Bệnh tâm thần cũng dễ mắc như các căn bệnh khác

QUỲNH AN
Chia sẻ

Căng thẳng, stress, dẫn đến mất ngủ, giảm trí nhớ, trầm cảm, thậm chí tự tử… là những gì mà những người có sức khoẻ tâm thần bất ổn đang gặp phải. Chăm sóc sức khỏe tâm thần chính là một trong những biện pháp chăm sóc sức khoẻ toàn diện để mỗi người tạo niềm hạnh phúc tự tại từ trong tâm hồn, giúp bản thân cảm thấy vững vàng và kiểm soát mọi việc tốt hơn.

20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Tháng 12/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một nữ sinh lớp 6 nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng do bị bạo lực học đường. Bố bệnh nhi cho biết, bé gái vốn khỏe mạnh, hiền lành và có học lực giỏi. Do bố mẹ phải đi làm ăn xa nên cháu ở cùng với ông bà. Sự việc xảy ra khi cháu bị một nhóm bạn khoảng 5-6 người đánh vào vùng đầu và người vì lý do trước đó cháu đã mắng một bạn cùng trường. Tại thời điểm xảy ra sự việc, nữ sinh không biết kêu cứu với ai.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái có các biểu hiện đau đầu, đau bụng và nhức mỏi khắp người. Bệnh nhi luôn trong tình trạng mệt mỏi, buồn chán, mất ngủ, chỉ nằm thu mình và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ đánh giá ngoài những tổn thương về thể chất, bệnh nhi bị sang chấn về tâm lý nặng nề. Sau một thời gian tham gia các hoạt động nhóm và trị liệu tâm lý, bệnh nhi đã cảm thấy tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn, ăn ngủ tốt hơn và được ra viện.

Tháng 3/2024, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận cấp cứu cho một nữ sinh 15 tuổi bị ngộ độc thuốc an thần, giảm đau. Theo đó, nữ sinh N.T.L được đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị nôn ói nhiều, nghi do ngộ độc thuốc Paracetamol. Theo người nhà, trước đó, bé gái đã uống 20 viên Paracetamol 500mg, may mắn được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, được khám và tư vấn tâm lý. Được biết, bé gái là một học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, bé gái đã uống thuốc Paracetamol để quyên sinh.

Bệnh tâm thần cũng dễ mắc như các căn bệnh khác - 1

Ảnh minh họa

 “Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT công bố vào cuối năm 2023, 20% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và chỉ 8,4% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi.

Theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2023, số cuộc gọi của nhóm từ 10 tuổi trở lên tăng so với năm 2022. Nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng ở các nội dung: Khó khăn liên quan đến các mối quan hệ ứng xử; sức khỏe thể chất; sức khỏe tâm lý... Các em ở độ tuổi từ 10 - 16 thường gọi đến Tổng đài vào khung giờ từ 22 - 24h khi các thành viên trong gia đình đã đi ngủ để có thể dễ dàng chia sẻ, tâm sự, giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong học tập và những tổn thương về tâm lý khi gặp khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với các thành viên trong gia đình.

Nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm, rối nhiễu tâm lý

Chị M (Nghệ An) kết hôn với chồng đã 4 năm và có hai con. Gọi điện đến trung tâm tư vấn, chị M thút thít kể: Từ bé, chị đã không nhận được sự quan tâm từ bố mẹ. Có lẽ vì vậy, chị đã luôn cảm thấy tự ti, ngại tiếp xúc với mọi người. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị M có công việc văn phòng đúng với chuyên môn của mình, và quen T – một bảo vệ ngân hàng. Cả hai yêu nhau rồi tiến đến hôn nhân. Theo lời kể của chị M, thời gian đầu, anh T khá chiều chuộng vợ. Thời gian mang thai, chị T đi làm nhiều hơn để kiếm tiền nuôi con, nhưng chồng chị chỉ làm công việc bảo vệ nhàn hạ. Dù lương của anh T đều đưa hết cho vợ lo toan, sắm sửa trong gia đình, nhưng mức thu nhập thấp khiến cuộc sống thuê trọ của hai vợ chồng chị càng thêm chật vật. Khoảng thời gian nuôi con nhỏ, chị M rơi vào stress và liên tục nghi ngờ chồng ngoại tình. Có hôm, anh T đi trực về muộn, chị còn quát ầm bắt chồng về. Con càng khóc, chị càng hoảng loạn.

Một trường hợp khác gọi điện nhờ tư vấn là một phụ nữ ở Hà Nội. Chị cho biết, chị sinh hai con liền nhau nên áp lực chăm sóc con đè nặng khiến chị rất mệt mỏi. Các con thường xuyên đánh nhau vì gần tuổi càng khiến chị căng thẳng hơn. Hơn nữa, do ở cùng mẹ chồng và không đi làm nên chị thường xuyên bị bố mẹ chồng coi thường, cho rằng ăn hại, không kiếm được tiền còn chẳng biết dạy con.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh tâm thần hiện là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật ở trẻ em, vượt xa các khuyết tật về thể chất như bại não hoặc hội chứng Down.

