Cơm áo không đùa với... hôn nhân

Anh chủ tiệm: Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Ai chả muốn lãng mạn kia chứ? Nhưng cơm áo không đùa với hôn nhân. Nhiều người nói vậy để bao biện cho việc hôn nhân của họ không còn lãng mạn nữa. Nhưng tiền có phải là thứ quyết định việc lãng mạn của hôn nhân?

ĐỪNG ĐỂ TIỀN LÀM BẠC HÔN NHÂN

Khi nói về sự lãng mạn, nuôi dưỡng hôn nhân, giữ lửa hôn nhân nhiều phụ nữ nói với tôi rằng: Cơm áo không đùa với khách thơ. Rằng: Kinh tế mà ổn định, vững vàng thì mới nói chuyện lãng mạn được. Chứ đầu tắt mặt tối cả ngày làm sao còn tâm trạng? Rồi: Anh là đàn ông làm sao hiểu những vất vả của chị em. Chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, nói là đàn ông vất vả mang tiền về cho vợ nhưng người vợ còn vất vả hơn khi co kéo từng đồng chi ra. Có khi còn vất vả hơn.

Tôi hiểu chứ! Nhưng vất vả không phải lý do khiến chúng ta ngừng yêu thương, ngừng sự quan tâm nhau hay thậm chí từ chối quyền được hạnh phúc. Giống như những người cha, người mẹ đầu tắt mặt tối kiếm tiền để sinh tồn, lo cho con ăn học nhưng rồi đứa trẻ đó nói là nó không được hạnh phúc. Ta mắng nó không biết nghĩ cho sự vất vả của cha mẹ mà đâu biết rằng trong suy nghĩ non nớt của nó, được thấy nụ cười của mẹ cũng là hạnh phúc. Hoặc chỉ đơn giản, ngồi chơi cùng nó, nghe nó huyên thuyên thôi là đủ để chúng ta trở thành “cha mẹ tớ rất tâm lý”.

Hôn nhân cũng vậy, nhiều khi hôn nhân cũng giống như một đứa trẻ, nó chẳng mơ mâm cao cỗ đầy mới là hạnh phúc, “râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” vậy! Lãng mạn đâu cứ phải tặng nhau dây chuyền, đưa nhau vào nhà hàng hay tay trong tay dắt nhau đi dưới mưa mới là lãng mạn? Nuôi dưỡng hôn nhân đôi khi chẳng phải bằng việc cho hôn nhân đó được ăn no, mặc ấm bằng số tiền kiếm ra được đâu. Giữ lửa hôn nhân càng chẳng phải có nhiều tiền để đốt, để neo giữ ngọn lửa cháy thêm đâu.

Cơm áo không đùa với... hôn nhân - 1

Ảnh minh họa

Tôi hiểu chứ! 24 tiếng/ngày, 365 ngày/năm chúng ta dùng toàn bộ thời gian của mình, sức khoẻ của mình, tâm trí của mình cho việc làm sao bữa cơm này có thịt, thậm chí, bữa cơm này đủ gạo để thành cơm thay vì phải ăn cháo. Nên làm sao ta dám ngưng nghỉ giây phút nào nếu như ráo mồ hôi là tiền cũng ráo theo. Nhưng mà này, ai cũng cần được sạc đầy bởi người mà ta yêu thương mà. Là năm tháng kia đã qua sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Là vất vả nọ nếu choán hết tâm trí ta, nó sẽ biến ta thành ra cái gì?

Tôi sợ lắm những cuộc hôn nhân mà tiền làm bạc nó đi. Sợ lắm những phụ nữ trên môi chỉ chuyện tiền nong, gặp mặt chỉ thấy nếp nhăn từ những tiếng thở dài, từ những vất vả, từ những lo toan. Sợ cả những người đàn ông không giúp được gì cho vợ. Sợ giùm cho cả những đứa con chỉ mong những điểm 10 sẽ giúp nó lớn nhanh hơn kiếm ra tiền cho mẹ đỡ vất vả.

VẬY PHẢI LÀM SAO ĐỂ NGHÈO VẪN HẠNH PHÚC?

Không! Chẳng có cái nghèo nào mang đến hạnh phúc cả. Nhưng cũng chẳng có cái nghèo nào ngăn cản chúng ta đến với hạnh phúc. Thứ ngăn cản chúng ta đến với hạnh phúc chính là lòng chúng ta, tâm trí của chúng ta, nỗi tự ti của chúng ta.

Có một điều tôi muốn bạn nhớ và tin rằng: Nghèo là chuyện của hôm qua, hôm nay. Nó không phải là chuyện của ngày mai. Là nốt hôm nay ta nghèo, ngày mai nhất định ta sẽ khác hôm nay, tốt hơn hôm nay. Là bạn phải giữ được sự hy vọng thay vì mất lòng tin vào tương lai của mình. Muốn vậy, thứ bạn cần là lòng tin vào bản thân mình. Nếu ngay cả bản thân mình bạn cũng không tin thì kiếp nghèo này mãi mãi chẳng bao giờ chấm dứt.

Đừng để tranh cãi của hai vợ chồng chỉ toàn chuyện tiền nong. Hãy cởi mở với nhau bằng những cuộc trò chuyện thay vì giải quyết mâu thuẫn bằng cãi vã. Hãy trao đổi với nhau về tiền bạc. Đôi khi chuyện “nếu chúng ta có 1 tỷ chúng ta sẽ làm gì” cũng sẽ thành một sự lãng mạn khi hai vợ chồng cùng mơ mộng. Hơn cả giấc mơ nếu như thông qua đó bạn hiểu hơn về bạn đời của mình, ước mơ của họ khi có tiền và cả điểm mạnh, điểm yếu của bạn đời về vấn đề tài chính. Rồi từ đó, hai vợ chồng có thể nói đến những vấn đề lớn hơn như làm thế nào để có 1 tỷ đồng, kế hoạch lập ngân sách, tiết kiệm và chi tiêu trong tương lai.

Khi hai bạn đã có đủ “thông số” về đối phương trong quan niệm tiền bạc, chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra tiếng nói chung trong việc lên những kế hoạch chi tiêu rõ ràng hơn. Xây dựng các thói quen rà soát lại vấn đề tài chính của hai vợ chồng. Và quan trọng hơn, chúng ta đang có một mục tiêu chung để cùng nhau hướng tới. Hãy nhớ: Hai bạn là vợ chồng

Cơm áo không đùa với... hôn nhân - 2

Ảnh minh họa

Hầu hết những cuộc tranh cãi về tiền bạc của các cuộc hôn nhân thường xảy ra ở việc thái độ chúng ta với tiền bạc bao gồm thái độ của chúng ta với cách tiêu tiền của bạn đời. Như bạn đời chi tiêu bốc đồng. Như những khoản nợ mà chúng ta đang phải gánh vì bạn đời. Thay vì chúng ta để cho mình bị cuốn đi theo cảm xúc tiêu cực đó, hãy chậm lại bằng việc nhớ: Chúng ta là một gia đình. Vì là một gia đình nên nỗi lo này sẽ là nỗi lo chung. Là đứng về phía nhau để cùng đối diện và chiến đấu thay vì chỉ mình bạn hoặc đổ cho bạn đời phải chịu.

Nhiều cuộc tranh cãi khác lại là việc một trong hai kiểm soát chi tiêu hoặc việc cho người thân vay tiền trong khi vợ chồng đang không dư dả về tài chính. Lúc này, việc của chúng ta là sự thành thật và thẳng thắn. Việc kiểm soát chi tiêu nếu vượt quá giới hạn nó sẽ trở thành bạo hành kinh tế. Vì thế bạn nên nhìn nhận việc này như một vấn đề về sự an toàn của bạn. Liệu duy trì cuộc hôn nhân này có thực sự là cần thiết? Trong trường hợp này, kết thúc hôn nhân chính là quyết định hạnh phúc cho bạn. Bởi bạn đời của bạn chưa bao giờ quan tâm đến hạnh phúc của bạn.

