Lựa chọn con đường nghệ thuật gắn liền với tranh sơn mài, họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang giống như một “đốm lửa” tuy nhỏ nhưng đang dần tạo sức lan tỏa, thổi bùng lên ngọn lửa, tình yêu với quê hương, đất nước, di sản văn hóa... trong giới trẻ. Và, tranh của Chu Nhật Quang như một chiếc cầu nối, là tiếng nói nghệ thuật giao thoa giữa quá khứ, hiện tại và tương tai.
Dù đi xa vẫn tìm về “nguồn cội”
Chu Nhật Quang sinh năm 1995 (nghệ danh Chu Quang), quê gốc tại Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông nội anh là NSND Chu Mạnh Chấn - một họa sĩ và nghệ nhân có những đóng góp to lớn cho nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Bố Quang là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long. Có lẽ được sinh ra và trưởng dưỡng trong một gia đình có bề dày làm nghệ thuật truyền thống, được ông nội truyền dạy những kỹ thuật cơ bản làm tranh sơn mài từ khi tuổi mới lên bảy, lên tám; nên tình yêu với hội họa, với tranh sơn mài cứ thế “ăn” sâu vào máu, âm thầm như mạch nước ngầm, trở thành một phần không thể thiếu trong con người Chu Nhật Quang tự lúc nào. Nhưng phải mãi sau này Quang mới thực sự ngộ ra điều đó.
Khi còn đi học, bản thân Quang từng có ý định theo đuổi một con đường khác, nên lựa chọn đi du học 7 năm tại Mỹ và Australia về 2 chuyên ngành: Hội họa, Thiết kế ứng dụng. Tới năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Quang trở về nước. Thời điểm này, anh có nhiều khoảng lặng để bản thân tự chiêm nghiệm; để rồi, tình yêu được ấp ủ, nuôi dưỡng với tranh sơn mài trong Quang cứ thế trỗi dậy. Sau này khi có lời khuyên của bố rằng: “Con nên đi theo nghiệp sơn mài”, Quang giống như tìm thấy sự bứt phá trên hành trình tìm kiếm bản thân.
Chẳng thế mà sau khi được hỏi, “Vì sao anh có 7 năm đi du học nước ngoài mà vẫn giữ vững được tình yêu với nghệ thuật truyền thống là vẽ sơn mài?”, Chu Nhật Quang thẳng thắn: “Đó là sở thích, hơn nữa nền tảng gia đình tôi luôn hướng về cội nguồn dân tộc cùng định hướng và những gửi gắm tâm tư, tình cảm của ông và bố, nên tôi đã quyết tâm theo đuổi nghệ thuật sơn mài”.
Họa sĩ Chu Nhật Quang
Chu Nhật Quang cho biết, sơn mài vốn là một chất liệu đặc biệt, làm rất kỳ công. Riêng công đoạn làm vóc (gỗ) đã mất thời gian khoảng 1 tháng. Trải qua 8 -11 lớp, người thợ vừa phải mài, toát sơn, chờ sơn khô và lặp lại quy trình. “Vì sao nghệ thuật sơn mài lại cần có nhiều lớp như vậy? Vì khi họa sĩ chồng màu lên, sau khoảng 2- 3 tháng màu mới hòa quyện để tạo nên một bức tranh đẹp. Nhiều khi màu mài ra không đúng ý, người họa sĩ buộc phải phối màu lại từ đầu…”.
Chưa kể, chất liệu để làm tranh sơn mài cũng độc đáo và đắt đỏ bậc nhất. Cách tạo chất cũng rất công phu. Thay vì sử dụng sơn được pha chế sẵn, Chu Nhật Quang lựa chọn tạo sơn bằng nguyên liệu truyền thống, từ việc kết hợp các chất liệu của sơn với các chất liệu khác như dầu hỏa, lòng trắng trứng, hoặc nước... Một số loại son đặc biệt thậm chí được làm từ vụn đá khoáng sản nghiền ra, sau đó sơ chế nhuyễn thành 1 màu rồi nghiền với nhựa cây sơn ta, để có gam màu trầm, ấm. Đây là điều mà rất ít họa sĩ trẻ ngày nay có thể làm được.