Theo bác sĩ Hồng Thu, bệnh tâm thần cũng dễ mắc như các căn bệnh khác, kể cả những người tự tin rằng mình có một sức khỏe tốt cũng khó mà tránh khỏi. Mặt khác, bệnh lý tâm thần thường tiến triển âm thầm và mọi người có xu hướng thờ ơ quên lãng, thường để quá muộn mới chữa hoặc không bao giờ được chữa.

Bệnh tâm thần cũng dễ mắc như các căn bệnh khác - 2

Ảnh minh họa

Định kiến với người bệnh tâm thần đang khiến người bệnh tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng đều ngại đi khám. Những người mắc bệnh lí tâm thần dễ có suy nghĩ tự kì thị bản thân. Người bệnh cố gắng giấu đi tình trạng bệnh do xấu hổ với căn bệnh của mình. Do vậy mà bỏ sót điều trị.

Bệnh tâm thần có xu hướng tiến triển mạn tính, sau khi được chữa tại bệnh viện ổn định rồi, ra viện hoà nhập với cộng đồng vẫn phải điều trị phòng ngừa tái phát. Nếu người bệnh không tự giác tuân thủ đơn thuốc ngoại trú, hoặc không được người nhà quan tâm giám sát cho uống thuốc kéo dài, nguy cơ tái phát sẽ tăng lên. Đặc biệt, khi tái phát mà không phát hiện kịp thời sẽ xảy ra nhiều biến chứng khó lường.

“Nhiều người cho rằng bệnh tâm thần khá hiếm gặp, nhưng điều này là không đúng. Con người đang có ý thức cao hơn về sức khỏe tâm thần của bản thân. Tuy nhiên, các vấn đề về tâm thần còn khá mới và các nguồn tìm hiểu còn khá hạn chế, thế nên những người dù có thực sự quan tâm

đến việc chữa trị thường mất phương hướng trong việc tìm lời giải cho vấn đề của mình.

Bệnh tâm thần không phải lúc nào cũng dễ phát hiện và không phải lúc nào cũng tạo ra đau đớn thể xác. Về lâu dài, bệnh tâm thần trở nên trầm trọng, khi đó hậu quả cũng đau đớn và thiệt hại không kém gì các căn bệnh về thể chất khác.

Toàn xã hội cần nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với cuộc sống của mỗi người. Sức khỏe là vốn quý, dù là sức khỏe cơ thể hay sức khỏe tinh thần, đều phải thường xuyên quan tâm chăm sóc” – BS Mai Hương cho biết.

Chia sẻ

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc da mùa hanh khô

Chăm sóc da mùa hanh khô

Mùa thu đến, tiết trời không còn nắng nóng gay gắt như mùa hè nhưng lại có phần khô hanh hơn khiến làn da dễ bị khô, bong tróc. Dưới đây là một số lưu ý để làn da duy trì được độ ẩm, mịn màng hơn trong mùa thu.

Đau cột sống thắt lưng

Đau cột sống thắt lưng

Hầu hết mọi người đều có ít nhất một lần trong đời có đau cột sống thắt lưng. Đau có thể khiến bệnh nhân lo lắng, thậm chí đau có thể xuất hiện với mức độ rất dữ dội, nhưng phần lớn đau cột sống thắt lưng theo tiến trình tự nhiên có thể tự hết trong vòng vài tuần. Những trường hợp cần can thiệp khẩn cấp hoặc phẫu thuật thường không nhiều.

Phòng bệnh da và nguy cơ bỏng mùa bão lụt

Phòng bệnh da và nguy cơ bỏng mùa bão lụt

Mưa bão, ngập lụt kéo theo nhiều yếu tố gây hại cho da, chẳng hạn như độ ẩm cao, môi trường ô nhiễm, nước bẩn... Bên cạnh bệnh da, nguy cơ bỏng do nước nóng, hóa chất, bỏng điện do chập cháy trong mùa bão cũng tăng lên đáng kể. Khoa Da liễu và Bỏng - BV Bạch Mai ghi nhận nhiều ca bệnh đến khám với nhiều bệnh lý da và bỏng khác nhau trong thời gian gần đây.

Nguy cơ suy đa tạng vì liên cầu lợn

Nguy cơ suy đa tạng vì liên cầu lợn

Liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học Streptoccocus suis) là tác nhân gây bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Nếu không may nhiễm liên cầu khuẩn lợn, có thể gây bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như: Viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc…

Phân biệt sốt phát ban và sởi

Phân biệt sốt phát ban và sởi

Sốt phát ban và sởi là hai bệnh lý thường gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nhưng dễ gây nhầm lẫn bởi triệu chứng ban đầu của bệnh khá tương đồng. Tuy nhiên, người bệnh có thể dựa vào một số tiêu chí để phân biệt sốt phát ban và sởi.

U xơ tuyến vú

U xơ tuyến vú

U xơ tuyến vú là loại u vú lành tính phổ biến nhất, thường xuất hiện ở người trong độ tuổi từ 15-35. Có đến 10% phụ nữ mắc u xơ tuyến vú vào một thời điểm trong đời.

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em

Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em

Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu.