Hà Nội là nơi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước. Về với nhiều làng nghề của Hà Nội hôm nay, trong gió xuân, khí xuân phơi phới, có thể cảm nhận được tình yêu nghề, mong muốn gìn giữ giá trị văn hóa nghệ truyền thống trong từng nghệ nhân.
Níu giữ mạch nguồn truyền thống
Men theo quốc lộ 32, tôi tìm về làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội - làng nghề tạc tượng Phật nức tiếng, có truyền thống làm nghề đã ngót nghét 800 năm, là nơi phân phối tượng thờ đi khắp nơi trong cả nước.
Đi sâu vào làng, nhiều xưởng sản xuất tượng Phật vẫn đang hoạt động để phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân vào dịp Tết đến xuân về. Việt Nam vốn là quốc gia có nền văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng đa dạng, đặc biệt là ở miền bắc. Tại Bắc Bộ, những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm, kết hợp với tín ngưỡng đạo Mẫu bản địa khiến những tượng thờ tại đây mang đậm phong cách Việt chứ không chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa hay Khmer nhiều như những vùng khác. Cũng chính vì thế, việc làm thế nào để tạo ra những pho tượng vừa bảo đảm thẩm mỹ, vừa phải đúng với văn hóa truyền thống Việt Nam đòi hỏi sự khéo léo, kiến thức cao và hơn thế nữa từ các nghệ nhân. Ngày nay, nhiều xưởng sản xuất có sự hỗ trợ của máy móc, đã có thể thực hiện được nhanh hơn, chính xác hơn, nhưng nhiều hộ vẫn hạn chế sự can thiệp của máy móc và duy trì những kỹ thuật thủ công. Chính cách làm này đã tạo ra sự khác biệt ở mỗi pho tượng.
Rời Sơn Đồng, tôi đến Chàng Sơn, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) là nơi nổi tiếng với nghề quạt giấy truyền thống. Có thời gian, người làng nghề còn thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất quạt giấy để cung cấp ra thị trường.
Làng nghề nhộn nhịp trong những ngày xuân mới.
Thế rồi với sự phát triển của quạt điện, nghề làm quạt giấy bị thu hẹp. Làng chỉ còn ít hộ gia đình giữ nghề. Một số gia đình bền bỉ giữ nghề, vừa làm quạt dùng trong sinh hoạt, vừa sản xuất quạt biểu diễn nghệ thuật, quạt trang trí. Đặc biệt, làng quạt giấy Chàng Sơn có một số nghệ nhân tâm huyết giữ nghề, như vợ chồng ông Dương Văn Mơ, cụ Bùi Thị Đức… Trong thời buổi khó khăn, họ vẫn tin vào thế hệ con, cháu, những người không bỏ rơi nghề của cha ông, mà gắng gỏi học nghề để gìn giữ.
Như một sự đền đáp xứng đáng, việc gìn giữ và truyền nghề cho thế hệ con cháu một cách bền bỉ của những người yêu nghề đã làm lan tỏa, để nhiều người khác chung tay khôi phục và phát triển nghề. Nhờ đó việc sản xuất, kinh doanh tại làng được khởi sắc và nhộn nhịp hơn. Những chiếc quạt của Chàng Sơn giờ chẳng bó hẹp ở thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín), từ lâu đã trở thành điểm du lịch làng nghề nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Hằng ngày, không khí làm việc, chế tác, giao dịch, tham quan, mua sắm diễn ra sôi nổi. Đó là minh chứng cho sức sống của làng nghề với những con người, đôi bàn tay tài hoa thổi hồn vào trong từng thớ gỗ. Biết bao lần, tôi đã say sưa với những đường nét tinh vi trên sản phẩm của làng rồi từ đó bị hớp hồn bởi những nét chạm, tỉa, giũa uyển chuyển của từng chi tiết, cành hoa, con ong, chiếc lá hay những bức tượng có thần thái, tính cách.
Ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ Nhân Hiền cho biết, điêu khắc là nghề “cha truyền, con nối” của làng. Công việc của người thợ điêu khắc gỗ không hề dễ dàng. Quá trình sản xuất đòi hỏi người thợ phải tập trung tối đa, từng động tác phải được thực hiện thật tỉ mỉ, bảo đảm đạt được sự chuẩn mực trong từng chi tiết của sản phẩm.
