Alzheimer là bệnh lý tâm thần phổ biến ở người cao tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ, hậu quả của quá trình thoái hóa dẫn đến chết tế bào thần kinh.
Ở Việt Nam, hiện tại có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi ở Việt Nam mắc sa sút trí tuệ (SSTT), chiếm 5% dân số ở độ tuổi này. Tỷ lệ người bệnh gặp các triệu chứng suy giảm nhận thức của SSTT (chưa đủ để chẩn đoán SSTT) ở Việt Nam khá cao, chiếm từ 14-46% người trên 60 tuổi.
Đặc trưng của bệnh
Sa sút trí tuệ Alzheimer đặc trưng bởi sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não (trí nhớ, tư duy, định hướng, chú ý, năng lực học tập, ngôn ngữ và khả năng phán đoán) mà không có rối loạn ý thức, gây suy giảm, trở ngại đáng kể đến các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và các hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. Rối loạn trí nhớ là triệu chứng đặc trưng của Alzheimer nhưng các triệu chứng khác có thể xuất hiện sớm hơn.
Bệnh Alzheimer thường khởi phát âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc phải, hoặc nhầm lẫn những dấu hiệu quên nhớ với quá trình lão hóa tự nhiên. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể gặp đôi chút khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống của mình nhưng họ thường vẫn có thể sống độc lập. Tuy nhiên, theo thời gian, trí nhớ sẽ suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, để lại gánh nặng cho người chăm sóc, gia đình và xã hội.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết sớm
Một trong những dấu hiệu hàng đầu là suy giảm trí nhớ. Đặc trưng là khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin, quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày khác, quên tắt bếp khi nấu ăn…
Ngoài ra còn có các biểu hiện: Giảm tiếp thu thêm thông tin mới; giảm sự tập trung, chú ý; giảm khả năng lập kế hoạch; giảm vốn từ, giảm sự lưu loát khi nói và viết…
Các yếu tố nguy cơ
Trong y khoa, các yếu tố nguy cơ gây SSTT Alzheimer gồm yếu tố không thể thay đổi (tuổi, giới tính, gen - di truyền), và yếu tố có thể thay đổi (lối sống, bệnh lý cơ thể chẳng hạn tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu, bệnh lý mạch máu não, chấn thương sọ não, sử dụng rượu bia, lười vận động, cô lập xã hội, ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, trầm cảm).
Dự phòng SSTT Alzheimer như thế nào?
Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh SSTT Alzheimer, gánh nặng cho việc chăm sóc và điều trị căn bệnh này rất lớn. Phát hiện sớm và dự phòng sự phát triển của bệnh có vai trò vô cùng quan trọng. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2020: Việc khắc phục các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được có thể làm giảm 40% nguy cơ mắc SSTT.
Trong đó, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý cơ thể: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, giảm thính lực… Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Duy trì chế độ ăn ít chất béo bão hòa (nội tạng động vật), giàu chất xơ, rau xanh, trái cây tươi. Vitamin D có vai trò quan trọng trong một số chức năng của hệ thần kinh trung ương bao gồm điều hòa các yếu tố dinh dưỡng thần kinh, cân bằng nội môi canxi, hoạt động trên cơ chế stress oxy hóa, điều hòa hệ miễn dịch và viêm.
Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe; ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá cũng là phương pháp dự phòng SSTT Alzheimer. Đồng thời, giữ tinh thần lạc quan, hạn chế stress, căng thẳng, duy trì tốt các mối quan hệ xã hội (tham gia các nhóm hoặc câu lạc bộ, duy trì liên lạc với gia đình bạn bè, tham gia vào các hoạt động tình nguyện...).
Chủ động tầm soát sa sút trí tuệ định kỳ góp phần kiểm soát nguy cơ gây bệnh hiệu quả, phát hiện và điều trị bệnh sớm, giúp làm chậm tiển triển nặng lên, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi, đồng thời giảm chi phí và gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.