Mẹ chồng đúng hay sai?

Anh chủ tiệm: Nhà văn Hoàng Anh Tú
Chia sẻ

Thi thoảng, tôi sẽ chọn 1 bức thư của bạn đọc gửi về toà soạn để đăng tải và chia sẻ những suy nghĩ của mình. Lời khuyên của tôi hoàn toàn chỉ mang tính gợi ý tham khảo, không phải là “thuốc trị bệnh”. Và bạn đọc của báo cũng có thể gửi ý kiến phản hồi, đóng góp cho nhân vật trong câu chuyện.

Tôi thì cho rằng bà sai rất sai còn chồng tôi lại bênh mẹ cho rằng mẹ chồng tôi là người nhân hậu, tử tế.

Bắt đầu từ việc bố chồng tôi có bồ bên ngoài. Tôi không đồng tình với việc đó nên nói cho mẹ biết. Tôi muốn mẹ phải xử lý bố nhưng bà lại không có động thái gì và lặng lẽ tìm cách kéo ông trở lại với gia đình. Tôi rất bất bình, chả hiểu vì sao mẹ lại có thể tha thứ được cho bố. Về phần tôi, sợ chồng mình theo gương bố nên tôi kiểm soát chồng khá chặt, luôn đem bố của chồng ra để cảnh báo chồng không được đi theo vết xe đổ của ông. Tôi nói thẳng trong bữa cơm có cả bố mẹ chồng và chồng rằng chồng con mà léng phéng dù chỉ là mồm miệng thì con cũng sẽ làm cho xấu mặt luôn. Hôm đó cả bố chồng và chồng tôi đều giận tái mặt.

Cái sai nữa của mẹ chồng là cứ hay cho vay tiền lung tung. Mà tiền đó là tiền chúng tôi biếu bà (mỗi tháng 5 triệu) nhưng bà không tiêu, bà cất đi bảo là sau này cho 2 đứa con của chúng tôi. Thôi thì bà cũng ý tốt với mọi người và tiền cho bà thì bà tự quyết thôi nhưng tôi thấy rất phí phạm. Mẹ chồng tôi ai vay cũng cho mà chẳng bao giờ đòi lại. Tôi tức lắm và xót nữa nên bảo chồng là biếu bà ít đi vì số tiền đó thà để mình tiêu còn đỡ phí hơn là để bà cho vay. Thóc đâu mà đãi gà rừng. Nhưng chồng tôi không chịu. Chồng tôi vẫn giữ nguyên mức đó. Tôi cũng chẳng can thiệp được vì ở nhà chồng tôi là người kiếm tiền chính. Nhưng bực thì vẫn bực.

Và gần đây nhất, mẹ chồng lại bị lừa khi cắm sổ đỏ một miếng đất của bà mua hồi trẻ để lấy tiền giúp người bạn chữa bệnh. Tuy nhiên, người bạn đó không may qua đời nên không trả lại bà tiền được nữa. Lại là chồng tôi mang tiền nhà đi chuộc lại sổ đỏ. Tôi có trách bà “ngơ ngơ” thì bà mắng tôi hỗn hào rồi bảo, cùng lắm bà nợ nhà tôi số tiền đó. Chồng thì giận tôi không thèm nói chuyện.

Tôi rất thương mẹ chồng, coi bà như mẹ đẻ của tôi thì tôi mới cư xử thế chứ? Liệu tôi có sai không? Và liệu bà có coi tôi như con đẻ không mà hiểu tấm lòng của tôi?

(Tên tuổi và địa chỉ của người viết chúng tôi xin phép ẩn đi)

Mẹ chồng đúng hay sai? - 1

Ảnh minh họa

BI KỊCH CỦA YÊU SAI CÁCH

Bạn thân mến!

Đầu tiên là tôi chúc mừng và cảm ơn bạn vì đã yêu mẹ chồng như mẹ đẻ của mình! Là một người đàn ông, tôi rất trân trọng tình yêu của bạn dành cho mẹ chồng. Tôi tin rằng chồng bạn cũng vậy. Không gì hạnh phúc hơn khi vợ mình trân trọng và yêu mẹ mình, luôn muốn điều tốt đến với bà.

