Muốn tìm hiểu về lịch sử Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, về những chiến thắng lẫy lừng hay lịch sử dân tộc Việt Nam vừa huy hoàng vừa gian khổ thì bảo tàng có lẽ là điểm đến cần thiết và hữu ích hơn cả. Không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, bảo tàng còn là một “tài nguyên” trực quan giúp truyền tải kiến thức, tình yêu, niềm tự hào với truyền thống văn hóa dân tộc một cách đặc sắc và rõ nét nhất.
Nơi lưu giữ những lắng đọng lịch sử
Vừa qua, khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vừa đi vào hoạt động đã thu hút hàng chục nghìn người tìm đến tham quan, thậm chí có thời điểm lượng người đổ về quá đông khiến tuyến đường tại Đại lộ Thăng Long trước cửa bảo tàng bị ùn tắc. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định rõ nét sức hấp dẫn của bảo tàng trong đời sống đương đại.
Du khách tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Cần phải nói thêm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý. Bảo tàng được xây dựng với thiết kế hiện đại, nhiều công năng. Để khách tham quan có trải nghiệm tốt nhất về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bảo tàng đã áp dụng các công nghệ sa bàn 3D mapping; thiết bị màn hình tra cứu thông tin, media tư liệu ảnh, thuyết minh tự động audioguide và mã QR tra cứu thông tin hiện vật, hình ảnh và hơn 60 video clip giới thiệu về chiến dịch, trận đánh và các nhân vật lịch sử… tất cả đã mang đến cho khách tham quan trải nghiệm hoàn toàn mới, từ đó thu hút khách tham quan tìm đến bảo tàng.
Thực tế, cùng với quá trình phát triển lịch sử, bảo tàng có một vai trò ngày càng lớn trong xã hội. Đáng chú ý, tại Hà Nội mỗi bảo tàng lại có chức năng và đối tượng khách tham gia trải nghiệm riêng biệt, qua đó hình thành nên những định hướng mang tính chuyên sâu và bền vững hơn.
Bảo tàng Hà Nội là một ví dụ. Nằm trên đường Phạm Hùng, ngay cạnh Trung tâm hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình quan trọng được khánh thành nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với diện tích khuôn viên hơn 50.000m2 và gần 12.000m2 đất xây dựng công trình, đây là bảo tàng thuộc “top” lớn và hiện đại nhất cả nước. Nhìn từ xa, Bảo tàng Hà Nội gây ấn tượng mạnh với thiết kế kiến trúc độc đáo theo chiều kim tự tháp ngược. Bảo tàng có 6 tầng, bao gồm 4 tầng nổi và 2 tầng hầm, diện tích các tầng dần thu nhỏ lại theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Với lợi thế lưu giữ một kho tàng di sản quý giá trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, xã hội của Thủ đô ngàn năm văn hiến, cùng với khuôn viên, không gian lớn, hiện đại có cây xanh tạo bóng mát, đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tàng, gồm các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu... Đồng thời, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, giao lưu với các nghệ nhân. Tính riêng trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng. Đối tượng tham gia trải nghiệm tại bảo tàng phần lớn là học sinh, sinh viên.
Bảo tàng Hà Nội gây ấn tượng mạnh với thiết kế kiến trúc độc đáo theo chiều kim tự tháp ngược.
Tương tự, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng là điểm đến lý thú khi đến Hà Nội bởi đây là nơi lưu trữ, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị cao quý của người phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước. Nằm ở vị trí đắc địa trong khu vực trung tâm Thủ đô, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 phố Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn. Đến tham quan bảo tàng, du khách có cơ hội được tìm hiểu, nghe và cảm nhận những câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam thông qua các nghi lễ, cuộc sống hôn nhân gia đình; nghe những câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam anh hùng, chiêm ngưỡng những thành quả nghệ thuật do chính bàn tay người phụ nữ tạo ra.
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn không ít bảo tàng hấp dẫn với các câu chuyện, hiện vật phong phú như: Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu trữ những hiện vật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là nơi trưng bày, lưu trữ những di tích từ thời tiền sử cho tới nay…
Để tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các bảo tàng trên địa bàn Hà Nội đã có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức trưng bày, thu hút đông đảo khách tham quan, thực sự trở thành nguồn lực phát triển văn hóa, du lịch.
Cùng đó, nhiều bảo tàng đã khéo léo “bắt nhịp” công nghệ 4.0 vào trong hoạt động vận hành, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là ví dụ. Theo đó, đơn vị đã áp dụng và khá thành công khi đưa công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour (tiếng Việt và tiếng Anh) tích hợp trên website của bảo tàng vào hoạt động.
Du khách tham quan triển lãm trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội.
Ở góc độ tiếp cận khác, bảo tàng Hà Nội xác định việc quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hiện nay không chỉ dừng lại ở việc đưa hình ảnh các di sản hiển thị ngoài cộng đồng rộng rãi qua các buổi biểu diễn quy mô lớn, mà bên cạnh đó, những chương trình biểu diễn quy mô nhỏ, những talkshow, triển lãm… vừa mang tính quảng bá gắn với hoạt động giáo dục mang lại những hiệu quả rất lớn, giúp du khách có “điểm chạm” tới di sản và có nhu cầu tìm hiểu sâu kỹ hơn về di sản… Chẳng thế mà, tại Bảo tàng Hà Nội nhiều triển lãm, talkshow đã diễn ra giúp bảo tàng trở thành không gian giáo dục trải nghiệm về di sản và kết nối cộng đồng. Có thể kể đến như triển lãm quy mô lớn về gốm “Hiện linh” của họa sĩ Ngô Xuân Bính thu hút hàng trăm lượt khách tham quan. Trước đó, bảo tàng cũng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho học sinh về các nội dung như tìm hiểu cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, làm tranh ghép vải, nón lá, đôi dép cao su Bác Hồ, tranh dân gian, thư pháp, học viện khám phá...
Bằng những phương cách phát triển khéo léo, Bảo tàng Hà Nội đã từng bước định vị là một điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện văn hoá quan trọng trên địa bàn Hà Nội.
Với những nỗ lực làm mới ở nhiều bảo tàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tính năng động, nhanh nhạy của các đơn vị quản lý bảo tàng. Nói cách khác, các đơn vị đã thay đổi quan điểm tồn tại lâu nay về “không gian đóng khung, nặng tính hàn lâm, chỉ dành riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu mà xa lạ với cộng đồng”, từng bước mang đến làn gió mới cho hoạt động của bảo tàng. Qua việc làm mới mình, bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch tăng trưởng, nâng tầm các giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô.
Trên địa bàn Hà Nội, hệ thống bảo tàng là thiết chế văn hoá mang ý nghĩa biểu trưng sáng tạo nổi bật của Thủ đô và cả nước. Gắn với quá trình xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Thủ đô, các bảo tàng còn là địa chỉ tham quan, là nơi chắp cánh cho sự thăng hoa của các ý tưởng sáng tạo… Bởi vậy, hơn lúc nào hết, việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa như bảo tàng là hết sức cần thiết.