Để không còn những hệ lụy buồn

Trâm Anh
Chia sẻ

Khi kết hôn ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng cùng nhau xây dựng mái ấm với những đứa con ngoan. Nhưng nhiều lúc đời không như là mơ, ngày nay việc ly hôn diễn ra ngày càng nhiều khi cả hai không còn được tiếng nói chung trong giữ gìn hạnh phúc. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến đó là vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động biền biệt khiến tình cảm vợ chồng nhạt nhòa dẫn đến ly hôn.

Mặt trái của đồng ngoại tệ

Từ nhiều năm nay, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được coi là một hướng quan trọng nhằm giải quyết việc làm, giúp người lao động có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững. Thực tế cho thấy, XKLĐ đã đem lại hiệu quả rõ rệt, số tiền người đi XKLĐ gửi về cho gia đình tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, đời sống được cải thiện… Bên cạnh mặt tích cực, những hệ lụy XKLĐ đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Nhưng tình trạng ly hôn do một người là vợ hoặc chồng đi XKLĐ có chiều hướng gia tăng.

Việc một thành viên đi XKLĐ dẫn đến sự thay đổi phân công lao động trong gia đình. Nếu trước đây người chồng được gọi là trụ cột gia đình, làm những việc nặng nhọc thì khi đi XKLĐ, người vợ sẽ đảm nhiệm tất cả những công việc đó; ngược lại sự chăm sóc con cái, lo từng bữa cơm, chiếc áo… những đấng mày râu sẽ đảm nhiệm khi vợ đi XKLĐ.

Để không còn những hệ lụy buồn - 1

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San, những đóng góp của xuất khẩu lao động mang lại đã rõ, nhưng có một thực tế khác không thể không quan tâm, đó là đã làm cho mối quan hệ tình cảm vợ chồng ở rất nhiều hộ gia đình trở nên lỏng lẻo. Bên cạnh những cặp vợ chồng thêm hiểu, yêu thương nhau nhiều hơn, lo lắng khi xa nhau thì cũng có những cặp vợ chồng không chịu được nỗi xa cách, họ sa vào chơi bời, nghi ngờ lẫn nhau… Qua tìm hiểu một số trường hợp ly hôn của các gia đình có vợ/chồng đi XKLĐ, những nguyên nhân dẫn đến ly hôn và rạn nứt quan hệ hôn nhân là do vợ chồng xa cách lâu ngày, vợ/chồng ngoại tình. Rồi có những người do sinh sống ở nước ngoài quá lâu nên bị ảnh hưởng bởi lối sống, tập quán của người bản địa, dẫn đến có nhiều trường hợp đã không trở về, hoặc một số về lại quê nhà thì tư duy, lối sống đã thay đổi. Đó là chưa kể đến, nhiều trường hợp quá trình làm ăn, tích cóp gửi tiền về để nuôi chồng, nuôi con nhưng số tiền này đã bị “nướng sạch” vào lô đề, cờ bạc, rượu chè và thậm chí là bồ bịch, dẫn đến bao năm tích cóp xứ người, nghèo vẫn hoàn nghèo nên xung đột nảy sinh, từ đó gia đình tan vỡ. Vậy nên, mỗi người, mỗi gia đình trước khi xác định bước chân đến xứ người để mưu sinh, kiếm sống, hãy thận trọng, biết cách điều chỉnh hành vi, đi để còn chốn bình yên quay về.

Để mỗi ngôi nhà đều ấm hơi gia đình

“Cơn lũ xuất ngoại” cùng với những cám dỗ vật chất đã trở thành một thỏi nam châm có sức hút mãnh liệt khiến nhiều người sẵn sàng đánh cược hạnh phúc của chính mình. XKLĐ ra nước ngoài, có thể giải quyết bài toán khó khăn về việc làm, thu về số tiền rất lớn; nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, xe máy, ôtô xuất hiện ngày một nhiều hơn, đường xá khang trang, đổi mới;… Nhưng đằng sau những lợi ích vật chất to lớn ấy, nó còn kéo theo sau bao nhiêu hệ lụy mà một trong những khía cạnh rất nóng bỏng và được quan tâm nhất hiện nay, đó là vấn đề “kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động”.

Theo Công ty Luật Thái An, kết hôn là quyền thiêng liêng và cao cả của mỗi người, dưới góc độ pháp lý kết hôn được hiểu là việc nam, nữ lấy nhau thành vợ chồng được Nhà nước thừa nhận. Do vậy, để được Nhà nước thừa nhận, hai bên nam nữ khi xác lập quan hệ vợ chồng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn. Kết hôn trái pháp luật là việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm về điều kiện kết hôn. Trong đó, kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, hưởng những chế độ ưu đãi của Nhà nước mà không để xây dựng gia đình.

Kết hôn giả tạo nói chung là vẫn đảm bảo về mặt thủ tục và cặp vợ chồng vẫn được cấp hôn thú tuy nhiên mục đích kết hôn không đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, chứ hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích. Kết hôn giả tạo là hành vi bị pháp luật cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình và khi có căn cứ vi phạm người kết hôn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định. Khoản 4 Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP mức phạt  tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn bị thu hồi và bị Tòa án có thẩm quyền hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã cấp.

Để không còn những hệ lụy buồn - 2

Ảnh minh họa

Chị Võ Thị B, - một phụ nữ đã từng kết hôn giả với chồng Hàn Quốc ngậm ngùi: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đi làm vài năm, có tiền rồi sẽ về lấy chồng, việc ly hôn với người chồng Hàn Quốc chỉ là thủ tục đơn giản, ai ngờ bây giờ khi ly hôn lại rất khó khăn, tôi đã nộp đơn rồi hỏi han, đi tìm hiểu khắp nơi mà vẫn chưa giải quyết được. Giờ lấy chồng thì phải chịu cảnh không hôn thú, có con thì phải chịu cảnh con ngoài giá thú. Tôi chỉ mong mỏi có hướng giải quyết việc ly hôn để sửa chữa được sai lầm của mình”.

Ngoài ra, thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, nhất là ở những vùng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm hoặc người dân có nhu cầu XKLĐ để phát triển kinh tế gia đình… một số đối tượng lừa đảo đã tổ chức việc môi giới, hứa hẹn đưa người đi XKLĐ nước ngoài để nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Thủ đoạn của các đối tượng là thành lập công ty kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn du học, du lịch, việc làm, đào tạo ngoại ngữ… để dễ bề tạo niềm tin cho người dân có nhu cầu. Sau đó, trong quá trình hoạt động, đối tượng sẽ đưa ra những thông tin sai sự thật về việc Công ty được cấp phép, có đủ điều kiện để đưa người đi XKLĐ nước ngoài hoặc có liên doanh, liên kết với cơ quan, tổ chức có chức năng, thẩm quyền đưa người đi XKLĐ để người dân tin tưởng, làm theo lời đối tượng.

Cũng qua mạng xã hội, nhiều đối tượng còn mạo danh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước đây (LĐ-TB&XH) và Trung tâm Lao động ngoài nước, nhằm lừa đảo những người muốn đi làm việc tại nước ngoài. Cụ thể, các đối tượng lập fanpage có tên “Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ LĐTBXH”, “Tư vấn XKLĐ – Asian”… mạo danh là Cổng thông tin của Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm Lao động ngoài nước. Ngoài ra, các đối tượng mạo danh chữ ký của Bộ trưởng, đăng tải nội dung kèm theo hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin để dụ dỗ người lao động tham gia các chương trình làm việc tại Australia, chương trình EPS (Hàn Quốc)…, thông qua các fanpage (trang tương tác được tạo từ tài khoản facebook cá nhân hoặc doanh nghiệp), và website (trang web) giả mạo.

Không ai phủ nhận những lợi ích từ XKLĐ. Nhưng cũng trên con đường mưu sinh đầy vất vả này, nếu không biết nâng niu, gìn giữ thì hạnh phúc gia đình của không ít người sẽ đầy trắc trở, lung lay. Vì thế, để làm giàu từ XKLĐ mà vẫn giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững trước hết phụ thuộc vào nhận thức của cả vợ chồng. Để đồng hành cùng các gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức đoàn thể ở địa phương cần tăng cường tuyên tuyền, định hướng cho họ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp XKLĐ cần làm chặt từ khâu tuyển chọn và tuân thủ pháp luật.

Chia sẻ

Trâm Anh

Tin cùng chuyên mục

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Yêu thương thật sự không đồng nghĩa với roi vọt

Trẻ em cần được sinh ra và nuôi lớn trong môi trường yêu thương, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, một số cha mẹ lại có cách hiểu sai trong quá trình nuôi dạy con dẫn tới trẻ bị tổn thương. Chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, giáo viên dạy Kỹ năng sống tại Trung tâm Kỹ năng KTC với các cha mẹ về phương pháp nuôi dạy con tích cực.