Câu nói bật ra nhanh như một lời đùa, nhưng ngay lập tức, không khí trong phòng như chùng xuống. Tôi cười trừ, chưa kịp đáp lại gì thì đã thấy chồng đứng ở cửa phòng, ánh mắt nhìn chị ấy thoáng nhíu lại.
Tôi sinh con đầu lòng vào một buổi chiều tháng Mười, trời Hà Nội vừa đủ se lạnh. Cuộc vượt cạn không quá khó khăn, nhưng hậu sản thì chẳng êm ả như tôi tưởng. Những cơn đau chằng chịt, việc cho con bú khiến đầu ngực rớm máu, rồi đêm thức trắng vì tiếng khóc, tất cả khiến tôi luôn trong trạng thái căng như dây đàn. May mắn là mẹ tôi lên chăm, và chồng thì xin nghỉ phép hai tuần để phụ giúp. Tôi cứ nghĩ, chỉ cần có gia đình bên cạnh là mình có thể vượt qua hết.
Ngày thứ 20 sau sinh, có một người chị đồng nghiệp thân thiết đến thăm. Chị là người vui vẻ, nói chuyện luôn pha chút hài hước. Ngay khi vào nhà, chị sà xuống nựng con, rồi cười bảo:
- Ơ kìa, nhìn con không giống bố tí nào.
Câu nói bật ra nhanh như một lời đùa, nhưng ngay lập tức, không khí trong phòng như chùng xuống. Tôi cười trừ, chưa kịp đáp lại gì thì đã thấy chồng đứng ở cửa phòng, ánh mắt nhìn chị ấy thoáng nhíu lại.
Tối hôm ấy, chồng tôi trở nên lạ lẫm. Anh không bế con như mọi hôm.
Trước khi ra về, chị còn nói với chồng tôi một câu, tưởng nhẹ như không:
- Mà thực ra con nít mới sinh ai chả giống giống nhau. Em nói vui vậy thôi. Chứ giống ai thật sự thì chắc phải vài tháng nữa mới biết rõ ha?
Tôi nghe rõ từng chữ. Chồng tôi cũng vậy. Nhưng anh không phản ứng gì lúc đó.
Tối hôm ấy, chồng tôi trở nên lạ lẫm. Anh không bế con như mọi hôm, không hỏi tôi ăn uống thế nào, chỉ ngồi lặng thinh ở góc giường, lướt điện thoại đến khuya. Tôi nghĩ chắc anh mệt. Nhưng rồi, liên tục mấy ngày sau, không khí giữa hai vợ chồng cứ lạnh dần, như có một lớp băng vô hình ngăn cách. Tôi hỏi, anh bảo: “Không có gì”. Nhưng ánh mắt thì tránh né.
Một tối, khi tôi vừa đặt con nằm ngủ xong, chồng đột ngột hỏi:
- Em nghĩ… đứa bé này có chắc chắn là con anh không?
Tôi đứng chết lặng.
Tôi đã tưởng mình nghe nhầm. Nhưng không. Anh nhắc lại lần nữa, lần này chậm rãi hơn, rõ từng chữ. Tôi là người yêu anh 4 năm, cưới nhau được hơn 1 năm mới có bầu. Suốt thời gian yêu đương lẫn kết hôn, tôi chưa từng một lần khiến anh phải nghi ngờ tình cảm hay sự thủy chung của mình. Vậy mà giờ đây, khi tôi vừa sinh con, đang trong thời kỳ ở cữ kiệt sức cả thể xác lẫn tinh thần, chồng tôi lại hỏi tôi một câu như lưỡi dao cứa vào tim.
Sau đó, tôi phát hiện anh tìm kiếm trên mạng những thứ như “con không giống bố phải làm sao”, “xét nghiệm ADN cho trẻ sơ sinh có đau không”, “chi phí xét nghiệm ADN là bao nhiêu”… Anh không nói gì với tôi, nhưng tôi biết, anh đã nghi ngờ. Và ngọn nguồn của sự nghi ngờ đó, chính là câu nói nửa đùa nửa thật của chị đồng nghiệp hôm ấy.
Nhưng mọi chuyện không chỉ có vậy.
Tôi chợt nhớ lại, trước khi đến với tôi, chồng tôi từng trải qua một cú sốc lớn. Anh bị người yêu cũ lừa, cô ấy nói có thai, bắt anh cưới, nhưng ngay sát ngày cưới thì phát hiện đứa bé không phải con anh. Anh từng kể cho tôi trong một đêm say, bảo rằng từ đó, anh mất niềm tin vào phụ nữ và sợ cảm giác bị lừa đến tận cùng như thế.
Tôi đưa tờ giấy cho anh mà không nói một lời. Chồng tôi khóc. Anh xin lỗi.
Tôi ngỡ rằng tình yêu của mình có thể chữa lành những tổn thương đó. Nhưng hoá ra, vết thương lòng chưa từng thực sự lành, chỉ là nó nằm im chờ cơ hội trồi lên. Và chị đồng nghiệp kia, bằng một câu nói tưởng vô hại, đã đào xới nó lên giữa lúc tôi yếu đuối nhất. Chồng tôi đề nghị ly thân. Anh nói: “Anh cần thời gian để suy nghĩ. Để chắc chắn”.
Tôi không biết điều gì đau hơn việc bị nghi ngờ, hay việc bị bỏ mặc đúng lúc mình cần chồng nhất. Tôi không nói gì. Chỉ lặng lẽ đi làm xét nghiệm ADN khi con vừa tròn 1 tháng.
Kết quả là con tôi đúng là con anh 99,999%. Tôi đưa tờ giấy cho anh mà không nói một lời. Chồng tôi khóc. Anh xin lỗi. Anh nói anh đã bị quá khứ ám ảnh. Anh nói anh yêu con, yêu tôi, nhưng lúc đó không kiểm soát được mình. Anh nói nhiều. Còn tôi thì chỉ im lặng.
Tôi tha thứ. Không phải vì tôi cao cả, mà vì tôi không đủ sức để bắt đầu lại từ đầu khi đứa con còn đỏ hỏn. Gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn về mặt hình thức. Nhưng trong lòng tôi, một điều gì đó đã chết đi từ hôm ấy. Đó là sự tin tưởng.
Chỉ một câu nói tưởng như đùa vui trong một lần đến thăm sản phụ ở cữ đã có thể thổi bay niềm tin giữa hai vợ chồng. Đôi khi, miệng người ta không có dao, nhưng lời họ nói ra còn sắc hơn dao gấp trăm lần.
Tôi chỉ ước, hôm đó chị ấy đừng đến. Hoặc đừng nói câu đó. Hoặc… chồng tôi đừng yếu lòng đến thế.
* Mẹ bầu có tâm sự hãy gửi về cho chúng tôi qua email: bandoc@eva.vn