Những trái tim mang blouse trắng

Bài và ảnh: HƯƠNG TRANG
Chia sẻ

Trong muôn vàn nghề cao quý, nghề y luôn được trân trọng và đề cao bởi sứ mệnh thiêng liêng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Trên hành trình cao cả ấy, những y bác sĩ vẫn luôn âm thầm nỗ lực, chấp nhận những vất vả, hy sinh cuộc sống riêng tư, giành lại sự sống cho người bệnh.

Chuyện ở… nơi hồi sinh sự sống

Nghề Y vốn đã nhiều vất vả, áp lực, nhưng với những cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực, những khó khăn, thách thức dường như tăng thêm bội phần. Họ không chỉ phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng cấp cứu với rất nhiều kỹ thuật can thiệp được thực hiện. Mặt khác, bệnh nhân hồi sức cấp cứu luôn cần được theo dõi sát sao; xử trí kịp thời với một tinh thần trách nhiệm cao và chuyên nghiệp. Mỗi ca trực là một “cuộc chiến” căng thẳng; nơi từng quyết định chuyên môn phải nhanh chóng, chính xác để mỗi bệnh nhân có thêm cơ hội qua cơn bệnh hiểm nghèo.

Bước vào khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của BV Hữu Nghị là một khung cảnh hoàn toàn khác so với các khoa, phòng bên ngoài. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là rất nhiều máy móc hiện đại; hầu hết các bệnh nhân đang trong tình trạng nặng phải thở bằng máy. Ở đây, dường như không có tiếng của bệnh nhân, thay vào đó chỉ nghe những âm thanh tít tít của cả chục chiếc máy theo dõi bệnh nhân, máy thở, máy lọc máu liên tục... Thi thoảng là tiếng những trao đổi, lời hỏi han của bác sĩ, điều dưỡng với người bệnh hoặc người nhà đang chăm sóc bệnh nhân. Như những con thoi, các y bác sĩ thường xuyên đi lại qua các giường bệnh để thăm khám, theo dõi diễn biến và thực hiện các y lệnh. Họ thao tác và điều trị bệnh nhân nhanh nhẹn, cẩn thận... mặc cho ngoài kia là nắng, mưa, ngày hay đêm.

Từ đầu giờ làm việc, ThS.BS Tô Hoàng Dương - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Hữu nghị) đã có mặt tại khoa và tới kiểm tra các chỉ số cho một bệnh nhân nữ (77 tuổi), vào viện vì viêm phổi, chuyển xuống khoa Hồi sức vì suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được thở máy tích cực, tuy nhiên do tổn thương phổi rất nặng, nên bệnh nhân đã được chỉ định chạy tim phổi nhân tạo (ECMO) và tiến hành lọc máu cấp cứu. Hiện tại, bệnh nhân tạm ổn định về hô hấp và huyết động. Để điều trị cho người bệnh, BS Dương và các y bác sĩ của khoa đã luôn trau đồi các kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng và làm chủ rất nhiều các kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại; tiến hành nhiều cuộc hội chẩn chuyên môn để đưa ra những phương án điều trị tối ưu nhất cho từng người bệnh.

Những trái tim mang blouse trắng - 1

ThS. BSCKII Lương Thị Ngọc Vân thăm khám cho người bệnh.

Gần 15 năm gắn bó với khoa Hồi sức tích cực, ThS.BS Tô Hoàng Dương thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến khoa trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, luôn đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Bác sĩ Dương chia sẻ: “Áp lực cho người bác sĩ hồi sức cấp cứu là rất lớn bởi yêu cầu tư duy, nhận định và phán đoán về các ca bệnh đều phải rất nhanh chóng; chạy đua một mất một còn với thời gian. Những can thiệp cấp cứu càng khẩn trương và chính xác bao nhiêu, đồng nghĩa với việc sẽ nâng cao được tỷ lệ sống sót cũng như tỷ lệ bình phục của người bệnh. Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều yêu cầu, thách thức trong công việc; thường xuyên vắng nhà trong những dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết để thực hiện nhiệm vụ trực tại bệnh viện, các y bác sĩ vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua; các y bác sĩ hồi sức cấp cứu cũng là những người thuộc tuyến đầu xung phong vào tâm dịch làm nhiệm vụ cứu sống người bệnh”.