Dù nghề có lúc thịnh, lúc suy song cá nhân ông Nguyễn Văn Trúc và người dân trong làng luôn mang trong mình niềm tự hào của nghề điêu khắc. Không tự hào sao được khi ở khoảng thế kỷ XVIII, XIX tay nghề của những người thợ đã vang xa. Làng có nhiều nghệ nhân giỏi được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm. Một số nghệ nhân còn được triều đình Huế tấn phong chức “Cửu phẩm”. Ở làng, có nhiều “bàn tay vàng” nức tiếng như cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình… thế hệ kế tiếp có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Minh Phú, riêng lớp người trẻ nối nghề thì có Nghệ nhân Hoàng Văn Kế.
Nghệ nhân thêu tay làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín.
Chuyển mình để thích ứng
Hội nhập, thích ứng với thị trường là hướng đi tất yếu của làng nghề. Theo các nghệ nhân, để làm được điều này đòi hỏi những người nối nghề phải không ngừng sáng tạo để có sản phẩm tốt, có sức lay động, được người tiêu dùng đón nhận, có thể sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài.
Minh chứng dễ thấy, tại Hà Nội có nhiều nghề truyền thống đang được quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị trong đương đại như: Nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)… Sau hằng trăm năm, những sản phẩm của các làng nghề truyền thống kể trên đã vượt ra khỏi khuôn khổ địa phương để đến với khách hàng trên cả nước và ra quốc tế.
Chủ tịch Hội điêu khắc gỗ Nhân Hiền cho biết, quan điểm kinh doanh của người thợ Nhân Hiền là khi đã nhận đặt hàng của khách sẽ hợp đồng chính xác đúng ngày, đúng giờ giao hàng, không bao giờ để lỡ thời gian hợp đồng giao hàng với khách. Hàng luôn đảm bảo chất lượng khi xuất xưởng là quy định bất thành văn của những người làm nghề. Ngoài ra, bản thân người làm nghề cũng cần biết quảng bá sản phẩm của mình thông qua những chương trình triển lãm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hiền Giang, huyện Thường Tín cho biết, để gìn giữ và phát triển nghề thủ công truyền thống bên cạnh sự nỗ lực của những người làm nghề, những hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng hết sức quan trọng. Chẳng hạn, để giữ nghề điêu khắc Nhân Hiền, xã đang đề nghị với huyện xây dựng và quy hoạch khu chuyên trưng bày, triển lãm các sản phẩm tinh túy của làng nghề. Bên cạnh đó, xã Hiền Giang cũng khuyến khích người làm nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Về lâu dài, địa phương cũng xác định việc di dời các hộ làm nghề ra xa khu dân cư là rất cần thiết. Bởi vậy, chính quyền xã, người làng nghề cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn để nghề điêu khắc ở Hiền Giang có điều kiện phát triển hơn nữa.
Kim Lan là làng có nghề làm gốm sứ nằm bên sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông Đào Việt Bình, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Kim Lan cho biết: Ở Kim Lan, nhiều nghệ nhân đang nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của làng. Đặc biệt, các nghệ nhân trẻ ở Kim Lan đang nỗ lực gây dựng lại và phát triển nghề gốm với ngày một nhiều những lò nung gốm đỏ lửa. Hàng năm, các trường học ở xã Kim Lan đều tổ chức đưa học sinh đến tham quan Bảo tàng và nghe các nghệ nhân nói về lịch sử của làng. Định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới là sẽ phát triển nghề gốm sứ Kim Lan gắn với du lịch. Kim Lan hứa hẹn sẽ có được không gian với các hoạt động phong phú để giữ chân du khách tới khám phá đủ lâu và đủ nhiều. Còn cộng đồng Kim Lan cũng sẽ được hưởng lợi nhờ đa dạng hình thức mưu sinh bằng việc tham gia vào các hoạt động đón tiếp du khách, làm hướng dẫn viên, sản xuất và bán các sản phẩm lưu niệm gốm sứ, nấu các món ăn truyền thống phục vụ du khách...