Những năm tháng không thể nào quên

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG
Chia sẻ

Đã 45 năm trôi qua nhưng công lao và sự hy sinh to lớn của lực lượng quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam mãi mãi được lịch sử hai dân tộc Việt Nam - Campuchia khắc ghi, được nhân loại tiến bộ ghi nhận.

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024), những cựu quân tình nguyện Việt Nam năm xưa lại có dịp gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm “vào sinh ra tử,” những năm tháng không thể nào quên khi làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia.

Những trận đánh cam go và khốc liệt

Ông Đinh Long Giang, cựu quân tình nguyện Mặt trận 479, quê ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình xúc động kể, tháng 4/1978, vừa tròn 17 tuổi, đang là học sinh năm đầu của cấp 3 (lớp 8/10), ông cùng hơn 300 thanh niên của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Tháng 8/1978, ông cùng đồng đội được bổ sung vào Trung đoàn 429, Sư đoàn 302, Quân khu 7, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, sau đó sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia trong đội hình Mặt trận 479, tại những địa bàn đầy khó khăn, ác liệt như: Công Pông Chàm, Công Pông Thom, Siêm-Riệp, Ốt-đo Miên-chây. Trong số hơn 300 chiến sĩ quê ở Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình ngày ấy, đã có 66 đồng chí hy sinh trên chiến trường. Trong đó, có 1 liệt sĩ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; có 40 đồng chí đã để lại một phần xương máu của mình trong các trận đánh đầy cam go, khốc liệt, trong những đợt xuyên rừng, vượt suối đi truy quét tàn quân của Khơ-me đỏ và các thế lực có âm mưu lật đồ chính quyền cách mạng Campuchia mới được thành lập.

Tháng 6/1982 có trên 200 anh em Tân Lạc nhập ngũ và sang làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, thuộc đơn vị Sư đoàn 5, Mặt trận 479. Trong số này đã có 4 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí là thương binh.

Những năm tháng không thể nào quên - 1

Các tập thể nhận bằng tri ân của TƯ Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Ông Giang chia sẻ, trong suốt những năm tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, mặc dù hoàn cảnh nơi chiến trường đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt, nhưng những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn động viên nhau cố gắng vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều sống với nhau với nghĩa tình, chan hoà. “Chính những tình cảm thiêng liêng đó đã giúp những người lính chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách và sự ác liệt của chiến trường, tăng thêm sức chiến đấu để chiến thắng mọi kẻ thù”, ông Giang xúc động.

Theo lời kể của ông Giang, trong thời gian làm nhiệm vụ ở Campuchia, những người lính quân tình nguyện cũng hết sức quan tâm thực hiện việc xây dựng tình cảm quân dân với nhân dân Campuchia như: Giúp nhân dân quanh nơi đơn vị đóng quân hoặc những nơi đơn vị tạm dừng chân trên đường hành quân trong việc cấy lúa, dựng nhà; chăm sóc thuốc men khi người dân bị ốm đau, bệnh tật hoặc những việc khác khi có thể; luôn coi nhân dân nước bạn như nhân dân mình. Những việc làm đầy tình nghĩa ấy đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Campuchia, được người dân trìu mến gọi là "Bộ đội nhà Phật".

Giữ gìn và phát huy tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng về tình đồng đội, tình quân dân ấy, các cựu quân tình nguyện Việt Nam – Campuchia vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi lẫn nhau mỗi khi có dịp. Ông Giang cùng một số đồng đội thành lập Hội đồng ngũ tháng 4/1978 của huyện Tân Lạc, gặp mặt cùng nhau mỗi năm để ôn lại kỷ niệm đời quân ngũ của mình và liên lạc được với các đồng các tỉnh như Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh… Các cựu quân nhân đã tổ chức giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, đưa được 80 hài cốt đồng đội trở về quê hương. Trong đó, có 52 liệt sĩ thuộc Mặt trận 479 và 28 liệt sĩ thuộc các đơn vị khác. “Chúng tôi vận động quyên góp giúp đỡ các gia đìnnh liệt sĩ trong tìm kiếm mộ, làm hồ sơ chỉnh sửa đối với các trường hợp sai lệch hoặc thiếu thông tin; lập hồ sơ di chuyên mộ và chi phí trong việc đi lại, ăn ở, bốc mộ... cho đến khi bàn giao xong”, ông Giang chia sẻ.