"Tôi thấy rằng nghề y là một nghề được xã hội nhìn nhận và đánh giá, trân trọng. Đó là tình cảm và sự ghi nhận lớn nhất mà những người như bác sĩ chúng tôi hàng ngày, hàng giờ đón nhận được. Nhìn thấy những bệnh nhân nặng dần vượt qua cơn nguy kịch; nhìn những bệnh nhân dần bình phục sức khoẻ và sớm được trở về với cuộc sống, với gia đình thân yêu của họ - đó là món quà, là ý nghĩa lớn nhất trong nghề y của chúng tôi.  Ở khoa của chúng tôi có một khẩu hiệu "Nơi sự sống được hồi sinh", đó là một thông điệp rất hay và mang nhiều ý nghĩa. Đó cũng là tâm niệm và triết lý với nghề của chúng tôi khi quyết định lựa chọn, gắn bó với chuyên ngành Hồi sức cấp cứu" - ThS. BS Tô Hoàng Dương bộc bạch.

Chỗ dựa vững vàng cho bệnh nhân

Hơn hai thập kỷ gắn bó với chuyên ngành Gây mê hồi sức, ThS. BSCKII Lương Thị Ngọc Vân - Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội - luôn tận tâm cứu chữa người bệnh bằng cả trái tim và trí tuệ. Với chị, mỗi ca phẫu thuật không chỉ là một nhiệm vụ y khoa mà còn là trách nhiệm thiêng liêng.

Chia sẻ về công việc của mình, BS Vân bày tỏ: “Trong mỗi ca mổ, phía sau đội ngũ phẫu thuật là các bác sĩ gây mê hồi sức. Chúng tôi có mặt từ rất sớm, chuẩn bị tỉ mỉ từng dụng cụ, thiết bị, đồng thời đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân một cách cẩn trọng. Với chuyên môn vững vàng và kinh nghiệm dày dặn, bác sĩ gây mê hồi sức không chỉ lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp mà còn theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn, đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn”.

Như những người bảo vệ thầm lặng, họ túc trực bên bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và phương pháp hỗ trợ cần thiết trong từng giây phút quan trọng. Sau phẫu thuật, họ tiếp tục theo dõi, giúp bệnh nhân tỉnh lại an toàn, kiểm soát biến chứng hậu phẫu. Công việc này không cho phép bất kỳ sai sót nào, đòi hỏi sự tập trung cao độ, phối hợp ăn ý và khả năng xử lý tình huống linh hoạt. Mỗi ca mổ thành công là minh chứng cho sự cống hiến thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của đội ngũ y bác sĩ.

Những trái tim mang blouse trắng - 2

-    ThS.BS Tô Hoàng Dương thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, BV Hữu Nghị.

Không chỉ đồng hành cùng bệnh nhân trong từng cuộc phẫu thuật, BS Vân còn mang đến hy vọng và niềm tin cho những người phụ nữ trong giây phút vượt cạn đầy thử thách. Nhiều người vẫn nghĩ rằng gây mê hồi sức chỉ đơn giản là giúp bệnh nhân ngủ yên, không cảm thấy đau đớn. Nhưng thực tế, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao và sự chính xác tuyệt đối. Các loại thuốc gây mê luôn tiềm ẩn nguy cơ, và việc kiểm soát liều lượng chính xác là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bác sĩ gây mê. Với sự tận tâm và tay nghề vững vàng, BS Vân đã trở thành một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực này.

Chị luôn tâm niệm, nghề y không chỉ là một công việc mà còn là một sứ mệnh thiêng liêng. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của chị là ca cấp cứu năm 2010. Khi đó, dù mang thai 17 tuần, chị vẫn cùng ê-kíp dốc toàn lực cứu sống một bệnh nhân bị sảy thai và rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. Trong khoảnh khắc sinh tử, chị đã thực hiện hồi sức tim phổi với sự kiên trì và quyết đoán, cùng đồng nghiệp giành giật sự sống cho bệnh nhân. Ca cấp cứu thành công không chỉ là dấu ấn nghề nghiệp mà còn là minh chứng cho sự tận tâm và ý chí kiên cường của người thầy thuốc.

Bận rộn với công việc, BS Vân ít có thời gian dành cho gia đình. Những ngày lễ Tết, khi mọi người quây quần bên người thân, chị vẫn túc trực trong bệnh viện, sẵn sàng cho những ca mổ khẩn cấp. Sự hy sinh thầm lặng ấy được bù đắp bằng niềm vui khi thấy bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh. May mắn khi chồng chị - cũng là một bác sĩ - luôn thấu hiểu và sẻ chia với công việc của vợ.

Câu chuyện của BS Vân không chỉ khắc họa chân dung một người thầy thuốc tận tâm, mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của lòng nhân ái, sự hy sinh và tinh thần trách nhiệm. Những cống hiến thầm lặng của các bác sĩ không chỉ cứu sống bệnh nhân mà còn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, làm rạng danh sứ mệnh cao quý của ngành y.

Chia sẻ

Bài và ảnh: HƯƠNG TRANG

Tin cùng chuyên mục