Nữ nghệ sĩ trẻ tìm về nguồn cội và lan tỏa nghệ thuật truyền thống

Nguyên Vũ
Chia sẻ

Trong dòng chảy sôi động của âm nhạc hiện đại, vẫn có những nghệ sĩ trẻ miệt mài tìm về cội nguồn, làm mới những giá trị truyền thống. Họ không chỉ kế thừa mà còn chủ động sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc dân gian và hơi thở đương đại. Nhờ đó, nghệ thuật truyền thống được khoác lên màu sắc mới, trở nên gần gũi hơn với khán giả trẻ, đồng thời tạo ra những dấu ấn riêng biệt trong nền âm nhạc Việt.

Hòa Minzy đưa lịch sử và Chèo, Quan họ vào nhạc trẻ

Hòa Minzy không chỉ gây ấn tượng bởi giọng hát nội lực, giàu cảm xúc mà còn bởi sự đầu tư nghiêm túc trong hàng loạt các sản phẩm âm nhạc góp phần tôn vinh nghệ thuật truyền thống.

Năm 2020, Hoà Minzy ra mắt MV "Không thể cùng nhau suốt kiếp" gặt hái thành công lớn cả về mặt nghệ thuật lẫn hiệu ứng truyền thông. Không chỉ gây sốt trong cộng đồng yêu nhạc, MV còn được đánh giá cao về giá trị văn hóa - lịch sử, giúp giới trẻ hiểu hơn về một câu chuyện có thật trong lịch sử về vị vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu - vị Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam.

Nữ nghệ sĩ trẻ tìm về nguồn cội và lan tỏa nghệ thuật truyền thống - 1

Ca sĩ  Hòa Minzy.

Tiếp nối thành công đó, MV "Thị Mầu" ra mắt năm 2023 đánh dấu bước thử nghiệm táo bạo của Hòa Minzy khi kết hợp nhạc EDM với âm hưởng chèo Bắc Bộ. Mượn hình tượng nhân vật Thị Mầu để kể chuyện nhưng Hòa Minzy đã có những phá cách để tạo ra thông điệp phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại.

Không dừng lại ở đó, năm 2024, Hòa Minzy ra mắt MV Kén cá chọn canh, tiếp tục khai thác âm hưởng dân gian Bắc Bộ, khẳng định tình yêu và sự gắn bó của cô với âm nhạc truyền thống. Ca khúc được sáng tác bởi Tuấn Cry, đến từ Bắc Ninh, cũng là quê hương của Hòa Minzy. Phần sản xuất âm nhạc do Masew và Tuấn Cry đảm nhiệm, mang đến sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc dân gian và hiện đại.

Đặc biệt, dự án âm nhạc mang tên "Bắc Bling" hứa hẹn sẽ là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp, khi Hòa Minzy tôn vinh văn hóa và con người quê hương Bắc Ninh qua lăng kính hiện đại. Với "Bắc Bling", Hòa Minzy không chỉ tôn vinh văn hóa quê hương mà còn thể hiện sự sáng tạo trong việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, hứa hẹn mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc độc đáo và mới mẻ.

Hoàng Thùy Linh - Hơi thở văn hóa Việt trong từng ca khúc

Hoàng Thùy Linh được xem là một trong những nghệ sĩ tiên phong và thành công nhất trong việc kết hợp chất liệu dân gian Việt Nam với âm nhạc đương đại. Cô không chỉ đưa các yếu tố âm nhạc truyền thống như ca trù, chèo, xẩm, quan họ vào các sản phẩm của mình, mà còn lồng ghép văn hóa, lịch sử Việt Nam một cách tinh tế, sáng tạo. Không chỉ sử dụng chất liệu truyền thống mà Hoàng Thùy Linh còn biến chúng thành một thương hiệu âm nhạc riêng biệt.

Năm 2016, Hoàng Thùy Linh ra mắt MV "Bánh trôi nước" lấy cảm hứng từ bài thơ của nhà thơ Hồ Xuân Hương về thân phận người phụ nữ xưa. Ca khúc đánh dấu sự thành công của Hoàng Thùy Linh với phong cách âm nhạc dân gian đương đại, kết hợp giữa thơ ca cổ điển và âm nhạc điện tử.

Nữ nghệ sĩ trẻ tìm về nguồn cội và lan tỏa nghệ thuật truyền thống - 2

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh

"Để Mị nói cho mà nghe" năm 2019 tiếp tục đem đến cho Hoàng Thùy Linh thành công rực rỡ. Lấy cảm hứng từ tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, kết hợp giai điệu dân gian Tây Bắc với nhạc điện tử, "Để Mị nói cho mà nghe" trở thành một bản hit được giới trẻ yêu thích. Sản phẩm góp phần làm mới văn học và văn hóa dân gian, giúp thế hệ trẻ tiếp cận tác phẩm kinh điển theo cách gần gũi, sáng tạo hơn. Đồng thời, Hoàng Thùy Linh đã chứng minh rằng âm nhạc dân gian có thể kết hợp hoàn hảo với hơi thở đương đại, tạo nên những sản phẩm vừa giải trí, vừa mang giá trị văn hóa sâu sắc.

