Bằng ý chí và nghị lực phi thường, những người khuyết tật đã không chịu đầu hàng số phận, vượt lên mọi khó khăn, hoà nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.
Nỗ lực vượt nghịch cảnh để thành công
Đến xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, ai cũng biết đến chàng trai khiếm thị Phùng Văn Minh (SN 1994). Câu chuyện cuộc đời Minh là minh chứng cho nghị lực và niềm đam mê giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là những người khiếm thị.
Minh sinh ra trong một gia đình khó khăn tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Mưu sinh với nghề thợ xây, phụ hồ, bố mẹ Minh thường đi làm xa nhà, nửa năm mới về nhà một lần. Từ nhỏ, Minh đã phải sống thiếu vòng tay cha mẹ, nương tựa vào sự chăm sóc của bà nội.
Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, từ lúc sinh ra, Minh chỉ nhìn được một mắt, đến năm 10 tuổi thì hoàn toàn mất đi thị lực cả hai mắt. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản ước mơ học tập và hòa nhập cộng đồng của Minh. Năm 12 tuổi, Minh được Hội Người mù huyện Ba Vì tạo điều kiện cho theo học tại Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh, bởi ở đây, anh được học chữ nổi, học văn hoá, âm nhạc và nhiều kỹ năng sống khác.
Biến cố ập đến với Minh, khi 13 tuổi, anh mồ côi cả bố lẫn mẹ trong một vụ tai nạn lao động. Không gục ngã, nỗi đau mất mát cùng hoàn cảnh khó khăn càng thôi thúc Minh quyết tâm học nghề để tự lập. Năm 17 tuổi, Minh chọn học nghề xoa bóp bấm huyệt. Song song với việc học, anh đi làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ nỗ lực học tập và rèn luyện, Minh đạt được nhiều thành tích trong học tập, hoạt động thể dục thể thao, công tác xã hội và công việc. Anh xuất sắc là thủ khoa đầu vào của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Trong quá trình học tập, anh còn vinh dự được nhận học bổng thanh niên vượt khó của trường.
Anh Phùng Văn Minh.
Với mong muốn có thể giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, anh thành lập cơ sở tẩm quất massage khiếm thị Linh Đan. Bên cạnh đó anh còn là nhà phân phối độc lập các thiết bị điện giải tạo ion kiềm, nghệ Ucon cho Công ty Kangen Water 102 và Công ty Bellhome Việt Nam.
Ngoài công việc, Minh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Anh đã tham gia nhiều buổi hội thảo, tọa đàm về quyền lợi và cơ hội cho người khuyết tật, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết của việc hỗ trợ và hòa nhập cho người khuyết tật. Với những nỗ lực đó anh Minh đã xuất sắc được nhận giấy khen của Hội Người mù thành phố Hà Nội và nhiều giải thưởng khác.
Với cô gái Phạm Phương Anh (SN 2003, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương), bằng thái độ sống tích cực, em đã vượt lên nghịch cảnh đóng góp hết mình cho các dự án xã hội.
Năm 2010, một vụ tai nạn khiến Phương Anh bị liệt hai chi dưới do chấn thương cột sống. Tưởng như cú sốc này khiến em không thể vượt qua, nhưng đối mặt với hoàn cảnh nghiệt ngã đó, Phương Anh không bao giờ từ bỏ ước mơ và khát vọng của mình.
Năm 2021, Phương Anh thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương, với số điểm xuất sắc: Toán 9,2; Anh 9,8. Ngoài giờ học, Phương Anh còn không ngừng trau dồi bản thân ở các kỹ năng mềm như thiết kế, viết lách, làm những công việc bán thời gian, phụ giúp gia đình trong kinh tế. Với niềm say mê trong học tập Phương Anh đã xuất sắc 2 lần đạt được học bổng, tích cực trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ. Ngoài Tiếng Anh, em còn biết thêm Tiếng Trung với chứng chỉ HSK3. Bên cạnh đó, cô còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội với tinh thần cống hiến đóng góp vào các dự án xã hội do CLB Enactus FTU Hanoi tổ chức như Thuong Thuong Handmade, Handycap và cuộc thi khởi nghiệp xã hội VSIC. “Là một người khuyết tật, tôi luôn mong muốn nỗ lực hết mình để chứng minh bản thân vẫn tạo ra được giá trị tốt đẹp, tích cực trong xã hội” Phương Anh chia sẻ.
Không bao giờ từ bỏ ước mơ và hi vọng
Với chàng trai Đặng Anh Tú (SN 1996, ở Ứng Hoà, Hà Nội), những thử thách về khiếm khuyết trên cơ thể lại trở thành động lực để anh không ngừng tiến về phía trước, khẳng định rằng “khó khăn chỉ là rào cản tạm thời nếu ta biết cách vượt qua”. Anh Tú cho rằng, mọi bước đường của anh đều là đi ngược chiều gió để tìm kho báu lớn lao cho mình.