Những năm tháng không thể nào quên - 2

Nhân dân Thủ đô Phnôm Pênh lưu luyến tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước. Ảnh int

Giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng

Theo Trung tướng, Nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Chủ tịch Hội truyền thống Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên, nguyên Phái viên Cục Chính trị Bộ Tư lệnh 719, Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia: Trong suốt quá trình hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, đập tan bọn phản động Khơ-me đỏ Pôn Pốt-Iêngxari, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

“Mặt trận 479 có quy mô tổ chức lực lượng lớn nhất, với đội hình chiến đấu gồm 4 sư đoàn, 2 đoàn chuyên gia quân sự, 5 trung đoàn binh chủng, 3 trung đoàn biên phòng; 6 trung đoàn bộ binh trực thuộc. Mặt trận 479 còn được tăng cường 2 sư đoàn của Quân đoàn 4, Trung đoàn Vận tải, các đơn vị Đặc công, Không quân của Bộ Quốc phòng. Mặt trận còn được ủy nhiệm chỉ huy, hợp đồng chiến đấu với 4 sư đoàn chủ lực của bản nước bạn. Bên cạnh đó, địa bàn chiến đấu và hoạt động rộng nhất, khó khăn gian khổ nhất; thời gian hoạt động ở chiến trường dài nhất: Hơn 10 năm, từ tháng 4/1979 đến tháng 9/1989. Mặt trận 479 cũng lập công lớn nhất: Đánh hơn 16 nghìn trận lớn nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10 vạn tên địch, thu hơn 13 nghìn súng các loại. Có 3 Sư đoàn, 5 trung đoàn, 13 tiểu đoàn, 5 đại đội và 5 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng; Mặt trận được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh…”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết.

Trở về sau chiến tranh, năm 1995, những người lính Mặt trận 479 đã tập hợp lại trong Ban Liên lạc Cựu chiến binh Mặt trận 479 khu vực Hà Nội. Đến năm 2013, Ban Liên lạc gia nhập Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, trở thành một đơn vị trực thuộc Trung ương Hội. Hơn 10 năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh quan tâm, được Trung ương Hội đánh giá cao và chính quyền và nhân dân địa phương ủng hộ.

Đáng chú ý, Hội đã vận động nguồn lực xây dựng cụm công trình thờ phụng 9.419 liệt sĩ trong khuôn viên chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội); tổ chức các cuộc gặp mặt kỷ niệm, dâng hoa dâng hương các Anh hùng liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn và ngày truyền thống Mặt trận 479; tổ chức Đoàn thăm lại chiến trường xưa; tặng quà cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ; thăm hỏi hội viên ốm đau, có cha già mẹ héo; xây dựng “Nhà tình nghĩa” cho các hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện chủ trương “Ươm mầm hữu nghị” của Trung ương Hội, Hội đã nhận đỡ đầu cho hàng chục lưu học sinh Campuchia đang học tập tại các trường đại học ở Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Xuân Hà xúc động chia sẻ với các đồng đội tại buổi gặp mặt: “Thời thế có thể đổi thay nhưng tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia không bao giờ thay đổi. Tình hữu nghị vĩ đại ấy được xây đắp bằng biết bao xương máu, công sức của nhiều thế hệ. Do vậy, những người lính tình nguyện dẫu đã xuất ngũ nhưng không rời đội ngũ, dẫu đã nghỉ hưu vẫn đau đáu sự an nguy của đất nước, vẫn canh cánh món nợ cuộc đời, nợ những đồng đội đã hy sinh; lòng nhủ lòng tuổi cao chí càng cao, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được để báo đáp ân tình đồng đội, đồng chí, đồng bào; góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chấn hưng đất nước, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam và vun đắp tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia”.

Chia sẻ

Bài và ảnh: HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục