Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh, mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân đi lễ không chỉ cầu nguyện điều may mắn, bình an cho bản thân, gia đình trong năm mới, mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh tại chốn linh thiêng trong tiết xuân.
Đi chùa cho lòng thanh thản, cho tâm an lành
Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Là con dâu Đất Tổ đến nay đã được 7 năm, mỗi dịp Tết đến xuân về cứ đúng mùng 1, chị Ngọc Anh (32 tuổi, làm việc trong ngành ngân hàng) lại được cùng cả nhà chồng đi Đền Hùng du xuân. “Đi Đền Hùng ngày mùng 1 như là một nét đẹp văn hoá gia đình vậy, không bắt buộc nhưng không đi thì chúng mình cứ áy náy. Vì thế mà năm nào, cả nhà cũng đi đông đủ. Không gì bằng sáng mùng 1 đầu năm, cả gia đình đi vãn cảnh vui vẻ, đầm ấm như vậy”- chị Ngọc Anh nói. Cũng theo chị Ngọc Anh, chị đến chùa không mong gì hơn là cầu bình an cho gia đình.
Đặc biệt, những năm gần đây, các điểm du lịch tâm linh được nhiều gia đình chọn trong những ngày đầu năm. Nhiều bạn trẻ Hà thành còn lập nhóm cùng nhau đi đến các chùa xa hơn để hành lễ và vãn cảnh như: Chùa Ba Vàng, chùa Yên Tử (Quảng Ninh); chùa Vàng, chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam)… Nhiều em nhỏ cũng được bố mẹ cho đi lễ, cầu mong có được trí thông minh, học giỏi. Còn các cụ già thì mong muốn một năm mới sức khỏe dồi dào, gia đình yên ấm, con cháu làm ăn phát tài... Du xuân chốn tâm linh không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp, thưởng lãm nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân, mà còn giáo dục cho các con lịch sử, truyền thống, văn hóa của dân tộc.
Ảnh minh hoạ
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa trong ngày đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện mà còn là dịp để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao lo toan, vất vả trong năm cũ. Chính bởi vậy mà ở nơi cửa Phật, ai cũng cảm thấy lòng người nhẹ nhàng, thanh thản. Cùng với người dân cả nước nói chung, đầu năm mới, người dân Thủ đô cũng xuất hành về chốn linh thiêng, mang theo tấm lòng thành kính, cầu được may mắn, sức khỏe cho mình và người thân. Ngoài chùa Quán Sứ, ở Hà Nội, những nơi như chùa Hương, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ luôn tấp nập du khách viếng thăm dịp đầu năm.
Chị Lê Thị Trang, ở Đống Đa Hà Nội cho biết, mọi người đến chùa với nhiều mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và người trong gia đình... Còn chị thì du xuân, lễ chùa tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống.
Chị Hoàng Thu Hà, Vĩnh Phúc thì cho biết, chị luôn đến chùa với tấm lòng thành kính. Việc du xuân, lễ chùa giúp cho chị tìm được đến với sự thanh thản, bình an trong tâm hồn. Ai cũng tin tưởng vào năm mới tốt đẹp… Bởi vậy, không chỉ đi chùa vào đêm Giao thừa và sáng mùng 1 Tết, mà bất cứ lúc nào cần sự thư thái, chị đều đến lễ chùa.
Cần xóa bỏ lệch chuẩn trong du xuân, lễ chùa
Đầu xuân là thời điểm hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ diễn ra trên khắp cả nước. Việc đi lễ chùa, lễ hội đầu năm như thế nào cho đúng và mang giá trị nhân văn là điều rất đáng lưu tâm của rất nhiều người. Cuốn sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” đã được Thượng tọa Thích Thanh Duệ – Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính cho hay, việc sửa soạn đi lễ chùa đều có những quy định mà người hành lễ phải tuân thủ: Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… không được sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả… Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực Chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa.
Ảnh minh hoạ
Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng lễ Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát và cả tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện. Mà tiền, vàng công đức nên để vào hòm công đức đặt tại Chùa. Hoa tươi lễ Phật là: Hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại…Trước ngày dâng hương lễ Phật ở chùa cần chay tịnh trong đời sống sinh hoạt ngày thường: Ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện…
Ngoài ra, về cách xưng hô khi đi lễ trong chùa, với nhà sư thì xưng là A di đà Phật, bạch Thầy... và xưng mình là con. Khi thưa gửi gì với nhà sư thì đều chắp tay hình búp sen. Khi đi lễ chùa tuyệt đối không mặc đồ hở hang đồ có thể nhìn xuyên thấu. Không nên diện những trang phục sành điệu để đi chùa chẳng hạn như quần bó sát, quần giả váy… có thể nó không hở hang nhưng lại gây phản cảm cho người nhìn. Đi lễ chùa nên ăn mặc kín đáo, giản dị, có thể là pháp phục càng tốt... Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch các đồ tế khí, sờ tượng Phật…
Sau dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc lễ hội mở ra ở khắp các địa phương trong cả nước. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Lễ hội là hoạt động văn hoá tín ngưỡng, tuy nhiên nếu kéo dài lại làm nảy sinh những tệ nạn xã hội. Theo PGS.TS Văn hóa học Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa - Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nếu không hiểu sâu về văn hóa, tín ngưỡng mà thực hiện nghi lễ theo số đông hay tự phát dễ dẫn đến phản cảm. Ai cũng muốn mâm cao cỗ đầy, muốn đặt mâm cỗ cúng vào vị trí trung tâm; lễ vật của mình phải trước mặt thần thánh, thần phật như thế mới đạt ý niệm… “Tôi cho rằng, những quan điểm như thế là sai lầm. Có rất nhiều người hàng xóm, hay họ hàng của tôi cũng hay đến những nơi tâm linh để cầu, thờ cúng nhưng đến nay chưa thành đạt hay giàu có. Vậy tốt nhất, để đạt được những cái gọi là nguyện vọng của mình, tôi cho rằng chúng ta phải phấn đấu lao động, học tập, sản xuất liên tục và có một kế hoạch cụ thể mới thành công được”, PGS Trung nói.
Để giữ gìn nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, tiến tới xóa bỏ những hủ tục, hành vi lệch chuẩn, tô đẹp thêm văn hoá đi chùa đầu năm của người Việt.