Nấu ăn không đơn thuần chỉ là việc nhà, mà nó còn là những bài học về kỹ năng sống, về tình cảm gia đình. Đứng ở góc độ khoa học, khi những đứa trẻ tham gia vào các công việc gia đình, trong đó có nấu nướng thì chúng có nhiều khả năng để hoàn thành tốt công việc học hành của mình hơn, có nghề nghiệp thành công hơn và có mối quan hệ tốt với những người xung quanh. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ cảm thấy lo lắng khi cho con vào bếp vì ở đó tồn tại những nguy hiểm cho trẻ như lửa, dao, vật sắc nhọn… Vì vậy, cách giúp con tốt là bố mẹ hướng dẫn trẻ những kỹ năng đứng bếp an toàn, tùy theo độ tuổi của con.
Dạy con đứng bếp an toàn
Khi thấy chị Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (33 tuổi) cho con dùng dao, nhiều người thân thấy bất an thay chị vì sợ con chẳng may cắt trúng vào tay? Nhưng người mẹ này vẫn rất bình tĩnh nhờ một số “bí quyết”. Con trai lớn 6 tuổi của chị Ni hiện tại đã dùng dao khá tốt và tự tin. Để có kết quả như ngày hôm nay là cả quá trình kiên trì, cố gắng của cả hai mẹ con. “Mình cảm thấy cho dù mình có cố giữ con đến đâu, thì cũng không giữ con tránh khỏi tất cả mọi hiểm nguy của cuộc đời được. Vậy nên mình không dạy con tránh xa, bảo vệ con hết mức mà mình dạy con cách đương đầu với chúng. Các con luôn muốn khám phá, nếu càng cấm cản, chúng lại càng tò mò, muốn tìm hiểu. Sẽ thật nguy hiểm nếu các con không ý thức được việc dùng dao, vật sắc nhọn nguy hiểm ra sao. Ngược lại, sẽ an toàn hơn nếu con hiểu được việc đang làm và nắm được kỹ năng dùng dao đúng cách”, chị Ni chia sẻ.
Theo bà mẹ trẻ, ngoài mục đích dạy con một số kỹ năng an toàn, việc dạy con dùng dao còn giúp con phát triển kỹ năng phối hợp tay trái - tay phải, kỹ năng phối hợp tay - mắt, nâng cao sự tập trung, xây dựng lòng tự tin, góp phần hình thành tính độc lập và ý thức giúp đỡ người khác nữa.
Chị Ni cho hay, để con được an toàn, mẹ phải kiên nhẫn dạy con từng bước một và giám sát con chặt chẽ. “Với bé nhà mình, ngay từ lúc biết bò, mình đã cho bé chơi với các loại rau củ, trái cây, đồ bếp để bé làm quen. Dần dần bé sẽ cảm thấy an toàn trong môi trường bếp. Tiếp theo, mình thường xuyên để bé vào bếp cùng mẹ, sơ chế rau củ, làm bánh, nấu ăn… Khi bé quen nhìn mẹ sử dụng dao rồi, mình mua cho bé bộ đồ chơi cắt rau củ bằng gỗ cho bé vừa chơi vừa thực hành. Cuối cùng, bé được sử dụng dao thật dưới sự giám sát chặt chẽ của người lớn”.
Ảnh minh họa
Chia sẻ về cách giúp con sử dụng dao an toàn, chị Ni nhấn mạnh: “Đầu tiên mình phải dạy con dao không phải là đồ chơi, và nó rất dễ gây thương tích nếu không sử dụng đúng cách. Mình luôn nhắc con đặt dao và thớt lên một mặt phẳng thật chắc chắn trước khi sử dụng. Khi sử dụng dao, phải cầm dao bằng tay thuận của mình, dùng 4 ngón tay vòng từ dưới lên nắm chặt cán dao, ngón trỏ đặt lên sống dao và lưỡi dao, ngón tay cái giữ từ phía trên cán dao. Không được chạm vào phần lưỡi sắc nhọn của dao. Khi đặt dao xuống mặt bàn luôn để cách xa mép bàn và đầu mũi dao, lưỡi dao quay ra ngoài. Khi cắt, mắt luôn nhìn xuống dao. Khi muốn lấy rau củ đã cắt ra phải đặt dao sang một bên rồi mới lấy rau củ”. Chị lưu ý thêm, khi mới bắt đầu, chỉ nên cho bé dùng dao cắt các loại rau củ và trái cây mềm…
“Bé có thể không làm tốt ngay ở lần đầu tiên cũng là chuyện bình thường. Theo thời gian, bé sẽ khéo léo hơn. Bên cạnh dạy con cách dùng dao an toàn, mình cũng dạy con cách sơ cứu nếu không may bị đứt tay, giúp con ý thức và cẩn thận hơn”- chị Ni cho biết.
Và những bài học về cuộc sống
Với chị Nguyễn Thị Bình (một giáo viên tại Hà Nội), các kỹ năng nhà bếp mà con học được sẽ góp phần giúp con nuôi dưỡng cảm xúc và tâm hồn. Đồng thời, khoảng thời gian ít ỏi mỗi ngày cả nhà bên nhau sẽ ý nghĩa hơn nếu bố mẹ lồng nhiều bài học vào dạy con trong khi nấu nướng cũng như ăn uống.
“Một lần mình đang lấy gạo nấu cơm, con trai khi đó 3 tuổi đã sà vào nghịch gạo, mình liền lấy ra một chiếc mâm và một chiếc cốc nhựa, mình cùng con xúc gạo từ thùng gạo ra mâm rồi lại xúc ngược lại, vừa xúc vừa học đếm. Cùng với đó mình giảng giải cho con về tầm quan trọng của hạt gạo nuôi con lớn như thế nào. Vậy là con vừa vui vừa được học những kiến thức Toán học đầu tiên. Khi con 6 tuổi, mình luộc ngô cho con ăn và dạy con học bảng cửu chương. Mình tách từng hạt ngô xếp hàng vào đĩa mô phỏng phép nhân, con đếm hạt rồi tính, mỗi phép tính tính xong mình vừa khen con vừa nói “Con ăn phép nhân đi”, con thích chí ăn hết bắp ngô đồng thời thuộc luôn bảng nhân mà lại nắm được quy luật của nó.
Ảnh minh họa
Khi đó con 5 tuổi, mình mua bánh mì cho con ăn. Mình cùng con khoét, moi ruột bánh tạo hình một đôi giầy bánh mì đáng yêu. Con vui cười khoái chí, mình cũng hạnh phúc vô ngần. Một lần khác, khi con 6 tuổi, mình nấu canh nấm rơm, mình mang nấm ra cùng con cắt mỏng nấm tạo thành hình giống như khuôn mặt cười”, chị Bình đã mượn những nguyên liệu sẵn có trong nhà bếp để dạy con như thế.
Chị cũng không quên dạy cho con những kỹ năng nhà bếp phù hợp với độ tuổi của con. Giai đoạn đầu đời, con được làm quen với căn bếp bằng việc nhận biết các đồ vật như: Bát, đĩa, rau, củ, cơm, cháo, cam, xoài… “Trong quá trình nấu ăn, mình cũng bắt đầu dạy con về từ tượng hình, tượng thanh như “xù xì, bập bùng, lách cách, loảng xoảng”, dạy con nói các câu đơn giản như: “Đây là quả táo”, “Đây là chiếc nồi”, “Đây là cái đĩa”. Mình dạy con học cách diễn tả các hoạt động bằng ngôn ngữ như: “Bây giờ chúng mình rửa tay trước khi chúng mình ăn cơm”, “Mẹ con mình cùng đặt nồi lên bếp và bật bếp lên”...”, chị Bình chia sẻ.
Lớn hơn một chút, con chị Bình được mẹ cho biết về các vật dụng làm bếp, gia vị nấu nướng, các loại ngũ cốc, các kiểu chế biến món ăn, các bước sơ chế... “Giai đoạn tiếp theo, hai mẹ con cùng nâng cao trình độ bằng việc học cách ăn uống bằng ca dao, tục ngữ như: Ăn trông nồi, ngồi trong hướng; Ăn cá nhả xương, ăn nuốt chậm; Ăn thịt bò không tỏi/ Như ăn gỏi không rau mơ; Ăn chậm, nhai kỹ, no lâu/Ăn nhanh, chóng đói, lại đau dạ dày… “Chuyện bếp núc không dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu cơ bản là chuyện ăn, đó còn là lớp học đầu tiên của con”, bà mẹ ngoài 30 tuổi cho biết.
Hầu hết trẻ em đều rất hào hứng khi cha mẹ rủ vào bếp hoặc tự chủ động khám phá căn bếp. Nhưng nếu con không có hứng thú ấy thì bố mẹ nên làm gì? Chuyên gia tâm lý trẻ em Lưu Minh Hường chia sẻ, bố mẹ có thể tạo hứng thú cho con bằng việc để con tự chuẩn bị món ăn con thích. “Việc giới thiệu cho con về các kỹ thuật, kỹ năng cũng nên từ từ, tăng dần khi thấy con bắt đầu có hứng thú. Bố mẹ có thể dành riêng cho con một bộ dụng cụ nhà bếp như: Tạp dề, mũ, bát đũa… có hình thù bắt mắt, thân thiện với trẻ em để con yêu thích vào bếp hơn”.