Vì sao gội đầu xong, thợ làm tóc luôn làm theo công thức sấy nóng và sấy lạnh?

Sol
Chia sẻ

Đừng bỏ qua việc sấy mát cho tóc, đây chính là bước quan trọng mà các tiệm làm tóc không bao giờ bỏ qua giúp khách hàng có mái tóc óng mượt.

Nhiều chị em khi đến tiệm làm tóc thường thắc mắc: Vì sao gội đầu ở tiệm lúc nào cũng sạch bong, tóc lại mềm mượt hơn hẳn so với tự gội tại nhà? Những người thợ làm tóc có bí quyết gì đặc biệt?

Thực tế, việc gội đầu ở tiệm không chỉ mang lại cảm giác thư giãn nhờ đôi bàn tay massage điêu luyện, mà còn khiến mái tóc trở nên sạch sâu, mượt mà đến lạ. Điều này khiến không ít người tin rằng các thợ làm tóc hẳn đang “giấu” một vài bí quyết đặc biệt.

Nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra một trong số những bí quyết đó chính là cách sấy tóc. Sau khi gội, các thợ thường dùng máy sấy nóng để làm khô trước, rồi kết thúc bằng khí lạnh. Nhưng liệu việc sấy nóng rồi chuyển sang sấy lạnh có gì khác biệt so với cách chỉ dùng nhiệt nóng thông thường?

Vì sao gội đầu xong, thợ làm tóc luôn làm theo công thức sấy nóng và sấy lạnh? - 1

Chị em khi được sấy tóc ở tiệm thường sẽ được sấy nóng trước rồi mới sấy lạnh.

Theo các chuyên gia, công đoạn sấy lạnh sau cùng đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho mái tóc.

1. Giúp đóng lớp biểu bì tóc 

Không chỉ là bước kết thúc cho có, việc sấy tóc bằng luồng khí mát thực chất đóng vai trò then chốt trong việc chăm sóc và tạo kiểu. Nhà tạo mẫu tóc María Roberts cho biết: “Luồng khí lạnh giúp lớp biểu bì tóc không bị tổn thương bởi nhiệt, đồng thời hỗ trợ đóng lại lớp biểu bì sau khi sấy nóng, tạo hiệu ứng mượt và bóng tự nhiên.”

Dù mái tóc đã khô nhờ nhiệt nóng, nhưng khi được "khóa lại" bằng luồng khí mát, đặc biệt nếu sấy theo hướng từ trên xuống, lớp biểu bì sẽ được cố định, giúp tóc trông suôn hơn và phản chiếu ánh sáng tốt hơn.

María nhấn mạnh thêm: “Một trong những lỗi phổ biến nhất khi tạo kiểu tóc gợn sóng là xõa tóc ra trước khi dùng luồng khí mát. Nhiệt nóng lúc đó sẽ phá vỡ kết cấu sóng mà bạn vừa tạo, khiến kiểu tóc nhanh chóng mất form.”

Vì sao gội đầu xong, thợ làm tóc luôn làm theo công thức sấy nóng và sấy lạnh? - 2

Sấy lạnh giúp đóng biểu bì tóc, giúp tóc trông suôn mượt hơn.

2. Cố định kiểu tóc và tăng độ bóng 

Không chỉ giúp đóng biểu bì tóc, luồng khí mát còn là “trợ thủ đắc lực” để giữ nếp và tăng độ bóng mượt tự nhiên. Khi kết thúc bằng gió mát, mái tóc không chỉ trông mượt mà hơn mà còn ít bị xơ rối, đặc biệt hiệu quả với những chất tóc mỏng, dễ gãy hoặc hay bông xù vào những ngày ẩm.

“Tôi thường dùng luồng khí mát ở phần chân tóc, nhất là khi tạo kiểu búi cao hay cần giữ tóc thật vào nếp. Nó đặc biệt hữu ích trong điều kiện ẩm ướt, như ngoài bãi biển, khi tóc rất dễ rối và mất dáng,” nhà tạo mẫu María Roberts chia sẻ.

Không cần đến sản phẩm tạo kiểu cầu kỳ, chỉ với một chút khí mát đúng thời điểm, bạn đã có thể “khóa form” cho mái tóc, giữ nếp tự nhiên và tránh tình trạng tóc xù lên mất kiểm soát.