RỦNG RỈNH TRONG CUỘC HÔN NHÂN NÀY

Tài sản của một cuộc hôn nhân vốn chẳng phải là cái nhà, cái xe, số tiền có trong tài khoản. Tài sản của hôn nhân cũng chẳng phải “lấy chồng lãi nhất đứa con”. Tài sản của hôn nhân là những năm tháng chúng ta đã đi qua và những tháng năm chúng ta muốn vì nhau mà sống tiếp, muốn được sống tiếp cùng nhau. Thời gian chính là thứ tài sản quyết định việc giàu nghèo của chúng ta.

Vợ chồng giàu là vợ chồng dành nhiều thời gian chất lượng bên nhau. Là sự ưu tiên của chúng ta khi dành cho nhau. Năm tháng đã qua như những “bất động sản” của ký ức. Năm tháng hiện tại như phương tiện chuyên chở hai ta. Năm tháng tương lai chính là nguồn tích luỹ mà chúng ta có.

Khi vợ chồng cùng có ý niệm về thời gian tương đồng, chúng ta sẽ trở nên giàu có là thế. Chẳng có gì tuyệt hơn khi trở về nhà, được ở bên nhau. Hạnh phúc gì bằng có một người cùng chia sẻ thời gian cùng ta. Hãy tặng nhau thời gian để hôn nhân tặng ta những mai này thiết tha vậy!

Chia sẻ

Anh chủ tiệm: Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Tình già

Tình già

“Mẹ ơi, con xin phép đưa bố lên trông nhà cho vợ chồng con mấy bữa, khi nào ổn thỏa thì con lại để bố về với mẹ, được không ạ?”.

Caramel mùa hè

Caramel mùa hè

Món caramel ấy, dù đã mấy chục năm trôi qua, vẫn còn trong trí nhớ tôi - ngọt đắng đan xen, mềm như lòng bàn tay của bà, và gợi nhớ nhung như một đêm hè.

Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.

Làm vợ

Làm vợ

Từ bé được mẹ chiều chuộng, lấy chồng lại được yêu thương, Ngọc kết hôn gần một năm mà chưa từng nấu nổi một bữa cơm cho chồng. Cô tin phụ nữ hiện đại không cần bếp núc để giữ chân đàn ông. Cho đến khi mẹ chồng lên chơi vài ngày, những lời chê trách khiến cô hiểu: Yêu thương, nếu không biết giữ, rồi cũng sẽ nguội lạnh mà rời đi…

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Ngân xuất hiện ở phòng tư vấn với đứa con trai hơn một tuổi kháu khỉnh. Nhìn đứa bé bụ bẫm, dễ thương trong sáng như thiên thần bên người mẹ có học thức, xinh đẹp, không ai nghĩ họ lại là nạn nhân bạo lực gia đình gần hai năm nay.

Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.

Dặm muối cho hôn nhân

Dặm muối cho hôn nhân

Mai chẳng biết hôn nhân trở nên nhạt nhẽo từ lúc nào, chỉ biết là gần đây, cô và chồng chẳng còn có sự đồng điệu. Những câu chuyện mà người nói cũng nói cho có, còn người trả lời thì trả lời cho xong...

Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.

Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...

Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo

Phụ nữ nhẹ dạ và cạm bẫy lừa đảo

Trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, không ít gia đình đang phải đối mặt với những “cơn sóng ngầm” âm thầm phá hoại hạnh phúc. Một trong số đó là tình trạng các chị em nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo tinh vi. Vấn nạn này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn để lại những vết rạn trong hôn nhân, đẩy nhiều cặp đôi đến bờ vực tan...