Thủ đô Hà Nội luôn khiến mọi người nhớ thương với những nét văn hóa độc đáo riêng có. Đặc biệt, bầu không khí vào những ngày đầu năm mới tại Thủ đô càng thêm sống động và rộn ràng với các lễ hội mùa xuân.
Lễ hội Hai Bà Trưng
Hàng năm, cứ từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân Thủ đô lại cùng nhau sum vầy nơi hội đền Hai Bà Trưng để tưởng nhớ công đức Hai Bà.
Ngược dòng sông Hồng trở về vùng đất cổ Mê Linh thuở xưa vào những ngày đầu năm mới, Nhân dân và du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí trang nghiêm, thành kính của Lễ hội. Lễ hội là dịp tô đậm nét nét đẹp của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đồng thời là dịp để những người con dòng giống Lạc Hồng bày tỏ lòng tự hào về truyền thống của dân tộc.
Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh không chỉ lưu lại dấu thiêng về Hai Bà thời thơ ấu và lúc bình sinh mà còn là “vị chứng nhân lịch sử”, dõi theo suốt quá trình chuẩn bị khởi nghĩa thuở đầu Công nguyên. Cứ 5 năm một lần, người dân vùng Mê Linh lại cùng nhau tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung - một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng. Sau khi làm lễ Tế trình vào sáng mùng 4, đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà sẽ đi từ đền về đình làng Hạ Lôi. Hộ giá cho kiệu của Hai Bà là các đội nghi trượng với cờ lệnh, cờ ngũ hành, cờ tứ linh, cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch… Đi cùng với đội rước là đội múa xênh tiền, múa lân, dàn nhạc bát âm, tiếng trống, chiêng rộn rã. Vào sáng mùng 6, đoàn rước kiệu sẽ rước bốn cỗ kiệu từ đình làng về đền Hai Bà Trưng. Từ đình làng, đội nghi trượng dẫn đầu, tiếp đến là kiệu bà Trưng Trắc đi trước. Khi ra khỏi cổng đình làng, kiệu bà Trưng Trắc dừng lại để kiệu bà Trưng Nhị đi trước.
Trong suốt quá trình lễ rước, đội hình rước kiệu sẽ dừng lại nhiều lần, thực hiện động tác đổi vai nâng kiệu qua đầu ba lần cả bốn cỗ kiệu. Động tác này được thực hiện tiếp nối nhau, tạo thành hình ảnh tựa thân hình rồng uốn lượn, hòa cùng tiếng trống, chiêng của dàn nhạc bát âm lại càng uy linh và rộn ràng.
Ảnh minh họa
Lễ hội Cổ Loa
Bên cạnh Hội đền Hai Bà Trưng, lễ hội mùa xuân tại Hà Nội còn có một ngày hội khác cũng được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch, đó là lễ hội Cổ Loa. Đây là dịp để người dân về đền Thượng để dâng hương tưởng niệm vua An Dương Vương.
Trong ngày diễn ra lễ hội, từ sáng sớm, các chức sắc của tám làng sẽ đến nhà ông tiên chỉ của làng Văn Thượng rước văn tế. Tiên chỉ và các chức sắc diện trang phục áo mũ nghiêm chỉnh, đến trước giá văn làm lễ rồi đám rước văn sẽ khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ lọng đi ra đền An Dương Vương (đền Thượng). Trong ngày diễn ra lễ hội Cổ Loa, kiệu của 8 xã sẽ được xếp theo thứ tự được quy định từ trước. Khu vực trước đền đặt một hương án lớn, trên để hộp kính đựng hia vàng và những món đồ thờ. Trước hương án lớn là một hương án nhỏ bày những khí giới của vua Thục như cung, kiếm, tên, nỏ. Tiếp đó, một hàng chiếu cạp điều sẽ được trải làm chỗ tế thần. Khi đám rước tới, long đình được đặt trước hai hương án. Sau cuộc tế, dân làng sẽ tiến vào làm lễ. Cuộc lễ sẽ kéo dài đến gần trưa trước khi chuyển sang cuộc rước thần.
Hội gò Đống Đa
Lễ hội gò Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán. Hội gò Đống Đa được tổ chức nhằm tưởng nhớ công tích lẫy lừng của vị vua Quang Trung ngày trước. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ ràng tinh thần thượng võ, đặc biệt là trò rước Rồng lửa Thăng Long. Trong ngày hội, chức sắc và bô lão trong làng tề tựu đông đủ chuẩn bị cho đại lễ. Gần 12 giờ trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa, mọi người sẽ tổ chức đám rước thần mừng chiến thắng một cách chậm rãi, trật tự. Hội gò Đống Đa là một trong những điểm tham quan tại Hà Nội siêu thú vị với nhiều trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian, chẳng hạn như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, chọi gà…
Không khí năm mới tại Thủ đô càng thêm, sống động với các lễ hội mùa xuân (Nguồn: Int)
Hội đền Gióng
Là lễ hội truyền thống được diễn ra ở nhiều nơi tại Hà Nội, trong đó thường niên, cứ vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch, nhân dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung lại nô nức đi trẩy hội đền Gióng. Hội đền Gióng được tổ chức trong ba ngày liên tiếp. Lễ hội có nhiều nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng. Ngày nay, khu di tích đền Gióng bao gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và những bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
Tương truyền, Hội Gióng là một lễ hội truyền thống để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giá trị nổi bật ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm Thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững, không bị Nhà nước hóa, thương mại hóa.
Hội chùa Hương
Diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, Hội chùa Hương là một trong những lễ hội mùa xuân tại Hà Nội mang ý nghĩa tâm linh.
Lễ khai hội diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng, sau đó kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp này, hàng triệu phật tử và du khách thập phương sẽ nô nức trẩy hội, cùng nhau tham gia hành trình về miền đất Phật. Lễ hội chùa Hương tổ chức một loạt những sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn... Nét độc đáo của hội chính là thú ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.
Lễ hội chùa Hương 2025 với chủ đề “Lễ hội Chùa Hương: Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” sẽ chính thức được khai hội vào ngày 31/1/2025 và đón nhận quyết định Khu di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) được công nhận là Khu du lịch cấp thành phố. Ngoài các nghi lễ truyền thống, Lễ hội còn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, hội chợ làng nghề và triển lãm di sản văn hóa Hương Sơn, hướng tới tương lai bền vững việc công nhận quần thể Hương Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch và nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa. Lễ hội còn là cơ hội để giới thiệu hình ảnh di sản văn hóa độc đáo của Hà Nội ra thế giới. Quần thể Hương Sơn, với trung tâm là chùa Hương, từ lâu đã trở thành điểm đến văn hóa, tâm linh nổi tiếng cả trong và ngoài nước.