Sau đó, Hoàng Thùy Linh tiếp tục thành công với các sản phẩm: "Tứ phủ" (2019) đưa tín ngưỡng thờ Mẫu vào âm nhạc, sử dụng hình ảnh hầu đồng và âm hưởng chầu văn; "Gieo quẻ" (2022) kết hợp chất liệu bói quẻ dân gian với nhạc pop; “Bo Xì Bo” (2022) kết hợp giữa nhạc disco sôi động và chất liệu cải lương; See Tình (2022) mang âm hưởng dân gian miền Tây Nam Bộ, pha trộn với disco-pop hiện đại…

Các sản phẩm của Hoàng Thùy Linh mang đậm tinh thần văn hóa Việt, khẳng định sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giúp Hoàng Thùy Linh định vị phong cách riêng biệt. Cô được ví như người kể chuyện bằng âm nhạc, đưa chất liệu văn hóa Việt Nam vào các sản phẩm một cách sáng tạo, hiện đại để đến gần hơn với giới trẻ và bạn bè quốc tế.

Phương Mỹ Chi khát khao đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ

Từ khi bước chân vào làng nhạc, Phương Mỹ Chi đã kiên trì theo đuổi dòng nhạc dân ca, trữ tình, bolero với mong muốn giữ gìn và lan tỏa âm nhạc truyền thống đến thế hệ trẻ. Không chỉ đơn thuần kế thừa, cô còn sáng tạo và đổi mới để giúp dòng nhạc này tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ.

Năm 2023, Phương Mỹ Chi phát hành album "Vũ trụ cò bay", một dự án đột phá, thể hiện sự sáng tạo trong việc kết hợp dân gian và âm nhạc đương đại. Những bài hát trong album lấy cảm hứng từ các tác phẩm như Làng (Kim Lân), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Mẹ Suốt (Tố Hữu)…

Nữ nghệ sĩ trẻ tìm về nguồn cội và lan tỏa nghệ thuật truyền thống - 3

Ca sĩ Phương Mỹ Chi

Album mang đậm tinh thần văn hóa Việt, sử dụng chất liệu từ cải lương, vọng cổ, dân ca Bắc - Trung - Nam. "Vũ trụ cò bay", "Gánh mẹ", "Chiếc áo bà ba"… đều mang hơi thở truyền thống nhưng vẫn rất hiện đại bởi các ca khúc được phối khí mới mẻ, pha trộn với R&B, Lo-fi, Hip-hop…

Sau album, Phương Mỹ Chi đã thực hiện chuỗi sự kiện school tour "Vũ trụ cò bay", mang âm nhạc và văn hóa truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Chương trình được tổ chức tại các trường học trên khắp cả nước, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và khán giả trẻ. Không chỉ quảng bá cho album, dự án này của Phương Mỹ Chi còn thể hiện nỗ lực lan tỏa tình yêu với âm nhạc dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam theo cách sáng tạo, hiện đại hơn.

Hòa Minzy, Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi - mỗi nghệ sĩ có một hướng đi riêng, nhưng điểm chung của họ là tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát khao gìn giữ giá trị truyền thống theo cách gần gũi với thời đại. Chính sự sáng tạo này đã giúp âm nhạc truyền thống không còn bị giới hạn trong một nhóm khán giả nhất định mà có thể tiếp cận thế hệ trẻ một cách tự nhiên. Thậm chí, một số sản phẩm mang âm hưởng dân gian còn được đón nhận tại thị trường quốc tế, mở ra cơ hội đưa âm nhạc Việt vươn xa. Những nỗ lực này cũng cho thấy rằng âm nhạc dân gian không hề lỗi thời, khi được làm mới đúng cách, nó có thể trở thành xu hướng, kết nối thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc.

Chia sẻ

Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

Những giải pháp từ gốc

Những giải pháp từ gốc

Việc tội phạm hình sự có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng cho thấy mặt trái của cơ chế thị trường, sự suy giảm mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình và các giá trị đạo đức xã hội. Do đó, đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cần có chính sách pháp luật riêng, nhất là các giải pháp phòng ngừa, giáo dục.

Tờ giấy vay nợ

Tờ giấy vay nợ

Vợ chồng ông Chính có 3 mặt con. Chuyên là con trai lớn, năm nay gần 30 tuổi, vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở nước ngoài. Sau khi về nước, cậu vào Nam và cần bố mẹ hỗ trợ vốn để khởi nghiệp.

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Việc “lên tiếng” và giải quyết các vụ việc này cần phải được coi trọng hơn nữa, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và can thiệp nhanh chóng.

Báo động tội phạm “trẻ hóa”

Báo động tội phạm “trẻ hóa”

Tình trạng tội phạm trẻ hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, đáng lo ngại là các vụ phạm tội nghiêm trọng liên quan đến thanh thiếu niên. Đây là vấn đề cần được quan tâm, bởi nó không chỉ gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân người phạm tội, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến gia đình và cộng đồng xung quanh.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Nữ cựu chiến binh Trần Thị Kim Dung, chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ dân phố Kim Bài - thị trấn Kim Bài là một trong những tấm gương sáng trên địa bàn huyện Thanh Oai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống, bà là tấm gương bình dị, luôn tận tâm, trách nhiệm, vì công việc chung, vì cộng đồng. Trong gia đình, bà là người mẹ hiền, người vợ...