Nhưng có lẽ, đọc xong bức thư của bạn, tôi thấy dường như bạn đang… yêu sai cách. Chúng ta luôn nói chúng ta yêu một ai đó nhưng nếu chúng ta kiểm soát họ, bực bội vì họ không… làm theo ý mình, luôn cho rằng họ sai và mình phải sửa chữa họ thì là chúng ta yêu sai rồi bạn ạ! Tình yêu đúng luôn bắt đầu bằng sự tôn trọng. Không có tôn trọng thì là yêu sai. Cho dẫu đó là tình yêu nam nữ hay tình yêu mẹ con, vợ chồng.

Trong bức thư bạn kể thì bạn rất không đồng tình với cách mẹ chồng bạn làm. Khi bố chồng bạn trót “cảm nắng”, bạn luôn muốn mẹ chồng phải ghét bố chồng như bạn ghét. Bạn nghĩ rằng, không thể tha thứ khi bạn đời ngoại tình và mẹ bạn cũng phải làm vậy. Bạn cũng muốn mẹ chồng phải tiết kiệm tiền, không cho vay mượn lung tung. Tất cả đều bắt đầu từ ý tốt (bạn nghĩ vậy) nên bạn ra sức ngăn cản, không ủng hộ mẹ chồng. Vì yêu họ nên ta muốn tốt cho họ, đúng mà! Nhưng bạn nghĩ sao nếu mẹ chồng bạn cũng muốn tốt cho bạn bằng cách muốn bạn cũng phải ra ngoài làm việc rồi mang tiền về. Bà cho rằng như vậy mới là đóng góp công sức cho gia đình còn bạn ở nhà chỉ là ăn bám chồng trong khi thực tế không phải vậy? Hoặc mẹ chồng bạn yêu con và muốn con của bà ly hôn với bạn, người mà bà cho là hỗn hào, “không có chung quan điểm sống” với bà?

Tôn trọng nhau là điều bắt buộc phải có trong mọi mối quan hệ, dù đó là mẹ đẻ mình hay con mình đẻ ra. Chúng ta không thể nhân danh người nhà hay nhân danh tình yêu mà thiếu tôn trọng nhau được. Không có tôn trọng thì yêu thế nào cũng là yêu sai hết.

Mẹ chồng đúng hay sai? - 2

Ảnh minh họa

Tôi nói bạn thiếu tôn trọng mẹ chồng là bởi bạn nói bà “ngơ ngơ”. Đó là lời nói không phải phép không chỉ với mẹ chồng bạn mà là với một người lớn tuổi hơn bạn. Trên kính dưới nhường là cách cư xử chúng ta đã được học mà, nhớ không?

Thế nên, cái cách bạn ghét bố chồng cũng làm tổn thương cả 2 người kia: Mẹ chồng và chồng bạn. Vì dù sao họ cũng là vợ, là con của người đàn ông đó. Cho dẫu ông ấy sai đến đâu thì việc bạn ám chỉ, bóng gió, phê phán giữa bữa cơm cũng là điều rất không chấp nhận được. Là bạn quá vô tâm và vô cảm với mẹ chồng - người bạn coi là mẹ đẻ, với chồng, người đầu gối tay ấp với bạn. Một chút trắc ẩn bạn cũng không có ư? Việc tha thứ hay không là do mẹ bạn quyết định trên cơ sở cân nhắc mọi mặt. Bà chấp nhận tha thứ cho chồng, cho ông cơ hội để “quay về và sửa sai” cho thấy bà vẫn muốn giữ gia đình cho mình, cho con, cháu. Tại sao bạn lại phản đối và cho rằng cứ phải ly hôn, làm tanh bành mọi chuyện mới là cách ứng xử đúng.

Thay vì bạn cứ yêu sai mãi thế, hãy yêu lại cho đúng. Bằng sự thương và hiểu mẹ chồng hơn. Hiểu rằng có thể bà cũng đau lắm chứ khi có một người chồng đã “phạm lỗi” với mình như vậy. Hiểu rằng bà cũng cần một người ôm lấy bà thay vì trách cứ bà, lên án bà. Nhiều người hết yêu nhưng còn nghĩa phu thê. Hiểu để thương cho đúng là thế.

Việc bà cho vay và không đòi lại cũng là một cách cho đi của bà. Thấy người khó khăn thì giúp đỡ. Đôi khi tiền chẳng phải là thứ đi liền khúc ruột với nhiều người đâu. Tiền với họ là phương tiện, là chiếc phao để họ quẳng ra cứu được ai đó, giúp được ai đó họ sẽ thấy hạnh phúc hơn, giá trị của đồng tiền với họ lúc đó mới thực là giá trị. Tôi nghĩ nếu bạn hiểu có lẽ bạn cũng sẽ học được từ bà sự nhân hậu đấy!

Cuối cùng, tôi nghĩ chồng bạn đã rất hiền và hiểu chuyện. Anh cũng là người rất trân quý gia đình này. Chẳng đứa con nào chọn được cha mẹ mình. Anh có thể cũng thương mẹ lắm nhưng anh đã không chọn cách ghét bỏ bố mình. Anh ấy cũng sẵn sàng bỏ qua những ứng xử còn vụng về của bạn. Thực sự đó là hai con người vô cùng tử tế mà bạn đã may mắn có được trong đời. Hãy trân quý thay vì cứ phán xét, rồi cho rằng họ sai, họ dại, họ không sáng suốt theo góc nhìn của mình.

Tôi đọc thư của bạn và nhìn vào câu chuyện này bằng cái nhìn tích cực nhất, để không phải phân định đúng sai mà để bạn nhìn thấu hơn nữa mà thôi. Nhìn thấu chứ đừng chỉ nhìn thấy. Thấu hiểu để thương sao cho đúng, yêu sao cho đừng làm nhau tổn thương, bạn nhé!

Chia sẻ

Anh chủ tiệm: Nhà văn Hoàng Anh Tú

Tin cùng chuyên mục

Tình già

Tình già

“Mẹ ơi, con xin phép đưa bố lên trông nhà cho vợ chồng con mấy bữa, khi nào ổn thỏa thì con lại để bố về với mẹ, được không ạ?”.

Caramel mùa hè

Caramel mùa hè

Món caramel ấy, dù đã mấy chục năm trôi qua, vẫn còn trong trí nhớ tôi - ngọt đắng đan xen, mềm như lòng bàn tay của bà, và gợi nhớ nhung như một đêm hè.

Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.

Làm vợ

Làm vợ

Từ bé được mẹ chiều chuộng, lấy chồng lại được yêu thương, Ngọc kết hôn gần một năm mà chưa từng nấu nổi một bữa cơm cho chồng. Cô tin phụ nữ hiện đại không cần bếp núc để giữ chân đàn ông. Cho đến khi mẹ chồng lên chơi vài ngày, những lời chê trách khiến cô hiểu: Yêu thương, nếu không biết giữ, rồi cũng sẽ nguội lạnh mà rời đi…

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Bi kịch từ đứa con sinh thiếu tháng

Ngân xuất hiện ở phòng tư vấn với đứa con trai hơn một tuổi kháu khỉnh. Nhìn đứa bé bụ bẫm, dễ thương trong sáng như thiên thần bên người mẹ có học thức, xinh đẹp, không ai nghĩ họ lại là nạn nhân bạo lực gia đình gần hai năm nay.

Yêu sau cưới

Yêu sau cưới

Ngân và Trung cưới nhau qua mai mối khi cả hai đã bước vào độ tuổi mà gia đình không còn muốn con cái "kén cá chọn canh" nữa. Trung khi ấy 30 tuổi, là một người đàn ông thành đạt, trầm tính và chín chắn, đang làm trưởng phòng kỹ thuật tại một công ty lớn. Ngân 28 tuổi, là cô giáo tiểu học hiền lành, chu đáo, sống giản dị và có phần khép kín.

Dặm muối cho hôn nhân

Dặm muối cho hôn nhân

Mai chẳng biết hôn nhân trở nên nhạt nhẽo từ lúc nào, chỉ biết là gần đây, cô và chồng chẳng còn có sự đồng điệu. Những câu chuyện mà người nói cũng nói cho có, còn người trả lời thì trả lời cho xong...

Chọn hiếu hay tình?

Chọn hiếu hay tình?

Cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi tôi. Kinh tế chật vật, cuộc sống khó khăn vất vả, mẹ đã hy sinh và sống vì tôi. Vì thế ngay từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã nguyện sau này bằng bất cứ giá nào cũng sẽ sống cho mẹ nhiều hơn. Thế nhưng đến giờ phút này, tôi cảm thấy cuộc đời mình sẽ gặp nhiều bất hạnh nếu như sống đúng với tâm nguyện ấy.

Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...