Nỗ lực cho Tết sum vầy

TÚ AN
Chia sẻ

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Đây là thời điểm mà cả gia đình quây quần cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí, mua sắm đồ đạc trong nhà, đồng thời lên kế hoạch để làm sao có cái Tết nồng ấm và tiết kiệm.

Ngày làm văn phòng, tối “chạy” việc làm thêm

Những ngày cuối cùng của năm 2024 đã đến. Đây cũng là thời gian mà anh Lê Văn Hợp, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội trăn trở hơn bao giờ hết. Để có cái Tết đủ đầy, anh đang nỗ lực làm thêm nhiều công việc cùng một lúc. Anh Hợp là nhân viên văn phòng, lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Vợ anh bán hàng online, mỗi ngày đăng bài bán sản phẩm trên chợ cư dân trong khu dân cư, thu nhập khá bấp bênh. Hiện tại, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ chi trả sinh hoạt phí và học tập của 2 con. Năm nay, vợ anh có thêm một bé Rồng, nằm ngoài kế hoạch của gia đình, chính vì thế, chi tiêu của gia đình sẽ phải nhiều hơn.

“Vợ tôi vừa sinh con, coi như không có thu nhập, mà sinh hoạt phí lại đội lên cao. Giờ lại sắp đến Tết mà chúng tôi chưa có tích luỹ gì. Bên cạnh Tết nội, Tết ngoại ở hai quê, tôi còn phải lo sắm Tết cho gia đình ở Hà Nội nữa” – anh Hợp chia sẻ.

Nỗ lực cho Tết sum vầy - 1

Ảnh minh họa

Theo anh Hợp, cận Tết, để có tiền mua sắm quần áo mới cho con, gửi về quê cho bố mẹ, vợ chồng anh chị ngày làm việc ở công ty, tối đến, lại ship hàng thêm cho cư dân ở chung cư. Ngoài ra, anh còn nhận thêm việc sửa chữa các thiết bị đồ dùng bị hư hỏng trong nhà. Nhà nào có đồ dùng hỏng như chiếc đèn bị hỏng, bóng điện cháy, cửa long ốc, vòi tắm bị rỉ nước… anh đều nhận sửa chữa. “Trong chung cư, người dân có nhu cầu sửa chữa khá nhiều, nên ngày nào tôi cũng có việc. Có hôm, tôi làm đến 10h, thu nhập khoảng 150-200 nghìn đồng/ngày. Nếu nhà nào lắp đặt máy nóng lạnh, máy sưởi, sửa quạt, tivi, điện tử… thì thu nhập tốt hơn, có hôm đến 400-500 nghìn đồng”, anh Hợp kể.

Cũng như anh Hợp, chị Vũ Thị Hiền, ở Hoàng Mai, Hà Nội cũng đang làm thêm công việc dạy erobic hai buổi sáng, tối với mong muốn có tiền sắm sửa thêm cho con khi Tết đến. Gia đình chị Hiền từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, đến nay, vẫn đang thuê trọ với mức giá 3,5 triệu đồng/tháng. Chị làm nhân viên hành chính, còn chồng chị làm lái xe công nghệ. Mỗi ngày, chồng chị bắt đầu công việc từ 8h sáng đến 10h đêm. Bố mẹ bận rộn nhưng đổi lại, các con anh chị lại biết tự bảo ban nhau học tập, làm việc nhà. Con gái anh chị năm nay đã lớp 8 còn biết hỗ trợ bố mẹ đăng bán  hàng trên mạng xã hội để có thêm thu nhập. Cô bé cho biết, biết bố mẹ còn khó khăn nên Tết năm nay, cô bé không đòi hỏi phải có quần áo hay giày dép mới.

Theo chị Hiền, mấy ngày này đi làm kiếm thêm thu nhập tuy vất vả nhưng anh chị cũng thấy ấm lòng vì vợ chồng, con cái đều hòa thuận, biết hỗ trợ, đùm bọc nhau. Cảm giác Tết sắp về khiến cả nhà anh chị đều cảm thấy vui và xốn xang, tự nhủ hãy cùng nhau nỗ lực thêm chút nữa.

Nhiều kiểu tiết kiệm đón Tết

Có lẽ, đó là “phương châm” của không ít gia đình trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Năm nay, không khí mua sắm ở các trung tâm siêu thị, các chợ cũng có phần trầm lắng hơn so với mọi năm. Xu hướng cắt giảm, thắt chặt chi tiêu đang lan rộng khắp thế giới chứ không riêng gì các bà nội trợ Việt Nam, và điều này càng thấy rõ hơn khi ngày Tết đang cận kề. Hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu thời trang, mỹ phẩm trên mặt phố đều treo biển khuyến mại, giảm giá hàng tồn kho nhưng khách không nhiều. Tại các trung tâm thương mại chủ yếu người đi chơi, đi xem.

Bên cạnh kiếm thêm thu nhập bằng cách làm nhiều việc, nhiều người cũng chọn cách tiết kiệm chi tiêu từ trong năm để có tiền đón Tết, hoặc là chỉ mua sắm những thứ cần thiết cho Tết để không bị lãng phí. Chị Mai Thị Ngọc ở Mê Linh, Hà Nội đã áp dụng cách hạn chế chi tiêu để tiết kiệm tiền từ giữa năm nay. Chị cho biết, bình thường chị đi chợ 100.000 đồng/ngày thì giờ mua ít hơn một chút. Cứ mỗi cuối tuần, hai vợ chồng lại bỏ lợn mấy trăm ngàn, nên sắp tới khi “mổ lợn” cũng có một khoản để tiêu Tết. Chị cũng tính sẽ tự làm mấy món đồ handmade như mứt, bánh... vừa rẻ, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thay vì mua đồ bán sẵn bên ngoài. “Mình cố gắng khéo lo thì... Tết vẫn ấm”

Nỗ lực cho Tết sum vầy - 2

Ảnh minh họa

Còn chị Lan Anh, ở Cầu Giấy, Hà Nội, mấy năm trước, khoảng thời gian này, chị đã tất bật chuẩn bị sắm Tết, quà biếu hai bên nội ngoại, nhưng năm nay thì chị chủ động sắm Tết muộn hơn. Theo chị, giờ chị tập trung lo những khoản thiết yếu hơn như ăn uống hàng ngày, tiền thuốc cho con, tiền nhà hàng. Gần Tết, bố mẹ hai bên sẽ gửi bánh chưng, thịt Tết, rau sạch… lên cho chị, vừa đảm bảo tươi ngon, chất lượng, vừa giúp chị tiết kiệm được một khoản. Sau đó, chị sẽ cân nhắc thừa thiếu cái gì thì sắm sửa cũng vẫn kịp. Gần Tết, các cửa hàng cũng giảm giá nhiều nên có thể chị sẽ mua được các món đồ cần thiết mà lại không quá tốn kém.

Chị cho biết, Tết đến, chị thường đổi vài triệu tiền lẻ để biếu mẹ đẻ và mẹ chồng mừng tuổi các cháu, đi chùa, ngoài ra, khi về quê, vợ chồng chị cũng không quên biếu thêm tiền mặt, mua mỗi nhà vài bịch bánh kẹo. Năm nay, thu nhập của hai vợ chồng chị có giảm hơn một chút nên cách chị lo quà Tết biếu gia đình có thể sẽ ít hơn. Song, theo chị quà Tết có thể không nhiều nhưng chị tin bố mẹ chị sẽ thông cảm và hiểu được tấm lòng thơm thảo của các con.

Hay chị Giang, nhân viên kinh doanh cho biết, mấy năm trước làm ăn được, chị đều mua quá tay. Hàng năm Tết đến, chị mua quần áo mới cho cả gia đình nhưng năm nay chỉ mua 1 bộ cho con đang học lớp 1. Chị cho biết, quần áo của mọi người trong nhà đều đẹp và tốt cả, không nhất thiết phải mua thêm cho lãng phí. Năm trước, đồ ăn như bánh chưng, giò, chả lẫn bánh kẹo, chị đều mua rất nhiều, nhiều đồ ăn qua Rằm vẫn chưa hết. Năm nay, chị tính chỉ mua số lượng vừa đủ cho ba ngày Tết thay vì tích trữ nhiều.

Không chỉ giản tiện quà Tết mà việc trang hoàng lại nhà cửa đón Xuân của một số gia đình năm nay cũng khác. Như gia đình anh Thăng (ở quận Bắc Từ Liêm), giờ này các năm, vợ chồng anh đã ra vườn ngắm những cây quất lớn, thế đẹp để đặt mua, trưng bày trong những ngày Tết. Năm nay, kinh tế khó khăn, thu nhập cắt giảm, anh chị quyết định chỉ mua một chậu quất nhỏ để trong nhà, thêm cành đào nhỏ ở cạnh tủ tivi. Việc dọn dẹp nhà cửa, anh chị cũng bàn nhau tự dọn dẹp, trang trí chứ không thuê người giúp việc làm theo giờ, cũng coi như giảm được một khoản. “Năm ngoái, tôi chơi các cây bưởi thế đẹp, để ở giữa khoảng sân rộng, bên trong nhà còn thêm mấy chậu hoa. Nhưng năm nay, tôi chỉ bày biện chậu quất và cành đào nhỏ. Mình có nhiều thì tiêu nhiều, có ít thì sắm Tết ít, không nên vì Tết to, Tết nhỏ mà đau đầu, vợ chồng lại khúc mắc, cãi vã” - anh nói. Theo anh Thăng, chỉ cần mọi người trong gia đình được mạnh khỏe, ngày Tết sum vầy là quan trọng nhất. Vợ anh cũng thống nhất như vậy nên năm nay, kinh tế eo hẹp hơn nên hai vợ chồng vẫn vui vẻ, sẵn sàng chờ đón một cái Tết ấm áp về tinh thần.

Chia sẻ

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Phụ nữ Gia Lâm vận động thực hiện “ứng xử đẹp” tại các danh lam, di tích lịch sử

Năm 2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm thực hiện điểm mô hình Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu với không gian thực hiện chính là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan tại xã Dương Xá. Chúng tôi xác định thực hiện thành công mô hình sẽ góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, thanh lịch, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Hà Nội và khát vọng...

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Từ phụ nữ nhập cư đến nghị sĩ Pháp

Là nữ nghị sĩ Pháp gốc Việt đầu tiên, bà Stéphanie Đỗ đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng và kiên định: Không chỉ nỗ lực để thành công trên con đường chính trị của mình mà còn truyền cảm hứng tới nhiều phụ nữ khác để họ tự tin tiến bước trên con đường đã chọn.