Anh Tú là con trai đầu lòng, chào đời trong niềm hạnh phúc và kỳ vọng lớn lao của gia đình. 8 năm đầu đời, tuổi thơ của Tú trôi qua êm đềm như hầu hết mọi đứa trẻ khác. Nhưng rồi sóng gió ập tới cuốn đi mọi niềm vui lúc bấy giờ. Trong một trận ốm sốt cao, bác sĩ chẩn đoán anh bị phình mạch máu não, phải phẫu thuật gấp. Ca mổ giữ lại được mạng sống của anh nhưng lại biến anh từ đứa trẻ lành lặn trở thành đứa trẻ đa tật với thị lực kém hẳn, nửa người bên phải bị liệt và nói không rõ tiếng.
Anh Đặng Anh Tú.
Việc học tập và sinh hoạt bị cản trở, đau đớn cả thể chất và tinh thần nhưng Tú chưa bao giờ suy nghĩ tới việc bỏ cuộc. Một lần nữa, Tú kiên cường tập tễnh học đi, rồi lại tập viết, tập nói. Sau hơn một năm phục hồi chức năng, Tú trở lại trường học. Sức khỏe dù đã khôi phục một phần nhưng tay chân còn yếu, Tú không thể nhìn lên bảng hay thấy rõ dòng kẻ trong trang vở. Gần mười năm, từ lớp 3 đến lớp 12, Tú kiên trì cùng những con chữ với thành tích khá, giỏi bằng cách mượn bạn bè sách vở hoặc nhờ đọc bài cho chép sau các tiết học..
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tú mơ ước một ngày được bước tới cánh cổng đại học. Nhưng vì tay và thị lực yếu, tốc độ làm bài bị ảnh hưởng, dẫn đến kết quả kỳ thi không được như mong đợi. Phần vì thương bố mẹ vất vả, phần vì khao khát tự do và một cuộc sống độc lập, Tú rời nhà đi tìm kiếm việc làm. Không ngại khó, ngại khổ, anh thử qua tất cả những công việc người ta thuê như: Khuân vác, bưng bê,… để có được nguồn thu nhập ít ỏi.
Tú chia sẻ, ngọn lửa khát vọng được học tập nhiều hơn và có được một cuộc sống tốt hơn chưa bao giờ tắt trong trái tim anh. Năm 2018, trong một lần đến một cơ sở tẩm quất, massage của người khiếm thị tại Hà Đông để xin học nghề truyền tay, Tú tình cờ gặp một huấn luyện viên thể thao cho người khuyết tật đang đi tìm kiếm vận động viên. Nhận thấy niềm đam mê của Tú, thầy gợi ý anh tới sân vận động ngay buổi chiều hôm đó để thử sức. Kể từ ấy, Tú trở thành vận động viên điền kinh.
Tú luôn suy nghĩ: “Chân mỏi nhưng đầu không được mỏi”. Đó cũng là triết lý sống, là kim chỉ nam cho mọi nỗ lực của anh. Khi đôi chân bắt đầu mệt mỏi, khi cơ thể bắt đầu kiệt sức, chính ý chí và sự kiên định trong suy nghĩ sẽ dẫn dắt mình vượt qua. Từ những buổi tập gian khổ đến việc thi đấu trong những giải quốc gia, Tú không bao giờ cho phép mình dừng lại trước khi hoàn thành mục tiêu. Anh nhớ lại: “Khi mình chạy đến vòng 8 trên 10, đầu óc luôn nói với mình rằng không thể dừng lại. Nếu vượt qua được ranh giới đó, mình sẽ vượt qua cả giới hạn của chính mình”. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, trong mùa giải đầu tiên tại Giải Vô địch quốc gia cho người khuyết tật, Tú vinh dự giành được 3 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc.
Năm 2019, Tú tham gia Hội Người mù quận Nam Từ Liêm. Từ khi ra nhập Hội, anh không chỉ được đón nhận niềm vui, niềm hạnh phúc từ sự sẻ chia, đồng cảm của những người bạn đồng tật mà đáng trân quý hơn là một lần nữa là nhận được những cơ hội học tập, rèn luyện bản thân để trở thành một con người có ích hơn. Anh được tham gia các khóa học về y học cổ truyền, bồi đắp kiến thức, kỹ năng, sự tự tin trong cuộc sống. Năm 2023, Anh Tú thành lập cơ sở chăm sóc sức khỏe Tâm Đức. Cơ sở không chỉ giúp chàng trai trẻ có khả năng độc lập về tài chính mà còn tạo công ăn việc làm cho những người bạn đồng tật. Đặc biệt, từ tháng 6/2024, Anh Tú đã bắt đầu mảng đào tạo nghề tại chính cơ sở kinh doanh của mình.
Tú tin rằng vượt qua nghịch cảnh không chỉ là nhiệm vụ cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, để giúp những người khác cũng có thể tự tin vươn lên như anh đã làm.