Có lương hưu cao, con cái phương trưởng, cháu chắt đề huề, cuộc sống già của ông ngỡ sẽ viên mãn bên người vợ chung thủy, nghĩa tình mấy chục năm nay. Vậy mà bây giờ, cuối đời ông lại nổi giông bão, chỉ vì một phút “thương người” không đúng cách với cô gái quá lứa lỡ thì.
Trong buổi chiều nóng nực giữa tháng 7/2023, người đàn ông năm nay 72 tuổi tìm đến văn phòng tư vấn “cầu cứu” chuyên gia tư vấn. Bởi cuộc sống của gia đình ông đang bị đảo lộn, bản thân ông giống như “tội đồ”. Ông bảo, nếu vấn đề không được giải quyết, ông chẳng còn mặt mũi nào sống ở gia đình này nữa.
- Giá như ngày đó, tôi không “nhẹ dạ thương người” thì có lẽ bây giờ đã không rơi vào tình cảnh này. Tôi đi làm “việc tốt” nhưng hóa ra lại thành hại mình. Cuộc đời tôi đang bế tắc vì đứa con… “từ thiện” này - ông ân hận kể trong nỗi buồn.
Quê ông ở Hải Phòng, nhưng lập nghiệp, lập thân ở Hà Nội. Vợ ông sinh ra trong một gia đình Hà Nội truyền thống, vừa đẹp người lại đẹp nết. Hai vợ chồng đều có vị trí xã hội. Vợ ông là người năng động với cơ chế thị trường nên bà còn có thêm nghề tay trái kinh doanh. Do đó, kinh tế gia đình ông khá giả, có điều kiện cho các con ăn học trong nước lẫn nước ngoài. Nhờ vậy, cả con trai lẫn con gái của ông đều có sự nghiệp vững vàng, thành đạt.
Ảnh minh họa
Bao nhiêu năm sống ở Hà Nội, ông muốn đón bố mẹ già ở Hải Phòng lên phụng dưỡng nhưng các cụ lại không muốn sống bó buộc ở thành phố. Vì vậy, ông thường xuyên về quê thăm nom bố mẹ. Mỗi lần về quê, việc họ hàng, ông cũng tham gia đóng góp nhiều. Thế nên, họ hàng, làng xóm ai cũng biết ông, luôn khen ngợi, lấy ông làm hình mẫu cho con cháu noi theo.
Năm 2015, bố ông thường xuyên đau ốm nên ông về quê chăm sóc cụ gần nửa năm. Bấy giờ, ông đã về hưu nên rảnh rỗi hơn vợ, vì bà còn phải trông cháu giúp con cái. Trong thời gian đó, ông tiếp xúc với nhiều người ở quê. Ai khó khăn gì mà ông giúp được thì không bao giờ từ chối, thậm chí ông còn “nhận việc” họ hàng nhờ vả rồi giao lại cho các con thực hiện. Chẳng hạn như xin việc cho mấy thanh niên trong họ, trong làng ra thành phố kiếm thêm thu nhập… Tiếng lành đồn xa, sự tốt bụng của ông cũng được nhiều người ở quê ca ngợi.
- Một buổi chiều theo đứa cháu họ ra đê thả diều, đi dạo cho thoải mái, tôi gặp cô Hiền đang chăn bò ở triền đê. Rỗi rãi, tôi ngồi nói chuyện với cô ấy thì biết hoàn cảnh của cô thật đáng thương. Cô bị khiếm khuyết ở chân, đi bị thọt nên không lấy được chồng. Bao nhiêu năm nay sống cảnh quá lứa lỡ thì với bà mẹ già. Cô tâm sự muốn “xin” đứa con để sau này còn có chỗ nương tựa. Nhưng đất lề quê thói, cô chẳng dám mở lời với bất kỳ một người đàn ông nào vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của họ. Do vậy, cô đành sống trong nỗi cô đơn lẻ bóng - ông kể.
Sau hôm đó, thỉnh thoảng, ông và cô Hiền lại gặp nhau ở triền đê, chuyện trò như hai người bạn. Cô xem ông là bề trên đáng kính trọng nên có chuyện gì cũng hỏi và nhờ ông tư vấn, trong đó có vấn đề “xin con”. Ông thấy chuyện đó “tế nhị” nên mỗi lần cô tâm sự cũng chỉ chia sẻ phần nào. Nhưng sau đó, chuyện “xin con” cứ được cô Hiền nhắc lại nhiều lần, thể hiện rõ nỗi tủi thân khi ý nguyện không biết làm cách nào để thực hiện được. Cô cũng nói về “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, càng để lâu cô càng khó khăn trong việc sinh nở. Có hôm, cô khóc nức nở trước mặt ông, bày tỏ nỗi lo sợ khi mẹ già mất đi, anh chị em kiến giả nhất phận, một mình cô sống đơn thân không biết thế nào. Nỗi thương cảm cô gái bất hạnh cứ lớn dần trong ông.
- Có lần, cô ấy bảo hay là tôi làm ơn “từ thiện” cho cô ấy đứa con và hứa sẽ xem đây là bí mật của riêng chúng tôi. Cô sẽ không bao giờ tiết lộ cha đứa trẻ là ai, cũng chẳng làm phiền đến cuộc sống của tôi. Sau này, cô ở quê, tôi ở thành phố, chẳng gặp mặt cũng chẳng liên quan gì đến cuộc sống của nhau. Tôi cũng không cần có trách nhiệm với đứa trẻ, vì cô ấy sẽ tự lo cho con được. Cô ấy khoe, mảnh đất mà bố mẹ để lại cho cô hiện nay rất rộng, nếu bán đi đủ lo cho cuộc sống của hai mẹ con sung túc. Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi mủi lòng “giúp đỡ” cô ấy – ông thật thà nói.
Ảnh minh họa
Sau hai lần ông gặp gỡ làm “từ thiện” thì chuyện con cái có kết quả. Ngày cô Hiền báo tin vui đã mang thai, ông vừa mừng cho cô ấy vừa thầm lo cho mình. Nhưng rồi ông nghĩ khi đã làm “việc thiện” thì ắt sẽ gặp điều lành. Cô Hiền sau đó giữ đúng lời hứa, chuyện mang thai, sinh con từ đầu đến cuối không tiết lộ về cha đứa trẻ là ai. Kể cả những lúc ông có việc về quê, cô Hiền cũng tránh gặp mặt. Sau đó, ông được biết cô Hiền sinh con trai, người thân cô đều mừng vì đúng như mong muốn của họ. Chuyện cô Hiền “xin con” cũng được làng xóm nhìn với sự “bao dung” đối với một người phụ nữ khuyết tật, quá lứa lỡ thì.
Từ ngày bố mẹ ông già yếu mất đi, ông không về quê như xưa. Chuyện “từ thiện” cho cô Hiền đứa con, ông cũng quên dần. Mấy năm trôi qua, cuộc sống của ông viên mãn bên vợ, con và mấy đứa cháu nội, ngoại quây quần. Nhưng rồi, cuộc đời lại không giống như ông nghĩ.
Đầu tháng 6/2023, ông bất ngờ nhận được điện thoại của cô Hiền, bảo sắp đưa con ra Hà Nội nhận cha. Bấy giờ, ông bàng hoàng, hỏi cô Hiền về lời hứa năm nào khi ông làm “từ thiện” giúp cô chuyện con cái. Cô Hiền bảo, nhiều năm nay giữ đúng lời hứa với ông, nhưng bây giờ thời thế bên nhà cô thay đổi. Mảnh đất mà ngày xưa cô cứ ngỡ bố mẹ để lại cho mình bây giờ cô không được hưởng nữa. Hóa ra, sau khi bố mẹ cô Hiền mất đi thì mấy người con quay sang chia tài sản thừa kế. Sau khi tranh chấp với nhau, cô Hiền được chia một phần nhỏ trong số tiền bán mảnh đất đó. Mẹ con cô dùng số tiền đó mua được một mảnh đất kẹt dựng nhà lên để ở. Việc nuôi con ăn học bây giờ cô ấy lo được nhưng sau này thằng bé học lên cao, xin việc làm, cần có người hỗ trợ thêm. Sau khi người thân tư vấn, cô suy nghĩ kỹ và quyết định cho con trai về nhận cha, nhận người thân. Mong muốn của cô sau này, kể cả khi ông già cả mất đi chăng nữa thì thằng bé cũng có chỗ nương tựa từ các anh chị em cùng cha khác mẹ, còn hơn là chẳng có ai. Cô nghĩ, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, anh em chúng nó chắc sẽ chẳng bỏ nhau khi khó khăn.
Nghĩ vậy nên sau khi thông báo với ông xong, cô Hiền đưa con ra Hà Nội tìm đến nhà ông để nhận cha. Sự xuất hiện của mẹ con cô Hiền khiến cả nhà ông như có cơn địa chấn. Nhất là vợ ông, bà sốc đến nỗi phải nhập viện mấy hôm. Sau khi ra viện, bà mang quần áo sang nhà con gái ở để tránh mặt chồng. Mấy đứa con của ông cũng không đồng tình với chuyện con riêng của ông về nhận cha để đòi quyền thừa kế tài sản sau này. Chúng lên án ông, rồi bảo ông nhất định không để con riêng kia “nhập khẩu” về nhà mình.
Ảnh minh họa
Cuộc sống của ông phút chốc trở nên xáo trộn, cô Hiền bảo nếu ông không giải quyết cho ổn thỏa chuyện tài sản thừa kế cho con trai cô rõ ràng thì sau này khi ông mất đi, cô cũng sẽ đưa đơn kiện đòi tài sản cho con. Đứng giữa vợ con hợp pháp và đứa con ngoài giá thú, ông chẳng biết ứng xử thế nào cho phải. Vì nghiêng về phía bên nào thì ông sẽ trở thành “tội đồ” của phía bên kia.
Rõ ràng, với trách nhiệm làm cha, ông sẽ không thể trốn tránh được nghĩa vụ của mình đối với đứa con ngoài giá thú. Nhưng làm sao để tình thân không tương tàn vì tài sản thì không dễ dàng đối với ông lúc này, khi bên nào cũng đặt nặng vấn đề tài sản lên trên. Bởi về lý, con hợp pháp hay con ngoài giá thú đều có quyền thừa kế tài sản cha mẹ để lại bình đẳng như nhau.
Bi kịch của ông hôm nay xuất phát từ sự “thương người” không đúng cách. Ông cần hiểu rõ khi một đứa trẻ được sinh ra trên đời, vì bất cứ lý do gì thì nó đều có quyền được nhận sự chăm sóc của bố mẹ. Và, bố mẹ đứa trẻ đều phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con đến khi trưởng thành. Ông không thể nghĩ việc “cho con” giống như làm từ thiện, xong rồi không cần báo đáp. Đối với vợ con ông, dù muốn hay không thì họ cũng không thể chối bỏ được sự thật: Đứa trẻ là máu mủ của ông và nó cũng có quyền, nghĩa vụ đối với cha đẻ của mình.
Do đó, để giải quyết vấn đề rất cần sự bao dung từ vợ con ông cho “lỗi lầm” của chồng, cha mình. Sự thấu hiểu, đặt tình yêu thương, máu mủ, tình thân lên trên để chấp nhận đứa con riêng của ông cũng như san sẻ một phần quyền lợi về tài sản. Đứa trẻ vô tội nên nó không thể trở thành là “tội đồ” trong câu chuyện này chỉ vì sự ích kỷ của người lớn.