Miệt mài "ăn ngủ" cùng cây tre, anh Luân đã tạo tác ra những tác phẩm tre bonsai độc nhất vô nhị, giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Hàng nghìn gốc tre được chăm chút mỗi ngày trong khu vườn bonsai rộng 2.000 m2
Cây tre là hình ảnh quen thuộc gắn với làng quê Việt Nam, chúng mọc thành từng bụi, chia thành từng đốt, nay được các nghệ nhân đưa vào chậu thành bonsai độc đáo, ấn tượng. Chính cây tre bonsai đã giúp anh Nguyễn Sỹ Luân (SN 1995, Bắc Giang) được nhiều người biết đến.
Có niềm đam mê cây cối nên từ nhỏ, anh Luân thường nhổ các cây dại ven đường về để trồng vào tạo tác. Khi học xong lớp 12, anh Luân quyết định đi học nghề cây cảnh. "Tôi thích trồng cây từ bé. Khi ấy, tôi thường tìm những cây nhỏ mang về trồng rồi cứ tạo tác theo hình dáng mà mình muốn. Học hết lớp 12, tôi quyết định lên Hà Nội học nghề cây cảnh. Sau khi học xong, tôi về quê, làm cây và bán gốm", anh Luân kể.
Anh Luân bên cạnh tác phẩm tre bonsai độc đáo
Ở quê, anh Luân tiếp nối nghề làm gốm truyền thống của quê hương và không ngừng theo đuổi đam mê cây cảnh. Anh dành nhiều thời gian để trồng cây, chăm sóc vườn cây rộng 2.000 m2. "Mình nhận các đơn đặt hàng gốm, làm được bao nhiêu lỡi lãi đem đổ hết vào cây cảnh", anh chia sẻ.
Đã 6-7 năm theo đuổi bonsai nhưng anh Luân chỉ thực sự được nhiều người biết đến khoảng 2 năm gần đây nhờ những tác phẩm cây tre bonsai độc đáo. Anh kể: “Tôi lớn lên ở quê, phía trước nhà có lũy tre được người dân trồng để chắn lũ. Tuy nhiên, khi xây khu công nghiệp, người ta đào hết tre, xây bờ kè bằng xi măng khô cứng nên tôi tiếc lắm. Tôi muốn trồng lại trẻ để lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ. Từ đó, tôi học trồng tre rồi làm dần. Trong các hội nhóm yêu cây cảnh, tôi thấy có các anh chụp những cây tre bonsai rất đẹp nên cũng sưu tầm các gốc tre về trồng.
Vườn bonsai của anh Luân hiện sở hữu vài nghìn gốc tre bonsai, mỗi cây mang một dáng dấp và vẻ đẹp riêng
Tre là cây thân thảo, không cấy ghép được, thân vừa cứng lại vừa mềm, dễ uốn nhưng khi tạo tác phải rất tập trung, kiên nhẫn và phải có gu thẩm mỹ. Tre trồng rất dễ nhưng để chăm sóc không hề dễ vì nếu mình không cẩn thận, khi trồng dễ bị thối củ, có thể sau 1-2 tháng cây bị chết hoặc vài năm sẽ bị chết”, anh Luân nói.
Thời gian đầu, vì không có kinh nghiệm lại đầu tư nhiều tiền nên anh đã gặp phải thất bại lớn. “Vì thiếu kinh nghiệm, cả vườn tre gần 1.000 gốc đã chết khô. Lúc đó, tôi không tính toán đến kinh tế, tất cả tiền bán gốm đều đổ vào phôi tre. Giờ nghĩ lại, tôi đã thiệt hại vài trăm triệu đồng”, anh nhớ lại.
Cận cảnh chậu tre Phượng Hoàng Lửa
Nhưng thay vì từ bỏ, anh Luân tiếp tục nghiên cứu, rút ra bài học và cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng xi măng để bịt kín vết cắt khi trồng tre, giúp cây phát triển tốt hơn. Anh cũng chia sẻ rằng, cây tre rất cần nước, không cần quá nhiều đất nên mỗi khi trồng anh thường trộn xơ dừa với đất thịt theo tỷ lệ 70-30. Sau khi tạo tác hoàn thiện, việc chăm sóc tre bonsai khá đơn giản, chủ yếu là tưới nước và bổ sung chất dinh dưỡng. Điều quan trọng nhất là duy trì độ ẩm cho cây, đặc biệt là nước.
Nhiều tác phẩm tre bonsai độc nhất vô nhị có giá hàng trăm triệu đồng
Với bản tính ưa thử thách và khát khao chinh phục, anh Luân không ngừng học hỏi và cải thiện kỹ năng. Mỗi cây tre bonsai mà anh tạo ra đều “độc bản” và mang một ý nghĩa riêng biệt. “Một cây tre bonsai bình thường để chơi, đặt trên các bàn trà có thể cần 6 tháng để hoàn thiện, nhưng với những cây đặc biệt, tôi có thể phải mất đến vài năm hoặc cả chục năm. Một số tác phẩm độc đáo của tôi như tre bonsai Lưỡng Long Chầu Nhật, Giao Duyên, Phật Bà, Phượng Hoàng Lửa… đã thu hút sự chú ý.
Chậu tre Phật Bà có người trả 500 triệu nhưng anh Luân chưa đồng ý chuyển nhượng
Gốc bonsai đắt nhất là cây tre Phật Bà. Phôi của cây tre Phật Bà được khai thác từ vùng Đắk Lắk, sau đó được một nghệ nhân tên Sơn ở Phú Thọ mua về trồng. Tôi may mắn được anh Sơn chuyển giao năm 2022. Tôi được biết, từ lúc mua phôi về và chuyển giao cho vườn tôi là trong vòng 2 năm. Từ đó đến nay, vườn của tôi chăm sóc, tạo tác và sở hữu.
Cây tre Phật Bà được trả 500 triệu đồng nhưng tôi chưa bán. Đây là tác phẩm tôi rất tâm đắc. Hơn nữa, với mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa nhất định và phải "có duyên", gặp chủ hữu duyên mới bán được", anh Luân chia sẻ.
Nhiều tác phẩm của anh Luân được góp mặt trong những sự kiện đặc biệt
Với sự chăm sóc cẩn thận và tình yêu dành cho cây, những gốc tre tưởng chừng bình thường trong tay anh Luân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật “độc nhất vô nhị”, được nhiều người yêu thích. Anh hiện sở hữu khoảng 1.800 - 2.000 gốc bonsai, trong đó có nhiều gốc tre bonsai có giá trị. Những cây tre bonsai không chỉ giúp anh Luân thỏa mãn đam mê, được nhiều người biết đến mà còn giúp anh có cuộc sống ổn định. “Không gì tuyệt vời hơn là được sống, theo đuổi đam mê, và chính đam mê đó lại nuôi sống được mình. Mỗi tháng thu nhập của tôi từ bonsai dao động từ 150 - 200 triệu đồng”.
Trong phong thủy, tre tượng trưng cho sự kiên cường, bất khuất, vượt qua mọi nghịch cảnh và sóng gió của cuộc đời. Đó còn là biểu tượng của may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng.