Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho

Yến Nguyễn
Chia sẻ

Sau hơn 50 năm, NSƯT Thanh Loan chia sẻ hành trình làm phim Bài Ca Ra Trận đầy khó khăn.

Sau Biệt Động Sài Gòn, NSƯT Thanh Loan chính thức trở lại chương trình Cine 7- Ký ức phim Việt với những chia sẻ về hành trình làm phim điện ảnh Bài Ca Ra Trận. Đây là tác phẩm của cố đạo diễn Trần Đắc, từng giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 năm 1975.

Chuyện phim Bài Ca Ra Trận xoay quanh một chiến sĩ trẻ là Nam (Lê Dũng Nhi đóng) - một chiến sĩ trẻ dũng cảm được đưa từ chiến trường về quân y viện. Anh phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, chỉ nghe được tiếng kêu đau đớn của các thương binh nặng xung quanh suốt ngày đêm. Tưởng chừng như lý tưởng chiến đấu vì Tổ quốc phải gác lại nhưng những hồi ức trong sáng cùng sự chăm sóc tận tình của cô y tá xinh đẹp Mai (Như Quỳnh đóng) đã khơi dậy ngọn lửa ý chí trong người chiến sĩ trẻ.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 1

Là một bộ phim về chiến tranh, nhưng tâm điểm của Bài Ca Ra Trận không nằm ở những trận chiến khốc liệt mà tập trung truyền tải lòng yêu nước, nghị lực phi thường, sức mạnh của tình yêu, niềm tin và nỗ lực sống đẹp, sống có ích của những người trẻ tuổi.

Dần dần, Nam vượt qua cú sốc tinh thần và cả những vết thương do chiến tranh để lại trên cơ thể để tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình: Sống - chiến đấu - hi sinh vì độc lập, tự do dân tộc. Xen kẽ đó là hình ảnh nhân vật Lê (Thanh Loan thủ vai) – nữ sinh viên du học ở nước ngoài, đại diện cho lớp thanh niên Việt Nam khao khát tri thức, mong muốn quay về góp phần xây dựng Tổ quốc.

XEM VIDEO: Intro phim Bài Ca Ra Trận.

Ký ức của diễn viên Thanh Loan về những ngày làm phim nhựa trong điều kiện vô cùng khó khăn

Bài Ca Ra Trận không chỉ là một tác phẩm điện ảnh nổi bật mà còn là dấu ấn của sự nỗ lực trong ngành điện ảnh Việt Nam những năm 1970.

Nhân vật Lê trải qua quá trình chuyển mình từ cô gái nông thôn học lớp 10 đến khi có cơ hội du học nước ngoài. Sự thay đổi này được thể hiện rõ qua trang phục, từ áo dài truyền thống đến những bộ váy hiện đại. Tuy nhiên, trong bối cảnh thời bao cấp, việc chuẩn bị trang phục gặp nhiều khó khăn.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 2

Tạo hình của NSƯT Thanh Loan trong bộ phim này.

"Để làm được bộ váy đẹp cho Lê, đạo diễn phải làm công văn gửi tới khu mậu dịch Cửa Nam để xin đăng ký mua 1 mảnh vải hoa. Phim quay vào thời bao cấp và mỗi người chỉ được cấp 4 mét/năm. Vì vậy, rất khó có vải hoa để may váy", NSƯT Thanh Loan cho biết.

Trong ký ức của diễn viên Thanh Loan, thời gian làm phim nhựa gắn liền với những thử thách về thời tiết, đặc biệt là những cảnh quay ngoài trời. "Chúng tôi phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tạo bối cảnh mưa còn dễ dàng hơn, nhưng nắng thì rất khó kiểm soát, nhất là khi không thể 'đuổi mây' để mặt trời xuất hiện đúng lúc nên ngày nào không có nắng là chúng tôi phải chờ 'vễu mặt' ra”, diễn viên Thanh Loan cười hài hước và chia sẻ.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 3

Phân cảnh lãng mạn của NSƯT Thanh Loan với diễn viên Dũng Nhi.

1 trong những cảnh quay đặc biệt khiến bà nhớ mãi là cảnh bên dòng sông lúc trời chập choạng tối. Đó là cảnh sử dụng kỹ thuật quay hoàng hôn với sự tương phản màu sắc mạnh mẽ trong khung hình. Để có được bối cảnh này, ekip lúc đó phải chờ rất lâu, phải chuẩn bị từ chiều và canh ánh sáng để làm cho mảng chân trời hiện lên thật đẹp, dòng sông phải ánh bạc lên.

Quá trình tập luyện và chuẩn bị kỳ công nhưng diễn lại rất nhanh vì thời gian hoàng hôn ngắn ngủi, không thể quay nhiều lần. Cũng chính từ vai Lê của bộ phim Bài Ca Ra Trận mà diễn viên Thanh Loan được Nhà hát kịch Quân đội lúc bấy giờ đánh giá cao và được nhận thêm nhiều vai diễn. Chính bà cũng nhận định rằng đây là tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành trong quãng đời làm nghề của mình.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 4

Cảnh quay hoàng hôn trong bộ phim Bài Ca Ra Trận khiến diễn viên Thanh Loan nhớ mãi.

Hình ảnh thế hệ trẻ với lý tưởng sống cao đẹp: Vừa cầm bút, vừa cầm súng để chiến đấu, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong ký ức của NSƯT Thanh Loan, có câu nói đã ăn sâu vào tâm trí thế hệ thanh niên lúc bấy giờ: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Bộ phim Bài Ca Ra Trận đã khắc họa rõ nét lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, khi họ gác bút lên đường ra chiến trận, sống, chiến đấu và hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 5

Bộ phim khắc hoạ rõ nét lý tưởng của thế hệ trẻ lúc bấy giờ

Tuy nhiên, Bài Ca Ra Trận không chỉ thể hiện hình ảnh những chiến sĩ trên chiến trường mà còn khắc họa 1 bộ phận thế hệ trẻ khác. Đó là những học sinh, sinh viên ưu tú không trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, nhưng lại khao khát bước ra thế giới, lĩnh hội tri thức mới để quay về đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và chung tay xây dựng phát triển đất nước. Dù ở trên mặt trận bom đạn hay trên mặt trận tri thức, họ đều là những chiến sĩ thể hiện tinh thần đoàn kết và khát vọng cống hiến cho quê hương. Chính tinh thần đó đã giúp bộ phim có sức sống cho đến tận ngày nay.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 6

Bộ phim là một câu chuyện đẹp như một bài thơ giữa bối cảnh chiến trường ác liệt

Thời điểm ra mắt năm 1974, Bài Ca Ra Trận được chiếu ở các rạp chiếu bóng, trường học, và các đơn vị. Công chúng đều đón nhận bộ phim như một sự khích lệ tinh thần.

Đặc biệt, phân cảnh nhân vật Lê của NSUT Thanh Loan nhận tin chiến thắng qua tivi khi đang học ở nước ngoài lúc đó được quay tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và có sự tham gia của các diễn viên quần chúng là sinh viên nước ngoài đang theo học tại Việt Nam. Những người bạn nước ngoài cũng reo vui và chúc mừng chiến thắng, thốt lên những câu chúc mừng và cảm thán bằng cả tiếng mẹ đẻ, tất cả tạo nên không khí như chiến thắng thực sự. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi phim ra mắt trước Đại thắng mùa xuân 1975 chỉ 1 năm, gợi nhắc đến tinh thần đoàn kết quốc tế và niềm hy vọng vào chiến thắng của Việt Nam.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 7

Cảnh quay bạn bè quốc tế ăn mừng tin chiến thắng của Việt Nam trong phim Bài Ca Ra Trận.

Thanh Loan sinh năm 1951 tại Hà Nội, là con thứ 5 trong gia đình có 8 thành viên, không ai theo nghệ thuật. 16 tuổi, bà học ngành diễn viên trong trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. 

Nữ nghệ sĩ từng góp mặt trong nhiều bộ phim như Bài Ca Ra Trận, Tuổi Thơ, Bản Đề Án Bị Bỏ Quên, Phương Án Ba Bông Hồng… Năm 1986, Thanh Loan được đông đảo khán giả yêu mến với vai diễn ni cô Huyền Trang trong Biệt Động Sài Gòn - tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, do Long Vân đạo diễn.

Đây cũng là vai diễn cuối trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Thanh Loan. Sau đó, bà chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu, giữ chức Phó Giám đốc Hãng phim Công an. Năm 1993, Thanh Loan được phong tặng danh hiệu NSƯT. Làm nghề hơn 40 năm, nghệ sĩ Thanh Loan về hưu mang quân hàm Đại tá.

Thời trẻ của nữ NSƯT mang hàm Đại tá, được đoàn phim soạn công văn xin vải, may váy cho - 8

Vẻ ngoài đẹp lão của nữ diễn viên gạo cội.

Chia sẻ

Yến Nguyễn

Tin cùng chuyên mục