Vợ chồng chị về nội đón Tết trọn vẹn cả tuần. Ngày hôm qua, hai vợ chồng vừa lên thành phố thì chị nhận tin mẹ nhắn: Hết Tết rồi, nhà con bố trí về ngoại một chuyến nhé. Về lúc nào thì báo để mẹ nói bố gói thêm bánh chưng...
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là chị nhận được những tin kiểu này. Và lần nào cứ tắt điện thoại là chị rưng rưng...
Hai vợ chồng chị đều xuất thân tỉnh lẻ, ly hương lập nghiệp ở thành phố. Điều kiện kinh tế hai nhà đều không dư dả, nhưng nhà chị có phần sung túc hơn so với nhà chồng. Bố mẹ chị còn trẻ, tự làm, tự nuôi thân được chứ chưa phải phiền tới con cái. Còn bố mẹ chồng chị thì tuổi cao, lại chỉ có mỗi mụn con trai là chồng chị. Giữa năm ngoái, bố chồng chị bị tai biến nhẹ nên sức khỏe sa sút, may còn có thể dựa vào mẹ chồng chị.
Lẽ ra, ở tuổi này, vợ chồng chị đã phải báo hiếu cho bố mẹ hai bên. Nhưng chị chỉ làm nhân viên văn phòng, còn anh là chân giao hàng, thu nhập của hai vợ chồng đều chẳng đáng là bao. Chị tính toán ngược xuôi, cố gắng mỗi tháng dành dụm ra đôi triệu đồng. Số tiền đó chị cất tới cuối năm chi tiêu cho Tết là hết sạch.
Chị cũng biết bố mẹ, dù là bên chồng hay bên vợ, đều quan trọng và cần được con cái chăm sóc như nhau. Nhưng phận làm dâu không tránh được cảnh chị vẫn có phần hơi nghiêng về bên nội. Chị tự nhủ, bố mẹ hiểu hoàn cảnh của con gái sẽ chẳng so đo trách cứ chị. Quả thật, bố mẹ chị luôn ứng xử như vậy. Lúc nào mẹ chị cũng dặn chị phải làm tròn trách nhiệm dâu con với nhà chồng. “Con đi làm dâu rồi thì phải ưu tiên nhà nội. Phần ngoại không phải lo lắng gì”.
Cũng vì vậy mà dịp nghỉ Tết, bao năm rồi, chị đều theo chồng về quê nội. Với nhà ngoại, trước Tết, chị chỉ có chút tiền nhỏ biếu bố mẹ. Nhưng năm nay thì khó khăn hơn. Thu nhập của hai vợ chồng đều bị cắt giảm. Giữa năm ngoái, chồng chị còn bị ngã xe phải ở nhà mất mấy tháng liền. Miệng ăn núi lở làm số tiền dành dụm vơi đi nhiều. Số tiền còn lại, chị áng chừng chỉ đủ để góp cùng mẹ chồng lo Tết nhà nội.
Ảnh minh họa
Biết nỗi lo của vợ, chồng chị bảo: “Em cứ lo Tết đều cho hai nhà. Có nhiều tiền thì biếu bố mẹ nội ngoại nhiều, mà ít thì biếu ít, không ngại em ạ”. Nhưng ý chị đã quyết. Chị muốn đỡ đần cho mẹ chồng được chút nào thêm chút đó nhất là trong hoàn cảnh bố chồng bệnh tật như vậy.
2. Hết Tết, chị xin phép bố mẹ chồng về lại thành phố. Và rồi đợi tới khi các con đã đón Tết xong, mẹ chị mới gọi điện lên, nhắn nhủ con gái về chơi. Chị trả lời mẹ: “Vâng, vậy để cuối tuần này con và hai cháu về chúc Tết muộn ông bà. Còn nhà con chắc phải ở lại để ship hàng. Tết ra, đơn hàng dồn lại nên nhiều việc bận lắm mẹ ạ. Mình làm sớm cũng có thêm thu nhập nữa”.
Chị nói vậy để mong bố mẹ thông cảm cho hoàn cảnh của mình. Nhưng bố mẹ chị chẳng lấn cấn gì. Bố mẹ chỉ cần được đón các con, cháu về là đủ. Chị sắp xếp hành lý rồi cuối tuần đó, mấy mẹ con lên xe khách về quê. Từ xa, nghe tiếng chân con cháu là bố mẹ chị đã chạy ra vồn vã mở cổng.
“Tốt rồi, về nhà là được rồi. Bà chúc Tết hai cháu. Vào nhà bà lì xì cho nào”, mẹ chị đon đả.
Còn bố chị thì với tay, xách đồ cho ba mẹ con và chậm rãi nói: “Con vào nhà đi. Ông bà bên đó đón Tết thế nào. Ông đã khỏe hơn chưa? Chị kể lại cho bố nghe về Tết của mình ở bên nội. Cơ bản là Tết của vợ chồng chị lúc nào cũng thế nhưng với bố chị, đó luôn là những câu chuyện thú vị đáng để nghe chăm chú.