Vì sao gội đầu xong, thợ làm tóc luôn làm theo công thức sấy nóng và sấy lạnh? - 3

Đây cũng là bước cố định kiểu tóc, giúp giữ nếp.

Cách sấy tóc chuẩn salon để có mái tóc mềm mượt, bồng bềnh như ngoài tiệm

Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao mỗi lần ra tiệm, tóc lại bóng mượt và vào nếp hơn hẳn so với khi tự sấy ở nhà? Bí quyết không nằm ở sản phẩm đắt tiền mà chính là ở kỹ thuật sấy tóc đúng cách. Dưới đây là những mẹo sấy tóc được chuyên gia áp dụng, giúp bạn có mái tóc đẹp như vừa bước ra salon:

1. Chia tóc thành từng phần nhỏ trước khi sấy

Đừng bao giờ sấy tóc khi tóc vẫn còn rối hoặc chưa được chia đều. Hãy chia tóc thành 4–6 phần nhỏ để việc sấy dễ dàng và hiệu quả hơn. Với tóc dày hoặc dài, nên dùng kẹp cố định để kiểm soát tốt từng lọn tóc và tránh làm tóc rối thêm trong quá trình sấy.

2. Duy trì khoảng cách an toàn khi sấy

Để tránh làm tóc cháy xơ, hãy luôn giữ máy sấy cách da đầu khoảng 15cm. Khoảng cách này giúp phân tán nhiệt đều, hạn chế tổn thương do nhiệt độ cao gây ra cho tóc và da đầu.

Vì sao gội đầu xong, thợ làm tóc luôn làm theo công thức sấy nóng và sấy lạnh? - 4

Sấy tóc cũng cần thực hiện đúng, giữ khoảng cách vừa phải để có mái tóc suôn mượt.

3. Sấy đúng hướng để giữ chất tóc

Một sai lầm phổ biến là sấy từ trên xuống hoặc đảo ngược chiều tóc. Thay vào đó, hãy sấy từ chân tóc ra ngọn, theo hướng xuôi tự nhiên của tóc. Cách làm này giúp lớp biểu bì tóc nằm phẳng, tạo độ bóng và giảm rối hiệu quả.

4. Luôn di chuyển máy sấy khi dùng

Không nên giữ máy sấy ở một chỗ quá lâu, vì điều này dễ khiến tóc khô cháy, mất độ ẩm tự nhiên. Hãy di chuyển máy liên tục, lướt nhẹ nhàng qua từng phần tóc để phân bố nhiệt đều, tránh quá nóng ở một điểm.

5. Giữ lại một chút độ ẩm

Đừng sấy tóc khô hoàn toàn. Tóc nên giữ lại khoảng 10–15% độ ẩm để tránh bị giòn, dễ gãy và xơ rối. Một mái tóc còn độ ẩm nhẹ sẽ giúp hấp thụ dưỡng chất tốt hơn nếu bạn dùng dầu dưỡng hoặc serum sau đó.

Vì sao gội đầu xong, thợ làm tóc luôn làm theo công thức sấy nóng và sấy lạnh? - 5

Nên giữ tóc còn chút ẩm mới thoa dầu dưỡng để hấp thụ tốt hơn.

6. Kết thúc bằng chế độ sấy lạnh

Sau khi sấy nóng, đừng quên chuyển sang chế độ sấy lạnh để “khóa ẩm” cho tóc và giúp lớp biểu bì se khít. Luồng khí mát cũng giúp tóc bóng mượt, bồng bềnh tự nhiên và giữ nếp tốt hơn. Ngoài ra, việc di chuyển máy nhẹ nhàng bằng sấy lạnh còn giúp massage da đầu, kích thích lưu thông máu và thư giãn cực kỳ hiệu quả.

7. Chọn máy sấy phù hợp

Máy sấy cũng là yếu tố quan trọng. Bạn nên ưu tiên các dòng máy sấy có ion âm – công nghệ giúp cân bằng điện tích, giữ ẩm cho tóc và giảm tĩnh điện, mang lại mái tóc mềm mại hơn sau mỗi lần sấy.

Lưu ý nhỏ, hiệu quả lớn: Tự sấy tóc ở nhà không khó, chỉ cần một chút kiên nhẫn và đúng kỹ thuật, bạn hoàn toàn có thể “hô biến” mái tóc trở nên mềm mượt, vào nếp như ở salon – mà không cần ra tiệm mỗi tuần!

Chia sẻ

Sol

Tin cùng chuyên mục