Tây Nguyên sở hữu những món ăn ngon "hết hồn" mà bạn nhất định phải thưởng thức qua.
Gà nướng Bản Đôn
Nếu được một lần đặt chân đến Tây Nguyên, và đang muốn thưởng thức những món ăn đặc sản, thì gà nướng Bản Đôn là một trong những món mà du khách nên thử. Là món ăn dân dã của người đồng bào dân tộc thiểu số, gà nướng Bản Đôn không khó để thực hiện.
Gà được chọn để chế biến là loại gà thả vườn mới lớn, chủ yếu ăn mồi côn trùng, thịt săn chắc, không dai. Gà sau khi làm sạch, sẽ được mang nguyên con ướp cùng muối ớt, nước sả và một ít mật ong rừng. Gà ngon nhất là phải được nướng quay đều trên lửa than và ăn kèm cùng muối ớt rừng xanh. Trong văn hóa ẩm thực của người dân Tây Nguyên, thì gà nướng Bản Đôn là một trong những món ăn hấp dẫn mang đến hương vị đặc trưng khó quên.
Canh thụt
Canh thụt là món ăn rất đặc biết có nguồn gốc từ dân tộc M’Nông. Đây là một trong những đặc sản mang đậm hương vị và thể hiện bản sắc văn hóa của đông bào Tây Nguyên.
Món được đặt tên là canh thụt bởi cách chế biến độc đáo của nó. Tất cả các nguyên liệu sẽ được thụt vào ống tre để nấu chín, tương tự như nấu cơm lam. Để nấu món này cần có lá nhíp, cà đắng, đọt mây, ớt, cá suối, thịt động vật. Nghe đến tên các loại nguyên liệu thôi đã đủ để bạn hiểu về sự hoang dã mang tính sơn nước của món ăn này.
Sự kết hợp hoàn hảo của các loại nguyên liệu đã tạo nên một món ăn độc đáo gây thương nhớ với khách thập phương. Nếu một lần đến vùng đất Tây Nguyên thì đừng bỏ qua món canh độc đáo say đắm lòng người này nhé.
Gỏi lá Kon Tum
Gỏi lá là món ăn lọt top 10 đặc sản Việt Nam bởi những giá trị ẩm thực sâu sắc mà nó sở hữu. Đây là một món ăn tuyệt ngon chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai thưởng thức nó. Gỏi lá Kon Tum được lựa chọn bởi 40 loại lá khác nhau với nhiều tác dụng thần kỳ, các lá được cuốn thành hình phễu rồi gắp thức ăn vào trong.
Gói lá đặc biệt có thể ăn kèm với nhiều loại thịt khác nhau, tùy theo khẩu vị của người dùng như thịt ba chỉ, da heo đã thái mỏng hay tôm rang... Một điều không thể thiếu để làm nên vị ngon của gỏi lá chính là thứ nước chấm sền sệt, đầy đủ hương vị ngọt, chát, chua chua và béo ngậy hòa quyện. Ăn gỏi cuốn mà uống thêm ngụm rượu cây ủ lâu năm thì không còn gì tuyệt vời bằng!
Phở khô Gia Lai
Phở khô Gia Lai là một đặc sản không thể không thưởng thức khi du lịch Tây Nguyên. Khác với các món phở truyền thống khác, phở khô Gia Lai sẽ có 2 tô riêng biệt.
Một tô là phở trộn với các món ăn kèm khác như hành phi, thịt băm, cà rốt thêm chút ớt xay. Tô còn lại sẽ là nước dùng bò kèm theo thịt bò và bò viên để bạn chan riêng. Nếu ai không thích ăn hành lá thì lưu ý nên nhắc trước người bán nhé.
Một khác biệt nữa của phở khô Gia Lai chính là tương đen. Đây là một loại tương được làm từ đậu nành lên men, đường vàng chuẩn Gia Lai. Tương đen được trộn ăn chung với phở khô, thêm chút nước lèo, rau sống thì ngon tuyệt vời.
Lẩu cá lăng
Dòng sông Sêrêpôk hoang dã chảy qua địa bàn huyện Krông Nô, Chư Jút là một điểm thu hút khách du lịch. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, dòng sông Sêrêpôk còn có một loại thủy sản nổi tiếng thơm ngon, đó chính là cá lăng. Thịt cá lăng ngọt bùi, rắn chắc, ít xương, cá lăng thường được người dân Tây Nguyên chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn, trong đó ngon nhất là lẩu cá lăng.
Có tác dụng giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, lẩu cá lăng mang đến hương vị đậm chất núi rừng. Vị ngọt tự nhiên của thịt cá lăng hòa quyện cùng cái chua thanh mát của các loại gia vị sẽ làm cho du khách ăn một lần là nhớ mãi. Thường thì món này sẽ ăn kèm với các loại rau như cần tây, rau đắng, bạc hà, cải xanh… Ngoài ra, ở một số nơi người dân còn “sáng tạo” nấu lẩu cá lăng với măng rừng cho hương vị độc đáo, đặc trưng.
Bún đỏ Đắk Lắk
Gọi là bún nhưng món ăn này khác hẳn những loại bún bình thường mà bạn ăn, không chỉ từ hình dáng, màu sắc mà còn trong cả hương vị. Với món bún đỏ Đắk Lắk, bạn sẽ thấy sợi bún không có màu trắng như bình thường vì nó đã được cho vào nồi nước dùng nấu từ xương heo, gạch cua và đặc biệt là hạt điều để có được màu đỏ bắt mắt như vậy.
Bún đỏ Đắk Lắk có sợi bún to, dai giòn. Ăn với bún là nước dùng được nấu với gạch cua làm từ thịt cua, thêm vài lát thịt lợn thái mỏng và tóp mỡ, trứng cút luộc, kèm chút rau cần, giá đỗ hay rau cải điểm màu xanh bắt mắt. Tất cả hương vị hòa quyện với nhau, tạo thành món bún làm nức mũi thực khách, đã ăn thì không thể nào quên.
Nhộng sâu muồng
Nhộng sâu muồng là món ăn đặc sản Tây Nguyên dành riêng cho những thực khách muốn thử thách lòng can đảm. Được biết, nhộng sâu muồng thường có nhiều vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa mưa. Nhộng sâu muồng có vỏ ngoài khá cứng, cầm lên có cảm giác con nhộng rục rịch bên trong.
Nhộng sâu khi bắt về được chế biến khá đơn giản. Sau khi đem đi rửa sạch, nhộng sâu muồng được ướp với ớt xiêm xanh, tỏi băm, tiêu rồi đem đi xào với rau thơm và lá chanh. Món nhộng sâu muồng khi thưởng thức có thể ăn kèm với bánh tráng cho thêm phần hấp dẫn.