“Vậy là ổn con ạ. Ông bà nội chắc là vui lắm. Tết được sum họp với con cháu thì còn quý hơn mâm cao cỗ đầy”.
Nghe bố chị nói, chị lại thấy lòng mình lặng đi. Từ ngày lấy chồng đến giờ, chị nào đã được đón Tết cùng bố mẹ.
Hôm nay bố mẹ đãi 3 mẹ con chị mâm cơm “hậu Tết” vô cùng ngon lành. Chị thích nhất là món cá kho bếp củi của bố. Thảo nào mà lúc trước Tết, mẹ chị gọi điện phấn khởi khoe: “Hôm rồi, bố thử câu thấy cá ở ao lớn rồi con ạ. Vậy là Tết này có cá kho cho mấy mẹ con”.
Ảnh minh họa
Ngoài hiên, cây hoa đào bố trồng trong vườn vẫn đang nở hoa tươi roi rói. Cây hoa chẳng theo thế bonsai như hoa vẫn bán ở thành phố, nhưng chị vẫn thấy rất đẹp, cái đẹp kiểu tự nhiên. Mẹ thấy chị ngẩn người ngắm hoa thì cười trêu: “Bố vui lắm. Bao năm cây đào chẳng ra hoa, năm nay thì bung nở vào đúng dịp Tết. Thế là bố lại được nói là... nhờ tôi có tài tuốt lá và thúc hoa”.
Chị lấy từ trong túi ra hộp chè, chai rượu quê biếu bố mẹ. Hộp chè là chồng chị tự tay chọn mua biếu ông bà, chỉ tiếc là Tết qua rồi nên không kịp để ông bà mời khách quý. Còn rượu là ông bà nội gửi để bố ngâm rượu thuốc uống cho khỏe. Vợ chồng chị khó khăn, chỉ có chút quà nhỏ này để biếu bố mẹ.
- Con này, chiều nay nhà mình sẽ gói bánh chưng. Gạo nếp, đậu xanh mẹ đã ngâm, lá dong mẹ cũng đã rửa rồi. Cá chiều mai bố sẽ bắt ở ao để kho. Rồi trong vườn có nhiều rau quả tươi ngon, lại lành sạch, khi nào mấy mẹ con về mẹ sẽ cắt cho tươi - bố chị nói.
- Mẹ còn phần con và hai cháu bánh gio, chè, có cả bánh chưng đường... nữa, nhiều lắm.
Chị nhớ lại, năm nào cũng vậy, bố mẹ chị bao giờ cũng có ý phần lại các thức đồ ngon nhất đợi mẹ con chị. Hình như đây mới thực sự là Tết của bố mẹ. Còn trong dịp Tết thì ông bà ăn uống thanh đạm, đơn giản.
Chiều đó, chị cùng với bố mẹ ngồi gói bánh chưng. Tiếng đã là mẹ của hai đứa trẻ mà chị vẫn vụng về khoản bếp núc lắm. Vì vậy, bố mẹ chỉ cho chị chân phụ việc, còn lại chẳng ai bì được với tài gói bánh chưng vuông vức, đều tăm tắp như bố chị.
- Sao năm nay bố mẹ cầu kỳ vậy, còn gói cả bánh mới. Lần sau, bố mẹ chỉ cần phần con 1 cái bánh thôi là được. Làm như thế này mất công, mất việc của bố mẹ.
- Sao lại mất công, mất việc. Là bố con chủ định đấy. Bố muốn gói dăm chiếc để con còn mang lên trên thành phố ăn dần. Bánh mới gói, yên tâm sẽ để được lâu.
Chị nghe bố mẹ nói vậy mà lòng đã hiểu. Bố mẹ biết vợ chồng chị đang gặp khó, nên muốn giúp đỡ các con. Với ông bà, những chiếc bánh chưng, rồi cá, rau củ quả sẽ giúp cho con đỡ được ít nhiều tiền chợ...
Đêm đó, khi cả nhà đã đi ngủ rồi, mẹ lại gọi chị rồi đưa cho chị một bọc giấy nhỏ. “Bố mẹ có để dành được 2 chỉ vàng, bố mẹ cho con. Con mang lên đó phòng thân, lúc nào cần thì bán đi nhé. Con cố gắng rồi khó khăn cũng sẽ qua thôi”.
Chị vội rụt tay lại, ôm lấy mẹ: “Không, con không lấy vàng của bố mẹ cho đâu ạ. Vợ chồng con có thể tự lo được. Con lẽ ra phải biếu quà bố mẹ, đằng này...”.
Không để chị nói hết, mẹ chị đã ngắt lời: “Con đừng vớ vẩn. Nước mắt chảy xuôi mà. Bố mẹ thương các con không hết, giúp được gì cho các con thì sẽ làm. Con không cầm là bố mẹ giận, buồn lắm đó”...
Chị khẽ khàng ôm lấy mẹ. Tết muộn vẫn ở đây, trong ngôi nhà ấm áp của bố mẹ.