưỡng.
Với chị Phương, những hộp cơm ấy không chỉ đơn thuần là bữa trưa mang theo đến công sở, mà còn là một phần yêu thương giản dị từ chồng. Mỗi lần mở nắp cơm, nhìn món ăn quen thuộc được bày biện gọn gàng, trong chị lại dấy một niềm vui nhỏ len vào giữa ngày làm việc, một cảm giác được chăm sóc, được để tâm mỗi ngày.
Tình yêu đôi khi không cần đến những điều lớn lao, chỉ một bữa cơm chờ sẵn sau giờ tan ca, hay một câu khen nhẹ nhàng sau khi thưởng thức món ăn, cũng đủ khiến người ta thấy ấm lòng. Với chị Phương, căn bếp nhỏ chính là nơi giữ lửa cho hạnh phúc ấy, nơi những yêu thương được trao gửi qua từng bữa ăn.
Việc vào bếp từ lâu đã là một phần quen thuộc trong nhịp sống thường ngày, một sở thích bình dị mang lại niềm vui cho chị sau giờ làm việc. 9X tâm sự, thường thì chính tay mình nấu nướng, không phải vì ai ép buộc mà bởi bản thân thật lòng yêu thích việc chăm chút từng bữa ăn. Sau mỗi lần nấu xong, chị hay dành thêm đôi phút để sắp xếp các món sao cho gọn gàng, đẹp mắt rồi chờ chồng về thưởng thức.
Có lẽ với chị, điều khiến mình háo hức nhất chính là khoảnh khắc chồng bước vào nhà, nhìn mâm cơm rồi mỉm cười: “Món này ngon quá”, hay “Em nêm vừa thật đấy”. Những câu nói tưởng chừng đơn giản ấy lại mang đến cho chị niềm vui khó tả, bởi đó không chỉ là sự khen ngợi, mà còn là sự thấu hiểu và yêu thương gửi gắm qua từng bữa cơm.
Thế rồi khi mang thai, mọi thứ bắt đầu thay đổi, người vào bếp lại là chồng chị. 9X cho biết, trước khi kết hôn, anh không nấu ăn mà phần lớn các bữa của anh đều là ngoài hàng. Nhưng kể từ khi có gia đình, anh bắt đầu tự tìm hiểu công thức rồi dần dần vào bếp nấu cho vợ. Chẳng biết từ lúc nào, chuyện bếp núc vốn xa lạ lại trở thành một phần quen thuộc trong ngày và nấu ăn lại thật bất ngờ cũng trở thành sở thích của anh.
"Mình khá là kĩ tính và cầu toàn trong mọi việc nên đợt đầu mới cưới thì mấy món đơn giản mình giao cho chồng mình nấu. Món nào phức tạp mình sẽ nấu và yêu cầu chồng đứng bên cạnh để xem học cách nấu phòng lúc mình không nấu được. Rồi đến lúc có bầu, mình mới thấy cách làm này của mình quá là đúng đắn. Chồng mình từ 1 người không thích nấu ăn lại trở thành người mê bếp và từ một người chỉ biết nấu vài món cơ bản lại có thể nấu ngon như bây giờ", chị Phương tự hào nói.
Nhắc đến những hộp cơm mang đi làm trong suốt thời gian mang bầu, chị Phương vẫn không giấu được sự cảm động. “Những hộp cơm mình mang đi làm 100% là chồng mình nấu và chuẩn bị cho mình”.
Thời điểm đó, chị đang mang thai, bác sĩ khuyên nên hạn chế đi lại để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con. Văn phòng chị làm lại nằm trên tầng hai, cách nhà ăn công ty khoảng 300m, một quãng đường không xa với người khỏe mạnh, nhưng với phụ nữ mang thai, lại là cả một sự mệt nhọc. Biết vậy, chồng chị quyết tâm vào bếp mỗi sáng, nấu cơm rồi chuẩn bị từng món thật cẩn thận để vợ mang theo.
“Để làm được những hộp cơm ngon, chỉn chu cho vợ thì chồng mình sẽ phải dậy từ 5h-5h30 vì ngoài bữa trưa thì anh còn chuẩn bị luôn đồ ăn sáng cho 2 vợ chồng. Khoảng mất 1h-1,5h sẽ hoàn thành cả bữa sáng và trưa. Cũng tuỳ vào hôm nào nấu món cầu kì thì phải dậy sớm hơn và mất thời gian hơn. Hôm nào nấu món đơn giản thì sẽ dậy muộn hơn và làm sẽ hết ít thời gian hơn”, 9X kể. Mỗi lần mở nắp cơm giữa giờ trưa, chị dường như cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của chồng qua từng món ăn được sắp xếp gọn gàng, hợp khẩu vị ấy.
Hôn nhân đôi khi chẳng cần lời hoa mỹ, chỉ cần những hành động nhỏ được lặp lại mỗi ngày như cách ông xã của chị Phương lặng lẽ vào bếp, chuẩn bị từng hộp cơm cho vợ theo đúng sở thích và thói quen ăn uống của 9X. Chị Phương cho biết, mỗi lần nấu, anh đều để tâm từng chút một, không hành, ít dầu mỡ, nêm nếm thật nhạt, đúng kiểu chị thích.
Không chỉ vậy, anh còn ưu tiên chọn những món đơn giản, dễ làm để kịp cùng chị ăn sáng rồi đưa chị đi làm mỗi ngày. Cứ tối đến, anh lại hỏi vợ mai muốn ăn gì, rồi lựa thực phẩm sẵn trong tủ, phần lớn là do hai bên gia đình gửi lên để rã đông. Bữa trưa và tối được tính toán kỹ lưỡng sao cho không trùng lặp, vừa ngon miệng lại không bị ngán, vừa giúp mẹ khỏe, con khỏe.
Chị bảo, cơm chồng nấu không chỉ ngon mà còn đẹp mắt, sạch sẽ, lại đủ đầy dưỡng chất. Suốt thai kỳ, chị chưa từng phải ăn ở bếp công ty, tất cả đều do anh lo. Nhìn lại chặng đường hai năm hôn nhân, chị thấy mình thực sự may mắn vì có người bạn đời chu đáo đến thế. Năm đầu còn cùng nhau san sẻ việc bếp núc, nhưng từ khi có em bé, anh gần như là người giữ bếp chính không kêu ca, không nề hà.
Những hộp cơm ấy không chỉ khiến chị thấy mình được yêu thương, mà còn khiến người ngoài nhìn vào cũng phải xuýt xoa. “Đồng nghiệp mình hay khen cơm hấp dẫn, sạch sẽ, trông bắt mắt lắm. Có mấy em còn đùa là mai mốt cũng phải tìm được chồng như chồng mình mới chịu lấy”, chị cười.