Mỗi bức tranh là một phần của giá trị di sản
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ở tuổi 30, chỉ trong khoảng 3 năm, Chu Nhật Quang đã sáng tác và hoàn thiện một bộ tranh sơn mài gồm hơn 50 bức (vừa được trưng bày tại triển lãm “Dấu thiêng” trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long vào tháng 10/2024). Nhìn vào bộ tranh đầu tay của Quang có thể thấy rất rõ, các tác phẩm của Quang nếu không là những di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, tháp Rùa, chùa Một Cột, chùa Thầy, mẹ Âu Cơ, múa rối nước, đời sống nông thôn như cây đa, bến nước, sân đình… thì cũng là phong cảnh nước non kỳ vĩ của đất nước.
Một trong những điểm nhấn tại triển lãm của Quang chính là bức tranh sơn mài khổ lớn 5mx10m, nặng 500kg, với nội dung về làng quê Việt Nam với những sinh hoạt đời sống thường ngày. Sở dĩ nói rằng đây là điểm nhấn bởi nhìn vào đó là thấy được sự công phu, cầu kỳ, tâm huyết mà tác giả gửi gắm.
Họa sĩ Đặng Ái Việt – nữ họa sĩ được biết tới với hành trình đi xe máy xuyên Việt để vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng, khi ngắm bức tranh khổ lớn còn phải thốt lên “quá ngỡ ngàng, quá khâm phục”.
Du khách quốc tế thích thú thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Chu Nhật Quang tại triển lãm tranh “Dấu thiêng”.
Bà kể: “Tôi cứ lần sờ mãi bề mặt của bức tranh để tìm xem có miếng ghép, nối nào không hề. Bức tranh là một khối thống nhất, không dấu gợn. Đây là điều chưa họa sĩ sơn mài nào của Việt Nam làm được. Bác Hồ từng nói rằng tiền đồ của dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật dân tộc ta cũng rất rộng mở. Thiết nghĩ, tranh của họa sĩ Chu Nhật Quang chính là sự rộng mở ấy, thấm đẫm màu sắc dân tộc nhưng cũng có sự kết hợp tinh tế, hài hòa yếu tố hiện đại để tạo ra những tác phẩm tuyệt vời”.
Họa sĩ Thành Chương khi ngắm nhìn tác phẩm tranh sơn mài của Chu Nhật Quang cũng dành cho chàng họa sĩ trẻ không ít lời khen. Ông tin Quang sẽ thành công bởi một họa sĩ cần tài năng thiên phú và đam mê, khổ luyện. Chu Nhật Quang hội tụ cả hai yếu tố trên. Không ai nghĩ rằng một họa sĩ trẻ, tây hóa như Quang lại vẽ về di sản dân tộc, những điều thiêng liêng của đất nước. Thật hay vì đó cũng là cách để nhiều bạn trẻ khi nhìn ngắm những bức tranh, sẽ tìm thấy cội nguồn, tìm thấy tình yêu với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Thậm chí Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng từng bày tỏ sự thán phục vì: “Chu Nhật Quang đã chọn con đường nghệ thuật sơn mài trong hội họa hiện đại. Nghệ thuật sơn mài là di sản lớn của dân tộc. Bằng việc kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, hòa quyện giữa truyền thống và đương đại”.
Trên con đường này Quang không đi một mình, mà có sự đồng hành của rất nhiều gia đình đang làm nghề sản xuất sơn ta theo lối cổ xưa ở Phú Thọ. Muốn có màu truyền thống, Chu Nhật Quang cũng cần hỗ trợ để họ sản xuất ra lượng sơn nhất định, ít nhất phải đủ dùng trong vài năm chứ không thể vài tháng. Đây là sự “cộng sinh” vô cùng giá trị, góp phần thúc đẩy văn hóa cũng như bảo tồn làng nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là sự ràng buộc khiến Quang khó lòng chuyển hướng đột ngột sang vẽ ở những thể loại, chất liệu khác.
Anh khẳng định: “Với tôi, mỗi bức tranh sơn mài không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một phần của tâm hồn, của truyền thống gia đình và di sản văn hóa dân tộc. Một trong những lý do tôi lựa chọn, theo đuổi dòng tranh sơn mài bởi đây là dòng tranh truyền thống, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam. Dòng tranh này cũng từng được xem là một trong những niềm tự hào của người Việt. Tôi cũng mong rằng qua mỗi bức tranh sẽ góp một phần công sức nhỏ bé của mình để phát triển, giới thiệu dòng tranh này đến với bạn bè trong nước và quốc tế...”.